Hiệu quả quản trị hành chính công cao góp phần ứng phó tốt với COVID-19
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen phát biểu khai mạc và cho biết “Những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021); trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư và quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, PAPI cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công”.
Bức tranh toàn cảnh từ kết quả Chỉ số PAPI cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với nhiệm kỳ 2011-2016. Có tới 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên dao động từ 0,1 đến 3,1% trong thời gian kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu theo dõi hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố năm 2011.
Đặc biệt, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân cải thiện đáng kể. Mặc dù hiện trạng tham nhũng, nhũng nhiễu vẫn còn tương đối phổ biến, nhưng trong năm 2020 người dân ít gặp phải nhũng nhiễu hơn so với năm 2019 khi sử dụng một số dịch vụ công căn bản hoặc muốn có việc làm trong khu vực nhà nước. Về trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền, tần suất tiếp xúc giữa công dân và chính quyền ở cấp thôn, tổ dân phố và với hội đồng nhân dân cấp xã năm 2020 cao hơn so với năm 2019.
Những nỗ lực đó có thể đã và đang đóng góp cho sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Một số nghiên cứu trước và phân tích trong báo cáo này cho thấy giữa quản trị tốt và hiệu quả ứng phó với dịch bệnh có mối tương quan tích cực với nhau. Hiệu quả huy động người dân tham gia vào quản trị công ở địa phương cứ tăng lên một điểm thì mức độ sẵn sàng tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội toàn quốc nhằm ứng phó với COVID-19 hồi tháng 4 năm 2020 tăng lên 3,1 điểm phần trăm và hiệu quả kiểm soát tham nhũng cứ tăng lên một điểm phần trăm thì mức độ tuân thủ với biện pháp mạnh này tăng lên 1,5 điểm phần trăm. Sự tuân thủ của người dân với các biện pháp mạnh trong phòng, chống COVID-19 như cách ly và giãn cách xã hội đòi hỏi tính nghiêm túc trong thực thi chính sách của chính quyền và sự đồng lòng, niềm tin của công chúng. Vì vậy, với hiệu quả quản trị công càng cao, Việt Nam sẽ ứng phó tốt với những tình huống khủng hoảng ngoài dự đoán như đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế sau khủng hoảng.
Báo cáo PAPI năm 2020 cho thấy sự tham gia của người dân và nỗ lực chống tham nhũng có mối liên hệ tích cực với hiệu quả phòng chống đại dịch COVID-19. Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie, ghi nhận: “Tôi vui mừng nhận thấy có sự cải thiện trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Sự cải thiện này có thể đã góp phần giúp Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch COVID-19. Báo cáo PAPI 2020 cho thấy có mối tương quan tích cực giữa quản trị tốt và hiệu quả trong ứng phó với đại dịch. Nói cách khác, quản trị tốt rất quan trọng. Trong thời gian tới, với quản trị công tốt, Việt Nam sẽ ứng phó hiệu quả với những tình huống khẩn cấp bất ngờ khác”.
Vẫn còn đó những khoảng cách
Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2021, Báo cáo PAPI 2020 có phân tích về lựa chọn của cử tri khi bầu ứng cử viên cho các vị trí dân cử ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Kết quả cho thấy, cử tri có xu hướng chọn ứng cử viên nam hơn ứng cử viên nữ, nhất là khi bầu chọn trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Ngoài ra, cử tri có xu hướng chọn ứng cử viên nam đã lập gia đình hơn, trong khi cũng là ứng cử viên đã lập gia đình nhưng là nữ lại ít có khả năng được bầu chọn hơn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, những lĩnh vực phụ nữ quan tâm khác với nam giới. Phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Phụ nữ ít tham gia vào quá trình ra quyết định ở địa phương, ít tiếp cận với Internet và các dịch vụ chính phủ điện tử hơn. Những khác biệt này nêu bật sự cần thiết phải có đại diện công bằng trong các cơ quan dân cử.
Chia sẻ về chủ đề này, ông John McCullagh, Đại sứ Ireland tại Việt Nam, cho biết: “Phụ nữ tham gia các vai trò lãnh đạo trong khu vực công rất cần thiết vì quan điểm và tiếng nói của phụ nữ trong quá trình ra quyết định rất quan trọng. Chúng tôi hy vọng phụ nữ Việt Nam sẽ tham chính bình đẳng hơn với nam giới để họ có thể đại diện cho lợi ích của phụ nữ. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là lĩnh vực ưu tiên của Đại sứ quán Ireland trong quá trình xây dựng quan hệ đối tác với chính phủ Việt Nam, các tổ chức đa phương và xã hội dân sự”.
Hơn 14.700 người dân đã được phỏng vấn cho Báo cáo PAPI 2020. Đây là số lượng người dân tham gia đông nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện trên toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2011. Đây cũng là lần đầu tiên khảo sát thu thập ý kiến của người dân đăng ký tạm trú. Hơn 300 người di cư đã được khảo sát tại 6 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Bình Dương).
Thông tin do người dân tạm trú cung cấp giúp các cấp chính quyền hiểu rõ hơn về tác động của di cư trong nước đối với hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh. Báo cáo cho thấy, người dân di cư có xu hướng nghèo hơn, có ít tài sản hơn, thu nhập thấp hơn so với người dân thường trú và họ thường là phụ nữ. Vì vậy, trải nghiệm của người dân di cư rất khác so với người dân thường trú trong cùng một địa bàn dân cư. Dữ liệu này rất quan trọng trong việc xây dựng các giải pháp quản trị bao trùm, không để người dân di cư bị bỏ lại phía sau.
Về vấn đề này, bà Wiesen khuyến cáo: “Để thu hẹp những khoảng cách, các tỉnh tiếp nhận người di cư trong nước cần tập trung giải quyết nhu cầu về thông tin và những mong đợi của tất cả mọi người dân, cả thường trú và tạm trú. Nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp thẻ căn cước công dân số hóa hiện nay là những bước đi đúng hướng của Chính phủ. Một mã số nhận dạng thống nhất sẽ tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận quản trị và dịch vụ công một cách bình đẳng miễn là nơi cư trú của họ trong phạm vi Việt Nam”.
Cũng như các năm trước, Báo cáo PAPI 2020 cung cấp kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh trên 8 chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử), cũng như điểm PAPI tổng hợp. Năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào trong số 63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Ngoài ra, Báo cáo PAPI 2020 bao gồm kết quả của nội dung thành phần và chỉ tiêu cụ thể. Để đáp ứng những quan tâm và kỳ vọng của người dân một cách hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần tìm hiểu phân tích sâu những kết quả này, thay vì chỉ so sánh điểm số tổng hợp.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng PAPI sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cần thiết và đáng tin cậy về hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền và đóng góp đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy, hướng tới quản trị công hiện đại và đổi mới chính sách dựa trên dẫn chứng từ thực tiễn”.
Vũ Hưng