Thứ năm, 25/03/2021 15:15

Đồng bằng sông Cửu Long với chiến lược phát triển “8G”

Đẩy mạnh đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN), tăng cường liên kết vùng, tạo sự kết nối các tiểu vùng, liên vùng… đặc biệt, chiến lược tiếp cận mới đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua 8 chữ “G” là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ vào trung tuần tháng 3/2021.  

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 (còn được gọi là Nghị quyết "thuận thiên") đưa ra tầm nhìn đến năm 2100, phát triển ĐBSCL bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp mà trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng “thuận thiên”, bền vững; kinh tế - xã hội có bước phát triển nhanh; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành. Thực tế cho thấy đã có nhiều chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển ĐBSCL, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, dịch vụ vận tải… Đặc biệt, các cấp chính quyền các địa phương, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng thành tựu KH&CN, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị… Điển hình phải kể đến những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực lĩnh vực nông nghiệp và giao thông vận tải.

Theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: 1) Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL, phát triển thủy lợi vùng; 2) Phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; 3) Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với BĐKH của vùng. Chỉ riêng từ năm 2018 đến nay, Bộ đã phối hợp cùng các bộ/ngành trình Chính phủ hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL hơn 6.622 tỷ đồng để xử lý sạt lở, góp phần ổn định đời sống kinh tế - xã hội cho người dân. Đối với nghiên cứu giống cũng có những kết quả khích lệ khi hiện nay toàn vùng ĐBSCL sử dụng giống lúa xác nhận lên đến 75%, dự kiến năm 2025 tăng lên 90% và năm 2030 là 100%, góp phần tích cực nâng chất lượng hạt gạo và tăng cao về giá trị khi xuất khẩu. Điểm thay đổi tích cực là cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL đã chuyển dịch đúng hướng "thủy sản, trái cây, lúa gạo" thay cho "lúa gạo, thủy sản, trái cây". Kết quả, trước khi Nghị quyết 120 ra đời, trong 3,2 triệu ha đất nông nghiệp có 1,82 triệu ha đất lúa, 860.000 ha thủy sản, 385.000 ha cây ăn trái. Sau Nghị quyết 120, diện tích trồng trái cây tăng lên 450.000 ha, thủy sản trên 900.000 ha, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, giai đoạn 2016-2021, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai đầu tư 31 dự án, công trình giao thông ở ĐBSCL với tổng vốn 88.963 tỷ đồng. Đến nay đã có 14 dự án hoàn thành nâng cấp và xây mới 281 km đường quốc lộ, cùng những cây cầu lớn như Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống, Hòa Trung, Mỹ Lợi… Hoàn thiện 46,5 km luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, nạo vét 28 km kênh Chợ Gạo giai đoạn 1. Hiện có 14 dự án đang thực hiện như cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, hoàn chỉnh luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, tiếp tục nâng cấp kênh Chợ Gạo với tổng vốn 40.494 tỷ đồng... Có thể khẳng định, các dự án được đầu tư và đưa vào khai thác đã thực sự phát huy hiệu quả, đều là những dự án động lực, quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng và đất nước…

Khó khăn và giải pháp vượt qua

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng ĐBSCL vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một số cơ chế, chính sách chậm đi vào thực tiễn, nhất là cơ chế điều phối liên kết vùng; nguồn vốn đầu tư công cho các công trình có tính chất kết nối vùng chưa đáp ứng yêu cầu. Luật Quy hoạch 2017 được ban hành với các yêu cầu và nội dung mới dẫn đến một số lúng túng trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch, nhất là việc xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL theo hướng tích hợp giữa quy hoạch địa phương vào quy hoạch chung của vùng. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất của vùng là BĐKH, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông MêKông ngày càng phức tạp hơn, trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả...

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ trước khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/12/2017 của Chính phủ,  hoạt động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung còn mang tính cục bộ, giới hạn bởi địa giới hành chính, thiếu liên kết và đồng bộ. Nguồn lực đầu tư cho công tác ứng phó BĐKH chủ yếu là các giải pháp công trình như xây dựng các kè chống sạt lở, các đập, hồ chứa. Bên cạnh đó, để phát triển sản xuất quy mô lớn thì cả doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn để chuyển đổi do hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguồn ngân sách đầu tư công của tỉnh còn khó khăn, các nguồn đầu tư từ tư nhân trong lĩnh vực BĐKH còn hạn chế. Đồng tình với quan điểm trên, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho rằng, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nguy cơ tác động ngày càng gia tăng do BĐKH cực đoan, khó lường; tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến toàn vùng… Cơ chế liên kết vùng vẫn còn bất cập, trong đó Hội đồng vùng đã được thành lập, tuy nhiên thể chế hoạt động của Hội đồng chưa được đề cập trong văn bản quy phạm pháp luật, nên rất khó thực hiện các chủ trương của Hội đồng vùng. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư các công trình hạ tầng thích ứng với BĐKH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Chưa có cơ chế, chính sách thật sự mang tính đột phá để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách. Chúng ta bước đầu đã giải quyết có hiệu quả bài toán “thích ứng” nhưng bài toán “chủ động” vẫn còn nhiều khó khăn phía trước; sạt lở bờ sông, bờ biển là vấn đề cấp bách nhưng mới chỉ xử lý cục bộ, chưa có giải pháp tổng thể gắn với sắp xếp lại dân cư ven sông, ven biển. Hạ tầng giao thông vẫn còn là “điểm nghẽn” trong phát triển của vùng; dịch vụ logistics để phục vụ xuất khẩu nông - thủy sản còn rất hạn chế, toàn vùng vẫn chưa có trung tâm logistics được công nhận…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với đất nước. Những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 chỉ là bước đầu, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ/ngành là rất lớn.

Để phát triển ĐBSCL trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ/ngành, địa phương cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế, để các doanh nghiệp, các hợp tác xã tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân trong vùng; phát triển đồng bộ các thị trường lao động, thị trường đất đai phục vụ cho sản xuất lớn; tăng cường đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ mới thích ứng với BĐKH; tạo lập và hình thành các quỹ đầu tư, có cơ chế huy động vốn cho phát triển vùng, các dự án phát triển thích ứng với BĐKH; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư nhiều hơn nữa cho vùng ĐBSCL, đặc biệt là các dự án trọng điểm đã xác định trong 5 đến 10 năm tới; chú trọng các biện pháp công trình và phi công trình trong thích ứng với BĐKH.

Thủ tướng đề nghị, các địa phương cần có nguồn ngân sách chi cho ứng phó với BĐKH; tăng cường liên kết vùng, tạo sự kết nối các tiểu vùng, liên vùng và liên kết giữa TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL, đồng thời phát huy vai trò Hội đồng điều phối vùng trong phân bổ ngân sách, dự án đầu tư. Quy hoạch phát triển đô thị ven biển, ven sông cần thích ứng với BĐKH; tăng cường hợp tác quốc tế để có được sự hỗ trợ về khoa học và nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển vùng; có chương trình hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH như: người già, phụ nữ, trẻ em; quan tâm bảo vệ môi trường, giảm rác thải và khí nhà kính… Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh “8G” mà ĐBSCL cần phải triển khai sớm nhất có thể, gồm:

Thứ nhất là giao, tức giao thông: phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của BĐKH.

Thứ hai là giáo, đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực: có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của ĐBSCL cần chú trọng nội hàm của mô thức “giáo dục, giáo dục và giáo dục”. Cụ thể là giáo dục cơ bản, đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em cần phải được học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì không có điều kiện tài chính. Thứ hai là giáo dục nghề, đảm bảo cho người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản. Thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở để chuyển đổi lên bậc nấc cao hơn về năng suất và thu nhập, bắt kịp nhóm thu nhập cao của cả nước.

Thứ ba là giang, tức sông: kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông như Tiền, Hậu và nhiều con sông khác. Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công. Không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nói tới khi nhắc về ĐBSCL.

Thứ tư là gắn: đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắng liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.

Thứ năm là giàu: tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Để có nguồn lực phát triển cần phải “xây tổ đón đại bàng”. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.

Thứ sáu là giỏi: tích cực thu hút những người tài năng, đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất “Chín Rồng”. Vấn đề này vẫn chưa được đề cập trong Nghị quyết 120, đây là một thiếu sót, cần phải phát huy vai trò, thu hút tốt hơn nữa những tài năng đến với ĐBSCL.

Thứ bảy là già: ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế - xã hội lẫn môi trường. Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế.

Thứ tám là giới: phải thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ, tạo công ăn việc làm, đảm bảo họ được tiếp cận đầy đủ những tiến bộ của xã hội…
Thủ tướng khẳng định, phát triển ĐBSCL theo hướng thuận thiên nhưng không phải là cam chịu mà có các giải pháp thích ứng phù hợp với phát triển của vùng về sản xuất, đời sống. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ/ngành, địa phương quyết tâm thực hiện Nghị quyết quan trọng này để ĐBSCL phát triển bền vững.

Hoàng Oanh
Sở KH&CN Cần Thơ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)