Thứ sáu, 25/07/2025 09:07

Thu hút nguồn vốn FDI: Cơ hội vàng để Việt Nam tăng trưởng bền vững

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã thu hút hơn 21,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức cao nhất kể từ năm 2009. Vốn giải ngân đạt 11,72 tỷ USD, thiết lập kỷ lục mới trong hơn 5 năm qua. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn toàn cầu ngày càng khốc liệt, kết quả này cho thấy Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn đặc biệt trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Dệt may hiện đang là lĩnh vực thu hút dòng vốn FDI cao (nguồn: Tạp chí Nhà đầu tư).

Không chỉ tăng về lượng, chất lượng dòng vốn FDI cũng đang được cải thiện rõ nét, với tỷ lệ các dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và hướng đến phát triển bền vững ngày càng chiếm ưu thế. Trong đó, lĩnh vực chế biến - sản xuất tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm hơn 60% tổng vốn đăng ký mới. Nhờ lợi thế chi phí, hệ thống khu công nghiệp phát triển, hạ tầng logistics thuận tiện và chính sách thu hút thông thoáng, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, dòng vốn FDI không còn chỉ đến từ các quốc gia quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore mà còn ghi nhận sự tham gia của nhiều tập đoàn châu Âu và Bắc Mỹ. Dự án 1 tỷ USD của Syre Group (Thụy Điển) tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Gia Lai) nhằm xây dựng tổ hợp tái chế dệt may đạt chuẩn EU và Mỹ là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng FDI xanh, tuần hoàn và có trách nhiệm với môi trường.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng tốc đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, không chỉ vì lợi thế chi phí mà còn bởi chiến lược nội địa hóa và mục tiêu giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng. LEGO đã khánh thành tổ hợp sản xuất trị giá 1,3 tỷ USD tại Bình Dương, dự kiến vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo từ năm 2026 và đặt mục tiêu giảm 37% phát thải CO₂ vào năm 2032. Coca-Cola đầu tư 136 triệu USD vào nhà máy tại Tây Ninh, đây là đơn vị đầu tiên trong ngành đồ uống tại Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh LEED Gold. Unilever và Nestlé cũng lần lượt bổ sung hàng trăm triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư lên gần 1 tỷ USD, đồng thời cải tiến quy trình công nghệ và tăng cường chuyển giao kỹ thuật. Những khoản đầu tư này không chỉ là các con số ấn tượng, mà còn cho thấy một bước chuyển quan trọng trong tư duy phát triển: từ “đón vốn” sang “chọn vốn”. Việt Nam đang chủ động lựa chọn những dự án mang lại giá trị gia tăng cao, có yếu tố đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và gắn kết với doanh nghiệp nội địa. OECD cùng nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh năng lực hấp thụ công nghệ, tăng đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhằm tránh rơi vào “bẫy gia công giá rẻ” trong dài hạn.

Một điểm sáng nổi bật khác là sự gia tăng các dự án FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, S.T.I.D. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào các trung tâm R&D, công nghệ in 3D, tự động hóa, AI và Big Data, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng chuỗi sản xuất tại Việt Nam. Cùng với đó, hơn 200 khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên cả nước đang được chuyển đổi thành mô hình “khu công nghiệp thông minh - xanh”, tích hợp hạ tầng số, điện mặt trời và hệ thống quản lý năng lượng tiên tiến. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, dòng vốn FDI vẫn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung còn kéo dài. Nhiều dự án đến từ Trung Quốc đang dịch chuyển sang Việt Nam để tránh thuế quan, khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị đánh giá là điểm trung chuyển hàng hóa. Hơn 50% nguyên liệu sản xuất hiện vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, làm gia tăng rủi ro cho mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa và minh bạch xuất xứ. Để hạn chế nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, củng cố pháp lý về xuất xứ hàng hóa và tăng cường sản xuất trong nước.

Trên phương diện thể chế và tài chính, Việt Nam đang triển khai nhiều cải cách sâu rộng nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các chính sách nổi bật bao gồm: tự do hóa thị trường ngoại hối, minh bạch hóa tỷ giá, cải cách hệ thống ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế IFRS và ưu đãi thuế cho các lĩnh vực fintech, tài chính xanh, giao dịch carbon. Đây là những bước đi chiến lược để thu hút dòng vốn chất lượng cao và giảm phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất truyền thống. Ở cấp địa phương, các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh đang chạy đua nâng cấp hệ sinh thái đầu tư. Từ đào tạo lao động chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng các khu công nghiệp xanh - thông minh đến số hóa quy trình hành chính và phân tích dữ liệu đầu tư, các địa phương đang thể hiện quyết tâm lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào dòng vốn FDI. IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 có thể giảm còn 5,4% nếu không kịp thời thích ứng. Vì vậy, việc nâng cao năng lực nội tại, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh số hóa cần được xem là ba trụ cột chiến lược. Đồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh mở cửa lĩnh vực dịch vụ, chống tham nhũng và tối ưu phân bổ nguồn lực - những yếu tố then chốt được OECD khuyến nghị để giữ vững sức hấp dẫn dài hạn. Dòng vốn FDI ồ ạt chảy vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 không chỉ là tin vui, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm chiến lược. Việt Nam không thể mãi là “công xưởng giá rẻ” mà cần vươn lên trở thành trung tâm sản xuất thông minh, sáng tạo và xanh của châu Á. Chìa khóa thành công nằm ở ba yếu tố: chọn lọc dự án chất lượng cao, tăng cường liên kết với doanh nghiệp nội địa, và đầu tư mạnh cho S.T.I.D và cải cách thể chế. Nếu tận dụng đúng thời điểm và hành động quyết liệt, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành ngôi sao sáng trên bản đồ FDI toàn cầu.

NMK (tổng hợp)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)