Thứ ba, 23/03/2021 09:28

Tháo dỡ các rào cản về thể chế kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững

Theo nhóm nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Các rào cản về thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và giải pháp khắc phục”, mã số KX.01.03/16-20 thì rào cản về thể chế kinh tế hiện tại là một điểm nghẽn, một trở lực lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính vì vậy, việc tháo dỡ các rào cản về thể chế kinh tế, từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của nước nhà phát triển nhanh và bền vững đã trở thành một đòi hỏi hết sức cấp bách.

Trên cơ sở hệ thống hóa và làm rõ thêm những vấn đề lý luận về thể chế kinh tế và rào cản về thể chế kinh tế đã được các nhà khoa học ở trong và ngoài nước đề cập, cũng như xem xét kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực và thế giới về khắc phục các rào cản về thể chế kinh tế, đặc biệt là từ nghiên cứu quá trình chuyển đổi nền kinh tế, xây dựng và vận hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong hơn 30 năm vừa qua, đề tài KX.01.03/16-20 đã phân tích, đánh giá thực trạng các rào cản về thể chế kinh tế và ảnh hưởng của nó đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam từ sau năm 1986 đến nay và đưa ra các giải pháp đột phá để khắc phục các rào cản này.

Nhận thức đúng

Theo nhóm nghiên cứu của đề tài KX.01.03/16-20 muốn gỡ bỏ rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển thì cần có nhận thức đúng về nội dung và bản chất của rào cản thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, từ đó thấy được sự cần thiết phải tập trung khắc phục nó trong những năm sắp tới.
Nhóm nghiên cứu cho rằng: “Rào cản về thể chế kinh tế là những trở lực do hệ thống luật pháp, chính sách của Nhà nước (các quy tắc của cộng đồng), do việc tổ chức thực thi pháp luật, chính sách và việc tôn trọng các quyền của doanh nghiệp, tổ chức, người dân của bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế các cấp, ở một thời s kỳ nhất định”.

Còn bản chất của rào cản về thể chế kinh tế là sự kìm hãm đối với phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lẽ nó làm giảm, thậm chí triệt tiêu động lực phát triển của nền kinh tế, làm thui chột tính năng động, sáng tạo của người lao động, làm giảm niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, làm xấu hình ảnh của quốc gia đối với bạn bè quốc tế.

Nhận diện chính xác, khách quan các rào cản về thể chế kinh tế

Theo khuyến nghị của đề tài thì cần nhận diện chính xác, đúng, khách quan các rào cản về thể chế kinh tế và tác động của nó đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đây là cơ sở, căn cứ quan trọng để có được các giải pháp thực sự có cơ sở khoa học và có tính khả thi đối với việc khắc phục nó, nhằm tạo đà mới cho phát triển đất nước. Các rào cản lớn chủ yếu bao gồm:

Một là, rào cản do hệ thống chính sách và pháp luật của Nhà nước tạo ra. Trong đó, đáng lưu ý là: sự chồng chéo, mâu thuẫn, không ổn định và chưa phù hợp với thực tiễn, với thông lệ quốc tế của hệ thống phấp luật và chính sách.

Hai là, rào cản phát sinh từ bộ máy Nhà nước và cơ chế hoạt động của bộ máy Nhà nước. Trong đó, đáng lưu ý là: Bộ máy Nhà nước cồng kềnh, nhưng việc phân cấp, phân tầng, phân quyền giữa các cấp, các ngành chưa rõ ràng, minh bạch; thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; việc tổ chức thực thi pháp luật và chính sách yếu, hiệu lực, hiệu quả điều hành thấp; đội ngũ công chức đông, nhưng năng lực thi hành công vụ thấp; nạn tham nhũng, nhũng nhiễu còn nặng nề.

Ba là, rào cản sinh ra từ cơ chế hình thành và vận hành các loại thị trường và từng thị trường trong nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt là sự không đồng bộ, sự khập khiễng của các loại thị trường, nhất là thị trường đất đai - bất động sản, thị trường khoa học -công nghệ và thị trường lao động.

Bốn là, rào cản đối với các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó nổi lên là sự phân biệt đối xử, sự không công bằng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển, trong tiếp cận các luồng thông tin, trong xử lý các tranh chấp, các vi phạm…

Các rào cản về thể chế kinh tế nêu trên có tác động rất tiêu cực đối với sự vận hành của nền kinh tế, sự điều hành nền kinh tế của Nhà nước và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cụ thể là: i) Làm cho nền kinh tế vận hành không thông suốt, việc điều hành nền kinh tế của Nhà nước khó khăn, hiệu lực và hiệu quả thấp; ii) Làm nản lòng các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế; iii) Làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế (cả sản phẩm, ngành hàng, doanh nghiệp và quốc gia); iv) Làm lãng phí, thất thoát các nguồn lực phát triển; v) Làm tha hóa đội ngũ doanh nhân,những người kinh doanh và đội ngũ công chức; vi) Làm giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam với thế giới. Hậu quả chung của các rào cản này là các mục tiêu phát triển đất nước đề ra không đạt, Việt Nam vẫn tụt hậu xa so với các nước trong khu vực và thế giới.

Đổi mới phương thức xây dựng luật của Quốc hội và chính sách của Chính phủ là một trong những giải pháp mang tính đột phá.

Giải pháp đột phá

Để khắc phục các rào cản về thể chế kinh tế, tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội nước nhà phát triển nhanh, bền vững, đạt các mục tiêu đã đề ra, nhóm nghiên cứu cho rằng cần thực hiện một hệ thống các giải pháp đồng bộ, có cơ sở khoa học, có tính khả thi và được triển khai thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, triệt để. Trong đó, một số điểm có tính đột phá như: đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế - xã hội đất nước phù hợp với bối cảnh tình hình mới; đổi mới cấu trúc tổ chức bộ máy Nhà nước; gắn đổi mới thể chế kinh tế với đổi mới thể chế chính trị; đổi mới phương thức xây dựng luật của Quốc hội và chính sách của Chính phủ; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Bộ máy Chính quyền các cấp; xác định đúng mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; xác định đúng vai trò của các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế và có chính chính sách phù hợp đối với từng chủ thể.









 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)