Thứ ba, 20/08/2024 15:45

Khung Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024: Một số điểm mới

Ngày 24/07/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Quyết định 1705/QĐ-BKHCN phê duyệt khung chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index) 2024. Khung Chỉ số PII được xây dựng nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương. Theo đó, PII 2024 vẫn giữ đánh giá, điểm số và xếp hạng theo 52 chỉ số, song có một số điểm mới như thay đổi cách tính toán chỉ số thành phần, nguồn thu thập dữ liệu... để các địa phương thuận lợi hơn trong việc cung cấp thông tin đánh giá.

Khung Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024

Năm 2022, Bộ KH&CN đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan xây dựng thử nghiệm Bộ Chỉ số PII và đã được Chính phủ giao chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Ngày 05/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó quy định, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai và công bố Chỉ số PII; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực thực hiện Chỉ số PII.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo hướng dẫn thu thập và cung cấp dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán chỉ số PII năm 2024 (Hà Nội, 01/08/2024).

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, bộ Chỉ số PII cung cấp bức tranh về hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của từng tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Hiện PII là bộ chỉ số đa ngành duy nhất tổng hợp và phản ánh tổng thể hiện trạng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên hiện nay, nhiều địa phương còn gặp một số khó khăn và chưa thực sự khai thác được bộ chỉ số này. Việc xếp hạng Chỉ số PII không phải chỉ để quan tâm thứ hạng, mà qua các chỉ số về thể chế, con người, môi trường kinh doanh... đến nghiên cứu phát triển, các địa phương nhìn nhận, đánh giá được những điều kiện giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngày 24/07/2024, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định 1705/QĐ-BKHCN phê duyệt Khung Chỉ số PII năm 2024. Theo đó, Khung Chỉ số PII năm 2024 vẫn giữ đánh giá, điểm số và xếp hạng theo 52 chỉ số thành phần, thiết kế hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra (7 trụ cột), bao gồm:

Thể chế: Gồm 2 nhóm chỉ số về “Môi trường chính sách” và “Môi trường kinh doanh”, với 7 chỉ số thành phần: ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, văn bản thúc đẩy phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chi phí gia nhập thị trường; tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương; cải cách hành chính; cạnh tranh bình đẳng.

Nguồn nhân lực và nghiên cứu: Gồm 2 nhóm chỉ số về “Giáo dục” và “Nghiên cứu và phát triển”, với 7 chỉ số thành phần: điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông; tỷ lệ học sinh trung học tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trên tổng số học sinh trung học (%); chi cho giáo dục, đào tạo trung bình một người đi học; nhân lực nghiên cứu và phát triển/10.000 dân; tỷ lệ chi cho KH&CN từ ngân sách địa phương/GRDP (%); chi nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ/GRDP (%); số tổ chức KH&CN/10.000 dân.

Cơ sở hạ tầng: Gồm 2 nhóm chỉ số về “Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông”, “Cơ sở hạ tầng chung và môi trường sinh thái”, với 5 chỉ số thành phần: hạ tầng số; quản trị điện tử; cơ sở hạ tầng chung; tỷ lệ diện tích đất công nghiệp đã được xây dựng kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp trên tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch của các khu công nghiệp (%); quản trị môi trường.

Trình độ phát triển của thị trường: Gồm 2 nhóm chỉ số về “Tài chính và Đầu tư” và “Dịch vụ hỗ trợ”, với 7 chỉ số thành phần: tín dụng cho khu vực tư nhân/1.000 lao động (triệu đồng); vay tài chính vi mô/GRDP (%); vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (triệu đồng); giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (triệu đồng); số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn, KH&CN/1.000 doanh nghiệp đang hoạt động; mật độ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân trên 1.000 dân; đóng góp trong GDP cả nước (%).

Trình độ phát triển của doanh nghiệp: Gồm 3 nhóm chỉ số về “Lao động có tri thức”, “Liên kết sáng tạo” và “Hấp thu tri thức”, với 9 chỉ số thành phần: tỷ lệ chi đào tạo lao động/tổng chi của doanh nghiệp (%); tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo (%); tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (%); hợp tác nghiên cứu giữa tổ chức KH&CN và doanh nghiệp (%); số dự án đầu tư đang sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp/1.000 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang hoạt động; số dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp/1.000 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang hoạt động; đầu tư trực tiếp của nước ngoài/GRDP (%); tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST (%); số doanh nghiệp có ISO/1.000 doanh nghiệp của địa phương.

Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ: Gồm 3 nhóm chỉ số về “Sáng tạo tri thức”, “Tài sản vô hình” và “Lan tỏa tri thức”, với 9 chỉ số thành phần: đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích/10.000 dân; đơn đăng ký giống cây trồng/10.000 dân; đơn đăng ký nhãn hiệu/1.000 doanh nghiệp; đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể/1.000 doanh nghiệp; đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp/10.000 dân; số đơn đăng ký và chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ/tổng số xã; số doanh nghiệp mới thành lập/10.000 dân; số doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp KH&CN/1.000 doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo/tổng số doanh nghiệp mới thành lập ở địa phương (%).

Tác động: Gồm 2 nhóm chỉ về “Tác động đến sản xuất, kinh doanh” và “Tác động đến kinh tế - xã hội”, với 8 chỉ số thành phần: chỉ số sản xuất công nghiệp; số lượng sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)/tổng số đơn vị hành chính cấp xã; giá trị xuất khẩu/GRDP (%); tốc độ tăng năng suất lao động; tốc độ giảm nghèo (%); tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc so với tổng dân số địa phương (%); thu nhập bình quân đầu người (triệu đồng); chỉ số phát triển con người.

Một số điểm mới

Khung chỉ số PII 2024 vẫn giữ đánh giá, điểm số và xếp hạng theo 52 chỉ số thành phần, thiết kế hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra (7 trụ cột). Trong đó, các dữ liệu được thu thập từ địa phương là 13 chỉ số, đồng thời sử dụng kết quả từ các bộ chỉ số khác như cải cách hành chính; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chuyển đổi số; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Cấu trúc và tiêu chí về khung chỉ số gần như giữ nguyên "dựa theo lời khuyên từ chuyên gia quốc tế". Tuy nhiên bộ chỉ số có thay đổi một số tính toán chỉ số thành phần, nguồn thu thập dữ liệu.

Cụ thể, ở trụ cột “Thể chế”, liên quan đến việc ban hành và thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng KH,CN&ĐMST được bổ sung thêm lĩnh vực chính sách phát triển văn hóa, nghệ thuật và du lịch. Ở trụ cột “Vốn con người và nghiên cứu phát triển”, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thay đổi bằng cách tính điểm trung bình 5 môn thi, bổ sung thêm lĩnh vực nhân văn bên cạnh kỹ thuật, khoa học. Các chỉ số về tỷ lệ học sinh phổ thông tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hay nguồn nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển cũng được bổ sung số liệu từ Tổng cục Thống kê, các bộ ngành liên quan thay vì chỉ do địa phương cung cấp như trước.

Bên cạnh đó, trụ cột  “Trình độ phát triển của thị trường” bớt 1 chỉ số (chỉ số tài chính vi mô/GRDP- sẽ sử dụng dữ liệu do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tại trung ương cung cấp); thêm 1 chỉ số (đóng góp trong GDP cả nước). Đồng thời, ở trụ cột “Trình độ phát triển của doanh nghiệp” điều chỉnh mẫu số của 2 chỉ số gồm: chỉ số số dự án đầu tư đang sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp/1.000 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang hoạt động của địa phương (%) và chỉ số số dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp/1.000 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang hoạt động trên địa bàn địa phương (năm 2023, mẫu số của 2 chỉ số này là “doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn”).

PII 2024 cũng đưa ra các chỉ số mới trong cách đánh giá để phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển như hạ tầng chung, quản trị môi trường, trình độ phát triển doanh nghiệp như giữa các địa phương có chênh lệch về số lượng doanh nghiệp chế biến chế tạo với doanh nghiệp dịch vụ. Việc điều chỉnh, bổ sung này dựa trên góp ý xếp hạng hiện tại còn thiên về ĐMST trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp mà chưa chú trọng các chỉ số dịch vụ, văn hóa. Bộ chỉ số cũng điều chỉnh về số đơn đăng ký và chỉ dẫn địa lý bằng việc xem xét cả số đơn đã nộp thay vì chỉ lấy số lượng đơn đã cấp.

Đảm bảo bộ chỉ số phù hợp, đo lường đúng đối tượng

 Các kỹ thuật tính toán được áp dụng để đảm bảo bộ chỉ số phù hợp, đo lường được đúng đối tượng, đạt được mục tiêu đề ra gồm việc xử lý các trường hợp bị thiếu dữ liệu; thực hiện phân tích đa biến để kiểm định mối quan hệ tương quan giữa các chỉ số được lựa chọn, đánh giá sự phù hợp của dữ liệu; quy chuẩn dữ liệu để đảm bảo so sánh được. Kỹ thuật tính toán, phân tích của Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) tiếp tục được học hỏi, áp dụng đối với Chỉ số PII.

Sau khi phương pháp tính toán được kiểm định, đảm bảo tính phù hợp, các phân tích chi tiết được thực hiện theo đánh giá chung và cho từng địa phương, để xem xét đóng góp của từng nhóm chỉ số, chỉ số thành phần cụ thể đến bộ chỉ số tổng hợp. Kết quả đánh giá, xếp hạng hoạt động ĐMST cấp địa phương sẽ được xây dựng thành báo cáo tổng hợp với các phân tích chung và cho từng địa phương. Báo cáo sẽ được công bố, phổ biến kết quả đến các địa phương, các cơ quan trung ương và các bên liên quan thông qua hội thảo công bố trực tiếp và tài liệu hóa, xuất bản dưới hình thức bản cứng và bản mềm. Quy trình thu thập, xử lý dữ liệu từ các địa phương được thực hiện gồm 10 bước:

Bước 1: Các địa phương tham gia tập huấn.

Bước 2: Sở KH&CN phối hợp với các sở, ban ngành thu thập và cung cấp dữ liệu.

Bước 3: Các sở, ban, ngành rà soát các báo cáo, nguồn dữ liệu, tổng hợp dữ liệu theo yêu cầu và gửi Sở KH&CN kèm tài liệu minh chứng.

Bước 4: Sở KH&CN rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và tài liệu minh chứng do các sở, ban, ngành cung cấp; đề nghị các sở, ban, ngành xác nhận, làm rõ nếu phát hiện dữ liệu và tài liệu minh chứng có sai khác, chưa đầy đủ hoặc không hợp lý.

Bước 5: Sở KH&CN gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng cho Bộ KH&CN thông qua Học viện KH,CN&ĐMST (bản cứng kèm theo công văn) và nhập dữ liệu, tải tài liệu minh chứng (bản mềm) lên phiếu thu thập dữ liệu trực tuyến trước ngày 30/8; gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng về UBND tỉnh/thành phố để xem xét, cho ý kiến (nếu cần) và thông báo cho Bộ KH&CN các ý kiến của UBND tỉnh/thành phố (nếu có).

Bước 6: Bộ KH&CN tiếp nhận dữ liệu do Sở KH&CN cung cấp (bản cứng và trực tuyến) và thông báo tình hình tiếp nhận dữ liệu cho sở KH&CN.

Bước 7: Bộ KH&CN rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và tài liệu minh chứng.

Bước 8: Bộ KH&CN thông báo cho cơ quan đầu mối của địa phương (Sở KH&CN) để tiếp tục làm rõ thông tin (nếu cần).

Bước 9: Sở KH&CN rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và tài liệu minh chứng do các sở, ban, ngành đã cung cấp; đề nghị các sở, ban, ngành xác nhận, làm rõ, sau đó gửi công văn xác nhận, làm rõ dữ liệu kèm tài liệu minh chứng; gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng liên quan về UBND tỉnh/thành phố để xem xét, cho ý kiến (nếu cần) và thông báo cho Bộ KH&CN các ý kiến của UBND tỉnh, thành phố (nếu có).

Bước 10: Bộ KH&CN xác nhận dữ liệu do Sở KH&CN đã xác minh, kiểm tra; tập hợp dữ liệu phục vụ tính toán. Trường hợp dữ liệu và tài liệu minh chứng vẫn còn sai khác, chưa đầy đủ, bất hợp lý thì quay lại Bước 8.

PT (tổng hợp)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)