Khó khăn chồng chất khó khăn
Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu từ cuối tháng 1/2020 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và Việt Nam cũng không là ngoại lệ, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.
Mặc dầu vậy, năm 2020 cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp để vượt lên hoàn cảnh khó khăn và chúng ta đã phát hiện ra rằng khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp cũng đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch. Doanh nghiệp phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cũng ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng … Các sáng kiến trong ứng phó với COVID-19 đã được các doanh nghiệp thực hiện. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai. Đó là những bài học và trải nghiệm vô giá từ COVID-19.
Có được những kết quả đó, ngoài sự chủ động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, có vai trò cổ vũ và yểm trợ quan trọng của Nhà nước. Để khắc phục hậu quả từ đại dịch COVID-19, nhiều chính sách đã được ban hành với các gói hỗ trợ lớn bao gồm: chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250.000 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180.000 tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đẩy mạnh các chương trình giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020... Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh, ông Hoàng Quang Phòng nhận định. Tuy nhiên, việc tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách này vẫn còn là một khó khăn lớn đối với đa phần các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Doanh nghiệp Việt cần hỗ trợ những gì để giữ nhịp tăng trưởng?
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), hiện nay 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 và bị ảnh hưởng ở hầu hết các ngành nghề. Các doanh nghiệp tại các tỉnh/thành phố khu vực duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh so với các vùng khác. Dịch bệnh khiến các doanh nghiệp gặp trở ngại nhất ở các vấn đề như tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn quản trị lao động. Đã có 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã từng cho lao động nghỉ việc do tình hình kinh doanh suy giảm. Khoảng 65% doanh nghiệp tư nhân có doanh thu năm 2020 bị giảm so với năm 2019, con số này ở doanh nghiệp FDI là 62% doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Hồng Thủy - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận. Hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên có dịch COVID-19, trong khi đó, hệ thống các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lại ra sau và có hiệu lực sau khi tỉnh Vĩnh Phúc hết dịch. Do vậy, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khó tiếp cận chính sách hơn các doanh nghiệp ở địa phương khác.
Kiến nghị tại đối thoại, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho rằng, bên cạnh các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn đã được ban hành thì hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc nhất liên quan đến Luật Đất đai. Nhiều dự án vướng mắc về giải quyết mặt bằng khiến các doanh nghiệp không thể triển khai. Các quy hoạch đất đai hiện nay đang mang tính chất quy hoạch chi tiết mà không phải quy hoạch tổng thể nên gây khó khăn cho doanh nghiệp muốn đầu tư công nghệ, dây chuyển sản xuất hiện đại vào dự án trong tương lai.
Đồng tình với những ý kiến đã nêu, bà Vũ Thị An - Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thuế C&A nêu quan điểm, hiện nay, không chỉ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn mà các doanh nghiệp lớn cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thuế và các loại thuế khác có liên quan. Theo bà An, các chính sách hỗ trợ về thuế cần kéo dài thời gian hơn và phù hợp với từng đối tượng. Cùng với đó, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ nâng cấp trình độ khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; giảm các văn bản, thủ tục hành chính... Bà An đề xuất, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện tại, Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyển công nghệ phục vụ sản xuất, đặc biệt trong vòng 5 năm tới các cơ quan có chức năng cần hạn chế thanh, kiểm tra doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thời gian tập trung kinh doanh, tái thiết sản xuất.
Xuân Diện - Ngọc Anh