Năng lượng sạch và tiềm năng phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam
Năng lượng sạch là nguồn năng lượng được sản xuất trên cơ sở chuyển hoá từ các nguồn năng lượng sơ cấp tái tạo. Có ít tác động tiêu cực đến môi trường như: thuỷ năng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thuỷ triều, nhiên liệu sinh học. Năng lượng sạch cũng là năng lượng được sản xuất, cung cấp từ các nguồn năng lượng sơ cấp hóa thạch (than đá, sản phẩm dầu, khí đốt) và hạt nhân trên cơ sở sử dụng công nghệ chuyển hoá năng lượng là công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường với quá trình sản xuất, cung cấp năng lượng thực hiện nghiêm ngặt tuân thủ các quy định về môi trường. Năng lượng sạch có tốc độ tăng trưởng mạnh hàng năm, đứng đầu là điện mặt trời, kế đến là điện gió và nhiên liệu sinh học.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng sạch: hơn 3.450 sông, suối các loại với tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3; có trên 1.000 địa điểm được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ với quy mô mỗi địa điểm có khoảng từ 100 tới 30 MW, với tổng công suất đặt trên 7.000 MW; nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW (lớn hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020); là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía…, uớc tính với gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp; đặc biệt, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, nhất là ở các tỉnh miền Trung và miền Nam với tiềm năng lý thuyết đạt khoảng 43,9 tỷ TOE. Tại Việt Nam hiện nay đã có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên đến hơn 5000 MW, tiêu biểu như: cụm nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) của Tập đoàn BIM Group đã hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW; Nhà máy điện mặt trời tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế) của Tập đoàn Thành Công với công suất của cả 2 nhà máy lên đến gần 90 MW; Nhà máy Tata Power tại Hà Tĩnh có công suất 300 MW; Nhà máy GT&Associates và Mashall&Street Ltd tại Quảng Nam có công suất 150MW…
Mặc dù đã có các chính sách và tiềm năng về phát triển năng lượng sạch là vô cùng lớn, nhưng lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai và chưa phát triển. Thị phần năng lượng tái tạo trong tổng mức năng lượng của quốc gia còn thấp. Số lượng các dự án đầu tư còn ít. Đồng thời, công nghệ phát triển năng lượng sạch sản xuất trong nước chưa phát triển. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế hiệu quả về giá bán điện năng lượng mặt trời và gió. Hiện nay, giá bán điện tại Việt Nam luôn là trở ngại cho các nhà đầu tư vì quá thấp so với các nước trong khu vực. Thực tế, giá mua bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn thấp hơn chi phí đầu vào của năng lượng tái tạo. Theo quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011, EVN sẽ phải trả 1.614 đồng (khoảng 0,078 USD) cho mỗi kW điện gió được tạo ra. Nhà nước trợ cấp khoản 207 đồng (khoảng 0,01 USD) thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, khoản trợ cấp là chưa đủ, thêm vào đó là hạn chế từ việc Quỹ bảo vệ môi trường (chỉ có nguồn thu từ lệ phí bán chứng chỉ CERs). Do vậy, các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, còn thiếu văn bản thực hiện các biện pháp ưu đãi thuế và chi phí đầu tư ban đầu cho năng lượng sạch…
Giải pháp nào cho năng lượng sạch phát triển
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm 2021 nguy cơ thiếu điện có thể sẽ xảy ra, tình trạng thiếu điện tại miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ... Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than 1.000-1.200 MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại khu vực này tăng thêm từ 7,2 đến 7,5 tỷ kWh/năm.
Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần. Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đối với Việt Nam, nếu lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5-7% từ nay tới năm 2030, chúng ta cần có một nguồn điện năng vô cùng lớn. Chỉ nêu một ví dụ, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam hiện đạt khoảng 55.000 MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2.000 MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành, thì công suất mới đạt gần 60.000 MW. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW. Trong khi đó, các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển.
Với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, như: chỉ đạo các doanh nghiệp năng lượng hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, nhằm khai thác "năng lượng xanh" để tạo ra nguồn điện, nhiên liệu sạch hơn gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; đặc biệt là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió.
Để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, nhiều chuyên gia cho rằng, thứ nhất, nhà nước có hành động đầu tư thiết thực và công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân; thứ hai, cần loại bỏ hoàn toàn mọi trợ cấp năng lượng hóa thạch, bởi vì nhiên liệu hóa thạch đang đe dọa sự bền vững của môi trường; thứ ba, có cơ chế hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến với mục đích là để sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo (ví dụ: bếp và hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, pin mặt trời, turbine gió…); thư tư, cần có cơ chế hợp lý để các ngân hàng thương mại tham gia vào việc bảo lãnh các dự án đầu tư về phát triển công nghệ năng lượng sạch tại Việt Nam.
Thu Hiền - EVN