Thứ năm, 15/04/2021 09:39

Sự phát triển của các phương tiện truyền thông và tính gắn kết trong gia đình

ThS Nguyễn Thị Hiền

Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

Dựa trên cơ sở số liệu khảo sát và đo lường của Công ty Kantar Media Việt Nam (KMV) thuộc Tập đoàn Kantar toàn cầu về thời gian sử dụng các PTTT, bài báo đã mô tả bức tranh về hiện trạng và xu hướng tiêu thụ thời gian cho các phương tiện truyền thông (PTTT) đại chúng, từ đó cố gắng đưa ra những gợi ý về mối liên hệ giữa biến số này với thời gian giao tiếp trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình - được giả định như một yếu tố quan trọng để củng cố, duy trì và phát triển tính gắn kết gia đình.

Thời gian sử dụng PTTT có xu hướng tăng

Theo số liệu khảo sát của KMV, thực tế thời gian sử dụng các PTTT của người dân trong những năm gần đây có sự biến đổi theo chiều hướng những phương tiện gắn/kết nối với internet ngày càng chiếm nhiều thời gian của người dùng hơn. Đặc biệt, xu hướng cá nhân hóa việc sử dụng các PTTT ngày càng trở nên rõ nét.

Bảng 1 cho thấy, việc sử dụng các PTTT truyền thống như tivi, radio, báo, tạp chí giấy đang có sự suy giảm mạnh. Trong khi đó, việc sử dụng internet đã có sự tăng trưởng gấp 3 lần sau 3 năm (48 phút so với 145 phút). Cũng có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng sử dụng internet trên điện thoại thông minh tăng vọt kể từ năm 2014 đến 2017.

Bảng 1. Thời gian sử dụng PTTT của cư dân (nhóm 15-54 tuổi) trên cả nước (phút/người/ngày)

Trên thực tế, trong khoảng từ năm 2005 trở về trước, tivi thường là PTTT có tiềm năng gắn kết các thành viên trong gia đình khi đối với nhiều hộ gia đình chỉ có từ 1-2 chiếc trong nhà. Song kể từ những năm 2010 trở lại đây chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của điện thoại thông minh, khả năng phủ rộng của mạng 3G, 4G với kho nội dung vô cùng phong phú thì việc các cá nhân dần rời các PTTT truyền thống như tivi, radio, báo/tạp chí giấy là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi. Xu hướng này không chỉ xảy ra trên thế giới mà Việt Nam cũng không là trường hợp ngoại lệ, đương nhiên có sự khác nhau giữa các vùng miền.

Hình 1. Thời gian sử dụng PTTT theo 6 vùng sinh thái năm 2016 (phút/người/ngày).

Có thể thấy tại hình 1, Đồng bằng sông Hồng và Trung du Miền núi phía Bắc là 2 vùng người dân sử dụng thời gian cho các PTTT ít hơn các vùng còn lại song đều ở mức 270-280 phút/người/ngày, vùng cao nhất thuộc về Tây Nguyên với khoảng 380 phút/người/ngày. Tính trung bình trên cả nước, số thời gian tiêu tốn vào các PTTT của mỗi người là 320 phút/ngày. Tại 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh và Cần Thơ thời gian sử dụng PTTT còn cao hơn (trung bình 359,5 phút/người/ngày). Như vậy tại thời điểm 2016, thời gian trung bình để mỗi người tiêu tốn vào việc sử dụng các PTTT mỗi ngày dao động 5,3-6,0 giờ tùy theo vùng.

Hình 2. Thời gian sử dụng PTTT theo 4 thành phố lớn lớn năm 2016 (phút/người/ngày).

Xu hướng sử dụng internet ở đô thị cao hơn nông thôn, nam cao hơn nữ cũng được KMV ghi nhận khá rõ ràng.

Hình 3. Thời gian sử dụng PTTT theo cả nước và 4 thành phố lớn theo giới tính năm 2016)(phút/người/ngày).

Trên phạm vi cả nước cũng tương đồng như tại 4 thành phố lớn, xu hướng chung nữ xem tivi nhiều hơn nam, ngược lại nam sử dụng internet nhiều hơn nữ. Theo đó, trong 4 thành phố lớn, người Hà Nội sử dụng internet nhiều hơn cư dân các thành phố còn lại.
Thời gian sử dụng PTTT xét trong quan hệ với tuổi tác cũng có sự khác biệt. Nhóm trẻ tuổi có xu hướng tiêu tốn thời gian và PTTT cao hơn nhóm nhiều tuổi.

Hình 4. Thời gian sử dụng PTTT cả nước theo tuổi (2016).

Hình 5. Thời gian sử dụng PTTT tại 4 thành phố theo tuổi (2016).

Hình 4 và 5 cho thấy một xu hướng trái chiều ở chung cho cả nước cũng như ở 4 thành phố lớn trực thuộc trung ương, đó là tuổi càng trẻ thì tổng lượng thời gian tiêu thụ cho các PTTT nhiều hơn so với nhóm tuổi cao, đặc biệt là sử dụng internet trên thiết bị cầm tay như smartphone, laptop/tablet. Ngược lại với xu hướng đó, thời gian xem tivi có xu hướng tỷ lệ thuận với chiều tăng của tuổi tác. Giải thích điều này chí ít có 2 lý do: (i) người cao tuổi vẫn có thói quen xem các chương trình chính luận và giải trí trên các kênh truyền hình chính thống trong khi đó người trẻ tuổi thích xem các video ngắn với các nội dung mới trên môi trường internet và (ii) nói chung, ở độ tuổi từ 45 trở lên đa phần thị lực có xu hướng uy yếu. Đó cũng là lý do để người cao tuổi thường có xu hướng gắn với màn hình lớn hơn thay vì màn hình nhỏ như smartphone hay tablet.

Thời gian truy cập Internet: giải trí nhiều hơn công việc

Từ những số liệu của KMV, có thể nhận thấy một số điểm như sau: i) Thời gian sử dụng PTTT của cư dân cả nước cũng như tại 4 thành phố trực thuộc trung ương trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên; ii) Khán/thính/độc giả của các kênh truyền thông truyền thống (tivi, radio, báo/tạp chí giấy) có xu hướng ngày càng giảm, trong khi các kênh truyền thông mới trên môi trường internet ngày càng thắng thế; iii) Thời gian sử dụng internet của người dân có mức tăng vượt trội so với các phương tiện còn lại và có triển vọng ngày càng chiếm ưu thế hơn nữa.

Rõ ràng sự phát triển và ngày càng sẵn có của các PTTT, đặc biệt là truyền thông số đang chiếm hữu thời gian của các cá nhân theo chiều hướng tăng lên. Dù muốn hay không, không thể phủ nhận các PTTT số gắn với internet mang lại vô cùng nhiều sự tiện ích cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nó cũng có thể là nhân tố mang lại những nguy cơ trên nhiều phương diện đối với mỗi cá nhân, tổ chức, thậm chí ngay cả ở phạm vi quốc gia. Tuy không có bằng chứng về mặt số liệu nhưng ngày nay mỗi chúng ta đều đang ngày càng có sự cảm nhận rõ ràng về những rủi ro tiềm ẩn từ môi trường mạng mang đến như các hiện tượng lừa đảo, đánh cắp dữ liệu cá nhân, tin giả…
Khi thời gian tiêu tốn vào internet của mỗi cá nhân trong cộng đồng trở nên nhiều hơn bao giờ hết thì có lẽ chúng ta cũng rất cần hiểu cấu trúc của bức tranh phân bổ thời gian của người dùng trên môi trường mạng. Số liệu của KMV cho thấy, những con số cao nhất phản ánh mục đích của người dùng internet lần lượt là: xem video online (96%), đọc tin tức online (91%), vào mạng xã hội (89%) và nghe nhạc online (85%). Trong khi đó các lý do để phục vụ công việc chiếm khá thấp - cao nhất trong số đó là vào mạng để nhận và gửi email cũng chỉ chiếm 43%.

Tính gắn kết trong gia đình bị ảnh hưởng

Xu hướng cá nhân hóa thiết bị tiếp cận PTTT ngày càng thắng thế nhờ sự phát triển thần tốc của smartphone, mạng 3G, 4G và tới đây sẽ là 5G dẫn đến hành vi sử dụng internet của mỗi cá nhân chủ yếu gắn với chiếc điện thoại thông minh. Kết quả khảo sát của KMV năm 2017 cũng ghi nhận rằng: lý do chiếm tỷ lệ cao nhất để sử dụng mạng xã hội là cập nhật trạng thái cá nhân (75%), tiếp đến là giữ liên lạc với bạn bè, người thân (73%), kết bạn mới (71%), chia sẻ nội dung của bản thân (61%) và thấp nhất là cập nhật tin tức, sự kiện.

Cho dù lý do chiếm tỷ trọng cao thứ hai vẫn liên quan mật thiết đến việc giữ liên lạc với bạn bè, người thân, gia đình song rõ ràng hình thức giữ liên lạc và giao tiếp giữa các cá nhân giờ đây đã có sự thay đổi có tính bước ngoặt. Thay vì sự tiếp xúc trong môi trường thực tế theo kiểu mặt đối mặt thì ngày nay con người có xu hướng giao tiếp với nhau trên môi trường ảo nhiều hơn.

Trong xã hội truyền thống (khi các PTTT chưa phát triển), ngoài cá nhân hiểu biết về chính bản thân họ thì về cơ bản, ở lớp tiếp theo, những người hiểu họ nhiều không ai khác chính là cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột thịt, họ hàng và hàng xóm láng giềng, nhưng ngày nay điều này không còn đúng trên thực tế. Hiểu biết chúng ta nhiều nhất, thậm chí hiểu chúng ta hơn cả chính bản thân chúng ta có thể là các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Zalo, Kola… hoặc các hệ thống hoạt động ẩn danh khác.

Những số liệu nêu trên cho biết rằng, trên phạm vi cả nước và ở 4 thành phố trực thuộc trung ương, thời gian trung bình để mỗi cá nhân tiêu tốn vào các PTTT là từ 5,3 đến 6,0 giờ mỗi ngày. Trong khi tổng quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày là hằng số không thay đổi, mỗi con người mất trung bình từ 6-8 tiếng cho việc ngủ. Quỹ thời gian còn lại cho các sinh hoạt bao gồm cả ăn uống, làm việc, di chuyển, giao tiếp… chỉ còn lại khoảng 16 giờ mỗi ngày và thông thường mất từ 8-10 tiếng làm việc và di chuyển. Như vậy, trừ thời gian ngủ và làm việc, quỹ thời gian còn lại của mỗi người chỉ còn tối đa từ 6-8 giờ/ngày và sử dụng 5,3-6,0 giờ/ngày cho việc tiếp cận và sử dụng các PTTT đại chúng. Cùng với xu hướng cá nhân hóa thiết bị tiếp cận PTTT, thời gian để các thành viên trong gia đình giao tiếp trực tiếp với nhau trên thực tế đã giảm nhiều so với vài thập niên về trước. Điều này có thể dẫn tới sự lỏng lẻo trong các quan hệ mật thiết gắn với tình cảm và do đó có thể trở thành hệ lụy không tốt đối với tính gắn kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình. Trên các PTTT đại chúng, thực trạng này đã được nêu và bàn luận rất nhiều, thậm chí mỗi cá nhân chúng ta có thể cảm nhận khá rõ nét điều này song rất tiếc cho đến nay chưa từng có một nghiên cứu bài bản với quy mô và phương pháp đủ tin cậy nào về vấn đề này được thực hiện.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)