Hạn mặn ngày càng diễn biến phức tạp
Trong những năm gần đây, tình hình hạn mặn khó dự đoán gây ra bởi BĐKH và thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến sản lượng và chất lượng nông sản vùng ĐBSCL. Theo Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn năm 2019-2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4 g/l là 1.688.600 ha (chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, so với năm 2016 cao hơn 50.376 ha). Trong đó, diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 25.116 ha (gồm: Long An 2.494 ha, Tiền Giang 6.987 ha, Bến Tre 13.500 ha, Vĩnh Long 1.808 ha, Trà Vinh 271 ha, Sóc Trăng 57 ha); trong đó thiệt hại mất trắng (thiệt hại trên 70%) khoảng 11.181 ha. Đặc biệt vào tháng 1/2020, xâm nhập mặn tiếp tục gia tăng, lấn vào các vùng cửa sông Mê Kông từ 45-66 km (sâu hơn mùa khô năm 2016 từ 6-17 km); tháng 2/2020, ranh mặn 4 g/l lấn sâu vào sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tới 110 km; tháng 5/2020, phạm vi mặn tiếp tục dao động ở mức cao với ranh mặn 4 g/l sâu khoảng 130 km trên sông Vàm Cỏ Tây. Hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại khoảng 42.000 ha lúa đông xuân, trong đó mất trắng 26.000 ha. Trên đất lúa - tôm, hạn mặn đã làm cho khoảng 16.500 ha lúa mùa ở tỉnh Cà Mau bị thiệt hại, trong đó mất trắng là 14.000 ha. Đối với cây ăn trái, hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại khoảng 25.000 ha, trong đó khoảng 11.000 ha bị thiệt hại trên 70%. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2021, xâm nhập mặn vùng cửa sông ở ĐBSCL sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019-2020. Mặc dù vậy, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 vẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL, đặc biệt tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh… Trong trường hợp cực đoan, mưa trái mùa xảy ra ít, kết hợp với việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ diễn ra tương tự mùa khô năm 2019-2020 và có thể còn gay gắt hơn.
Giải pháp quản lý nguồn nước trong phòng chống hạn
Có thể nhận thấy, BĐKH ngày càng cực đoan, khó lường, tác động nhanh và mạnh hơn so với các dự báo trước đây; đồng thời, các hoạt động khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn và nội vùng tiếp tục gia tăng; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng. Do đó, vấn đề quản lý bền vững nguồn nước vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH là nhu cầu tất yếu và là việc làm cấp bách, cần sự đồng thuận từ Trung ương, các bộ ngành đến các địa phương thuộc vùng ĐBSCL. Để làm được điều đó, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:
Một là, tập trung rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết trong toàn bộ thời gian ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động tích trữ nước ngọt, bảo đảm đủ cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, tránh ảnh hưởng đến cây trồng; thực hiện bố trí cơ cấu mùa vụ gieo trồng phù hợp, bảo đảm xuống giống sớm vụ đông xuân 2020-2021 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Hai là, tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để bảo đảm đủ nước sạch sinh hoạt cho người dân; tổ chức rà soát, cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt tới từng hộ, thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh, nhất là ở các vùng ven biển thường xuyên thiếu nước sinh hoạt để có giải pháp bảo đảm nguồn nước phù hợp; tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như: bể, bồn, lu, túi đựng nước và các hình thức khác.
Ba là, các tỉnh, thành phố chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; vận động doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình, nghiên cứu các mô hình, giải pháp về kỹ thuật sản xuất, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước để ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, hỗ trợ các thiết bị chứa nước, lọc nước cho người dân.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng; hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu, giống cây trồng phù hợp cho từng khu vực trên cơ sở dự báo về nguồn nước, nguy cơ xâm nhập mặn; khuyến cáo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây ăn quả tại các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao.
Năm là, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt để xây dựng giải pháp và bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt phù hợp với từng vùng để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
Sáu là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, phối hợp với các đơn vị, viện, trường, doanh nghiệp có các giải pháp công nghệ, kỹ thuật hạn chế, khắc phục được ảnh hưởng của hạn mặn đến sản xuất cây ăn trái, triển khai mô hình và mở rộng các mô hình đạt kết quả tốt, hiệu quả lâu dài.
Bảy là, thúc đẩy các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin, số liệu và kinh nghiệm trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới; xây dựng kênh chia sẻ thông tin về nguồn nước; triển khai các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mê Kông, các hoạt động hợp tác về thích ứng với BĐKH, an toàn đập thủy điện, an toàn nước sinh hoạt, quản lý lũ lụt và hạn hán.
*
* *
An ninh nguồn nước là một vấn đề có liên hệ mật thiết đến nhiều khía cạnh của đời sống - xã hội. Vì vậy, đảm bảo an ninh nguồn nước chính là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cho phép quốc gia đạt được những mục tiêu an ninh lớn hơn về lương thực, kinh tế và phát triển bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với sự thay đổi của tự nhiên. BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Thực tế đó đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL.