Thứ hai, 01/03/2021 10:19

Đại học Quốc gia Hà Nội hướng đến là động lực cho quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) hiện đang lấy ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài đơn vị về Chiến lược khoa học và công nghệ (KH&CN) của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030. Theo dự thảo để lấy ý kiến, ĐHQGHN xác định: phát triển KH&CN góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội VI của Đảng bộ ĐHQGHN đề ra về KH&CN giai đoạn 2021-2030; góp phần tăng cường vị thế và vị trí xếp hạng của ĐHQGHN trong nước và quốc tế; tạo nền tảng cho quá trình tự chủ đại học; góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia, hướng tới là “think tank” (tổ chức tư vấn chính sách cao cấp) trụ cột của đất nước và động lực cho quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.


 

Một số mục tiêu cụ thể

Theo dự thảo Chiến lược KH&CN của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030 thì đến năm 2030, ĐHQGHN có từ 10 đến 15 tiểu hệ sinh thái ĐMST gắn với các lĩnh vực KH&CN chuyên sâu mà ĐHQGHN có thế mạnh có sự tham gia của các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, các viện thành viên; xây dựng và phát triển từ 02 cho đến 03 chương trình KH&CN cấp quốc gia về chuyển đổi số, an ninh phi truyền thống, nông nghiệp kỹ thuật số; phát triển thành công từ 03 cho đến 05 sản phẩm tiêu biểu mang tính đột phá ứng dụng trong một số lĩnh vực như: Robot, nền tảng quản trị thông minh, hệ thống y tế thông minh, vật liệu thông minh, công nghệ chế tạo thuốc điều trị hướng đích, hệ thống giám sát tự động, công nghệ y sinh học phân tử trong chuẩn đoán bệnh, công nghệ tế bào gốc trong y dược và thẩm mỹ, tư vấn chính sách cho Đảng và Chính phủ…

Chiến lược cũng xác định một chỉ tiêu phát triển KH&CN cụ thể giai đoạn 2021 - 2030: trung bình số bài công bố quốc tế (bài báo, sách chuyên khảo, chương sách,…) trên cơ sở dữ liệu ISI và Scopus trong tổng số cán bộ khoa học/năm là 1,5 (năm 2021: 1.400 bài; 2022: 1.800 bài; 2023: 2.200 bài; 2024: 2.600 bài; 2025: 3000 bài); tỷ lệ công bố khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus thuộc nhóm Ql, Q2 trên tổng số công bố thuộc Scopus là 50%; tỷ lệ nguồn thu ngoài ngân sách cấp của đơn vị/tổng các nguồn thu dành cho hoạt động KH&CN là 100% (nếu ngân sách Nhà nước cấp 200 tỷ thì phải thu về 200 tỷ); kinh phí thu từ các hoạt động tư vấn, dịch vụ, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KH&CN của đơn vị/tổng sổ cán bộ khoa học là 30 triệu đồng/năm; số đơn đăng ký giải pháp hữu ích, sáng chế được chấp nhận hợp lệ/năm là 250 và số bằng độc quyền sở hữu trí tuệ là 100; số doanh nghiệp khởi nghiệp mở mới/năm của đơn vị, cán bộ khoa học, sinh viên và cựu sinh viên là 25 (năm 2025) và 50 (năm 2030)...

Các nhiệm vụ trọng tâm

Đổi mới đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN: tái cấu trúc tổ chức hoạt động KH&CN theo 4 bước nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu thử nghiệm và thương mại hóa theo mô hình SRIC: nghiên cứu cơ bản (Study)/nghiên cứu triển khai (Research)/nghiên cứu sản xuất thử nghiệm (Incubator)/nghiên cứu thương mại hoá (Commercialize). Khuyến khích thành lập các tổ chức KH&CN trong các trường đại học có gắn với các doanh nghiệp. Quy hoạch lại hệ thống tổ chức KH&CN gắn với việc dịch chuyển các phòng thí nghiệm trọng điểm, các viện nghiên cứu lên khu Hòa Lạc, trở thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu quốc gia trong hệ sinh thái ĐMST của TP Hà Nội và của quốc gia tại Hòa Lạc.Thực hiện đổi mới cơ chế KH&CN gắn với: (i) nhu cầu thị trường; (ii) chỉ tiêu sản phẩm đầu ra của các đơn vị. Thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với nghiên cứu cơ bản theo tinh thần Thông tư 27 năm 2015 Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước. Đổi mới phương thức tổ chức hoạt động KH&CN có ứng dụng công nghệ số theo hướng tinh giản; tăng cường năng lực điều phối liên ngành, liên đơn vị, bảo đảm phân công, phân cấp; giảm bớt chức năng tác nghiệp cụ thể. Đổi mới phương thức trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN theo hướng tạo động lực và lợi ích thiết thực, bảo đảm lợi ích chính đáng của các nhà khoa học có ý tưởng, có sản phẩm và có những phát minh, sáng chế được ứng dụng. Phân bổ kinh phí theo sản phẩm đầu ra, không phân biệt tổ chức KH&CN.

Phát triển các hệ sinh thái ĐMST: phát triển các hệ sinh thái gồm 4 nhân tố tạo nên một quan hệ theo mô hình tam giác đều, trong đó tổ chức KH&CN là trung tâm của tam giác (hệ sinh thái). Mỗi đỉnh của tam giác là một cấu phần: nhà đầu tư (cơ chế, kinh phí) - đơn vị đào tạo - doanh nghiệp. Tổ chức KH&CN là nơi sáng tạo tri thức, công nghệ dạng tài sản trí tuệ. Doanh nghiệp là nơi thực hiện tạo sản phẩm và thương mại hoá sản phẩm trên cơ sở có sự tương tác với 3 hợp phần nêu trên. Từ đó, ĐHQGHN có thể phát triển sản phẩm KH&CN có tính ứng dụng, chuyển giao, thương mại hoá, dẫn đến hình thành tài sản chung và sản phẩm của Hệ sinh thái ĐMST không chỉ là sản phẩm KH&CN mới mà còn là tổ chức KH&CN mới trong đó có các doanh nghiệp KH&CN theo các mô hình: 1) Doanh nghiệp spin - off: các nhà khoa học hoặc các tổ chức KH&CN sử dụng nguồn lực của ĐHQGHN kết hợp với doanh nghiệp để hình thành doanh nghiệp mới để tổ chức sản xuất kinh doanh có sự sở hữu vốn chung; 2) Doanh nghiệp startup: các nhà khoa học có các sản phẩm công nghệ có thể đăng ký tổ chức sản xuất kinh doanh; 3) Vườn ươm doanh nghiệp và sản xuất thử nghiệm.

Tăng cường tiềm lực KH&CN: tăng cường tiềm lực KH&CN cả về con người, hạ tầng, hợp tác…
Phát triển đồng bộ hoạt động KH&CN theo mô hình SRIC gắn với mô hình đào tạo CDIO: thúc đẩy phát triển công bố quốc tế và các báo cáo chính sách đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; thúc đẩy công bố quốc tế đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên đi cùng với hoạt động đào tạo sau đại học. Thúc đẩy triển khai các hoạt động nghiên cứu theo đặt hàng gắn với các chương trình nghiên cứu triển khai của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp; thúc đẩy triển khai nghiên cứu với các tổ chức KH&CN quốc tế. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong việc nghiên cứu chế tạo thử nghiệm các sản phẩm đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và thị trường. Nghiên cứu gắn với ĐMST và khởi nghiệp đi cùng với tự chủ.

Xây dựng và phát triển các chương trình KH&CN lớn, đó là: Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vừng vùng Tây Bắc giai đoạn 2; Nhiệm vụ Quốc Chí; Chương trình dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông; Dự án Trung tâm Tư liệu Việt Nam học; Chương trình tìm kiếm và triển khai ứng dụng công nghệ trong nền sản xuất số; Chương trình nông nghiệp kỹ thuật số; Chương trình KH&CN an ninh phi truyền thống…

Phát triển dịch vụ KH&CN: phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm gắn với các tiêu chuẩn: Vlab (Bộ KH&CN), Vincert (Bộ Tài nguyên và Môi trường), GMP (Bộ Y tế)... Phát triển dịch vụ phân tích của các hệ thống trang thiết bị đầu tư tại các phòng thí nghiệm. Phát triển dịch vụ chuyển giao tài sản sở hữu tuệ: TLO, TTO…

Phát triển sản phẩm KH&CN tiêu biểu: trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh các nhà khoa học và các tổ chức KH&CN trong ĐHQGHN (nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, công ty KH&CN) tổ chức phát triển các sản phẩm tiêu biểu của ĐHQGHN.

Từ những mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm, dự thảo Chiến lược KH&CN của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030 đã đề ra các giải pháp về chính sách, nhân lực, tài chính, hợp tác, cơ sở hạ tầng, truyền thông…

Thùy Dương

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)