Thứ năm, 06/05/2021 15:53

Ứng dụng Bát quan trai giới trong xây dựng đạo đức xã hội hiện đại

Thích Hải Quang

Trụ trì Chùa Thiên Long, Mê Linh, Hà Nội

Với hệ thống giáo lý mang đậm tính triết học, Phật giáo đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh, văn hóa, đạo đức của người Việt. Trong đó, nhiều quy tắc, chuẩn mực đạo đức mà Phật giáo đóng góp cho nền đạo đức dân tộc đến nay vẫn còn phù hợp và rất cần được duy trì. Một trong những nội dung thể hiện rõ các tư tưởng, quy tắc và chuẩn mực đạo đức Phật giáo được thể hiện qua giới luật và hẹp hơn là thông qua Bát quan trai giới. Bài viết trình bày và phân tích một số nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo trong Bát quan trai giới, từ đó đề xuất giải pháp phát huy những giá trị tích cực của chúng vào việc xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay.

Đạo đức và đạo đức Phật giáo

Đạo đức

Thuật ngữ đạo đức (Moral) được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ IV tr. CN, gắn liền với tên tuổi của triết gia nổi tiếng Aristote (384-322 tr. CN). Thời kỳ đó người ta quan niệm đạo đức là những chuẩn mực chung nhằm điều chỉnh hành vi con người sao cho tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa người này với người khác, quan hệ hài hòa giữa cá nhân với cộng đồng xã hội. Ở Hy Lạp trong thời kỳ cổ đại người ta đã dùng từ Ethos có nghĩa là luân lý, thói quen, phong tục, tập quán thông qua đó con người điều chỉnh hành vi của mình [7].

Ở Việt Nam, trong cuốn Từ điển Hán Việt (1998), Đào Duy Anh giải thích: Nguyên lý tự nhiên là Đạo, được vào lòng người là Đức, là cái pháp lý người ta noi theo [8]. Ngày nay, đạo đức được định nghĩa đầy đủ như sau: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của người trong mối quan hệ với nhau, trong mối quan hệ xã hội. Chúng được biểu hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của xã hội” [9].

Đạo đức Phật giáo

Toàn bộ hệ thống giáo lý mà Đức Phật giảng thuyết suốt 49 năm đều chung vào một mục đích nói khổ và con đường diệt khổ. Nhưng giáo lý ấy nếu ta cứ mãi nhìn bằng nhãn quan phán xét hay bình phẩm thì nó chỉ dừng lại ở ta như một người bàng quan xa lánh sự đời, muốn hiểu và cảm nhận hết thì không gì hơn là phải sống và hòa đồng trong giáo lý, thực hành giáo  lý. Đức Phật dạy:                             

“Không làm các điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Giữ tâm ý trong sạch

Chính lời chư Phật dạy” [10].

Đạo đức Phật giáo đòi hỏi tuân thủ những nguyên tắc sống (giới luật). Khi tuân thủ nghiêm ngặt những giới luật Phật chế, hành giả dù tại gia hay xuất gia đều được yên ổn trong đời sống hiện tại. Đạo đức bắt đầu từ sự chấm dứt các tà hạnh trong các dục mà “Giới” chính là năng lực tiêu biểu cho sự chấm dứt ấy. Khi tâm hành giả có thể chưa ở yên nhưng nhờ thân có giữ giới luật, tạm thời hành giả không vi phạm những nguyên tắc đạo đức mà xã hội quy ước nên vẫn đảm bảo được đời sống lương thiện của chính mình trong cộng đồng Tăng. Có giới mới có đức, chấm dứt ác pháp thì thiện pháp tỏa sáng, các nguyên lý này luôn có mặt và bổ trợ cho nhau, giao duyên với nhau. Phật luôn khiển trách những người phạm giới bởi đó chính là người tà hạnh, người không có đạo đức. Người nào đã vi phạm những nguyên tắc tối thiểu của một thành viên cộng đồng dù trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường xã hội nào, cũng đều không thể biện minh được về mặt đạo đức. Vì vậy mạng mạch của Tăng đoàn chính là sự giữ giới. Phật dạy: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp diệt” [11]. Tuyên ngôn như vậy tức là nhấn mạnh đến đạo đức cá nhân của từng thành viên Tăng đoàn. Để Phật pháp được truyền bá sâu rộng trong khắp cõi nhân gian, thì trước tiên phải có những con người đầy đủ đức tính này mới mang lại hiệu quả và xứng đáng với tầm vóc của những người được gọi là Thầy của muôn người, còn ngược lại, Phật pháp sẽ băng hoại khi giới mất, tức tư cách đạo đức của thành viên Tăng đoàn bị hoen ố.

Đạo đức Phật giáo qua các lời dạy của Phật tổ tựu trung vẫn để khẳng định giá trị của một con người khi họ được đặt vào đúng chỗ. Nguyên lý này rất sống động và có mặt cùng khắp những khía cạnh của cuộc sống. Trên cơ sở đó đạo đức Phật giáo giúp con người phát huy hết những đặc tính ưu việt, giảm thiểu những điều đưa đến bất lợi cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Chỉ có giải thoát khổ đau mới chính là hạnh phúc chân chính, khích lệ tình thương, tha thứ và đề cao giá trị của từ bi. Đạo đức Phật giáo đã thực sự nở hoa trong mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội nếu mọi người đều biết tín nhiệm và làm theo.

Ngày nay Hòa thượng Đức Nghiệp định nghĩa: đạo đức học Phật giáo nói chung có thể coi như một khoa học nhân bản bởi lẽ:

Về nhân thừa: nhằm cải tạo con người từ thân phận khổ đau, hệ lụy thành một nhân vị hạnh phúc, tự do và xứng đáng sống trong xã hội hài hòa giữa tinh thần và vật chất.

Về Phật thừa: nhằm chuyển hóa con người từ kiếp sống vô minh, phiền não, đạt tới đỉnh cao giác ngộ và giải thoát, tự lợi, lợi người và tự giác, giác ngộ cho mọi người, cùng sống chung trong một nước Phật, đầy đủ từ bi, hỷ xả nghĩa là trong một thế giới đại đồng, không còn phân chia giai cấp và bất công xã hội [12].

Hòa thượng Thích Minh Châu trong bài tham luận về Đạo đức Phật giáo đã định nghĩa: “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đưa đến hạnh phúc an lạc trong đời này và đời sau”. Nếu Đạo đức là một nếp sống đem lại hạnh phúc an lạc, thì đây cũng là một nếp sống đề cao con người, đưa con người vào một vị trí tối thượng, xác định con người khả năng sống một nếp sống đạo đức hướng thượng và hạnh phúc [13]. Đức Thế Tôn đã dạy: “Này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda Pháp và Luật này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát” [12 ].

Câu nói ấy của Đức Phật đã xác nhận rằng, mục đích duy nhất của Người là đưa chúng sinh đến chỗ giải thoát khỏi khổ đau, giác ngộ. Đối chiếu ý nghĩa này với định nghĩa chung về Đạo đức đã nêu: “Đạo đức đồng nghĩa với hạnh phúc”, ta có thể nói toàn bộ giáo lý của Đức Phật là một giáo lý Đạo đức, một nền Đạo đức xây dựng trên giải thoát.

Bát quan trai giới và thực hành đạo đức theo Bát quan trai giới

Bát quan trai giới

Bát quan trai giới là phương pháp tu hành của người tại gia áp dụng trong một ngày một đêm, trong đó Bát là tám; Quan là cửa (cửa ngăn chặn tám điều tội lỗi); Trai tiếng Phạn là posadha, nghĩa là khi qua giờ ngọ (12 giờ trưa) không được ăn nữa. Bát quan trai giới là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 giờ bằng cách thực hành 8 điều ngăn chặn phát sinh tội lỗi, thành tựu những hạnh lành.

Bát quan trai giới gồm các giới sau:

1) Không sát sinh.

2) Không trộm cướp.

3) Không tà dâm.

4) Không vọng ngữ.

5) Không uống rượu.

6) Không trang điểm đua đòi.

7) Không ngồi giường cao tốt, sang trọng

8) Không ăn phi thời.

Thực hành Bát quan trai giới trong xây dựng đạo đức cá nhân

Không sát sinh:

Sự sống là điều kiện cơ bản tạo nên một hữu tình chúng sinh, nhưng điều kiện cơ bản tạo thành một con người là đạo đức. Theo Đức Phật thì: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”. Chính vì vậy, Ngài dạy:

“Mọi người sợ hình phạt

Mọi người sợ tử vong

Lấy mình làm thí dụ

Không giết, không bảo giết” [14].

Đạo Phật là đạo từ bi được hiểu một cách đầy đủ là: “Từ năng dữ lạc - Bi năng bạt khổ”. Xoá tan mọi đau khổ mang lại an vui hạnh phúc cho cuộc sống là mục tiêu của Phật giáo. Không sát sinh không cố tình huỷ diệt sự sống xung quanh, ngay khi Đức Phật còn tại thế Ngài đã dạy các đệ tử phải tôn trọng sự sống của muôn loài. Bởi đã là một thực thể hữu sinh thì ai cũng tham sống sợ chết như nhau, không vì bất cứ một lý do gì lại cố tình đoạn diệt sinh mạng kẻ khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong Ngũ giới thì điều ngăn cấm đầu tiên quan trọng nhất và cũng đạo đức nhất mà Đức Phật muốn chúng sinh làm theo là không sát sinh mà trước hết là cấm giết người. Quan điểm này thật gần gũi với đạo lý của người Việt Nam ta: “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, hay: “Dù xây chín ngọn phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”

Lợi ích của giới sát sinh về phương diện tự lợi, người được giới này thì ngăn trừ được tâm sân, nuôi dưỡng được từ tâm, khiến cho tâm được an lạc ngay trong hiện tại, từ đây người giữ giới không tạo các nghiệp ác để phải chịu quả khổ đau trong tương lai.

Không trộm cắp:

Muốn hoàn thiện nhân cách đạo đức, con người cần tự điều chỉnh hành vi của mình ở nhiều mặt trong quá trình hoạt động thực tiễn. Một yếu tố có tác hại nghiêm trọng đến đạo đức con người là lòng tham dưới mọi hình thức. Do đó, trong ba độc, tham là đứng đầu, nên phải ngăn ngừa lòng tham không để nó tự điểu khiển hành vi của mình. Không lấy bất cứ một vật gì không thuộc quyền sở hữu của mình, dù vật đó là của ai, công dân, quan chức hay cộng đồng; kể cả những sản vật của tự nhiên nếu chiếm dụng một cách phi pháp đều là hành động trộm cắp.

Không trộm cắp không chỉ nâng cao giá trị đạo đức nhân cách con người, làm cho đời sống hiện tại được yên ổn, không bị giam cầm tù tội, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc xác lập một trật tự cộng đồng, đảm bảo một nếp sống tiến bộ, bình yên cho toàn xã hội.

Không tà dâm:

Không tà dâm là vấn đề hết sức trọng yếu đối với hành vi đạo đức con người. Bởi hành vi này được đặt trong những ranh giới rất mong manh nhằm thẩm định nhân phẩm đạo đức một con người trong xã hội, ngăn ngừa những dục vọng thấp hèn, hướng con người đến một nếp sống lành mạnh.

Không gì đau khổ đen tối hơn khi trong gia đình mà có người chồng hoặc vợ có dạ riêng tư tà. Khi gia đình lâm vào cảnh ấy, con cái sẽ xấu hổ, bê tha, côi cút, sự nghiệp ảnh hưởng, làng xóm chê bai, danh giá hoen ố, gia đình thường xảy ra xung đột ghen tuông, cãi vã. Một người chồng có quan hệ ngoài luồng, thì họ đang không chỉ phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác mà còn phá vỡ chính gia đình của mình. Cho nên không tà dâm là điều kiện cần thiết để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội tốt đẹp vì gia đình chính là tế bào của xã hội.

Không nói dối:

Con người vì cuộc sống mưu sinh và bản ngã của mình nên sẵn sàng nói dối làm hại nhau, vì một lời nói dối khiến vợ chồng lục đục, anh em chia lìa, đồng nghiệp bất hòa… vì vậy rất cần phải giữ giới không nói dối.

Động lực chính của dối trá là lòng ích kỷ, độc ác, muốn hại người để thoả dục vọng đen tối của mình. Sự lừa dối mang lại đau khổ cho người khác thì tình thương trong lòng người nói dối đã bị bóp nghẹt, vậy thì nhân cách đạo đức cũng không còn chỗ đứng. Cho nên thành ngữ Việt Nam có câu:

“Ăn mặn nói ngay

Còn hơn ăn chay nói dối”.

Ăn chay trong đạo Phật là một nếp sống đẹp, biểu trưng của lòng từ bi và đức hiếu sinh đối với con người và các động vật. Thế nhưng qua câu thành ngữ trên ta thấy sự trung thực rất được đề cao trong nếp sống người Việt Nam. Vì vậy, nếu giữ gìn được giới này thì bản thân được người đời nể trọng, tin cậy, không ai oán thù, hiềm khích. Gia đình và xã hội được đoàn kết trong sự tin cậy, mọi công việc chung được tiến hành có kết quả tốt, con người yêu thương, thông cảm nhau hơn.

Không uống rượu:

Theo thống kê thì Việt Nam là 1 trong 3 nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất trên thế giới. Không thể biết chính xác mỗi ngày trên đất nước ta có bao nhiêu lít bia, rượu được tiêu thụ, nhưng hậu quả của bia rượu thì ai cũng thấy. Người xưa đã nói “rượu vào lời ra”. Rượu bia trực tiếp gây ra nhiều bệnh tật: ung thư, xơ gan, viêm thận, mất trí… và gián tiếp gây ra nhiều tội ác. Vì thế việc giữ giới không uống rượu cũng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đạo đức xã hội, ngăn ngừa được sự phạm tội, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ta cũng cần hiểu, giới này không chỉ cấm uống rượu mà cấm bất cứ thứ gì có khả năng làm cho con người mất đi lý trí. Bản chất của rượu cũng như những chất ma tuý, trò chơi điện tử đều là những thứ làm cho con người mê muội, dễ dẫn đến những hành vi sai lầm, làm băng hoại đạo đức cá nhân và gây tổn hại cho xã hội. Con người muốn có một nhân cách đạo đức tốt trước hết phải ý thức đầy đủ về một nếp sống lành mạnh, bởi việc phát huy nhân tố con người đòi hỏi sự phát triển đồng bộ cả về “thể chất lẫn tinh thần” nhưng thể chất con người không thể bảo đảm được khi đã sa vào con đường truỵ lạc, nghiện ngập rượu chè ma tuý, sống buông thả. Đã suy sụp về “thể chất” thì “tinh thần” và khả năng trí tuệ sẽ không có cơ sở để phát triển.

Không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem múa hát:

Giới này đề ra trong Bát quan trai không nhằm mục đích cấm đoán phật tử trong đời thường mà mang tính giáo dục đạo đức. Trang điểm, thoa dầu thơm, kẻ môi, tô mắt, chải chuốt đầu tóc vốn là nhu cầu và thói quen hàng ngày của phật tử tại gia, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng trong những ngày thọ giới Bát quan trai không được làm điều này. Tại sao vậy? đó chính là vì đây là một trong hai chi ngăn ngừa kiêu mạn. Nhờ giới thứ sáu mà tâm ta không buông lung theo dục lạc, không dung chứa những hình ảnh, mùi vị, âm thanh tà tạp, dâm ô... Đối với người xung quanh, ta không làm cho họ phải tập nhiễm những cảm giác không trong sạch, không thanh thoát.  

Con người trong thế gian này thường phân biệt nhau bằng vẻ bề ngoài, vì đó là điều người ta dễ nhận ra nhất. Và nếu xét về tâm lý thì ai chẳng muốn mình đẹp, nổi bật. Từ cái tâm lý ấy mà nảy sinh bao nhiêu sự hờn giận, ganh ghét đố kỵ: đẹp hơn, giàu hơn người thì kênh kiệu, kém người thì đố kỵ. Múa hát mua vui cũng làm người ta đắm đuối, mê say, ham thích. Rất nhiều người đã phải bươn trải vất vả kiếm tiền để thỏa mãn ham muốn làm đẹp, vui chơi. Giới nhắc nhở người ta hãy giữ lối sống giản dị, đừng kiêu ngạo khi giàu có, đừng đố kỵ khi nghèo khó. Bởi vì chúng ta mang thân người như nhau, bình đẳng với nhau. Sống trong cuộc đời phải luôn biết giữ mình khiêm tốn, làm nhiều việc có ích cho đời.

Không ngồi giường cao tốt, sang trọng:

Cùng với giới thứ sáu, giới này cũng là giới ngăn ngừa kiêu mạn. Giới này nhắc nhở ta dù có ở quyền uy nào, giai cấp nào cũng không được kiêu ngạo. Không thể bước vào Thánh đạo với tâm kiêu mạn, với cảm tưởng quyền uy, giàu sang nào cả. Phật nói, như bốn con sông lớn khi chảy vào biển cả, chỉ còn một vị mặn duy nhất; cũng vậy, đời có phân biệt bốn giai cấp sang hèn khác nhau, nhưng khi bước vào Thánh đạo, tất cả hòa thành một hương vị duy nhất, là hương vị giải thoát [15]. Nhờ giới thứ bảy, tâm ta không nổi lên những niệm danh lợi, xa hoa; thân ta không bị dục lạc lôi cuốn. Đối với người chung quanh, ta dễ gần gũi, thân cận, vì không bị cái cao sang, phù phiếm bên ngoài ngăn cách.

Nếu bước vào thọ Bát quan trai giới mà tự cho mình đặc quyền ngồi nơi sang trọng, nằm giường êm ấm thì khó mà trải được lòng từ, sự đồng cảm với mọi người. Giới này giáo dục đạo đức cho ta, trong cuộc sống đời thường đừng mải mê với địa vị cao sang, tiện nghi đầy đủ thoải mái mà không nghĩ đến hành thiện, giúp đỡ người nghèo khó. Vì nói cho cùng, địa vị hay tiền bạc cũng đâu phải là mãi mãi. Chỉ có những việc tốt, thiện ta làm mới để lại tiếng thơm muôn đời. Không nằm giường sang, đẹp mang ý nghĩa giáo dục thật sâu xa. Đời sống được nâng cao, con người được phục vụ tốt hơn về mặt vật chất. Xã hội chúng ta hiện nay có nhiều quần áo, giày dép đẹp, nước hoa sang trọng, điện thoại, ti vi, nhiều chương trình giải trí, nhiều kênh truyền hình phát sóng liên tục. Nhưng chính những sự sang trọng đó cũng là nguyên nhân tạo nên lòng tham của con người. Từ ham muốn có được áo đẹp, xe đẹp, nhà cao cửa rộng mà người ta bất chấp luân lý, sẵn sàng làm mọi chuyện dù là việc làm mất nhân tính.

Giới này còn giúp người thực hành khởi lòng từ bi, biết nghĩ đến những người nghèo còn đói rách, áo không đủ mặc, bơ vơ nơi đầu đường xó chợ… Tâm niệm được rằng, vật chất mình đang có là phước báo từ nhiều đời để từ đó biết trân trọng không lãng phí, biết giúp đỡ và san sẻ với những người nghèo khổ. Giá trị đạo đức của hai giới luật này thật không nhỏ.

Không ăn phi thời:

Trong cuộc sống hiện đại, cái ăn cái mặc đầy đủ. Con người ta nghĩ ra đủ cách để giải sầu, để thỏa mãn vị giác của mình. Họ làm những món ăn thật độc ác ví dụ như món óc khỉ. Ăn uống không chừng mực gây nên bệnh béo phì, nhiều bệnh liên quan đến dạ dày, gan… Vậy nên việc giữ giới không ăn phi thời sẽ góp phần hạn chế sự ham muốn quá độ của con người, giúp nâng cao sức khỏe để tu hành tinh tấn, làm việc có hiệu quả.

Dân gian Việt Nam có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Việc ăn uống tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa văn hóa và đạo đức thật lớn lao. Nhìn cách người ta ăn uống là có thể biết được họ đã được dạy dỗ ra sao. Không ăn phi thời có tính giáo dục rất sâu xa, làm nền tảng cho tất cả các giới trên. Từ việc ăn hợp lý sẽ tránh, trừ được sát sinh, lậu hoặc, tâm không thanh tịnh...

Chúng ta biết rằng, với người đời, bữa ăn chiều tối là chính. Trong đó, không chỉ ăn uống, tiệc tùng, hưởng thụ các thứ vật dục, các lạc thú trần gian; mà đó còn là lúc và nơi người ta bước vào giải quyết nhiều mối quan hệ xã hội, là cơ hội giao tiếp, bàn bạc các công việc làm ăn, thiện có ác có. Nói cách khác, đó là thời gian thắt chặt các sợi dây ràng buộc của xã hội. Một ngày tránh ăn phi thời, là tạm thời tránh xa những quan hệ ràng buộc xã hội như vậy. Chính do sự tránh xa này mà người tại gia cảm nghiệm được ý nghĩa viễn ly, rõ được giá trị của sự giải thoát khỏi những buộc ràng thế tục.

Thực hành Bát quan trai giới trong xây dựng đạo đức gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có đạo đức, văn minh thì xã hội mới được coi là văn minh, tiến bộ. Xã hội được an lạc hạnh phúc là do nhiều gia đình sống trong an lạc hạnh phúc, mà gia đình được an lạc hạnh phúc chính là do các bậc làm cha mẹ. Những bậc làm cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng giáo dục con cái, thế hệ tương lai của đất nước, dân tộc. Nếu con cái không được sự quan tâm chăm sóc dạy dỗ trực tiếp từ nơi cha mẹ, tất nhiên chúng sẽ không có được tình yêu thương gắn bó đối với gia đình, từ đó không hy vọng gì chúng có tình yêu với đồng bào, Tổ quốc. Từ 25 thế kỷ trước đức Phật Thích Ca đã thấy rõ tầm quan trọng của sự giáo dục trong gia đình nên đã dạy các bậc làm cha mẹ đương thời phải dùng lý trí trong tình thương yêu dạy dỗ con cái, để con cái có mối quan hệ gần gũi và yêu mến cha mẹ nhiều hơn. Người dạy:

“Cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo 5 cách:

Ngăn chặn con làm điều ác

Khuyến khích con làm điều thiện

Dạy con nghề nghiệp

Cưới vợ xứng đáng cho con

Đúng thời trao của thừa tự cho con” [16].

Trong xã hội hiện nay, sự xuống cấp đạo đức giới trẻ đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Đảng, Nhà nước và các đoàn thể đã và đang tìm mọi biện pháp khắc phục qua nhiều phương tiện truyền thông và môi trường học đường. Nhưng thiết nghĩ sự giáo dục của người thân, cha mẹ đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như nâng cao giá trị đạo đức cho giới trẻ. Muốn giáo dục cho trẻ thì không gì tốt hơn là thực hành. Tấm gương đạo đức mẫu mực của cha mẹ chính là hành trang, là tài sản vô giá mà con trẻ mang theo suốt đời. Những khi khó khăn, khi vấp ngã hay cả khi thành đạt giàu sang, con cái chúng ta có thể lấy tấm gương đó ra soi mình, từ đó có phương hướng và hành động đúng đắn.

Bát quan trai giới bao hàm 8 giới cho phật tử nói chung. Nếu các bậc cha mẹ noi theo thì đã thể hiện một tấm gương sáng cho con cái rồi, và từ đó hạn chế rất nhiều tệ nạn xã hội cho các thế hệ tương lai. Tại sao vậy? Chúng ta hãy phân tích một vài giới sẽ thấy rõ.

3 giới tiếp theo: không trang điểm đua đòi, không ngồi giường cao tốt sang trọng và không ăn phi thời, là sự giáo dục tưởng như bình dị mà rất sâu xa, ý nghĩa. Trong cuộc sống gia đình con người thể hiện mình một cách trung thực nhất. Không ai có thể hiểu rõ bản thân ta bằng người thân trong gia đình, từ cách ăn uống, nói năng, sinh hoạt. Các bậc cha mẹ lại là người đặt những viên gạch nền móng cho tác phong của con cái mình từ những việc ăn, mặc đó. Những việc tưởng như tầm thường nhưng lại quan trọng trong việc định hình tính cách một con người trưởng thành sau này.

Các bậc cha mẹ biết làm gương cho con theo ba giới trên sẽ rèn cho con một cuộc sống giản dị, không đòi hỏi vật chất quá mức từ cha mẹ. Tự bản thân chúng sẽ cố gắng trong học tập lao động, không ỷ lại vào cha mẹ, không vì mình giàu có mà khinh người nghèo khổ hơn, không vì miếng ăn ngon, trò chơi vui mà đánh mất mình. Trong một xã hội mà các trò chơi điện tử quá phổ biến, phấn son, giày dép, quần áo tràn ngập thì việc giáo dục cho thế hệ tương lai một cuộc sống giản dị, có ích trở nên cấp bách và khó khăn. Tất cả sự giáo dục đó có thành công không chính là nhờ vào sự thực hành, làm gương của các bậc cha mẹ.

Dân gian có câu “phúc đức tại mẫu” quả thật là đúng. Đạo đức đời sau được hun đúc, bồi đắp từ những thế hệ đi trước, đó là nền tảng. Vậy nên việc hiểu rõ, và thực hành theo đạo đức trong Bát quan trai giới đối với các bậc cha mẹ là việc rất cần thiết. Việc thực hành ở đây không nhất thiết cứng nhắc, bó buộc mà nên vận dụng linh hoạt dựa trên đạo đức Phật giáo và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các bậc phụ huynh thực hiện được đạo đức trong Bát quan trai giới là đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ tương lai, nâng cao đạo đức xã hội.

Thực hành Bát quan trai giới trong các quan hệ xã hội

Các quan hệ xã hội được thể hiện cụ thể qua rất nhiều các mối quan hệ như bạn bè, đồng nghiệp, thầy trò… Trước tiên ta hãy nói về quan hệ bạn bè, Thiền sư Quy Sơn nói: “Đi xa phải nương bạn lành, thường thường để nơi tai mắt”, nên có câu: “Sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu”, nghĩa là: sinh thân ta đây là nhờ cha mẹ, thành thân ta đây là do “bạn lành” [17].

Các giới trong Bát quan trai rất thiết thực trong việc xây dựng mối quan hệ bạn bè bền vững, cũng giúp nhau tiến bộ. Ngoài giới không sát sinh giúp ta khởi lòng từ, lòng thương đến tất cả, giới không trộm cắp, không nói dối dạy ta nên trung thực với bạn. Người bạn quý là người biết nói thẳng nói thật không sợ mất lòng bạn, biết lắng nghe và góp ý chân thành với bạn, không tham lam tơ tưởng đến của cải vật chất của bạn. Giới không tà dâm không những dạy ta phải giữ mình không được chiếm đoạt vợ hoặc chồng bạn, mà nếu là tình bạn khác giới thì phải chú trọng đặc biệt. Tình bạn khác giới vốn đã ít mà còn bị người đời để ý và không có thiện chí, nên nếu là bạn tốt phải biết cách cư xử để không ảnh hưởng đến danh dự của bạn, không làm vợ hoặc chồng bạn nghi ngờ. Hãy coi danh dự của bạn cũng chính là danh dự của bản thân mình. Giới không uống rượu dạy ta rằng rượu không thể làm nên một tình bạn chân chính được, tình bạn phải xây dựng chân thành bằng tình cảm hành động chứ không phải bằng sự kết nối của hơi men. Giới không ăn phi thời dạy ta đừng vì mâm cao cỗ đầy, giàu sang mà kết bạn, cũng không vì nghèo khó mà bỏ bạn. Bạn bè đến thăm nhau đôi khi chỉ cần chén nước sôi để nguội, ngồi nói chuyện chia sẻ với nhau cũng đã là quý rồi. Giới không đua đòi, không ngồi giường sang trọng dạy ta cuộc sống giản dị, biết cảm thông với bạn khi bạn khó khăn hơn ta, đừng a dua cùng bạn trong những trò chơi bời vô bổ, tốn kém tiền bạc, không có ích lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu bạn ham ăn uống quá độ, thích chơi bời phóng túng, đua đòi phải biết khuyên bảo bạn từ bỏ, chỉ rõ lợi hại và giúp bạn xa rời thói xấu, tuyệt đối không a dua với bạn. Không nên kết bạn dựa trên chơi bời, hay tiền bạc vì thứ tình bạn đó cũng chóng tàn phai như chính cái cội nguồn của nó. Tiền bạc hay xa hoa rồi cũng sẽ nhạt nhòa, vô thường, nay có mai mất đời người ai biết trước được. Chỉ có tình cảm chân thành hết lòng vì nhau, cùng nhau trải qua sóng gió hoạn nạn mới đi cùng ta đến hết kiếp người. Những người con Phật nên ghi nhớ và thực hành theo những điều trên thì sẽ có cuộc sống bạn bè bền vững, tin tưởng và an vui.

Hiện nay, tại một số chùa và học viện phật giáo đã và đang bắt đầu mở các lớp học tu cho các cư sĩ tại gia. Các khóa tu theo chủ đề rất thiết thực và bổ ích, ngoài ra các bậc cha mẹ tranh thủ mùa hè cũng gửi các con lên chùa để mong con vừa nghỉ hè, tránh xa nơi ồn ào của cuộc sống đô thị, vừa tiếp thu được đạo đức tốt đẹp. Nếu như có thể tổ chức được các buổi tu Bát quan trai giới cho lớp trẻ trong trường học hoặc ở các chùa theo định kỳ thì thật là ý nghĩa. Thứ nhất, thọ giới Bát quan trai chỉ có một ngày, thời gian ngắn thích hợp cho các cháu học sinh cấp hai, cấp ba. Thứ hai, các giới trong Bát quan trai rất gần gũi và thích hợp để giáo dục đạo đức cho các cháu trong tuổi mới lớn. Các giới này có thể ứng dụng vào các quan hệ trong cuộc sống thường ngày, các giới đó hòa quyện với các truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời. Từ việc giáo dục Bát quan trai giới cho các cháu sẽ truyền cho các cháu tình yêu gia đình, yêu đất nước, yêu truyền thống dân tộc.

Kết luận

Xã hội xưa cũng như nay, đối chiếu 8 điều giới của đạo đức Phật giáo thì ta thấy rõ ràng chính 8 điều giới này là những cái cần thiết để ngăn chặn dòng thác dữ phai đạo đức, duy trì củng cố nền tảng đạo đức nhân loại và dân tộc. Yêu cầu của 8 giới ấy sẽ là cơ sở để ta xây dựng nền đạo đức xã hội hiện thời.

Bát quan trai giới dạy cho con biết chế ngự mọi ham muốn, mọi hành vi bất thiện, ngăn ngừa ác tâm sinh khởi, xua tan cái Nghiệp quả oan oan tương báo, đem lại an lạc cho tự thân, cho tha nhân và xã hội. Trong gia đình cho đến ngoài cộng đồng, xã hội, nếu ai ai cũng tin và hiểu về Bát quan trai giới, ắt con người trong xã hội trở nên thánh thiện hơn, có đạo đức hơn. Một xã hội mà con người luôn lấy những điều nhân nghĩa, trung chính và có đạo đức đối xử với nhau đúng trong tình đồng bào, đồng loại, biết sống vì hạnh phúc của tha nhân và cộng đồng, xã hội, đó chính là thực chân của giáo lý Nghiệp nói riêng, của đạo đức Phật giáo nói chung. Bát quan trai giới từ đó còn góp phần xây dựng và củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc, một trong những sức mạnh có vai trò quyết định trong công cuộc giữ vững nền độc lập dân tộc từ bao đời nay. Ý thức được giá trị của tự thân, vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước, với dân tộc, người Việt Nam đã, đang và sẽ liên kết cùng nhau xây dựng thành một khối đại đoàn kết vững mạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] G.Bandzelaze (1990),  Đạo đức học: Thử trình bày một hệ thống đạo đức học Mác xít, Tập 1, NXB Giáo dục, tr.33.

[2] Đào Duy Anh (1998), Từ điển Hán Việt, NXB Khoa học xã hội, tr.124.

[3] Mai Văn Bính (Chủ biên), Lê Thanh Hà, Nguyễn Thị Thanh Mai, Lưu Thu Thủy (2014), Giáo dục công dân 10, NXB Giáo dục, tr.62-67.

[4] Thích Hạnh Bình (2004), Tìm hiểu Phật giáo Nguyên thủy, NXB Tôn giáo, tr.183.

[5] Đại đức Narada Thera (1998), Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, NXB TP Hồ Chí Minh, tr.4.

[6] Thích Minh Châu (1996), Kinh Tăng Chi, Tập III, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.211.

[7] Thích Minh Châu (1995), Đạo đức học Phật giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr. 7.

[8] Thích Minh Châu (1968), Kinh Pháp Cú, NXB Tôn giáo, tr.129.

[9] Thích Thiện Hoa (1997), Phật học phổ thông, NXB Tôn giáo, tr.17.

[10] Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, II, NXB Tôn giáo, tr.81.

[11] Thích Đạt Ma Khế Định (2018), Oai nghi con đường của sự tỉnh thức, NXB Tôn giáo, tr.23.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)