Thứ sáu, 07/05/2021 15:45

Ứng dụng mô hình thông tin công trình (bim) trong xây dựng cầu hầm

Áp dụng mô hình thông tin công trình (Building Information Modelling - BIM) đang là xu thế phát triển tất yếu trong điều kiện phát triển của khoa học và công nghệ và chuyển đổi sống trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng nói chung và ngành xây dựng công trình giao thông nói riêng. Đây cũng chính là chủ đề của Hội thảo Khoa học về “Ứng dụng mô hình BIM trong xây dựng cầu hầm” do Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức ngày 6/5/2021 tại Hà Nội.

Xu thế tất yếu

BIM là xu hướng công nghệ tất yếu trong ngành xây dựng và đã được thông qua tại Quyết định Số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình cầu và quản lý vận hành công trình. Theo đó giai đoạn 2017-2019 thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo và thí điểm áp dụng BIM, hướng đến áp dụng rộng rãi BIM kể từ năm 2021.

Mô hình BIM là một quá trình tạo và quản lý các bản mô tả đặc điểm vật lý. Và công năng của công trình xây dựng. Hay sản phẩm công nghiệp dưới dạng kỹ thuật số. Mô hình này được hiểu nôm na rằng thể hiện tất cả hồ sơ thiết kế của công trình bằng dữ liệu số. Việc áp dụng BIM hướng tới mục tiêu thực hiện tiết kiệm ít nhất 30% về chi phí quy đổi tổng hợp. Từ các chủ thể có liên quan thực hiện áp dụng BIM. Tăng cường tính minh bạch và thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động xây dựng. Và còn quản lý vận hành công trình cơ sở hạ tầng, công trình cầu. Trong đó: chi phí xây dựng tiết kiệm khoảng 10%, giảm lãng phí về vật liệu xây dựng khoảng 20%; giảm thời gian thi công xây dựng khoảng 10% so với tiến độ được phê duyệt; giảm thời gian thiết kế, điều chỉnh thiết kế khoảng 10%; giảm các yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế khoảng 40%.

Hiện nay trên thế giới, việc phân loại các công trình hạ tầng kỹ thuật có sự khác biệt. Tuân theo quan điểm của các tổ chức tại các quốc gia khác nhau. Từ điển Oxford định nghĩa “hạ tầng” như các công trình và kết cấu vật chất và tổ chức cơ bản. Ví dụ: tòa nhà, đường, công trình cấp điện… cần thiết cho sự vận hành của xã hội hoặc công ty. Công trình hạ tầng kỹ thuật tại Việt Nam có khác biệt so với thế giới. Như vậy, khi nghiên cứu về ứng dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Việt Nam. Có thể bắt đầu từ nghiên cứu về việc ứng dụng BIM cho công trình hạ tầng kỹ thuật trên thế giới.

Giải pháp đẩy nhanh việc áp dụng BIM

Tại Việt Nam hiện nay, BIM đã bắt đầu trở nên phổ biến trong ngành Xây dựng. Nhiều chủ đầu tư, tổ chức tham gia đầu tư xây dựng đã nhận thức được lợi ích của việc sử dụng BIM đem lại và triển khai áp dụng vào các công trình từ giai đoạn thiết kế ý tưởng cho đến giai đoạn quản lý thi công. Các vấn đề về BIM cũng đã được đề cập tại nhiều buổi hội thảo chuyên đề do các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông TP HCM…), các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, đơn vị tư vấn tổ chức, đồng thời thu hút được sự quan tâm tích cực của các chuyên gia, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu, doanh nghiệp tư vấn. Việc ứng dụng BIM tại Việt Nam từ chỗ chủ yếu được thực hiện một số dự án có yếu tố nước ngoài tham gia (do nước ngoài đầu tư hoặc thuê tư vấn quản lý dự án, thiết kế nước ngoài) đến nay nhiều cơ quan, tổ chức trong nước (chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp) đã bắt đầu quan tâm, xem xét, triển khai do thấy được lợi ích BIM có thể mang lại.

TS Nguyễn Đắc Đức - Khoa Công trình (Trường Đại học Giao thông Vận tải) thông tin, việc ứng dụng BIM tại Việt Nam đã được đưa vào Luật Xây dựng và các văn bản dưới Luật từ năm 2014. Qua khảo sát tại một số dự án cho thấy, ứng dụng BIM đã giúp chủ đầu tư rút ngắn tiến độ, tiết kiệm chi phí thông qua việc tối ưu hóa và xử lý trước các khó khăn trong giai đoạn thi công…

Chia sẻ về những lợi ích khi áp dụng BIM, ThS Quách Thanh Tùng - Công ty WSP Finland (Phần Lan) đã dẫn chứng việc ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công cầu Thủ Thiêm 2 (TP Hồ Chí Minh). Theo đó, một số ứng dụng BIM đã được triển khai cho dự án như: mô hình hóa phối hợp với các bộ môn và giữa cầu chính và cầu dẫn để tham chiếu cho bản vẽ 2D và so sánh khối lượng giữa mô hình 3D và bản vẽ 2D; mô hình phối hợp bao gồm các mô hình của các chuyên ngành kỹ thuật khác nhau được lập sao cho tất cả các thông tin cần thiết đều được thể hiện thông qua mô hình. Qua đó có thể phát hiện những xung đột giữa các kết cấu, để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp hạn chế xử lý khi thi công đồng thời phục vụ báo cáo các phương án cho các bên một cách trực quan để lựa chọn ra phương án kết cấu phù hợp nhất. Thông qua việc áp dụng BIM, các mô hình cùng chuyên ngành (cầu dẫn và cầu chính) được kết hợp với các chuyên ngành khác (đường, hệ thống thoát nước, địa hình…) để phát hiện những vị trí xung đột giữa các mô hình (như chồng lấn vị trí khớp nối giữa cầu chính và cầu dẫn), thông báo ngay cho các đơn vị thực hiện để tiến hành xử lý cho phù hợp. Thêm vào đó, việc báo cáo, bảo vệ phương án kiến trúc trở nên rất thuận lợi do có thể trao đổi bằng hình ảnh trực quan bằng mô hình 3D giữa tất cả các bên liên quan để ra quyết định nhanh chóng trong quá trình thiết kế…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những dự án đầu tư xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, các chủ đầu tư đều chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng BIM trong thiết kế, quản lý dự án vì nhiều rào cản trong đó rào cản lớn nhất là nhiều nội dung hướng dẫn về BIM chưa được đưa vào trong các văn bản pháp lý sẽ gây khó khăn cho các đơn vị tư vấn hoặc chủ đầu tư trong quá trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt dự toán, tổng mức đầu tư hay quyết định đầu tư… Do đó, để đẩy mạnh việc áp dụng BIM vào các công trình xây dựng nói chung, công trình cầu hầm nói riêng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng để rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng, bảo trì công trình để các chủ đầu tư áp dụng thuận lợi BIM trong thiết kế, thi công, quản lý dự án, quản lý vận hành công trình. Thực hiện đồng bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan đáp ứng cho việc áp dụng BIM. Xây dựng hướng dẫn về BIM. Xây dựng các mẫu hợp đồng cơ bản có nội dung về áp dụng BIM. Đề xuất các nội dung, tiêu chí nghiệm thu sản phẩm BIM. Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình đào tạo về BIM và yêu cầu đối với các vị trí công việc liên quan đến BIM. Xây dựng khung chương trình đào tạo cho các đối tượng có liên quan; đề xuất yêu cầu về tiêu chí nhân sự cho các vị trí công việc yêu cầu năng lực BIM; tổ chức đào tạo rộng rãi về BIM trong các cơ sở đào tạo đủ điều kiện năng lực…

VT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)