Thứ sáu, 07/05/2021 15:57

Tăng cường sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam

Sức mạnh mềm văn hóa là sức hấp dẫn, sự thu hút, thuyết phục về văn hóa của quốc gia này đối với quốc gia khác trong quan hệ quốc tế. Sức mạnh mềm văn hóa là quá trình chuyển hóa từ nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh văn hóa thông qua các kênh tác động xuất hiện trong quá trình tương tác giữa các quốc gia - dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”, mã số KX.01.16/16-20 không những nêu ra các vấn đề lý luận và thực tiễn nổi bật mà còn có những kiến nghị và ứng dụng thiết thực trong thực tiễn hoạch định chính sách nhằm tăng cường sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế.

Biến nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa

Nhóm nghiên cứu của đề tài KX.01.16/16-20 cho biết, mục tiêu phát huy sức mạnh mềm văn hóa cần phải bắt đầu với sự tính toán rõ ràng về các nguồn lực mềm văn hóa có sẵn và hiểu biết về chúng ở các cấp độ ưu tiên khác nhau tùy thuộc vào tình hình thực tiễn, từ đó đi đến quyết định lựa chọn nguồn lực nào vào các kênh tác động phù hợp nhằm tạo sự chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam trong tầm nhìn ngắn hạn hoặc dài hạn. Đây là bước đo lường đầu tiên mà hầu hết các chính phủ đều gặp khó khăn và Việt Nam không phải ngoại lệ. Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đã cho thấy, chiến lược phát huy sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam trước hết phải bắt đầu từ những “mục tiêu cụ thể” trong việc sử dụng nguồn lực mềm văn hóa để chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa.

Nhã nhạc cung đình Huế - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được phát huy như một sức mạnh mềm văn hóa.


Thứ nhất, vấn đề lựa chọn và sử dụng nguồn lực mềm văn hóa phải gắn với các cấp độ ưu tiên khác nhau tùy thuộc vào tình hình thực tiễn (bản sắc văn hóa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…) để thực hiện mục tiêu cụ thể và mục tiêu dài hạn nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam có thể chuyển hóa được các nguồn tài nguyên di sản phi vật thể và vật thể dày đặc và hấp dẫn thông qua hoạt động du lịch nhằm thu hút du lịch, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo quá trình chuyển hóa này đạt hiệu quả cao nhất, Việt Nam cần hình thành cơ chế liên kết, chuyển hóa nguồn lực thành sức hấp dẫn du lịch thông qua sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là lựa chọn chuyển hóa phù hợp cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam vốn bị hạn chế về nguồn tài nguyên cứng, nhưng sẵn có một nguồn lực mềm văn hóa đầy tiềm năng là các di sản phi vật thể và vật thể vô cùng hấp dẫn.

Thứ ba, Việt Nam cần phải tạo ra sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các kênh ngoại giao văn hóa, truyền thông, các ngành công nghiệp văn hóa (đặc biệt là du lịch văn hóa, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ) để tạo nên cơ chế chuyển hóa nguồn lực thành sức mạnh mềm hiệu quả.

Thứ tư, căn cứ vào điều kiện thực tiễn hiện nay, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam cần lựa chọn Hà Nội để đưa vào bản đồ thành phố sáng tạo ở khu vực và triển khai các giải pháp nhằm xây dựng thành công thương hiệu thành phố sáng tạo như một điểm đến của sức hấp dẫn, lôi cuốn và thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Đề xuất này của nhóm nghiên cứu đang được thực hiện thông qua việc phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng Hồ sơ TP Thiết kế sáng tạo ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là kết quả nghiên cứu nổi bật thể hiện sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu đề tài trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Kiến nghị chính

Những kiến nghị đối với Ban Bí thư

Nhóm thực hiện đề tài đã kiến nghị với Ban Bí thư một số vấn đề:

Thứ nhất, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam với nội hàm phát huy sức hấp dẫn, thu hút, thuyết phục của văn hóa Việt Nam thông qua cơ chế chuyển hóa tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa với sự phối hợp đồng bộ các kênh truyền ngoại giao văn hóa, công nghiệp văn hóa, truyền thông và các kênh liên quan khác. Cụ thể đây là cơ chế lựa chọn phát huy hệ thống các thành tố sức mạnh mềm văn hóa trong 8 trụ cột tài nguyên văn hóa là: 1) Di sản văn hóa phi vật thể; 2) Di sản văn hóa vật thể; 3) Di sản thiên nhiên; 4) Lễ hội và sự kiện; 5) Các ngành công nghiệp văn hóa; 6) Các giá trị và danh nhân văn hóa; 7) Các tổ chức văn hóa cộng đồng; 8) Các cơ sở vật chất và không gian văn hóa. Từ đó, tạo căn cứ về quan điểm, đường lối cho việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thông qua sự phối hợp đồng bộ của các kênh truyền dẫn.

Thứ hai, để triển khai hiệu quả cơ chế này, đề tài kiến nghị Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về Xây dựng và phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, làm căn cứ pháp lý để các bộ, ngành và toàn xã hội tiến hành xây dựng chiến lược quốc gia về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu thì hiện nay, Việt Nam vẫn chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các nguồn tài nguyên văn hóa thông qua các ngành công nghiệp văn hóa, không chỉ làm làm giảm đi hiệu quả kinh tế, khả năng lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đối với đời sống xã hội trong nước, cũng như đối với khách du lịch quốc tế và cộng đồng quốc tế mà còn tạo ra những nguy cơ xâm lấn văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến chủ quyền an ninh văn hóa của Việt Nam trong cạnh tranh sức mạnh mềm văn hóa, tác động tiêu cực đến vấn đề xuống cấp đạo đức, tha hóa lối sống, nhân cách trong xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, một số hạn chế trong việc phối hợp đồng bộ giữa các kênh ngoại giao văn hóa và truyền thông cũng hạn chế khả năng chuyển hóa tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam. Do vậy, Đảng ta cần có những biện pháp mạnh, những động thái quyết liệt, mà trước hết là sự khởi xướng, phát động xây dựng, phát huy sức mạnh mềm văn hóa tạo nên sự đồng lòng quan tâm, triển khai của toàn xã hội nhằm định vị thương hiệu quốc gia, gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Cần sớm xây dựng Luật Công nghiệp văn hóa

Quốc hội cần sớm xây dựng Luật Công nghiệp văn hóa và thông qua các bộ Luật tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam như: Luật Thư viện, Luật Mỹ thuật, Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Tài trợ, Hiến tặng… Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các Luật như: Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh… tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Để giải quyết tình trạng phân tách quản lý một số ngành công nghiệp văn hóa hay tình trạng chồng chéo trong cơ chế phối hợp giữa các kênh truyền dẫn, Quốc hội cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các Luật đã ban hành và xây dựng các Luật mới liên quan đến các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, kinh tế, pháp luật, an ninh, quản lý xã hội, đất đai, tài nguyên…, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát huy cơ sở hạ tầng, không gian sáng tạo, tăng cường hợp tác công tư trong lĩnh văn hóa, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo, phát huy hiệu quả các tài nguyên sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ở trong nước cũng như trong kết nối quốc tế.

Xây dựng Chiến lược tổng thể quốc gia về phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp một số giải pháp làm căn cứ kiến nghị Chính phủ xây dựng Chiến lược tổng thể quốc gia về phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời chỉ đạo các bộ, ban, ngành tiến hành triển khai, đẩy mạnh trong thực tiễn việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Ở cấp độ mục tiêu khái quát, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là xây dựng cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam nhằm: 1) Thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ chủ quyền văn hóa; 2) Xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia; 3) Gia tăng sức hấp dẫn văn hóa; 4) Thu hút thế giới đến với Việt Nam; 5) Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; 6) Nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia của các ngành công nghiệp văn hóa; 8) Nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, vị thế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu chiến lược nêu trên, Việt Nam cần phải bắt đầu với sự tính toán rõ ràng về các nguồn lực tài nguyên mềm văn hóa có sẵn và hiểu biết về chúng ở các cấp độ ưu tiên khác nhau tùy thuộc vào tình hình thực tiễn, từ đó đi đến quyết định lựa chọn nguồn lực nào vào các kênh truyền dẫn ra sao cho phù hợp nhằm tạo nên sự chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam trong tầm nhìn ngắn hạn hoặc dài hạn. Đây là bước đo lường đầu tiên mà hầu hết các chính phủ đều gặp khó khăn và Việt Nam không phải ngoại lệ.

Nguyễn Thị Hiền

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)