Thứ tư, 07/04/2021 10:25

Tác động của COVID-19 đối với hộ gia đình ở Việt Nam

Để giám sát tác động kinh tế và xã hội đối với hộ gia đình trong đại dịch, Ngân hàng thế giới (WB) đã thiết kế và thực hiện Khảo sát thường xuyên qua điện thoại với các hộ gia đình Việt Nam về tác động của COVID-19. Số liệu giám sát thể hiện rõ hơn điều kiện sống của các hộ gia đình trong giai đoạn có nhiều biến động này, đồng thời tập trung vào tác động của đại dịch đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam. Tạp chí xin giới thiệu một số kết quả chính của cuộc khảo sát tác động của COVID-19 đối với hộ gia đình ở Việt Nam được WB công bố mới đây.

Vòng 3 Khảo sát đánh giá tác động của COVID-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam của WB được thực hiện vào tháng 9/2020, ngay sau đợt bùng phát tại Đà Nẵng. Vòng 4 được thực hiện trong những tuần đầu tiên của năm 2021, trước khi dịch ở Hải Dương bùng phát kéo theo lệnh giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tại một số địa phương trên cả nước. Do đó, thời điểm thu thập dữ liệu có ảnh hưởng đến kết quả về thông tin và thay đổi thu nhập trong tháng 1.

Thu nhập hộ gia đình

Thu nhập hộ gia đình tháng 1/2021 thấp hơn khoảng 11-22% so với mức thu nhập tháng 6/2020.

Gần một năm đã trôi qua kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và các tác động kinh tế vẫn ảnh hưởng không đồng đều lên các nhóm hộ gia đình. Hầu hết các hộ gia đình đang phục hồi thu nhập, nhưng mức độ phục hồi lại không đồng đều giữa các nhóm. Tỷ lệ phục hồi thu nhập thấp hơn đối với đối tượng là các hộ gia đình nằm ở cuối đường phân phối thu nhập trước thời điểm xảy ra COVID-19, phụ nữ và dân tộc thiểu số. Những kết quả này cho thấy, dù nền kinh tế và tình hình xã hội trong nước được duy trì tương đối ổn định, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn để đảm bảo phục hồi thu nhập công bằng cho các nhóm hộ khác nhau. Mức độ bất bình đẳng có thể lớn hơn. Về chỉ số thu nhập hộ gia đình, mức thu nhập hộ gia đình được tính là 100 vào tháng 6/2020 - thời điểm thực hiện vòng đầu tiên của Khảo sát đánh giá tác động của COVID-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam. Đến tháng 1/2021, thu nhập bình quân hộ gia đình được ước tính thấp hơn 11-22% so với tháng 6/2020.

Thu nhập của các hộ gia đình ở nhóm thấp nhất vẫn giảm, trong khi thu nhập ổn định ở các nhóm còn lại

Xu hướng phục hồi thu nhập thay đổi, tùy theo nhóm hộ gia đình, đặc biệt khi so sánh các hộ gia đình dựa trên nhóm thu nhập của họ vào 2018, trước thời điểm dịch COVID-19 xảy ra. Theo các ước tính trong trường hợp tác động cao và tác động thấp, các hộ gia đình trên đường phân phối thu nhập đều có tỷ lệ giảm thu nhập tương đương tính đến hết tháng 9/2020. Tuy nhiên, các hộ gia đình trong nhóm 2 - nhóm 5 đều có thu nhập tương đối ổn định trong giai đoạn từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, trong khi thu nhập của các hộ gia đình ở nhóm có thu nhập thấp nhất bị ảnh hưởng lớn hơn trong giai đoạn này. Đến tháng 1/2021, thu nhập hộ gia đình trung bình của nhóm có thu nhập cao nhất thấp hơn khoảng 11,4- 21,6% so với mức thu nhập tháng 6/2020. Mặt khác, các hộ gia đình ở nhóm thu nhập thấp nhất vẫn bị giảm thu nhập liên tục trong mỗi vòng khảo sát, trong đó mức thu nhập tháng 1/2021 ước tính đã giảm 14-25% so với thời điểm tháng 6/2020.

46% số hộ gia đình có mức thu nhập giảm trong tháng 1/2021 so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ giảm thu nhập tích lũy kể từ khi đại dịch bắt đầu xảy ra lớn hơn do chỉ số thu nhập hộ gia đình được xây dựng chỉ bắt đầu từ tháng 6/2020. Khi đánh giá mức độ thay đổi trong thu nhập hộ gia đình so với cùng kỳ năm trước, gần một nửa số hộ đều báo cáo mức thu nhập thấp hơn vào tháng 1/2021 so với tháng 1/2020. Một kết quả tích cực là, tỷ lệ các hộ gia đình có mức thu nhập giảm mạnh 50-99% so với cùng kỳ năm trước đang giảm dần. Khoảng 24% hộ gia đình cho biết, mức thu nhập vào tháng 7/2020 thấp hơn 50-99% so với cùng thời điểm năm trước. Đến tháng 1/2021, chỉ có 16% hộ gia đình cho biết, mức thu nhập của họ thấp hơn 50-99% so với cùng thời điểm/2020.

Việc làm

Hộ gia đình chủ động về kinh tế nhưng thu nhập từ lao động vẫn giảm

Trong những tháng đầu của đại dịch, hơn 40% số hộ gia đình nằm trong nhóm 40% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất đã bị mất việc làm. Với đa số các hộ gia đình có điều kiện, họ sẽ bị giảm thu nhập từ tiền lương hơn là bị mất việc làm. Trong nửa cuối năm 2020, những tác động tiêu cực về việc làm như vậy đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, như đã thấy ở phần trước về xu hướng thu nhập hộ gia đình, các hộ gia đình vẫn chưa hoàn toàn phục hồi về mức thu nhập trung bình như trước thời điểm dịch COVID-19 xảy ra.

Trong trường hợp các hộ kinh doanh, tác động kinh tế lớn hơn theo biên độ tập trung so với biên độ mở rộng. Tỷ lệ các hộ kinh doanh dừng hoạt động vẫn ở mức thấp trong suốt năm 2020. Trong 6 tháng cuối năm 2020, hầu hết các hộ kinh doanh đã hoạt động trở lại. Trong khi hầu hết các hộ gia đình vẫn tiếp tục hoạt động, phần lớn đã bị giảm thu nhập từ hoạt động kinh doanh hộ gia đình. Các hộ gia đình khá giả hơn thường thực hiện kinh doanh hộ gia đình, do đó, tác động với kênh hoạt động kinh tế này chủ yếu liên quan đến các hộ gia đình nằm trong nhóm có thu nhập cao hơn.

Tác động dài hạn - hộ gia đình có thu nhập thấp hơn đang phải tạm dừng thực hiện các kế hoạch cho tương lai

Với các hộ gia đình có thu nhập trong tháng 1/2021 thấp hơn cùng kỳ năm trước, các câu hỏi bổ sung được đưa ra để trả lời cho câu hỏi liệu giảm thu nhập có ảnh hưởng đến các kế hoạch tương lai hay không. 36% người trả lời trong nhóm này cho biết giảm thu nhập ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch của họ cho tương lai. Các biện pháp ứng phó bao gồm tạm dừng không mua phương tiện đi lại, đất đai, nhà ở hoặc dừng đầu tư vào giáo dục và các hoạt động kinh doanh mới. Các hộ gia đình bị ảnh hưởng nằm ở tất cả các nhóm thu nhập.

Khoảng 10% số người được hỏi mới bắt đầu mua sắm trực tuyến, tức mua sắm các sản phẩm trực tuyến lần đầu tiên sau tháng 2/2020

Những thay đổi về hành vi và chiến lược ứng phó trong bối cảnh đại dịch được dự báo sẽ thúc đẩy quá trình số hóa. Không nhiều người nghĩ các hành vi này sẽ diễn ra ở Việt Nam bởi thời gian cách ly xã hội tương đối ngắn trong khi người dân nhìn chung không bị hạn chế nhiều về đi lại, ngoại trừ những thời điểm bùng phát dịch mà Việt Nam thường nhanh chóng kiểm soát được. Tuy nhiên, từ phía người tiêu dùng, hành vi mua sắm trực tuyến vẫn tăng lên đáng kể. Điều thú vị là, những người mới bắt đầu mua sắm trực tuyến thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau.

Vắc xin

Người cao tuổi, trẻ em và nhân viên y tế thường được coi là các đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin trước

Những người được hỏi được đề nghị xác định các nhóm ưu tiên cho tiêm vắc xin. Người cao tuổi và trẻ em là những lựa chọn phổ biến nhất, tiếp đến là đội ngũ y, bác sỹ. Gần một nửa số người được hỏi cho rằng, người cao tuổi chắc chắn là đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin. Những người trả lời trong độ tuổi lớn hơn thường lựa chọn cán bộ, công nhân viên chức nhà nước là nhóm ưu tiên. Những người trả lời trong độ tuổi nhỏ hơn thường lựa chọn trẻ em và phụ nữ mang thai là đối tượng ưu tiên.

Phần lớn người dân sẵn sàng tham gia tiêm vắc xin (nếu được miễn phí)

Hầu hết người dân đều đồng ý tham gia tiêm chủng nếu vắc xin nếu được miễn phí. Cuộc khảo sát chỉ đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia tiêm chủng theo phương án tiêm miễn phí, không phải theo phương án mà người dân phải trả phí. Trong số những người không muốn tiêm phòng vắc xin, họ lo lắng về tính an toàn của vắc xin hoặc cho rằng việc tiêm vắc xin là không cần thiết trong điều kiện hiện tại. Quá trình thu thập dữ liệu được tiến hành trước đợt bùng phát dịch vào tháng 1/2021 và các quan điểm cũng như mức độ sẵn lòng tiêm vắc xin có thể đã thay đổi.

Mức độ sẵn sàng chi trả để tiêm vắc xin thay đổi theo điều kiện kinh tế - xã hội.

Về mức độ sẵn sàng chi trả để tiêm vắc xin, hầu hết người được hỏi đều cho rằng mức giá tiêm vắc xin phải tương đương với giá vắc xin trên thị trường cho các loại bệnh khác. Gần 40% phản hồi đều cho rằng mức giá từ 100-500.000 đồng là phù hợp. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng chi trả có sự khác biệt lớn giữa 5 nhóm thu nhập hộ gia đình. Những người ở nhóm thu nhập thấp nhất sẵn sàng chi trả thấp hơn một nửa chi phí tiêm vắc xin so với những người ở nhóm thu nhập cao nhất. Những người trả lời ở nhóm tuổi nhỏ hơn, cư dân thành thị và người Kinh sẵn sàng chi trả nhiều hơn để được tiêm vắc xin. Tuy vậy, những nhóm đối tượng này đều không muốn mất nhiều thời gian cho tiêm vắc xin hơn (bao gồm cả thời gian đi lại đến điểm tiêm chủng và thời gian chờ đợi).

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)