Thứ năm, 18/03/2021 15:26

Cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN

Đó là nhận định chung của nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) mới đây khi thực hiện thành công đề tài: “Dịch chuyển lao động có tay nghề trong quá trình Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN”, mã số: KX.01.04/16-20 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp quốc gia KX.01/16-20: “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Xu hướng dịch chuyển nguồn lao động giữa các quốc gia

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng việc làm thêm 10,5% mỗi năm. Việc tạo điều kiện tự do dịch chuyển lao động có tay nghề được các quốc gia quan tâm sâu sắc vì quy mô lực lượng lao động trong AEC lên đến hơn 640 triệu người và Việt Nam không là ngoại lệ. Việc tham gia AEC đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam như mở rộng thị trường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thu hút đầu tư, chia sẻ nguồn vốn, nhân lực, khoa học công nghệ, cải thiện pháp luật, năng suất lao động… Trong bối cảnh toàn cầu hóa, dịch chuyển lao động là tất yếu, là con đường dẫn tới sự phát triển. Theo đó, cạnh tranh về nhân lực có tay nghề, chất lượng cao sẽ là xu thế diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong việc thực thi các cam kết về kinh tế, tự do dịch chuyển lao động như chất lượng lao động (trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng, kinh nghiệm) chưa đảm bảo; tỷ lệ lao động có tay nghề đạt chuẩn dịch chuyển còn ít; chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng; hợp tác, quản lý lao động còn nhiều bất cập...

TS Vũ Thị Loan - Chủ nhiệm đề tài cho rằng, 10 kỹ năng căn bản và quan trọng hàng đầu đối với người lao động Việt Nam trong cạnh tranh và hội nhập của thời đại ngày nay, bao gồm: học và tự học; kiểm soát bản thân; phân tích, phê phán và tư duy sáng tạo; lập kế hoạch và tổ chức công việc; lắng nghe; thuyết trình; giao tiếp và ứng xử; giải quyết vấn đề; làm việc nhóm và kỹ năng đàm phán.

Trong giai đoạn 2010-2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28% và điều này sẽ mang lại thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người. Việc di chuyển này được thực hiện trên cơ sở trình độ của người lao động được công nhận trong các nước thành viên ASEAN trên cơ sở thỏa thuận chung. Đến nay, đã có 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 8 lĩnh vực ngành nghề, gồm: dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, hành nghề y khoa, hành nghề nha khoa, dịch vụ kế toán và hành nghề du lịch. Đây là cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng từ nước ta đến các quốc gia khác, đồng thời cũng phải cạnh tranh quyết liệt trong tìm kiếm việc làm trong nước, khi luồng lao động kỹ năng đến từ các quốc gia khác dịch chuyển đến Việt Nam.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu về dự định thời gian tham gia làm việc tại AEC của sinh viên sau khi ra trường trong vòng 3-5 năm tới cho thấy, có 43,4% lao động muốn dịch chuyển, tỷ lệ mong muốn dịch chuyển trong 2 năm tới là 30,8%. Tuy nhiên, khi khảo sát sinh viên (đội ngũ lao động chính trong tương lai) thì đa số sinh viên Việt Nam không muốn chuyển dịch lao động ra khu vực nguyên do là sợ chuyên môn không đảm bảo (chiếm 33,9%), không muốn xa bạn bè, môi trường sống thân thuộc (chiếm 70,1%); bố mẹ, gia đình không muốn xa con (chiếm 59%) và chỉ muốn làm việc tại Việt Nam (chiếm đến 71,2%)… Bên cạnh đó, những lý do người lao động Việt Nam đưa ra cho rằng còn gặp khó khăn trong quá trình dịch chuyển, đó là lo lắng về sự khác biệt văn hóa (chiếm 37,9%); sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong môi trường lao động (43,4%); rào cản, bất đồng về ngôn ngữ (50,4%)…

Nghiên cứu cho thấy, các hình thức dịch chuyển lao động trong các nước ASEAN trước đây và trong AEC hiện nay cũng khá đa dạng không khác với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, trong AEC một số hình thức dịch chuyển lao động có tay nghề lại có những đặc điểm riêng, chẳng hạn:

Đối với hình thức dịch chuyển tự do: do tính chất địa lý và các quy định về nhập cảnh (không cần visa nếu cư trú ngắn hạn), nên người lao động nói chung và lao động có tay nghề thường dịch chuyển theo hình thức này. Bao gồm cả lao động phổ thông và có tay nghề. Các nước trong nội khối AEC có khu vực địa lý gần nhau, nhiều nước chung biên giới nên tình trạng di dân lao động tự do khá phổ biến và khó kiểm soát như Việt Nam, Thái Lan với Lào, Campuchia và ngược lại.

Đối với dịch chuyển theo thể nhân: với xu hướng mở cửa, các doanh nghiệp của các nước đầu tư sang các nước khác trong khu vực ngày càng nhiều. Hình thức dịch chuyển thể nhân sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới khi các nước trong ASEAN đã ký Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân - MNP (MNP được ký ngày 19/11/2012 tại Phnom Penh, với mục tiêu dỡ bỏ các rào cản đối với việc di chuyển tạm thời qua biên giới của các thể nhân tham gia vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước ASEAN. Hiệp định MNP áp dụng đối với các quy định ảnh hưởng tới việc di chuyển tạm thời qua biên giới của thể nhân của một nước ASEAN sang lãnh thổ của nước ASEAN khác trong các trường hợp cụ thể).

Dịch chuyển nội khối: các quốc gia ASEAN được phân ra bốn nhóm theo mức độ phát triển khác nhau, trong đó Singapore là nước phát triển nhất; tiếp đến là các nước: Malaysia, Indonesia tương đối phát triển; nhóm thứ ba gồm: Thái Lan, Philippines, Brunei và các nước còn lại, trong đó có Việt Nam là nước phát triển thấp nhất. Dòng dịch chuyển nội khối AEC cũng có những đặc điểm riêng. Tuy nhiên, ở các nước trong AEC các dòng dịch chuyển lao động có tay nghề trên thị trường lao động như dòng dịch chuyển lao động nội địa cũng đa dạng và khác nhau (Việt Nam thì chủ yếu từ Bắc dịch chuyển vào Nam, nông thôn ra thành thị, khu công nghiệp tập trung…).

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hội nhập và phát triển

Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hội nhập, nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng của các nước trong khu vực ASEAN tiếp tục tăng cao. Thống kê cho thấy, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia đã đạt 3.000 lao động vào năm 2019, tăng lên 5.000 lao động trong năm 2020 và kỳ vọng sẽ tăng lên trên 12.000 lao động vào  năm 2025. Trong khi đó, với xu thế tiếp tục thúc đẩy mở rộng thị trường và tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, số lao động Việt Nam đến các quốc gia này vẫn tiếp tục tăng dần qua các năm và đến năm 2020 đã có trên 90.000 lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan; 94.000 lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản; số lao động Việt Nam tới làm việc tại Hàn Quốc tăng nhẹ khoảng 5.000-6.000 lao động mỗi năm trong giai đoạn từ 2018-2020.

TS Vũ Thị Loan - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại buổi nghiệm thu cấp nhà nước, năm 2020.

Từ thực tế nêu trên, để hội nhập với khu vực và quốc tế, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Việt Nam phải thực sự coi đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển, hội nhập và do vậy, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của lao động và khả năng dịch chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam trong ASEAN. Để làm được điều đó, các giải pháp mà chúng ta cần phải tiến hành gồm:

Thứ nhất, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn phải xác định là một giải pháp lâu dài, song phải xây dựng chiến lược theo lộ trình tiến tới đào tạo và xuất khẩu lao đông có tay nghề, đặc biệt là lao động có tay nghề cao làm tăng giá trị sức lao động.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện về luật pháp, chính sách liên quan tới vấn đề xuất khẩu lao động phù hợp với cam kết và quy định quốc tế và ASEAN. Cần bổ sung và sửa đổi những cơ chế, chính sách còn thiếu hoặc không phù hợp.

Thứ ba, tăng cường quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động và quản lý lao động nhập cư vào Việt Nam, hạn chế tối đa lao động bất hợp pháp. Thiết lập hệ thống quản lý người lao động di cư một cách chặt chẽ. Việc quản lý chủ yếu tập trung kiểm soát người lao động, mối quan hệ trong quan hệ lao động, bảo đảm phát huy tác động tích cực, không làm ảnh hưởng tới chính trị - xã hội của các nước tham gia.

Thứ tư, cần sớm đổi mới cơ cấu giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Thứ năm, xây dựng chính sách thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng lao động trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu, đàm phán song phương để được công nhận tương đương trình độ có tay nghề nghề của lao động Việt Nam với lao động nước sở tại và AEC. Đẩy mạnh hình thức lao động thực tập sinh tại các thị trường để không ngừng tăng nhanh số lượng và chất lượng lao động có tay nghề bổ sung vào thị trường lao động nội địa trong tương lai.

Thứ sáu, để tạo điều kiện tốt cho dịch chuyển lao động nội khối, cần chủ động trong việc bảo vệ người lao động di cư, xóa bỏ phân biệt đối xử (lao động trong nước, nước ngoài), phổ cập an sinh xã hội đầy đủ và tạo các mạng lưới tiếp nhận và xử lý các vấn đề của người di cư. Phát huy vai trò công đoàn trong việc phối hợp bảo vệ người lao động nhập cư.

KL

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)