Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới qua 3 lần tổ chức đã tạo được một diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những ý kiến quý báu và nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật.
Toàn cảnh Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV (ảnh: Quang Vinh).
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, kiều bào là nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kỳ vọng, Hội nghị lần này với trọng tâm là Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng”, tập trung trí tuệ tập thể, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm quan triển lãm ảnh về hoạt động của kiều bào Việt Nam (ảnh: Quang Vinh).
Phát biểu tại Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Diễn đàn là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với kiều bào Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước. Nhân dịp này, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quan trọng của cộng đồng kiều bào người Việt Nam cho quê hương, đất nước trong suốt thời gian qua; biểu dương Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong chặng đường 65 năm hình thành và phát triển, nhất là đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành, địa phương: bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới; xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, nguồn lực và động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là mái nhà chung, là địa chỉ tin cậy của bà con, là cầu nối đưa bà con về gần hơn với Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, hỗ trợ đồng bào giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực đổi mới tư duy phát triển, quyết liệt hành động, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có cơ chế, chính sách thuận lợi cho bà con, doanh nghiệp ta ở nước ngoài đầu tư kinh doanh, hỗ trợ nhân dân trong nước; các bộ, ngành, địa phương tiếp thu, lắng nghe, phản hồi và áp dụng trên thực tế những ý kiến đóng góp của đồng bào; thực hiện các giải pháp một cách chủ động, tích cực. Đặc biệt, cùng với đóng góp bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức khoa học công nghệ… của đồng bào là nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, với tình yêu quê hương, đất nước, những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại tốt đẹp, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, sẽ tiếp tục phát huy cao nhất bản lĩnh, trí tuệ, ngày càng phát triển vững mạnh, phát huy vai trò cầu nối Việt Nam với thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xứng đáng với truyền thống con Lạc, cháu Hồng, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.
Tạo không gian mở để kiều bào hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Phát biểu về những nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Hoàng Đình Thắng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương, nhân dân trong nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; sự tin tưởng, tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước và mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Ông Hoàng Đình Thắng đề xuất, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai; thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, xây dựng hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn và minh bạch; tăng cường tổ chức kết nối chuyên gia, trí thức kiều bào; quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt; tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam...
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra 4 phiên chuyên đề: Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam; Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước; Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào; Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”, cùng với các gian hàng trưng bày ảnh về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và kiều bào với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
BL