Tăng trưởng kinh tế Quý 1/2021 cao hơn mức cùng kỳ năm trước
Kinh tế Việt Nam trong Quý 1/2021 giữ mức tăng trưởng 4,48% (yoy) từ Quý I4/2020, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (3,82% (yoy)). Trong Quý 1/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16% (yoy); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,30% (yoy); khu vực dịch vụ tăng 3,34% (yoy).
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ năng suất, sản lượng cây trồng và chăn nuôi tăng cao và thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản mở rộng. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2020, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, ngành lâm nghiệp tăng 3,78%, ngành thủy sản tăng 2,90%. Ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng Quý 1 cao thứ 3 so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2021 nhờ thời tiết thuận lợi và dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, tạo điều kiện nâng cao năng suất cây trồng và phục hồi sản lượng chăn nuôi. Xâm nhập mặn không còn diễn ra gay gắt như cùng kỳ năm trước, khiến sản xuất thủy sản trong quý có nhiều cải thiện. Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ 01/8/2020, nếu được tận dụng tốt sẽ giúp ngành nông, lâm, ngư nghiệp có thêm động lực cho tăng trưởng dài hạn.
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp trong Quý 1/2021 tăng 6,5% (yoy), cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 (5,1% (yoy)) nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2018 và 2019 (10,45% (yoy) năm 2018 và 9% (yoy) năm 2019). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% (yoy), trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng trong Quý. Trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ ba tại Việt Nam, Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ các cấp, thiệt hại đối với các doanh nghiệp đã được giảm thiểu đáng kể, duy trì môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục thu hút FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo và các dòng vốn khác. Trong khi đó, ngành khai khoáng suy giảm 8,24% (yoy) do sản lượng khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên giảm mạnh. Ngành xây dựng tăng 5,17% (yoy), cao hơn mức tăng trưởng 4,37% (yoy) trong Quý 1/2020.
Nhờ dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả và các hiệp định thương mại tự do được tận dụng tốt, khu vực dịch vụ đón nhận những tín hiệu khả quan trong Quý 1/2021, đạt mức tăng 3,34% (yoy). Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ tăng 6,45% (yoy), hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%, ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%, do ngành du lịch bị ảnh hưởng.
Triển vọng kinh tế 2021
Nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi với niềm tin đến từ vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn hàm chứa nhiều bất ổn và thiếu sự đồng đều giữa các quốc gia và lĩnh vực kinh tế. Trong các quốc gia phát triển, Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia đánh dấu mức phục hồi nổi bật nhất vào cuối năm 2020. Trong khi đó, các nền kinh tế châu Âu có nguy cơ đối mặt với mức suy giảm kinh tế cao một lần nữa do cấu trúc kinh tế chậm thay đổi, trong khi tiến độ tiêm chủng vaccine chậm chạp và tình hình dịch bệnh xấu đi vào cuối tháng 3. Kinh tế Nhật Bản trong Quý 4/2020 cho thấy sự phục hồi, trong khi các nước khác thuộc khối BRICS và ASEAN-5 tiếp tục phục hồi yếu ớt và ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Đối với Việt Nam, những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng bao gồm: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm, giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021, khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ. Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, còn chậm do hiệu quả quản lý thấp; sức khỏe hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp.
Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động lên nền kinh tế Việt Nam hiện nay, các chuyên gia của VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng theo các kịch bản khác nhau về tình hình bệnh dịch. Việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng - Nhà nước mới, với Chính phủ mới, hứa hẹn một triển vọng kinh tế năng động trở lại trong năm 2021 và sau đó. Hơn nữa, với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6,0-6,3%. Dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, rủi ro đang tiếp tục tích lũy. Đặc biệt, thị trường tài sản có nhiều dấu hiệu cho thấy đang trong tình trạng bong bóng, có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng và hoạt động kinh tế.
Lưu ý chính sách
Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp. Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành. Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.
Chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong năm 2021 sẽ giảm hiệu quả đáng kể. Đặc biệt, cần lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Thực tế thì trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu. Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được.
Trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn. Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID-19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.
Do đó, chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể, đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó là những nhóm chính sách vẫn được kêu gọi cần thực hiện trong suốt những năm qua nhưng chưa được thực hiện quyết liệt và hữu hiệu, từ lĩnh vực giáo dục cho tới tài chính - ngân hàng, từ khoa học và công nghệ đến cơ sở hạ tầng, từ chính sách ngành tới cải cách doanh nghiệp nhà nước … đều cần tiếp tục được thúc đẩy với một tinh thần mới và phương pháp mới, tôn trọng thị trường nhiều hơn, đặt người dân vào trung tâm và tôn trọng các xu thế phát triển mới.
Vũ Hưng