Ngày 12/3 vừa qua, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo về việc vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa vải thiều vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Chia sẻ về câu chuyện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, đây là một câu chuyện dài và thú vị, giúp Cục thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý trong công tác hỗ trợ các đặc sản địa phương của Việt Nam vươn ra thế giới. Nhật Bản vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản chắc chắn sẽ vô cùng phức tạp. Vì vậy, để có thể vượt qua được “ngọn thái sơn” này, Cục Sở hữu trí tuệ đã huy động nhiều bộ phận chuyên môn và thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí (đứng giữa) và Cục trưởng Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản Koji Inoue (đứng cạnh bên trái) ký Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý.
Để có những bước đi thuận lợi nhất, các cơ quan hữu quan đã phải tác động ở nhiều cấp, các kênh hợp tác song phương được thực hiện tích cực. Tiếp xúc các cấp, từ thượng đỉnh, cấp cao cho đến cấp kỹ thuật, đều đề cập đến nội dung này, trong đó, ở cấp cao nhất, phải kể đến việc Tuyên bố chung giữa Thủ tướng của hai nước trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6/2017 có nội dung “…sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý”. Tiếp đó, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, có thể coi là có tính chất mở đường cho việc nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản. Theo đó, hai bên cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý hai nước, và trên cơ sở Bản ghi nhớ, hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước còn lại. Vải thiều Lục Ngạn nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn, dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương, và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Bên cạnh việc tạo dựng cơ sở pháp lý, thực hiện các tác động chính trị cho quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ cũng hỗ trợ việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản. Tiến trình kéo dài gần 2 năm và thực sự là một quá trình khó khăn. Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ vải thiều Lục Ngạn vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kỹ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Với sự vào cuộc của nhiều ban/ngành, tổ chức, cá nhân, những khó khăn này đã từng bước được giải quyết, giúp hoàn thiện các quy trình đăng ký cần thiết theo quy định của pháp luật Nhật Bản, kết quả là vào tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc vải thiều Lục Ngạn được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm này đến với thị trường Nhật Bản. Đã và sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp để vải thiều Lục Ngạn tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình. Trong đó, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bắc Giang. Khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn - tổ chức này sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến văn bằng sau khi được cấp như nộp báo cáo hàng năm, thông báo sửa đổi, làm việc với các đoàn kiểm tra thực địa. Với năng lực hiện tại, có thể thấy, việc đảm nhận trọng trách nêu trên của Hội là một câu hỏi lớn. Tiếp đó, nhận thức của người dân về việc tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất vải thiều, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản cũng cần được nâng cao và liên tục được giám sát. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và Hội, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người trồng vải, sẽ góp phần đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, đảm bảo chất lượng quả vải, xúc tiến thương mại vải thiều ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn thành công tại Nhật Bản là một niềm tự hào của người dân và chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang. Cục Sở hữu trí tuệ - cơ quan đầu ngành của Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào quá trình này trên mọi phương diện. Vẫn còn đó nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua, tuy nhiên, từ câu chuyện quả vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, chúng ta tin rằng trong thời gian tới đây, nông sản Việt Nam sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để có thêm nhiều sản phẩm đạt được thành công như quả vải thiều đã làm được ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Australia và nhiều nước khác trên thế giới.
CM