CNSH ứng dụng trong nông nghiệp được xem là một trong các thành tựu khoa học nổi bật của thế kỷ XX, cho tới nay vẫn đang được minh chứng tính ưu việt bởi số liệu ứng dụng ngày một tăng trên toàn cầu cũng như những tác động kinh tế, xã hội và môi trường tích cực mà công nghệ này mang lại cho nông dân, người tiêu dùng và cộng đồng. Theo báo cáo1 của ISAAA, số lượng các quốc gia canh tác cây trồng CNSH đã tăng lên 29 vào năm 2019. Trong đó, 5 quốc gia dẫn đầu với diện tích cây trồng CNSH lớn nhất là Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ. Ước tính khoảng 1,95 tỷ người, tương đương với 26% dân số thế giới, được hưởng lợi từ CNSH vào năm 2019.
Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VSTA Trần Xuân Định, trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, với lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta chứng kiến sự bứt phá của khoa học, đặc biệt là CNSH với những phát minh của công nghệ di truyền, công nghệ gen, công nghệ vi sinh… Nhiều giống cây trồng được tạo ra bằng CNSH đã có mặt ở Việt Nam, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
Tiến sỹ Rhodora R. Aldemita, Giám đốc khu vực Đông Nam Á kiêm Giám đốc Trung tâm Kiến thức toàn cầu về CNSH của ISAAA cho biết thêm: “Năm 2019, tổng cộng có 190,4 triệu ha cây trồng CNSH được canh tác, góp phần quan trọng vào giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, tính bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như nâng cao đời sống của hơn 17 triệu nông dân ứng dụng CNSH cùng gia đình của họ trên toàn cầu. Việt Nam là một trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng cây CNSH đạt đến hai con số cùng với Philippines và Colombia”.
Phân tích về các tác động của cây trồng CNSH ở phạm vi toàn cầu của TS Graham Brookes - Viện PG Economic (Anh) khi dẫn chứng các số liệu trong nghiên cứu2 gần nhất phát hành năm 2020 cho biết, tính đến năm 2018, tổng thu nhập gia tăng dành cho nông dân canh tác cây trồng CNSH là 19 tỷ USD, theo đó, với mỗi USD chi phí đầu tư thêm cho hạt giống CNSH, lợi nhuận thu được thêm là 4,42 USD. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng năm 2018, cây trồng CNSH đã giúp hạn chế lượng CO2 thải ra môi trường là khoảng 23 tỷ kilogram, tương đương với việc loại bỏ 15,3 triệu ô tô lưu thông trên đường trong 1 năm. Theo TS Graham Brookes, nông dân đặc biệt là những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ tại các nước đang phát triển thu được lợi ích rõ ràng hơn từ cây trồng CNSH, không chỉ từ việc năng suất cây trồng (từ 10 tới 16,5% tuỳ loại cây trồng), lợi nhuận tăng (trung bình khoảng 103 USD/ha) mà còn giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, từ đó giảm bớt các tác động tiêu cực lên môi trường khoảng 19% (theo chỉ sổ EIQ).
Tại Việt Nam, cây trồng CNSH đã được cấp phép canh tác thương mại từ 2015 trên cây ngô. Ngô cũng là một trong các cây trồng chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nước ta cũng là một trong các quốc gia canh tác ngô nhiều nhất trên thế giới. Việc đưa các giống CNSH thời điểm đó được xem là một trong các công cụ quan trọng giúp tiếp tục nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị và giúp nông dân trồng ngô có thêm lợi nhuận, từ đó củng cố năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung cho chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước.
Năm 2019, tổng diện tích canh tác ngô CNSH khoảng 92.000 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng hai con số về mặt diện tích trong các năm gần đây cho thấy mức độ chấp nhận của nông dân đối với công nghệ này đang tăng. Cụ thể vào năm 2015, tỷ lệ ứng dụng còn khiêm tốn khoảng 3.500 ha, chiếm chưa tới 1% tổng diện tích; tới nay diện tích ứng dụng đã tăng hơn 26 lần. Riêng giai đoạn 2018-2019, tỷ lệ tăng trưởng đạt 86%.
Vào năm 2019-2020, VSTA đã phối hợp với Viện PG Economics tiến hành một nghiên cứu đánh giá và phân tích tác động của cây ngô CNSH với các tính trạng chuyển gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ sau 5 năm canh tác. Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn nông dân trồng ngô (cả các giống ngô lai thường và ngô CNSH) tại các vùng sản xuất ngô trọng điểm của cả nước. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên ở cấp độ nông hộ tại Việt Nam về cây trồng CNSH. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng diện tích ngô CNSH canh tác tại Việt Nam giai đoạn 2015-2019 là 225.000 ha. Riêng năm 2019, diện tích canh tác ngô CNSH là 92.000 ha, chiếm 10% tổng diện tích ngô cả nước; năng suất thu hoạch được của các giống ngô CNSH với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường 15,2-30%; lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô CNSH cũng gia tăng với mức từ 196 tới 330 USD/ha (tương đương với khoảng 4,5-7,6 triệu đồng/ha). Tổng thu nhập tích luỹ tăng thêm khi ứng dụng ngô CNSH là 43,8-74,1 triệu USD (tương đương 1.007-1.704 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô CNSH giảm đáng kể (thuốc trừ cỏ là 26%, thuốc trừ sâu là 78%).
Tiến sỹ Graham Brookes cho biết thêm: các phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu trong nghiên cứu này được tiến hành theo các quy chuẩn được công nhận với số lượng mẫu hợp lý; kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cũng đồng nhất với các nghiên cứu tương tự tại các quốc gia khác. Bản tóm tắt của quá trình nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí khoa học “Thực phẩm và cây trồng biến đổi gen” vào tháng 10/20203.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cho biết, theo Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển CNSH ngành nông nghiệp đến năm 2030, một trong các mục tiêu tới năm 2030 đó là Việt Nam có thể làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô nông nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất và phát triển số lượng doanh nghệp CNSH trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng thêm tối thiểu 30% trong giai đoạn 2021-2025. Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là định hướng phát triển chung, bắt kịp xu hướng các nước trên thế giới trong ứng dụng các giống cây trồng thế hệ mới với các tính trạng được cải tiến bằng khoa học hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại.
Công Thường
1 Báo cáo ISAAA về “Tình hình cây trồng CNSH/biến đổi gen được thương mại hoá năm 2019” (Bản tóm lược ISAAA số 55), phát hành ngày 30/11/2020 (https://www.isaaa.org/resources/publications/briefs/default.asp).
2 https://pgeconomics.co.uk/press+releases/25/Crop+biotechnology+continues+to+provide+higher+farmer+income+and+significant+environmental+benefits.
3 https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/21645698.2020.1816800.