Thứ hai, 15/03/2021 15:43

Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 12/3/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Ngân hàng thế giới tại (WB) Việt Nam công bố Báo cáo Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020”. Đây là sản phẩm của kết quả hợp tác giữa VCCI và WB trong năm 2020 với sự hỗ trợ từ Chính phủ Úc nhằm nhận diện tác động của đại dịch COVID-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm hiểu khả năng ứng phó của doanh nghiệp với đại dịch cũng như đánh giá của các doanh nghiệp đối với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tác động của đại dịch COVID-19 đến doanh nghiệp

Đại dịch COVID-19 nhìn chung có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp tại Việt Nam, với 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ, nhỏ hoặc các doanh nghiệp tại vùng Duyên hải miền Trung. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực cao bởi COVID-19 là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%) và sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%).
Đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận khách hàng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sử dụng nhân công, người lao động, bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch COVID-19... Nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, dừng hoạt động do tình hình dịch, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột. Một số doanh nghiệp cho biết đã phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện.

Do những tác động của dịch COVID-19, có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36% và doanh nghiệp FDI là 34%. Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những doanh nghiệp quy mô lớn.

Ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết: “Mặc dù đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ khả năng phục hồi cao sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội toàn quốc vào cuối tháng 4 năm 2020. Họ đã điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình, đặc biệt là bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu của khách hàng địa phương và củng cố vị thế của họ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để duy trì sự chuyển đổi này, sẽ cần sự hỗ trợ thông minh và hiệu quả từ Chính phủ trong cả ngắn hạn và dài hạn”.

Ứng phó của doanh nghiệp đối với đại dịch

Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó đối với dịch COVID-19. Biện pháp mà nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn cả là cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động, với 57% doanh nghiệp tư nhân và 71% doanh nghiệp FDI. Kế đến là việc doanh nghiệp chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn (37% doanh nghiệp tư nhân và 40% doanh nghiệp FDI). Dự trữ hàng hoá và nguyên vật liệu là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn tiếp theo (20% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI). Một số doanh nghiệp đã tìm kiếm các giải pháp mới/thay thế chuỗi cung ứng (16% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI). Khoảng 13% doanh nghiệp tư nhân và 15% doanh nghiệp FDI đã tiến hành hoạt động đào tạo kỹ năng số cho người lao động để triển khai phương pháp làm việc trực tuyến.

Kết quả khảo sát cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Phân theo khu vực kinh tế, doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa hoặc lớn có xu hướng đánh giá việc tiếp cận các chính sách thuận lợi hơn. Ba chính sách được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất về mức độ hữu ích bao gồm gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn nộp tiền thuê đất. Dù các doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận chính sách vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này. Kết quả cho thấy những doanh nghiệp nào dễ tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ hơn, thì có xu hướng đánh giá mức độ hữu ích của chính sách cao hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận định: “Các doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua một năm 2020 vô cùng khó khăn do tác động của dịch COVID-19 song đây cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2021 vẫn còn không ít khó khăn đối với các doanh nghiệp và chính quyền các cấp bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, cần xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch COVID-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này sẽ rất quan trọng bởi sẽ giúp doanh nghiệp tìm cơ hội trong bối cảnh mới và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn”.

Kiến nghị của doanh nghiệp

Cùng với việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ/ngành và chính quyền các địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin về các chính sách hỗ trợ, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, đơn giản hoá các tiêu chí, điều kiện tiếp cận cũng như đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đây sẽ là hỗ trợ quan trọng cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19.

WB Việt Nam
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)