Xu hướng tất yếu của các tổ chức tài chính, ngân hàng
Ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cho biết, công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Ngành công nghiệp ngân hàng đang ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như: internet kết nối vạn vật, trí tuệ thông minh nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán, điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng. Sự xâm nhập của các gã khổng lồ về công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông vào cung ứng dịch vụ tài chính làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành dịch vụ tài chính, phá đi tính độc tôn của ngân hàng trong lĩnh vực này. Kết quả khảo sát tại một số ngân hàng thương mại cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong chuỗi cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói. Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số thông qua 2 cách tiếp cận chính là tự đổi mới, xây dựng công nghệ của ngân hàng số hoặc/và tăng cường hợp tác với fintech để nhanh chóng tận dụng thế mạnh của đôi bên. Một số ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi nhằm hướng tới một ngân hàng số đích thực.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Quang Trung - Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho rằng, tại Việt Nam, dù mang nhiều tính ưu việt trong việc cho phép khách hàng quản lý và sử dụng dịch vụ tài chính trên các thiết bị điện thoại thông minh nhưng khái niệm ngân hàng số vẫn còn tương đối mới mẻ và chưa được sử dụng phổ biến. Trước bối cảnh hội nhập và phát triển, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai đối với các ngân hàng bởi bối cảnh xã hội cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ làm dịch chuyển thói quen người tiêu dùng và Ngân hàng Bản Việt cũng không nằm ngoài xu thế này. Trong kế hoạch phát triển sắp tới, ngân hàng định hướng sẽ là đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ ngân hàng cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy nhanh việc mở rộng và thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các công ty Fintech, từ đó tạo nên những trải nghiệm mới dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ số và thực tiễn ngân hàng truyền thống.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thùy Dương - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lo ngại khi hiện nay mới chỉ có 42% ngân hàng đang xây dựng chuyển đổi số, 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh và 11% đã phê duyệt và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng. Thực trạng trên là do phần lớn các ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của ngân hàng; chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới; phương thức làm việc theo lối cũ, chưa có tư duy làm việc theo mô hình quản lý hiện đại; hầu hết các ngân hàng gặp thách thức với các hệ thống công nghệ hiện tại, đặc biệt là công nghệ thông tin…
Cần một chính sách đồng bộ
Để phát triển nền kinh tế số Việt Nam, theo các diễn giả tại diễn đàn, các ngành, lĩnh vực đều phải cơ cấu lại cho phù hợp theo hướng số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến tài chính, tín dụng càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Cuộc cách mạng công nghệ không chỉ là vấn đề số hóa mà còn là sự thay đổi hệ thống thể chế chính sách.
Ông Phạm Xuân Hùng - Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, điều quan trọng cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về ngân hàng số. Theo đó, Nhà nước cần sớm ban hành cơ sở cho các tổ chức tài chính thực hiện ngân hàng số, trong đó có vấn đề định danh khách hàng; tiếp đến là các chính sách về an toàn bảo mật thông tin khách hàng - là một nội dung quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật số và đặc biệt là vấn đề tiêu dùng. Đối với các ngân hàng thương mại thì cũng cần phải có lộ trình thực hiện rất cụ thể trong việc thực hiện phát triển ngân hàng số.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Phạm Xuân Hòe cho rằng, bên cạnh các chính sách hiện có, Nhà nước cần phải có quan điểm rất mở và cân bằng giữa khuyến khích đổi mới sáng tạo với vấn đề rủi ro thì mới có thể làm được. Thứ hai là cơ sở dữ liệu quốc gia phải khẩn trương xây dựng thật tốt, có chất lượng thì mới có thể làm cho kinh tế số phát triển được. Bên cạnh đó là hạ tầng cho giao dịch số và hạ tầng thanh toán quốc gia cần phải đổi mới nhanh hơn, tốt hơn, đặc biệt là thanh toán bán lẻ nhằm thúc đẩy các ngân hàng và tổ chức tài chính đầu tư cho khoa học và công nghệ nhằm phát triển ngân hàng số…
Việc số hóa ngành ngân hàng sẽ tạo nhiều đột phá đối với ngành dịch vụ tài chính, các ý kiến đại biểu cho rằng, cần số hóa kênh phân phối và sản phẩm truyền thống; tinh giảm và tối ưu các quy trình công nghệ; xây dựng hệ sinh thái tài chính ngân hàng đa dạng… Trong dài hạn, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, để thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực ngân hàng thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có dữ liệu cá nhân, sinh trắc học, xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, để tạo sự đột phá cho các dịch vụ ngân hàng số hóa.
Phong Vũ