Thứ năm, 04/03/2021 09:33

Nhanh chóng hoàn thiện, ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện

Để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam trong thời gian tới, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp, chính sách phù hợp nhưng trước tiên cần nhanh chóng hoàn thiện, ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước: Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, mã số KX.01.30/16-20 do PGS.TS Chúc Anh Tú - Học viện Tài chính vừa nghiệm thu.

Nhiều vấn đề còn nan giải

Theo PGS.TS Chúc Anh Tú, hiện nay việc tăng cường và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính đã và đang có nhiều vấn đề đặt ra, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang tác động tới mọi khía cạnh của đời sống và lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” đó.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự phát triển tài chính theo hướng toàn diện ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu, kết quả còn nhiều hạn chế. Trong đó, tỷ lệ người dân có tài khoản thấp, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, những người thu nhập thấp và đối tượng phụ nữ. Một phần nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến vùng khó khăn, lạc hậu. Tỷ lệ vay mượn qua các tổ chức tài chính chính thức thuộc diện tương đối cao, nhưng hình thức vay mượn không chính thức vẫn còn rất lớn; tài chính kỹ thuật số còn chưa phát triển, số người sử dụng các dịch vụ tài chính số ở mức thấp. Internet bắt đầu góp phần thúc đẩy phát triển giải pháp thanh toán tại Việt Nam, nhưng việc sử dụng tài khoản để thanh toán vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới, đa số các giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt. Một khó khăn nữa nằm ở việc cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính nói riêng và tài chính toàn diện nói chung còn thiếu… Bên cạnh đó, việc chưa có được một khung khổ pháp luật đảm bảo sự cam kết theo đuổi và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam, đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân cũng là thách thức đang phải đối diện.

Theo ThS Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam), tại Việt Nam, với hơn 1/3 số người trưởng thành, chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn, đô thị, có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi đó, với hơn 70% dân số tập trung tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 72% lực lượng lao động nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại là rất hạn chế. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng tương đối cao so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (chiếm khoảng 28%) nhưng chủ yếu do hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm nhiệm; các quỹ tín dụng nhân dân, một số ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần khác vẫn còn e ngại đối với hoạt động này. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đạt đến 25%.

Bên cạnh những khó khăn, thị trường tài chính toàn diện ở Việt Nam bước đầu cũng có những điểm sáng. Đáng chú ý là sự thừa nhận xu hướng phát triển các công ty Fintech tại thị trường Việt Nam. Đi cùng với đó là sự lớn mạnh và lan truyền của công nghệ mới như Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain... Công nghệ đã giúp rút ngắn khoảng cách khi đưa dịch vụ tài chính tới khách hàng nhanh hơn, thuận tiện và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã quan tâm nhiều hơn tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho những thành phần kinh tế trước nay vốn không phải là đối tượng chú trọng của các ngân hàng. Các nhà băng cũng ngày càng chú trọng hơn trong việc cung cấp các giải pháp thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua việc xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ cho DN, đặc biệt là gói giải pháp tài chính toàn diện. Phần lớn các ngân hàng thương mại đã cung ứng dịch vụ thanh toán dịch vụ công qua kênh internet banking và mobile banking. Các dịch vụ như: thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm, thu học phí... qua ngân hàng ngày càng trở nên phổ cập…

Sớm hoàn thiện, ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện

Thúc đẩy tài chính toàn diện được xem là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới. Dù còn khiêm tốn, nhưng thời gian qua đã và đang ghi nhận những nỗ lực từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ/ngành có liên quan. Để nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện, nhiều nhà khoa học cho rằng, Chính phủ nên có chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử và xác định vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia đối với phát triển thị trường; ban hành quy định các chính sách an ninh bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính số để giảm thiểu rủi ro thất thoát tài sản và dữ liệu; có chính sách đầu tư vốn, công nghệ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, xây dựng hệ thống pháp lý quy định số hóa dữ liệu, cập nhật và cung cấp thông tin cho trung tâm dữ liệu. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.

Với vai trò đầu mối, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tăng cường tham gia vào các chương trình, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện, đẩy mạnh hợp tác về tài chính toàn diện trong khuôn khổ APEC, ASEAN và với các đối tác phát triển như WB, ADB… nhằm huy động và tận dụng nguồn lực kỹ thuật và tài chính để triển khai tài chính toàn diện thành công tại Việt Nam. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng tiếp cận và áp dụng các công nghệ tài chính số, như các ứng dụng di động, dịch vụ ngân hàng trực tuyến; chủ động đầu tư vốn, nâng cấp hạ tầng công nghệ của ngân hàng tương thích với nền tảng tài chính số; đồng thời có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp; nghiên cứu hợp tác với các tổ chức tài chính, phi tài chính xây dựng hệ thống ngân hàng đại lý nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Bên cạnh đó, cần cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ tài chính tới các đối tượng có nhu cầu với chi phí, phương tiện, thủ tục hợp lý nhất. Đặc biệt là việc mở rộng khả năng tiếp cận cho các tầng lớp có thu nhập thấp nhằm tạo cơ hội đồng đều và xóa đói, giảm nghèo, hạn chế bất bình đẳng trong nền kinh tế; các thước đo thể hiện ở tiếp cận dịch vụ tài chính, sử dụng dịch vụ tài chính và chất lượng của các dịch vụ tài chính; tham gia vào quá trình này bao gồm các yếu tố đó là đối tượng cung sản phẩm, cấp dịch vụ tài chính; đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính; các phương tiện hỗ trợ và ứng dụng công nghệ thông tin; môi trường pháp lý các cấp./.

ND


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)