Thứ sáu, 26/02/2021 10:54

Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong xây dựng Chính phủ điện tử

Nguyễn Tuấn Anh

Bộ Thông tin và Truyền thông

Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2020 với chủ đề “Chính phủ số trong thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững”. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và luôn tăng thứ hạng so với những lần công bố gần đây. Điều đặc biệt, trong báo cáo này, Liên hợp quốc đã đưa ra thông điệp: Chính phủ số là xu hướng tất yếu. Vậy chúng ta cần lưu ý điều gì khi hướng đến xây dựng và phát triển Chính phủ số?

Chỉ số đánh giá

Báo cáo xếp hạng EGDI là ấn phẩm chính thức của Liên hợp quốc, được thực hiện bởi Cơ quan về các vấn đề kinh tế và xã hội. Báo cáo được công bố lần đầu năm 2001, định kỳ 2 năm một lần. Chủ đề qua 11 lần công bố như sau: 2020 - Chính phủ số trong một thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững; 2018 - Chính phủ điện tử hỗ trợ chuyển đổi xã hội bền vững, phục hồi nhanh; 2016 - Chính phủ điện tử vì sự phát triển bền vững; 2014 - Chính phủ điện tử vì tương lai của chúng ta; 2012 - Chính phủ điện tử vì con người; 2010 - Chính phủ điện tử trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế tài chính; 2008 - Từ Chính phủ điện tử đến việc liên thông quản lý; 2005 - Từ Chính phủ điện tử đến sự tham gia của mọi người; 2004 - Chính phủ điện tử mang đến cơ hội cho mọi người; 2003 - Chính phủ điện tử ở ngã ba đường; 2001 - Chính phủ điện tử: Một cái nhìn toàn cầu. Năm 2020 được coi là năm khởi đầu của thập kỷ, trong đó, Chính phủ số được xác định là giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hoá mục tiêu phát triển bền vững đặt ra đến năm 2030.

Báo cáo xếp hạng 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở đánh giá chỉ số phát triển, được cấu thành bởi 3 chỉ số chính, có trọng số như nhau: Chỉ số Hạ tầng viễn thông, Chỉ số Nhân lực và Chỉ số Dịch vụ trực tuyến. Mỗi chỉ số có giá trị từ 0 (tối thiểu) đến 1 (tối đa). Chỉ số tổng hợp là trung bình cộng của các chỉ số thành phần. Cụ thể: Chỉ số Hạ tầng viễn thông dựa trên dữ liệu cung cấp bởi Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU); Chỉ số Nguồn nhân lực dựa trên dữ liệu cung cấp bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO); Chỉ số Dịch vụ trực tuyến được tính toán dựa trên dữ liệu thu thập thông qua phiếu khảo sát gửi tới các quốc gia thành viên và phiếu khảo sát ý kiến chuyên gia được thực hiện độc lập. Báo cáo phân loại mức độ phát triển thành 4 nhóm: Rất cao (Chỉ số tổng hợp lớn hơn 0,75), Cao (Chỉ số tổng hợp từ 0,5 đến 0,75), Trung bình (Chỉ số tổng hợp từ 0,25 đến 0,5), Thấp (Chỉ số tổng hợp nhỏ hơn 0,25).

Bên cạnh đó, Báo cáo còn khảo sát và đánh giá thêm 3 chỉ số phụ khác, nhưng không tính vào kết quả chung, gồm Chỉ số Tham gia điện tử, Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của địa phương (lần đầu tiên thực hiện năm 2018 với 40 thành phố, năm 2020 mở rộng thực hiện với 100 thành phố) và Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ (lần đầu tiên thực hiện).

Xếp hạng năm 2020

Việt Nam tăng 2 bậc về chỉ số EGDI, xếp hạng 86/193 quốc gia trên thế giới, 24/47 châu Á và 6/11 ở Đông Nam Á. Về giá trị, chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2020 đạt 0,6667 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,5988), của khu vực châu Á (0,6373), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6321). Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).

Kết quả xếp hạng của Việt Nam trong 3 chỉ số phụ như sau: Chỉ số tham gia điện tử, Việt Nam tăng 2 bậc (xếp hạng 70/193 toàn cầu, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á), thuộc nhóm quốc gia ở mức Cao; Chỉ số dịch vụ trực tuyến của địa phương, TP Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất của Việt Nam trong danh sách (xếp thứ 42/100), thuộc nhóm quốc gia ở mức Trung bình; Chỉ số dữ liệu mở, Việt Nam xếp hạng 97/193 toàn cầu, 26/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á, thuộc nhóm quốc gia ở mức Trung bình. Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá cao ở những nỗ lực của ngành Thuế khi thực hiện kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử.

Việt Nam đã luôn duy trì được việc tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay, từ vị trí 99 lên vị trí 86 (2020 xếp hạng 86, năm 2018 xếp hạng 88, năm 2016 xếp hạng 89, năm 2014 xếp hạng 99). Tuy nhiên, thứ hạng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa thay đổi. Đáng lưu ý là khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia đang xếp sau trong khu vực như Indonesia, Campuchia bị thu hẹp đáng kể. Nhiều quốc gia có sự tăng hạng mạnh (Indonesia tăng 19 bậc, Thái Lan tăng 16 bậc, Myanmar tăng 11 bậc). Cả 5 quốc gia xếp trên Việt Nam là: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philipines và quốc gia xếp ngay sau Việt Nam là Indonesia đều đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số.

Chỉ số dịch vụ trực tuyến của Việt Nam bị tụt hạng, điểm tuyệt đối giảm từ 0,7361 năm 2018 xuống 0,6529 năm 2020, xếp hạng giảm từ thứ 59 năm 2018 xuống thứ 81 năm 2020 vì những lý do sau: i) Cách thức khảo sát, đánh giá chỉ số này của Liên hợp quốc thay đổi so với năm 2018, trên bình diện tổng thể, chỉ số này trung bình của cả thế giới năm 2020 cũng giảm so với năm 2018; ii) Mốc chốt thời gian lấy số liệu đến tháng 9/2019, nên nhiều nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2020 chưa được ghi nhận trong kết quả xếp hạng lần này.
Ở góc độ châu lục, châu Âu dẫn đầu về chỉ số EGDI, tiếp theo lần lượt là châu Á, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi. Ở góc độ quốc gia, có 57 quốc gia (29,5%) ở mức Rất cao, 69 quốc gia (35,8%) ở mức Cao, 59 quốc gia ở mức Trung bình (30,6%) và 8 (4,1%) quốc gia ở mức Thấp. Trong nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới có 6 quốc gia châu Âu, 2 quốc gia châu Đại Dương, 1 quốc gia châu Mỹ và 1 quốc gia châu Á. Đan Mạch duy trì vị trí dẫn đầu thế giới với tất cả các chỉ số đều ở ngưỡng gần tối đa; Hàn Quốc đứng thứ 2 thế giới và có Chỉ số dịch vụ trực tuyến cao nhất thế giới, đạt giá trị tối đa; Singapore tụt hạng từ thứ 7 năm 2018 xuống thứ 11 năm 2020, Estonia tăng hạng từ thứ 16 năm 2018 lên thứ 3 năm 2020. Nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới có 6 điểm chung đáng chú ý như sau: có chiến lược phát triển Chính phủ số/Chính phủ điện tử; có quy định về dữ liệu mở của Chính phủ và có cổng dữ liệu quốc gia; có quy định về định danh và xác thực số; có bộ đo các chỉ số phát triển; có cổng dịch vụ công quốc gia; có sáng kiến, tham gia dẫn dắt phát triển trong khu vực và quốc tế.

Chính phủ số - xu hướng tất yếu

Chính phủ số - xu hướng tất yếu.

Năm 2020, lần đầu tiên thuật ngữ Chính phủ số được Liên hợp quốc sử dụng làm chủ đề của Báo cáo. Chính phủ số không phải là một khái niệm thay thế Chính phủ điện tử, cũng không phải là một khái niệm tách rời không liên quan đến Chính phủ điện tử mà Chính phủ số bao hàm Chính phủ điện tử, nhưng thể hiện một sự thay đổi về mặt nhận thức, mức độ trưởng thành lớn hơn, phát triển cao hơn so với Chính phủ điện tử. Liên hợp quốc xác định:

Thứ nhất, Chính phủ số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thập kỷ hành động tới đây hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ số mang đến cho mọi người các dịch vụ công bằng, toàn diện và bền vững, mọi nơi, mọi lúc, không ai bị bỏ lại phía sau, là thành phần cốt yếu cho sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia.

Thứ hai, COVID-19 đã minh chứng cho điều này, ngay trong các hoàn cảnh khó khăn của các xã hội, các dịch vụ số được cung cấp một cách nhanh chóng, hiệu quả, giúp duy trì sự lãnh đạo của chính phủ, tạo sự gắn kết xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế. Vai trò của Chính phủ số sẽ được tiếp tục sau dịch bệnh. Con đường phía trước là “trạng thái bình thường số mới” thích ứng với các thách thức toàn cầu và theo đuổi sự phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, để phát triển Chính phủ số chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật lên 4 vấn đề là: Hạ tầng số không đáp ứng; Thiếu nguồn lực, năng lực triển khai; Bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn an ninh mạng; Khoảng cách số giữa các nhóm xã hội ngày càng rộng. Chính vì vậy, khi phát triển Chính phủ số, cần lưu ý 9 trụ cột quan trọng sau:

Một là, tầm nhìn, lãnh đạo, tư duy đổi mới: nâng cao khả năng lãnh đạo chuyển đổi số, thay đổi tư duy, năng lực chuyển đổi số đến từng cá nhân; có chiến lược phát triển Chính phủ số gắn liền với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai là, khung pháp lý, thể chế: phát triển môi trường pháp lý gồm cả khung pháp lý đầy đủ cho Chính phủ số và khung pháp lý thử nghiệm chính sách.

Ba là, tổ chức và văn hoá: chuyển đổi mô hình tổ chức, thiết lập sứ mệnh, hình thành văn hoá, bổ sung chức năng, nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Bốn là, tư duy hệ thống: thúc đẩy tư duy hệ thống và phát triển cách tiếp cận tổng thể trong quá trình hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ.

Năm là, quản trị dữ liệu: bảo đảm quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phát triển kinh tế - xã hội.

Sáu là, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông: xây dựng hạ tầng kết nối băng rộng, sử dụng công nghệ tiên tiến; bảo đảm kết nối, liên thông, an toàn an ninh mạng.

Bảy là, các nguồn lực: huy động các nguồn lực phù hợp với các kế hoạch, mức độ ưu tiên, bao gồm cả hình thức đối tác công tư để phát triển Chính phủ số.

Tám là, năng lực của các tổ chức đào tạo: nâng cao năng lực của các tổ chức đào tạo hành chính công để bảo đảm phát triển nhân lực cho Chính phủ số.

Chín là, năng lực xã hội: phát triển kỹ năng số cho người dân để không ai bị bỏ lại phía sau, giảm khoảng cách số.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)