Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương. Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An và Bình Dương lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2020.
Sự chuyển động tích cực của môi trường kinh doanh
Báo cáo của PCI cho thấy sự chuyển động tích cực của nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam trong giai đoạn 5 năm từ 2016 đến nay. Cụ thể, các doanh nghiệp ghi nhận môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có bước tiến, tính năng động của bộ máy chính quyền được nâng cao, đặc biệt chi phí không chính thức được giảm bớt. Điều này cho thấy những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua cùng với việc thực hiện của chính quyền các tỉnh, thành phố đã phát huy hiệu quả trên thực tế.
Mặc dù có sự tiến bộ, nhưng Báo cáo PCI 2020 cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng chính quyền các cấp cần có những cải cách mạnh mẽ và thực chất trên nhiều khía cạnh của môi trường kinh doanh. Đó là cải cách hành chính cần tập trung vào cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin và các nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi của chính quyền các cấp; cần nhanh chóng nắm bắt, tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
“Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo” đã được xác định là một trong những đột phá về thể chế của Việt Nam trong 10 năm tới. Nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật một cách ổn định, nhất quán và công bằng, cải thiện chất lượng phối hợp giữa các ngành, các cấp, thực sự đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có liên quan và nhanh chóng xây dựng và vận hành chính quyền số... có thể góp phần quan trọng vào việc thực hiện đột phá thể chế nêu trên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và năng động của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài
Nhờ những kết quả ấn tượng trong kiềm chế và kiểm soát dịch COVID-19, Việt Nam đã thành công trong việc hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với khu vực đầu tư nước ngoài - một thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Bởi dịch bệnh toàn cầu này, khu vực doanh nghiệp FDI đã trải qua một năm kinh doanh trầm lắng, không mong đợi. Các nhà đầu tư thận trọng với những dự định phát triển thời gian sắp tới, do tình trạng bất ổn của kinh tế toàn cầu. Trong một năm nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được thành công đáng kể trong việc tăng cường vị thế của mình như một trong những lựa chọn đầu tư hàng đầu với những doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm phương án đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình ra ngoài Trung Quốc.
Báo cáo PCI 2020 cho thấy Việt Nam đã trở thành một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã chuyển hóa một số điểm yếu trước đây thành lợi thế so sánh với các nước trong khu vực, như yếu tố rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh và bất ổn chính sách. Đồng thời, Việt Nam củng cố vị thế như một nền kinh tế có sức hấp dẫn với các thiết chế chính trị ổn định. Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trên những lĩnh vực khó cải thiện như kiểm soát tham nhũng, thuế và cung cấp dịch vụ công.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta cũng cần tiếp tục cải thiện 2 lĩnh vực còn nhiều bất cập là hệ thống thủ tục, quy định và cơ sở hạ tầng. Việt Nam có thể đẩy mạnh đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thực hiện hiệu quả các cải cách nhằm hoàn thiện các khâu, các bước còn nhiều bất cập trong các thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ tác động của đại dịch COVID-19
Báo cáo PCI 2020 có phần đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Thông điệp chính là, mặc dù công cuộc kiềm chế dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam đã đạt được thành công trong năm 2020, nhưng tác động kinh tế của đại dịch đối với nền kinh tế Việt Nam, kể từ khi dịch bùng phát đến quá trình thực hiện giãn cách xã hội là rất nặng nề. Mặc dù chính quyền đã rất nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng bằng nhiều chính sách hỗ trợ, song các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các chính sách này; đồng thời các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ để đưa nền kinh tế hồi phục, bởi cú sốc từ khủng hoảng là rất lớn. Tuy nhiên, không như các cuộc khủng hoảng kinh tế khác, các cuộc khủng hoảng do phong tỏa kinh tế có thể đảo chiều gần như ngay lập tức.
Trên thực tế, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể khôi phục theo mô hình chữ V, ngay khi các quan hệ chuỗi cung ứng được khôi phục và người lao động được tái tuyển dụng trở lại. Năm 2021, thị trường có thể hồi phục nhanh chóng khi người tiêu dùng trở lại các nơi công cộng và nhu cầu hàng hóa tăng lên. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thể an tâm bởi một thực tế là những nỗ lực kiểm soát dịch của Chính phủ đã được nhìn nhận về tính hiệu quả, do đó nếu kịch bản dịch tái bùng phát hoặc một khủng hoảng khác xảy ra, các biện pháp điều hành của Chính phủ sẽ được người dân và doanh nghiệp đồng thuận cao và cùng chia sẻ.
Báo cáo cũng lưu tâm các nhà hoạch định chính sách là tác động của COVID-19 không phân bố đồng đều giữa các địa phương. Một số vùng/miền và ngành nghề đã vượt qua khủng hoảng hiệu quả hơn một số khác. Tỷ lệ thất nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng cao hơn đáng kể so với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoặc các tỉnh phía Nam xung quanh TP Hồ Chí Minh. Các ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng hơn các ngành dịch vụ và trong một số ngành sản xuất như ô tô, máy tính, thiết bị điện tử, mức độ ảnh hưởng của dịch là đặc biệt nghiêm trọng.
Tác động không đồng đều này là do tính chất đặc hữu của dịch bệnh hơn là do sự ứng phó của chính quyền các địa phương. Doanh nghiệp tại một số tỉnh chịu ảnh hưởng nặng hơn doanh nghiệp một số tỉnh khác là bởi các tỉnh đó nằm gần với nơi dịch bùng phát. Với các ngành nghề cũng vậy, một số ngành nghề do tính chất có thể dễ dàng điều chỉnh sang phương thức hoặc mô hình làm việc từ xa, hoặc nhanh chóng chuyển đổi sang các chuỗi cung ứng mới và thị trường mới. Do đó, chính quyền các cấp cần ưu tiên việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân khắc phục ảnh hưởng của đại dịch một cách công bằng và hợp lý.
Báo cáo cũng khuyến cáo, Việt Nam nên cân nhắc đầu tư nguồn lực vào việc tái đào tạo và trang bị kỹ năng cho những người lao động bị mất việc làm do COVID-19 hiện đang cần tìm kiếm việc làm trong các khu vực kinh tế có khả năng ứng phó khủng hoảng linh hoạt hơn. Đồng thời, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cấp tỉnh tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng hơn. Điều này rất quan trọng, bởi thất nghiệp kéo dài và thị trường lao động trì trệ có thể bào mòn kỹ năng của người lao động, khiến những doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng càng khó có cơ hội trong tương lai.
VVH