Thứ tư, 07/04/2021 10:27

Dữ liệu cho cuộc sống tốt đẹp hơn

Báo cáo Phát triển thế giới năm 2021 với chủ đề “Dữ liệu cho cuộc sống tốt đẹp hơn” mới được Ngân hàng thế giới công bố hướng tới trả lời hai câu hỏi cơ bản: làm thế nào dữ liệu có thể thúc đẩy các mục tiêu phát triển tốt hơn? và quản trị dữ liệu ra sao để có thể hỗ trợ việc tạo, sử dụng dữ liệu một cách an toàn, có đạo đức và bảo mật, đồng thời mang lại sự công bằng cho các quốc gia, người dân khi tiếp cận dữ liệu.

Tác động kép của dữ liệu

Những tiến bộ trong công nghệ gần đây đã dẫn đến sự gia tăng lớn về tính ứng dụng của dữ liệu. Những tiến bộ này đã tạo ra những cơ hội mới để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế của các công ty; để cải thiện việc thiết kế, thực thi và đánh giá các chính sách công; để giúp các cá nhân và cộng đồng đưa ra lựa chọn tốt hơn bằng cách tiếp cận nhiều thông tin và kiến thức hơn.

Dữ liệu có thể tạo ra cuộc sống tốt hơn thông qua nhiều kênh. Các chính phủ có thể sử dụng dữ liệu để cải thiện các chương trình, chính sách và hướng tới mục tiêu phân bổ các nguồn lực khan hiếm đến những người và khu vực bị gạt ra ngoài lề xã hội. Khu vực tư nhân có thể sử dụng dữ liệu để thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới nhằm kích thích hoạt động kinh tế và thương mại dịch vụ quốc tế. Các cá nhân được tiếp cận dữ liệu có thể đưa ra các quyết định tốt hơn và khiến chính phủ phải chịu trách nhiệm đối với những quyền lợi của mình.

Dữ liệu tạo ra giá trị kinh tế và xã hội, có thể được nhân lên thông qua việc tái sử dụng nhiều lần. Vì những lợi ích mà dữ liệu tạo ra có thể dẫn đến việc tích trữ dữ liệu, tập trung quyền lực kinh tế và chính trị. Việc tích trữ này tạo ra rào cản đối với việc tái sử dụng dữ liệu, ngăn không cho dữ liệu phát huy hết tiềm năng của chúng, đồng thời làm tăng khả năng dữ liệu có thể bị xử lý sai.

Dữ liệu có thể bị lạm dụng. Ví dụ, một chính phủ có thể sử dụng dữ liệu để thực hiện giám sát chính trị hoặc hướng mục tiêu ưu tiên vào các nhóm xã hội nhất định để phân biệt đối xử. Khu vực tư nhân có thể khai thác sức mạnh thị trường phát sinh từ dữ liệu để tận dụng khách hàng của họ. Các cá nhân có thể truy cập dữ liệu bất hợp pháp cho các mục đích tội phạm...

Các giải pháp giải quyết những lo ngại nêu trên vẫn còn khá mới mẻ, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp. Khuôn khổ pháp lý và quy định cho dữ liệu chưa hoàn thiện, những lỗ hổng trong các biện pháp bảo vệ quan trọng (chẳng hạn như an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và luồng dữ liệu xuyên biên giới), thiếu các biện pháp cho phép chia sẻ dữ liệu (chẳng hạn như cấp phép mở và khả năng tương tác). Ngay cả khi các khuôn khổ pháp lý đã bước đầu tồn tại thì sự thiếu hụt các thể chế có năng lực quản trị cần thiết, quyền tự chủ ra quyết định và nguồn lực tài chính sẽ hạn chế việc triển khai và thực thi hiệu quả khuôn khổ pháp lý đó.

Đại dịch COVID-19 là một minh chứng cho thấy các quốc gia đang đấu tranh để cân bằng việc sử dụng dữ liệu như thế nào nhằm nâng cao các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quản lý sự lây lan của vi rút. Ở một số quốc gia, các bản ghi chi tiết cuộc gọi từ việc sử dụng điện thoại di động được tạo ra trong khu vực tư nhân, đã được sử dụng lại để cho phép các cơ quan y tế công cộng xác định và theo dõi những người tiếp xúc với các cá nhân bị nhiễm bệnh. Để đề phòng mọi hành vi lạm dụng dữ liệu này, một số quốc gia đã phải tăng cường các khuôn khổ quản trị bằng cách thông qua luật khẩn cấp hoặc tăng cường các quy định bảo vệ dữ liệu.

Giải pháp tránh sử dụng dữ liệu một cách tiêu cực

Để giải quyết vấn đề xử dụng dữ liệu một cách tiêu cực, Báo cáo Phát triển thế giới 2021 đưa ra 5 khuyến nghị: (1) thiết lập một thỏa thuận xã hội mới cho dữ liệu (2) tăng cường sử dụng và tái sử dụng dữ liệu để tạo ra giá trị lớn hơn; (3) tạo ra khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với các lợi ích của dữ liệu; (4) nuôi dưỡng lòng tin thông qua các biện pháp nhằm bảo vệ mọi người khỏi tác hại của việc sử dụng sai dữ liệu; và (5) mở đường cho một hệ thống dữ liệu quốc gia tích hợp.

Tạo một thỏa thuận xã hội mới cho dữ liệu. Một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép sử dụng và tái sử dụng dữ liệu để tạo ra giá trị kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với các giá trị của dữ liệu, cũng như thúc đẩy sự tin tưởng của người tham gia rằng họ sẽ không bị tổn hại bởi việc sử dụng sai dữ liệu. Một thỏa thuận xã hội mới như vậy cần được tạo ra ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Ở cấp quốc gia, các chính phủ nên tham gia đối thoại với các cá nhân, xã hội dân sự, giới trí thức và khu vực tư nhân để phát triển các quy tắc sử dụng an toàn dữ liệu nhằm thúc đẩy lợi ích công cộng. Ở cấp độ quốc tế, với quy mô toàn cầu của các ngành công nghiệp dữ liệu, một số khía cạnh thách thức nhất của thỏa thuận xã hội là kêu gọi hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn để hài hòa các quy định và phối hợp chính sách - cho dù ở cấp độ song phương, khu vực hay toàn cầu. Tăng cường sử dụng và tái sử dụng dữ liệu để tạo ra giá trị lớn hơn.

Cần thay đổi tư duy: những người ra quyết định nên xem dữ liệu là hạ tầng mang tính nền tảng và chuyển trọng tâm từ việc tạo dữ liệu để sử dụng một lần sang mở rộng quyền truy cập và tái sử dụng nhiều lần. Thay đổi khuôn khổ: cần có các quy tắc và tiêu chuẩn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các nguồn dữ liệu khác nhau và cho phép truyền dữ liệu an toàn, nhanh nhẹn giữa các bên liên quan trong nước, cũng như xuyên biên giới quốc tế.

Tạo quyền truy cập công bằng hơn vào các lợi ích của dữ liệu. Sự bất bình đẳng lớn về khả năng sản xuất, sử dụng và thu lợi nhuận từ dữ liệu có thể được tìm thấy ở cả cấp quốc gia (nước giàu và nghèo) và giữa những người giàu, người nghèo trong một quốc gia. Các hệ thống dữ liệu có mục đích phục vụ công cộng hay lợi ích tư nhân đều có xu hướng loại trừ những người nghèo. Bên cạnh đó, năng lực thống kê và hiểu biết về dữ liệu vẫn còn hạn chế ở các nước nghèo cũng làm giảm khả năng tiếp cận và khai thác những lợi ích của dữ liệu.

Nuôi dưỡng lòng tin thông qua các biện pháp bảo vệ mọi người khỏi tác hại của việc sử dụng sai dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu được sử dụng lại thì nguy cơ sử dụng sai dữ liệu càng lớn. Nguy cơ này thể hiện rõ ràng trong mối quan tâm ngày càng tăng về tội phạm mạng và khả năng giám sát mang động cơ chính trị hoặc thương mại. Phạm vi phân biệt đối xử dựa trên dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới tính, tình trạng khuyết tật hoặc khuynh hướng tình dục có thể trở nên trầm trọng hơn do việc sử dụng ngày càng nhiều các thuật toán. Giải quyết những mối lo ngại này đòi hỏi phải có quy định về dữ liệu cá nhân dựa trên khuôn khổ pháp lý về nhân quyền, được hỗ trợ bởi các chính sách đảm bảo an toàn cho cả con người và hệ thống dữ liệu mà họ phụ thuộc vào.

Hướng tới một hệ thống dữ liệu quốc gia tích hợp (INDS). Mặc dù một thỏa thuận xã hội mới có thể cân bằng lại và đặt lại các quy tắc của trò chơi để quản lý dữ liệu, nhưng việc thực hiện tầm nhìn này còn đòi hỏi một INDS cho phép luồng dữ liệu giữa nhiều người dùng theo cách tạo điều kiện cho việc sử dụng và tái sử dụng dữ liệu một cách an toàn.

Nguyễn Tuấn Anh

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)