Thứ ba, 02/03/2021 09:47

Đối sách của Việt Nam trước Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ: tiếp cận theo biến đổi mới của tình hình

Trên cơ sở nhận diện và dự báo xu hướng phát triển của tình hình khu vực và chiều hướng điều chỉnh chiến lược, chính sách của Hoa Kỳ đối với châu Á - Thái Bình Dương, đề xuất phương châm, nguyên tắc và đối sách của Việt Nam về trung và dài hạn toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa và xã hội tầm nhìn năm 2030 một cách hiệu quả và khả thi. Đây là những kết quả nổi mà đề tài cấp nhà nước mã số: KX.01.31/16-20: Đối sách của Việt Nam trước Chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Hoa kỳ: tiếp cận theo biến đổi mới của tình hình do Viện Khoa học Quân sự chủ trì thực hiện.

Định hướng chiến lược trong tăng cường an ninh quốc gia Mỹ

Trong 4năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm quyền, chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có sự điều chỉnh theo hướng cứng rắn, trực diện hơn; đồng thời, mang tính hợp tác, liên kết rõ nét hơn nhằm mục tiêu bất biến là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Trong đó, một trong những biểu hiện căn bản là chính sách của Mỹ đối với các đồng minh “trụ cột” tại đây.

Đến nay, chiến lược này thể hiện rõ cách thức mà chính quyền của Tổng thống D. Trump đã lựa chọn khi đặt “Nước Mỹ trên hết”, nhất là trong việc bảo đảm an ninh quốc gia. Chiến lược xác định Mỹ trở lại cạnh tranh chiến lược dài hạn, mục tiêu được xác định nhằm đối diện với các thách thức an ninh, bảo vệ lãnh thổ Mỹ, duy trì sức mạnh quân sự, bảo đảm cán cân sức mạnh ở những khu vực then chốt, thúc đẩy một trật tự quốc tế có lợi nhất cho an ninh và sự phồn thịnh của Mỹ. Trong các mục tiêu đó, Mỹ chú trọng duy trì ưu thế quân sự, cán cân sức mạnh có lợi cho Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thứ nhất, hiện đại hóa và tái bố trí quân đội Mỹ, tăng cường tính linh hoạt, tính sẵn sàng của lực lượng quân sự liên minh. Theo đó, phối hợp với các nước đồng minh trong việc thiết lập triển khai lực lượng quân sự tiền đồn của Mỹ ở khu vực không chỉ về số lượng mà còn cả về chất lượng nhằm tăng cường sức mạnh răn đe và nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với “đối thủ mạnh”.

Thứ hai, tăng cường và mở rộng quan hệ đồng minh an ninh trong khu vực. Mỹ nhận thức tầm quan trọng của việc mở rộng năng lực hành động chung với các nước đồng minh trong bối cảnh Mỹ không thể duy trì ưu thế sức mạnh tuyệt đối. Một cấu trúc với các vòng tròn đồng tâm của hệ thống an ninh khu vực của Mỹ đã được triển khai, trong đó vòng trong cùng là các nước đồng minh song phương của Mỹ, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan là hệ thống “trục” truyền thống.

Thứ ba, thúc đẩy xây dựng một khu vực kết nối và tích hợp mạnh hơn. Các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực là nền tảng kết nối.

Như vậy, Mỹ xác định hệ thống liên minh khu vực là một trong những trụ cột quan trọng của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Báo cáo Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của đồng minh trong việc đáp trả các mối đe dọa và mở rộng lợi ích chung. Tháng 6/2019, Mỹ đã công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đánh dấu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương phiên bản mới. Theo đó, Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan về cả mặt chính trị lẫn an ninh - quân sự.

Một yếu tố quan trọng nữa đó là sự thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của Mỹ trong tương quan nước lớn tại khu vực. Những nước đồng minh này vẫn tỏ ra thận trọng trong việc đón nhận sự quan tâm của Mỹ. Sự thận trọng này bắt nguồn từ sự tin cậy thực sự vào vai trò, trách nhiệm của Mỹ, đặc biệt là vai trò và thực lực của Mỹ trong tương quan so sánh với Trung Quốc về mặt dài hạn. Hầu hết các quốc gia Đông Á, bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á đều thận trọng giữa sự hoan nghênh chính sách hướng trọng tâm về khu vực của Mỹ; đồng thời, cũng không muốn “mất lòng” Trung Quốc, nhất là trong quan hệ kinh tế, thương mại với quốc gia này.

Ngoài ra, sự phân cực trong khu vực tuy mới bắt đầu hình thành, nhưng ngày càng trở nên sâu sắc, phức tạp, chủ yếu xoay quanh trục Mỹ - Trung Quốc. Nhìn từ góc độ kinh tế, Trung Quốc đang dần thay thế Mỹ với tư cách là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhìn từ góc độ an ninh, Mỹ vẫn đóng vai trò chi phối, với mạng lưới đồng minh trải rộng khắp khu vực. Tuy nhiên, những bạn hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực lại chính là các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc. Vậy liệu Mỹ hay Trung Quốc sẽ là nước “dẫn dắt” khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.

Đối sách phù hợp của Việt Nam trong tiếp cận biến đổi

Trong những năm gần đây, môi trường cạnh tranh tại khu vực Châu Á đang có những biến đổi mạnh mẽ. Sự vươn dậy của Trung Quốc đang có những tác động to lớn tới cân bằng chính sách giữa các nước lớn trong khu vực. Sự gia tăng ảnh hưởng này của Trung Quốc đã và đang làm xói mòn vai trò của Mỹ tại khu vực Châu Á, và lâu dài, có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực và Trung Quốc sẽ tiến tới thống trị khu vực. Cạnh tranh chiến lược Mỹ- Trung đang trở thành tất yếu và quyết liệt.Với môi trường khu vực Châu Á thay đổi nhanh chóng này, Mỹ cần phải có một chiến lược mới nhằm bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực. Những chuyển động mới về chính sách của Mỹ với Châu Á thông qua chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương (TBD) cũng như gia tăng tính đối kháng trong quan hệ Mỹ - Trung đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho hợp tác và phát triển tại khu vực Châu Á, nhất là khu vực Đông Á và Ấn Độ Dương. Việt Nam là nước nằm tại trung tâm của chiến lược Ấn Độ - TBD, sẽ chịu tác động mạnh của chiến lược Ấn Độ - TBD của Mỹ cũng như những phản ứng của của Trung Quốc. Như vậy, việc nghiên cứu chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, phản ứng của Trung Quốc cũng như của các nước đối với chiến lược này, cũng như đánh giá những tác động tới môi trường an ninh và hợp tác phát triển của Việt Nam là một vấn đề cần thiết phải được triển khai nghiên cứu, qua đó đưa ra các kiến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm duy trì môi trường phát triển ổn định cũng như bảo đảm an ninh và chủ quyền quốc gia.

Với những kết quả đã đạt được, đề tài Đối sách của Việt Nam trước Chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Hoa kỳ: tiếp cận theo biến đổi mới của tình hình đã góp phần quan trọng cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược đối nội, đối ngoại, đưa ra các tư vấn chính sách về quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước, các tổ chức, cơ chế hợp tác đa phương quan trọng trong khu vực và trên thế giới; đề xuất những kiến nghị nhằm triển khai đối sách một cách chủ động, tích cực và hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam cần: (i) tạo ra sự thống nhất về nhận thức và quan điểm, giữ vững ổn định nội bộ; (ii) Giữ vững chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, kiên trì thực hiện “bốn không”, không theo phương cách đứng về một phía chống phía khác; (iii) Tôn trọng và tính đến vị trí nước lớn của Hoa Kỳ, tạo lợi ích đan xen với Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề trong quan hệ; (iv) Chủ động trong thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Hoa Kỳ trong những vấn đề hay nội dung không trái với lợi ích quốc gia-dân tộc cũng như không làm ảnh hưởng đến quan hệ với nước khác; (v) Dựa trên nền tảng ngoại giao đa phương, lấy ASEAN làm trung tâm và dựa vào nền tảng thống nhất của ASEAN trong triển khai quan hệ với Hoa Kỳ trên phương diện kinh tế, an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, đề tài đưa ra một số nội dung và lộ trình triển khai đối sách với Hoa Kỳ trong giai đoạn 5-10 năm tới, đặc biệt đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế và công tác đối ngoại của đất nước những năm tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Kết quả của đề tài được chuyển giao cho các cơ quan nghiên cứu về chính sách đối ngoại nói chung và về đối ngoại quốc phòng nói riêng như Học viện Ngoại giao, Cục Đối Ngoại - Bộ Quốc phòng, Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế về quốc phòng.

Bên cạnh đó, thông qua quá trình phối hợp nghiên cứu và giao lưu học thuật tại các buổi hội thảo, tạo đàm trong nươc, đề tài đã chia sẻ các vấn đề về lý luận và thực tiễn với các đơn vị khác giảng dạy quan hệ quốc tế và chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở Việt Nam, làm phong phú công tác thông tin tuyên truyền quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo đồng thuận xã hội cho việc triển khai các mặt công tác này.

Pv

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)