Nền tảng quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp
Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất trong khu vực và thế giới. Tỷ trọng trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020). Với doanh thu thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người (năm 2015 là 30,3 triệu, năm 2026 là 32,7 triệu người, năm 2017 là 33,6 triệu và năm 2018 là 39,9 triệu người), doanh số bán lẻ thương mại điện tử B2C của Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 trong khu vực Đông Nam Á. Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Giám đốc quốc gia của Amazon Global Selling tại Việt Nam - GijaeSeong chia sẻ, Việt Nam sở hữu chỉ số sản xuất quản lý mua hàng phi sản xuất (PMI) vượt mốc 50 điểm kể từ tháng 12/2020, cộng với tình hình chính trị - kinh tế ổn định đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nền thương mại điện tử xuyên biên giới. Vì vậy, Amazon Global Selling mong muốn hỗ trợ người bán hàng tăng khả năng cạnh tranh bằng cách đa dạng hóa các chiến lược kinh doanh và vượt ra khỏi những rào cản về biên giới. Đặc biệt, bối cảnh đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới, đội ngũ Amazon Global Selling tại Hà Nội sẽ hướng tới hỗ trợ người bán hàng tận dụng những cơ hội mới để phát triển kinh doanh trên toàn cầu. Vì thủ đô Hà Nội là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế, đội ngũ tại thành phố sẽ xúc tiến mối quan hệ hợp tác giữa Amazon Global Selling và các cơ quan Chính phủ như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hay các hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhằm đảm bảo tối ưu hóa những cơ hội kết nối doanh nghiệp và phát triển cho người bán hàng trong năm 2021. Những mối quan hệ hợp tác này không chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp tại địa bàn Hà Nội mà còn rộng khắp tới những vùng miền trên toàn quốc. Việc kết nối các doanh nghiệp tại khu vực miền Bắc với một cộng đồng rộng lớn và mở rộng mạng lưới nhà cung ứng dịch vụ nội địa được kỳ vọng sẽ đưa đến những đóng góp quan trọng trong việc kiến tạo một môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới năng động và chuyên nghiệp hơn.
Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa
Chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” bao gồm nhiều chương trình giáo dục và đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới với các chủ đề như: bán hàng trên Amazon, quá trình thiết lập gian hàng, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon FBA (Fulfillment by Amazon), xây dựng thương hiệu trên Amazon...
Tại thời điểm hiện tại, Amazon Global Selling đã thành lập đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam về mọi mặt. Trong khuôn khổ hợp tác năm nay, Amazon Global Selling sẽ phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức chuỗi hội thảo và các chương trình đào tạo giúp trang bị cho hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam những kiến thức cần thiết cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên Amazon một cách hiệu quả nhất.
Ông GijaeSeong cho biết, trong năm 2019, Amazon đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Công Thương, hướng đến phát triển chuyên môn trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam khám phá hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường quốc tế. Việc triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược sẽ là tiền đề vững chắc, tạo nền móng cho những kế hoạch chiến lược dài hạn hơn trong hành trình đem những ảnh hưởng tích cực lên ngành xuất khẩu Việt Nam và củng cố sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, Amazon cũng đang không ngừng nỗ lực để cung cấp những giải pháp chuyên biệt nhằm hỗ trợ người bán hàng tại từng địa phương ngay từ những bước đi đầu tiên của hành trình kinh doanh trên thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tháng 12/2020, Amazon đã phát hành dịch vụ bằng ngôn ngữ tiếng Việt với mục đích chia sẻ nguồn tài liệu và tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam khi bắt đầu hoặc duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh trực tuyến. Giờ đây, người bán hàng Việt Nam có thể dễ dàng quản lý tài khoản Amazon của mình, đồng thời có cơ hội tiếp cận bộ phận Hỗ trợ người bán bằng ngôn ngữ tiếng Việt - giải pháp đã đưa đến những cải thiện đáng kể trong trải nghiệm vận hành doanh nghiệp và giải quyết những vướng mắc hàng đầu của người bán hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Amazon sẽ tổ chức chuỗi chương trình đào tạo về quảng cáo dành riêng cho cộng đồng người bán hàng Việt nhằm giải đáp những thắc mắc về quy trình tối ưu hóa các công cụ cũng như hỗ trợ họ xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu. Những giải pháp này sẽ đem lại trải nghiệm dễ dàng hơn cho doanh nghiệp xuyên suốt quy trình bán hàng và thúc đẩy hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Năm 2021, Amazon Global Selling tiếp tục đồng hành cùng nhiều người bán hàng Việt Nam hơn nữa trên hành trình khởi sự kinh doanh trên Amazon bằng cách hợp tác với các cơ quan Chính phủ, mở ra những cơ hội phát triển mới trong kỷ nguyên kinh tế số hiện nay; qua đó, đưa các sản phẩm “Made in Vietnam” vươn mình ra thị trường thế giới.
Nguyễn Thúy Hà