Thứ hai, 19/04/2021 16:03

Quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số

TS Vũ Trường Sơn, PGS.TS Vũ Văn Hà

Viện Đào tạo sau đại học, Đại học Đại Nam

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang và sẽ làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống và làm việc. Từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến chính phủ và hoạt động quản lý điều hành quốc gia cũng sẽ thay đổi cùng với tiến trình của cuộc cách mạng này. Theo quan điểm của các tác giả, ở cấp độ quốc gia, một chính phủ “điện tử” cùng với quá trình số hóa phải là một chính phủ tinh, gọn và hiệu quả.

“Quản lý nhà nước” và “quản trị quốc gia”

Về khái niệm quản lý, có thể hiểu đó là hoạt động của một chủ thể tác động đến các đối tượng quản lý, bằng các công cụ, phương pháp quản lý nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Khái niệm quản trị, với hàm nghĩa rộng hơn, không chỉ đề cập đến các hoạt động của một chủ thể, mà còn mở rộng đến các chủ thể khác. Do đó, sự khác biệt căn bản nhất so với các hệ thống quản lý là sẽ không tồn tại một chủ thể có thể kiểm soát hoàn toàn quá trình ra quyết định tập thể trong các mối quan hệ quản trị đa chủ thể.

Hoạt động quản lý nhà nước, như chúng ta biết, đó là nhiệm vụ quản lý của chủ thể là nhà nước đối với mọi tổ chức và công dân trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Quản trị không chỉ đề cập đến các hoạt động của chủ thể nhà nước, mà còn mở rộng ra đến các chủ thể ngoài nhà nước. Mạng lưới các chủ thể đa dạng này dần giảm bớt ý niệm về ranh giới giữa các đơn vị trong chính quyền, giữa khu vực công - tư, hay nội địa - quốc tế.

Đến nay, vẫn tồn tại những cách hiểu khác nhau về khái niệm “quản trị”. Xét riêng việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, “quản trị” hay “quản trị công” được hiểu một cách khái quát là việc thiết lập, vận dụng, và thực thi “luật chơi”. Cụ thể hơn, đó là một tập hợp các nguyên tắc ra quyết định tập thể trong những bối cảnh nhiều chủ thể, và giữa họ không tồn tại một hệ thống kiểm soát chính thức nhằm chi phối các điều khoản về mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia hệ thống quản trị.

Chuyển đổi số đem đến nhiều cơ hội và thách thức cho quản trị quốc gia.

Theo quan điểm của TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), những đặc điểm chính của nền quản trị quốc gia là:

Thứ nhất, là đặc điểm đa chủ thể: hệ thống quản trị sẽ không chỉ bao gồm chính quyền, luật pháp, nguyên tắc và quy định hành chính và các cơ quan nhà nước, mà còn bao gồm các chủ thể tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận, cũng như vai trò ngày càng tích cực và chủ động của mỗi công dân. Cũng bởi thế, lợi ích công không còn là cơ sở duy nhất cho các quyết định quản trị. Trong khung khổ quan hệ đa chủ thể, các mong đợi lợi ích của các chủ thể khác nhau đều phải được tôn trọng. Do đó, các chính sách hay quyết định quản lý có xu hướng bị chi phối nhiều hơn bởi các lợi ích đa dạng, chứ không phải chỉ lợi ích công.

Thứ hai, giảm bớt khoảng cách và thu hẹp ranh giới công - tư: hệ thống quản trị tích hợp các hệ thống hành chính với các cơ chế thị trường và phi lợi nhuận, qua đó thu hẹp và làm mờ đi ranh giới giữa nhà nước và xã hội.

Thứ ba, quan hệ hợp tác giữa các đối tác sẽ dần thay thế quan hệ áp đặt theo trật tự thứ bậc như trong mô hình chính quyền truyền thống: do sự tham gia của các chủ thể đa dạng vào các quan hệ quản trị nên hình thức của các quan hệ đó sẽ chuyển dần sang dạng thức quan hệ theo chiều ngang, mang tính chất đối tác, hợp tác, và bình đẳng hơn.

Thứ tư, hoạt động quản trị có tính liên thông: các khuôn mẫu, mô thức quản trị bao gồm các thể chế và con người ở tất cả các cấp độ chính quyền cũng như các lĩnh vực chính sách khác nhau, và không bị giới hạn bởi biên giới lãnh thổ địa phương.

Thực tế cũng cho thấy những giới hạn về khả năng và nguồn lực của nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Bởi thế, chúng ta cũng đang chứng kiến sự tham gia ngày càng tích cực của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, và cá nhân công dân, sát cánh cùng chính quyền để giải quyết các vấn đề mang tính tập thể. Các hệ thống quản trị đòi hỏi chính quyền phải dần thích ứng được với vai trò điều phối sự khác biệt về mong đợi và lợi ích của các chủ thể quản trị. Cũng có nghĩa, chính quyền không thể dễ dàng áp đặt ý chí của mình cho các bên liên quan như trong mô hình quản lý nhà nước truyền thống.

Quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số

Về bản chất, quản trị quốc gia chính là quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định để quản lý quốc gia, giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội ở một quốc gia. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) định nghĩa quản trị quốc gia là “việc thực thi quyền lực chính trị, hành chính, kinh tế để quản lý các vấn đề của quốc gia ở mọi cấp độ. Nó bao gồm các cơ chế, quy trình và thiết chế mà thông qua đó, các công dân, các nhóm biểu thị sự quan tâm và thực hiện các quyền hợp pháp, các nghĩa vụ của mình, cũng như cho thấy sự khác biệt của họ”*.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, với việc ứng dụng công nghệ số, việc xử lý thông tin chủ yếu do trí tuệ nhân tạo, nên nhiều thiết chế nhà nước trở nên thừa và vì vậy ngay bản thân chức năng của nhà nước cũng có sự điều chỉnh, chuyển đổi từ “người chèo lái thuyền”, sang “người hoa tiêu”. Trong môi trường số, quan hệ lao động có sự thay đổi, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện, đi liền với đó mô hình kinh doanh cũ mất đi và rôbốt hóa nhiều vị trí việc làm, đặt ra thách thức trong bố trí và đào tạo lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Những thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã thúc đẩy và kéo theo những thay đổi trong lối sống và giao tiếp. Bên cạnh các hình thức giao tiếp truyền thống, giao tiếp qua email, mạng xã hội… ngày càng gia tăng, đặt ra yêu cầu cho quản trị quốc gia đối với các quan hệ xã hội trong môi trường ảo.

Việt Nam được định hướng trở thành “quốc gia số” vào năm 2030.

Chính vì vậy, việc tạo lập nền quản trị tốt, có chất lượng là rất cần thiết. Một nền quản trị chất lượng tốt phải thỏa mãn các nguyên tắc cơ bản như: Thứ nhất, tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền cũng như tính hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực công. Thứ hai, bảo đảm nguyên tắc thúc đẩy sự bình đẳng và sự tham gia của các chủ thể, nhất là người dân vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý sự phát triển bền vững xã hội. Thứ ba, đó là nền quản trị dung nạp sự khác biệt về văn hóa, đưa văn hóa trở thành mục tiêu, hệ điều tiết và là động lực của tăng trưởng; Thứ tư, tôn trọng pháp quyền, thúc đẩy việc bảo vệ các quyền con người và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi cách thức sống, phương thức làm việc và quản trị, thay đổi mô hình kinh doanh, cung cấp dịch vụ mới, giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội theo phương thức mới. Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ số mà còn là thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen, dám chấp nhận cái mới. Chính vì vậy, quá trình này đòi hỏi quản trị quốc gia phải có bước chuyển kịp thời, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản nêu trên nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực truyền thống và các nguồn lực mới do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa lại. Để góp phần chuyển đổi, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số cần hệ thống các giải pháp đồng bộ, trong đó trước mắt cần tập trung vào những giải pháp cơ bản như:

Một là, hoàn thiện thể chế, trong đó ưu tiên xây dựng đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động và quản lý sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển.

Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ba là, đổi mới trong quản trị phát triển nguồn nhân lực, thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số; phát triển cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao theo chuẩn khu vực và thế giới, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển các trường công nghệ.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong giao dịch với cơ quan nhà nước và tiếp cận dịch vụ công.

Năm là, xử lý hài hòa quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội trong quản trị quốc gia. Qua đó không chỉ phát huy vai trò chủ thể nhà nước mà các chủ thể khác cũng phát huy tích cực vai trò của mình trong tham gia quản trị quốc gia, nhất là sự tham gia của người dân.

Sáu là, cần có những đột phá về quản lý phát triển công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để tư nhân tham gia phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó chuyển từ nhập khẩu sang sáng tạo và làm chủ công nghệ nguồn, nhất là công nghệ thông tin, đưa khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng.

*http://www.oecd.org/governance/regulatory- policy/irrc.htm
                                                 


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)