Chủ động ứng phó trong tình hình mới
Các quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Á đã có những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng bền vững và giảm nghèo. Nhưng khi tăng năng suất có dấu hiệu chững lại, thương mại toàn cầu gặp nhiều bất ổn, và công nghệ tiến bộ nhanh chóng, để duy trì tăng trưởng kinh tế các quốc gia cần phải chuyển đổi sang những hình thức sản xuất mới và tốt hơn.
Để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách giải quyết thách thức này, Ngân hàng Thế giới đã có nhiều hoạt động nhằm xem xét tình hình ứng dụng đổi mới trong khu vực, phân tích những hạn chế chính mà các doanh nghiệp gặp phải và đưa ra chương trình hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.
Có rất nhiều các bằng chứng thể hiện mối liên kết giữa đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất. Đây là nhận định của bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới. Bà Kwakwa cho rằng, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đã tạo động lực để các chính phủ trong khu vực hành động khẩn trương để thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo bằng cách đưa ra các chính sách tốt hơn.
Điển hình trong đó phải kể đến quốc gia có hoạt động đổi mới sáng tạo nổi bật là Trung Quốc.
Tại quốc gia này, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được hỗ trợ bằng cách thiết lập mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ quốc gia và mạng lưới các khu trình diễn ý tưởng đổi mới sáng tạo. Chính phủ Trung Quốc coi công tác phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo cấp quốc gia là cơ chế quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp kinh doanh rộng khắp. Theo đó, trong kế hoạch“Made in China 2025”, Chính phủ dự kiến sẽ thiết lập mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo cấp quốc gia (mục tiêu là thiết lập 40 trung tâm vào năm 2025). Mỗi trung tâm này sẽ tập trung vào một ngành hoặc một lĩnh vực, đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển đa ngành, đa lĩnh vực giữa các công ty, đơn vị học thuật và chính quyền, ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 - những công nghệ có khả năng đảm bảo duy trì vị trí quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Mạng lưới này sẽ giúp cải thiện năng lực và hiệu quả đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo ra các bước đột phá nhảy vọt, ươm mầm nhân tài lãnh đạo toàn cầu trong một số lĩnh vực công nghệ, cũng như gia tăng số lượng nghiên cứu có khả năng được thương mại hoá thành công ở Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc đã thành lập được 9 trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, 48 trung tâm đổi mới sáng tạo cấp tỉnh chủ yếu tập trung vào các công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, vi mạch... Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn thành lập khu trình diễn các sáng kiến ĐMST độc lập quốc gia để thực hiện các chương trình thí điểm, thu thập kinh nghiệm và trình diễn hoạt động sáng tạo độc lập và phát triển ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao… từ đó, giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, cải thiện hiệu quả các chính sách đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo độc lập trong nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố cản trở quá trình đổi mới trong khu vực, bao gồm thông tin không đầy đủ về công nghệ mới, sự không chắc chắn về lợi nhuận cho các dự án đổi mới, khả năng của các công ty còn yếu, trình độ nhân viên chưa cao và hạn chế lựa chọn các phương án tài chính. Ngoài ra, các chính sách và thể chế đổi mới hiện hành không phù hợp với khả năng và nhu cầu của doanh nghiệp…
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo - Chìa khóa để phát triển bền vững
Để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, các chuyên gia cho rằng các nước cần định hướng lại chính sách để thúc đẩy sự “khuếch tán” của các công nghệ hiện có, không chỉ riêng sáng chế; hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực dịch vụ, không chỉ riêng ngành sản xuất; và nâng cao khả năng sáng tạo của doanh nghiệp. Thực hiện các chính sách đổi mới sáng tạo ở phạm vi bao quát hơn sẽ rất quan trọng để tăng năng suất cho một số lượng lớn các công ty trong khu vực.
Việc các chính phủ trong khu vực hỗ trợ đổi mới trong ngành dịch vụ là rất quan trọng, vì vai trò ngày càng lớn của nó trong các nền kinh tế - không đơn thuần chỉ giúp tăng chất lượng trong ngành dịch vụ mà còn là đầu vào chính của các ngành chế tạo sản xuất, ông Andrew Mason - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho hay. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần tăng cường các yếu tố bổ trợ cho đổi mới sáng tạo, bao gồm kỹ năng của người lao động và các công cụ tài chính để tài trợ cho các dự án đổi mới. Xây dựng mối liên kết mạnh hơn giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp cũng sẽ là nhiệm vụ cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Bà Alexis Bonell, Giám đốc Đổi mới sáng tạo của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn có bước phát triển ổn định, thậm chí là vượt bậc để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á, việc phối kết hợp cùng nhau giữa các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, các chủ thể khu vực tư nhân và các cơ quan khác trở nên vô cùng thiết yếu, giúp tối đa hóa các tác động tích cực của các tiến bộ công nghệ. Đặc biệt, Việt Nam đã thiết lập được cơ sở pháp lý cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hợp lý hoá và điều chỉnh hệ thống đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung hơn vào các doanh nghiệp để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.