Phát triển kinh tế dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo
Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong tại Việt Nam, thời gian qua mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, thâm dụng vốn nhưng hiệu quả đầu tư lại khá thấp. Các yếu tố về KH&CN, giáo dục và đào tạo chưa thật sự phát huy tích cực lên tăng trưởng kinh tế. Đổi mới công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao còn chậm; tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp và năng suất lao động thấp. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt khoảng 18% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chưa phát triển được nhiều sản phẩm có giá trị công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do vai trò của KH&CN, giáo dục và đào tạo chưa được đánh giá đúng mức và chưa thực sự trở thành quốc sách. Từ đó, nảy sinh nhiều bất cập trong quy hoạch lộ trình đầu tư phát triển KH&CN, từng bước tạo ra những động lực to lớn cho tăng trưởng, phát triển kinh tế dựa trên các yếu tố KH&CN và đổi mới sáng tạo. GS.TS Nguyễn Đông Phong nhấn mạnh, những nhân tố KH&CN và đổi mới sáng tạo sẽ là nguồn bù đắp cho nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt cũng như các nguồn hỗ trợ bên ngoài lẫn bên trong cho tăng trưởng kinh tế đang ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang đặt ra cho kinh tế của Việt Nam cần xây dựng một mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, các yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải là KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Đại diện Bộ KH&CN cho rằng, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị cũng như của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện. Trong thành tựu chung này có sự đóng góp quan trọng của KH&CN và đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong cả nước. KH&CN Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 45,2% so với mức của giai đoạn 2011-2015 là 33,6%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 5,8%/năm so với giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm; Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Những đóng góp về KH&CN và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2020; trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển với khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hoá dầu, vật liệu, tự động hoá, nano, công nghệ tính toán, y học… đã được tăng cường. Hoạt động xúc tiến, hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh... Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phù hợp với cam kết, tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo…
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Mặc dù đã gặt hái được nhiều thành quả trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo nhưng nhiều chuyên gia vẫn lo lắng cho rằng, Việt Nam đã trải qua giai đoạn khai thác những phần "lộ thiên", ví dụ như khai thác than đá, dầu mỏ… nên để phát triển bền vững dựa trên nền tảng KH&CN, chúng ta cần quy hoạch lại để “đầu tư” có trọng điểm. Đổi mới là quá trình liên tục, thành tựu cũng luôn luôn có những bước tiến, muốn đất nước "bứt phá" phải dựa trên nguồn nhân lực có chất lượng, và quan trọng là phải dựa vào KH&CN và đổi mới sáng tạo. Làm thế nào để khoa học trở thành động lực và sức mạnh của nền kinh tế? Đây là câu hỏi được nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đặc biệt quan tâm khi trình độ KH&CN của nền KH&CN trong nước chưa thực sự phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực của đất nước.
Đề cập đến những khó khăn liên quan đến hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở các địa phương, TS Thái Thành Lượm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho hay, việc ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo tại tỉnh Kiên Giang đang gặp nhiều khó khăn từ các rào cản về thể chế, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Hiện tại, nước ta có nhiều chính sách thúc đẩy ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo nhưng doanh nghiệp lại khó tiếp cận do vướng thủ tục hành chính, tiêu chí hỗ trợ chưa rõ ràng, chưa sát với thực tế, tiếp cận tín dụng qua nhiều khâu trung gian, mức hỗ trợ chưa phù hợp…
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho rằng, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo; trình độ ứng dụng KH&CN tại doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất nhiều hạn chế và chưa đồng bộ; mức độ sẵn sàng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới vào thực tế sản xuất còn thấp. Đối với công nghiệp, các chính sách hỗ trợ công nghiệp chưa được truyền thông rộng rãi; chính sách vay vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp thời gian tương đối ngắn. Việt Nam chủ yếu dựa trên kim ngạch xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế nhưng ngành công nghiệp đa phần là gia công, nguyên vật liệu thì nhập khẩu từ nước người dẫn đến số tiền các doanh nghiệp Việt Nam thực hưởng chỉ khoảng 5-10%. Đặc biệt, các chính sách pháp luật thay đổi nhanh chóng làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan ngại; thủ tục hành chính phức tạp chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng CMCN 4.0; nhiều doanh nghiệp không có vốn để đổi mới công nghệ…
Để tháo gỡ những khó khăn giúp phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện các văn bản pháp luật về tài sản công và các văn bản hướng dẫn về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng vốn nhà nước theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để chuyển giao kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học vào thực tiễn đời sống, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về KH&CN và đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trong một số dự án KH&CN; đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách nhà nước tối thiểu 2%, phân bổ và sử dụng có hiệu quả và trọng tâm nguồn lực cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; khuyến khích nhiều doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển KH&CN, sử dụng quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ; triển khai các giải pháp để thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đối với Bộ KH&CN, Bộ cầ tiếp tục hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các viện nghiên cứu và các trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Đồng thời, tập trung xây dựng năng lực công nghệ cốt lõi thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc CMCN4.0; triển khai hiệu quả và đồng bộ, có trọng điểm các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia theo định hướng tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.