Tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam trong quá khứ là tốt nhưng chưa ngoạn mục
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thay mặt cho những người tham gia nghiên cứu đã trình bày báo cáo “Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập, 1990-2020: Phân tích và gợi ý chính sách”. PGS Thành cho biết, NSLĐ toàn nền kinh tế của Việt Nam đã và đang tăng qua các năm nhưng với tốc độ khiêm tốn và không ổn định. Không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế ở phần còn lại của châu Á, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất, đây là điều cho phép một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao. Về giá trị tuyệt đối (tính theo giá so sánh năm 2010), NSLĐ toàn nền kinh tế đã tăng từ 18,29 triệu đồng/lao động năm 1990 lên mức 68,40 triệu đồng/lao động năm 2019 (tăng 3,74 lần). Trung bình hằng năm, tăng trưởng đạt 4,65% trong giai đoạn 1991-2019.
Bất kỳ nền kinh tế nào đang trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng cũng được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng NSLĐ cao hơn như vậy trong vòng một phần tư thế kỷ. Trung Quốc là nước có mức NSLĐ tương tự Việt Nam trong năm 1990 đã tăng trưởng 8,98% mỗi năm (9,4 lần vào năm 2017). Do vậy, kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong quá khứ là tốt nhưng chưa ngoạn mục. Vì điều này, tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại.
Ba giai đoạn phát triển: Nhanh, chững và phục hồi
NSLĐ của Việt Nam phát triển qua ba giai đoạn khác nhau: tăng trưởng nhanh (1991-95), chững lại (1996-2012) và phục hồi (từ 2013). Trong giai đoạn đầu, Việt Nam tích cực xóa bỏ các rào cản thị thường và hội nhập một cách quyết đoán vào cộng đồng quốc tế. Những nỗ lực này khởi đầu cho sự tăng trưởng đáng kể NSLĐ Việt Nam, đạt đỉnh 7,13% vào năm 1995. Đây là sự hồi sinh của những tăng trưởng kinh tế từng bị kìm nén trước đó và cũng đánh dấu sự quay lại của Việt Nam với con đường phát triển thông thường của một quốc gia. Đã có sự bắt kịp hiệu quả trong nội bộ mỗi ngành (“hiệu ứng nội ngành”) và cường độ vốn tăng lên khi các ràng buộc trong các hoạt động kinh doanh tư nhân được xóa bỏ. Trong khi đó, lực lượng lao động vẫn ổn định tương đối cả về chất lượng và số lượng.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ giữa thập niên 1990, tăng trưởng NSLĐ đã chậm lại. Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997- 1998 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã làm xáo trộn nền kinh tế Việt Nam. Quan trọng hơn, tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào đầu tư vốn lớn với sự giảm sút về hiệu quả vốn. Sự ảm đạm trong tăng trưởng năng suất tiếp diễn trong thiên niên kỷ mới. Từ năm 2000 đến 2012, tăng trưởng NSLĐ chỉ trong khoảng 3-4%/năm.
Trong giai đoạn thứ ba, tình hình bắt đầu cải thiện và tăng trưởng NSLĐ dần bắt kịp tốc độ của giai đoạn đầu tiên (cho đến khi đại dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu vào năm 2020). Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào NSLĐ tăng cao như mức 73% trong giai đoạn 2011-2019, trong khi đóng góp của cường độ vốn giảm. Động lực chính của tăng trưởng đã chuyển từ nặng về đầu tư sang cải thiện hiệu quả đúng nghĩa.
NSLĐ theo khu vực và thành phần kinh tế
Khi phân tích NSLĐ theo khu vực, các chuyên gia cho biết, tăng trưởng NSLĐ cao nhất trong khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực hai), theo sau đó là khu vực dịch vụ (khu vực ba). Trong khi đó, khu vực nông, lâm và thủy sản (khu vực một) có tốc độ tăng trưởng NSLĐ cũng như mức NSLĐ thấp nhất. Tuy vậy, tăng trưởng NSLĐ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành xây dựng (những ngành đóng góp gần 42% vào GDP) lại không ấn tượng theo các tiêu chuẩn toàn cầu, thậm chí tăng trưởng bắt đầu suy giảm quanh năm 2001 khi Việt Nam vẫn còn là một nước thu nhập thấp. Sau khi tăng trưởng nhanh chóng trong thập niên 1990, NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chững lại trong thập niên 2000 và thập niên 2010. Sự suy giảm này là quá sớm bởi lẽ sự năng động của ngành chế biến, chế tạo nên kéo dài ít nhất trong vài thập niên để đưa Việt Nam lên mức thu nhập cao.
Xét theo thành phần sở hữu, NSLĐ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã giảm đáng kể bắt đầu từ đầu thập niên 2000 trong khi NSLĐ của khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước đã tăng ổn định. Mức thấp và thậm chí là suy giảm của NSLĐ khu vực FDI là đáng ngạc nhiên vì FDI được cho là mang lại công nghệ cao cùng sự cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam và đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng rõ ràng điều này đã không xảy ra như mong đợi. Một phần lớn dòng vốn FDI ưa chuộng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong những năm đầu của thập niên 2000, cơ cấu các dự án sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển mạnh từ các dự án thâm dụng vốn sang thâm dụng lao động có NSLĐ tương đối thấp. Kết quả đáng thất vọng của NSLĐ khu vực FDI có thể giải thích phần lớn tại sao NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hầu như không tăng đáng kể từ năm 2001 và tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể tham gia một cách đúng nghĩa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đáng ngạc nhiên là đa số các nhà sản xuất nước ngoài coi Việt Nam là nơi diễn ra các hoạt động sản xuất thâm dụng lao động phổ thông như may mặc, chế biến thực phẩm, lắp ráp linh kiện và các quy trình đơn giản khác, cùng với đó, Chính phủ Việt Nam chưa ban hành các chính sách giải quyết vấn đề này bằng cách nâng cao mạnh mẽ giá trị nội địa. Tình hình NSLĐ thấp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn kéo dài ngay cả sau một phần tư thế kỷ hội nhập toàn cầu.
Động lực tăng trưởng NSLĐ là hiệu ứng nội ngành
Phân tích dịch chuyển cơ cấu, Báo cáo cho thấy động lực tăng trưởng NSLĐ trong toàn giai đoạn 1991-2017 là hiệu ứng nội ngành (cải thiện năng suất trong nội bộ ngành) dù có một khoảng thời gian (2001-2010) hiệu ứng dịch chuyển (lao động dịch chuyển giữa các ngành) là nhân tố đóng góp chính. Tuy nhiên, hiệu ứng dịch chuyển gần đây đã giảm dù cho một tỷ trọng lớn lao động Việt Nam vẫn ở trong khu vực nông thôn và tham gia vào nông nghiệp năng suất thấp, công nghiệp hóa thì còn một chặng đường dài để hoàn thành. Sự chững lại sớm trong dịch chuyển lao động giữa các ngành có thể cho thấy những rào cản trong dịch chuyển lao động như các ngành NSLĐ cao có quy mô sản xuất và thị trường nhỏ hoặc lao động Việt Nam thiếu kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu lao động của các ngành kinh tế cạnh tranh trên thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều khả năng cho Việt Nam cải thiện năng suất tổng thể bằng cách loại bỏ các rào cản nêu trên và thúc đẩy lao động dịch chuyển giữa các ngành. Kinh nghiệm của các nền kinh tế công nghiệp hóa sớm như các nước Đông Bắc Á và Singapore cho thấy, hiệu ứng nội ngành (nhân tố hàng đầu), hiệu ứng dịch chuyển đồng thời tạo động lực và tương tác với nhau để duy trì tăng trưởng năng suất cao. Cả hai hiệu ứng này cần được tái kích hoạt một cách mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển ở mức thu nhập trung bình thấp của Việt Nam.
NSLĐ của Việt Nam gần như thấp nhất trong khu vực
Khi so sánh với một số nước Đông Bắc Á và ASEAN, NSLĐ của Việt Nam vẫn rất thấp dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hai thập kỷ rưỡi qua. Năm 2017, NSLĐ của Việt nam trong 9 nhóm ngành ở mức gần hoặc thấp nhất trong khu vực. NSLĐ của Việt Nam thấp nhất trong xây dựng vận tải, kho bãi và truyền thông. Việt Nam gần thấp nhất, chỉ cao hơn Campuchia trong các ngành nông, lâm, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; điện, khí và cung cấp nước; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa đồ gia dụng, khách sạn và nhà hàng; dịch vụ cộng đồng, xã hội và cá nhân. Trong khi đó, NSLĐ của Việt Nam gần ở mức trung bình trong các ngành khai mỏ và khai khoáng; trung gian tài chính, bất động sản, cho thuê và hoạt động kinh doanh.
Thúc đẩy cải thiện NSLĐ của Việt Nam
Báo cáo “Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập, 1990-2020: Phân tích và gợi ý chính sách” khẳng định, Việt Nam đã có những nỗ lực chính sách để cải thiện NSLĐ bằng cách thành lập Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) năm 1997 và chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng suất quốc gia, còn được gọi là “tăng trưởng chất lượng”. Trong Thập niên Chất lượng lần thứ nhất (1996-2005), một số công cụ năng suất của nước ngoài được giới thiệu đến các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tăng năng suất mà vẫn đảm bảo chất lượng. Thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006-2015) đã mở rộng và tạo ra các mô hình bổ sung. Năm 2010, Chương trình quốc gia 712 đặt mục tiêu đóng góp của TFP vào GDP đạt từ 35% vào năm 2020 và mục tiêu này đã đạt được vào năm 2018. Sau hai thập niên nỗ lực, bộ khung chính sách đã được thiết lập, các cơ quan và các chuyên gia đã tích lũy được kinh nghiệm. Tuy nhiên, phong trào năng suất tại Việt Nam vẫn rời rạc và phân mảnh, chỉ tập trung vào khu vực doanh nghiệp và chỉ bao gồm một vài khía cạnh của năng suất.
Đối với Việt Nam, hỗ trợ cải thiện năng suất đã được cung cấp thông qua hợp tác quốc tế, đặc biệt từ Nhật Bản và Tổ chức Năng suất châu Á (APO). Những hỗ trợ này đã đóng góp rất nhiều cho phong trào năng suất Việt Nam nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa bởi lẽ tình hình năng suất hiện tại vẫn cách xa mức mong đợi. Báo cáo “Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập, 1990-2020: Phân tích và gợi ý chính sách” liệt kê 10 cộng cụ năng suất của Nhật Bản đã tạo ra những kết quả tốt tại Nhật Bản cũng như nhiều nước châu Á khác và trên thế giới nhưng chưa được thực hành nghiêm túc tại Việt Nam. Việt Nam nên học hỏi các công cụ này một cách cẩn trọng và lựa chọn một số công cụ để thực hành theo trình tự thích hợp, với sự chọn lọc và điều chỉnh phù hợp với thực tế của mình.
VVH