Thứ ba, 20/08/2024 15:40

Chuyển đổi số của Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm

Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là 1 trong 9 quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình nhưng được đánh giá cao do có chỉ số tổng hợp và chỉ số dịch vụ trực tuyến ở mức cao; từ năm 2020 đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hoàn thiện thể chế nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số ở nước ta… Đây là những nhận định được đưa ra tại Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương*.

Kết quả nổi bật

Theo Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 86/193 quốc gia/vùng lãnh thổ, không tăng bậc so với xếp hạng năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 9 quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình nhưng được đánh giá cao do có chỉ số tổng hợp và chỉ số dịch vụ trực tuyến ở mức cao. Xếp hạng dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đạt 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp thứ 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.

Trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), EGDI của Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 6/11 quốc gia (sau 5 quốc gia là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia). Về xếp hạng dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2020, xếp hạng thứ 5/11 (sau 4 quốc gia là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia).

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 tốc độ này đã cải thiện với vị trí thứ 3 khu vực. 2 năm liên tiếp 2022, 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam đã đứng đầu khu vực ASEAN.

Từ năm 2020 đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hoàn thiện thể chế nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số ở nước ta. Cụ thể: có 3 luật, 2 nghị quyết của Chính phủ, 19 nghị định, 21 quyết định/Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tác động, điều chỉnh trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số…

Năm 2022, chỉ số chuyển đổi số quốc gia là 0,71. So với năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ số chuyển đổi số quốc gia có chậm lại. Tuy nhiên, các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (45-55%). Việt Nam cần phải nỗ lực đưa chỉ số này đạt 80% và liên tục duy trì trong khoảng một thập kỷ để tạo ra sự phát triển bứt phá, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số vào năm 2030.

Về giải quyết thủ tục hành chính, năm 2010 cả nước mới có 4 dịch vụ công trực tuyến mức cao nhất, chiếm 0,004% tổng số dịch vụ công và mức độ tăng trưởng rất chậm trong giai đoạn 10 năm tiếp theo (năm 2019 mới chỉ đạt gần 11%). Cho đến năm 2020, bắt đầu triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có bước tăng trưởng đột phá khi hằng năm tăng trưởng bằng cả giai đoạn 10 năm trước đó. Đến nay, tỷ lệ này của cả nước đạt trên 55%, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 10 năm trước đó. Năm 2019, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở đâu thì phải tạo tài khoản ở đó. Hiện nay, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Năm 2020, hồ sơ công việc tại cấp bộ được xử lý trên môi trường mạng đạt mức 65,8% (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Đến giữa năm 2024, tỷ lệ này đạt 89,35%. Tỷ lệ công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia là 37,4%. Trước đây, các hệ thống quản lý văn bản điều hành của các bộ, ngành, địa phương đa số còn rời rạc, chưa kết nối để liên thông văn bản điện tử. Mỗi hệ thống hoạt động độc lập, hoặc chỉ nội bộ trong từng ngành, địa phương, thậm chí trong một bộ, địa phương còn có các hệ thống văn bản khác nhau. Cho đến nay, 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt nhờ triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia. Tổng số có 98% các cơ quan đã gửi, nhận văn bản điện tử và 80% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng cá nhân.

Nếu trước năm 2020, chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về doanh nghiệp được đưa vào vận hành thì đến nay các CSDLQG quan trọng như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm đã hoàn thành, các cơ sở dữ liệu khác cũng đang gấp rút hoàn thiện. CSDLQG về dân cư đã hoàn thiện và cung cấp dữ liệu rộng rãi phục vụ cải cách hành chính. CSDLQG về đất đai đã thực hiện được 455/705 đơn vị cấp huyện và đang từng bước được lấp đầy. Trước năm 2020 các bộ, nghành, địa phương triển khai cơ sở dữ liệu còn manh mún thì đến năm 2024 hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoạch định rõ và ban hành danh mục CSDL dùng chung của mình với tổng số gần 3.000 CSDL.

Về phát triển kinh tế số, báo cáo của Google đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đặt ra mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2025 tối thiểu 20%, năm 2030 tối thiểu 30%. Thực tế ước tính tỷ trọng này năm 2021 ước đạt 11,91%, năm 2022 ước đạt 14,26%, năm 2023 ước đạt 16,5%, trong đó tỷ trọng kinh tế số lõi công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chiếm hơn 60%, kinh tế số ngành, lĩnh vực chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 40%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực của Việt Nam so với năm 2022 đạt được kết quả ấn tượng: du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng 11%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp, về cơ bản không đổi so với năm 2022. Năm 2023, Việt Nam có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 cho biết, Việt Nam được xếp hạng 55 toàn cầu. Lực lượng lao động ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam khá đông đảo, với trên 1.500.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp; 168 trường đại học và 520 trường nghề có đào tạo về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Ngành ICT cũng là ngành kỹ thuật có số chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất, thu hút được nhiều sinh viên tuyển sinh nhất với tổng chỉ tiêu tuyển sinh xấp xỉ 100.000 (có những trường tuyển sinh năm 2023 trên 10.000 sinh viên).

Tình hình xã hội số giai đoạn 2022-2024 có những chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ 3% lên 13,5% (gần gấp 4 lần); tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng thêm 20% so với năm 2020). Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận). Có 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử cao nhất cả nước. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, ví điện tử...

Về an toàn thông tin, đến 6/2024, cả nước có 7.206 hệ thống thông tin (HTTT) trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Các bộ, ngành có 1.539 HTTT, các địa phương có 5.667 HTTT, trong đó cấp độ 1 có 3309 HTTT (45,9%), cấp độ 2 có 2914 HTTT (40,4%), cấp độ 3 có 955 HTTT (13,3%), cấp độ 4 có 23 HTTT (0,3%), cấp độ 5 có 05 HTTT (0,1%). Số lượng HTTT đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ là 5.515 HTTT, tương đương 76,5%3, tăng 11,5% so với năm 2023. Số lượng HTTT đã được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn HTTT theo hồ sơ đề xuất cấp độ được duyệt là 4.068 HTTT, tương đương 56,5%4, tăng khoảng 26,5% so với năm 2023. Các bộ ngành có 793 HTTT/1.539 HTTT, tương đương 51,5%; các địa phương có 3.275 HTTT/5.667 HTTT, tương đương 57,8%.

Bài học kinh nghiệm

Trên cơ sở tổng kết các điển hình thành công về chuyển đổi số, Báo cáo “Giải pháp để xây dựng Chính phủ số, công dân số phục vụ phát triển kinh tế số” của Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu lên một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể là:

Người đứng đầu trực tiếp làm chuyển đổi số: Chuyển đổi số là một công việc mới, do vậy người đứng đầu các cấp phải trực tiếp làm, trực tiếp thực hiện qua một dự án, đề án có tính đột phá để hiểu ra và từ đó mới có thể chỉ đạo thúc đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số do mình trực tiếp chỉ đạo. Chỉ có như vậy, chuyển đổi số mới thành công.

Chuyển đổi số thành công phụ thuộc chủ yếu vào các bộ, ngành, địa phương: Chuyển đổi số thành công cần xác định rõ mục tiêu, đưa tri thức chuyên ngành vào ứng dụng, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cán bộ công chức. Cán bộ công chức cần thường xuyên sử dụng, đây cũng là quá trình huấn luyện, giúp ứng dụng hoàn thiện và thông minh hơn. Các công việc này chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương thực hiện, chiếm tới 70% công việc chuyển đổi số. 30% còn lại thuộc về doanh nghiệp công nghệ số. Do đó, thành công của chuyển đổi số phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động các bộ, ngành, địa phương.

Lựa chọn vấn đề thiết yếu để ưu tiên: Chuyển đổi số cần phải tìm, lựa chọn một vấn đề thiết yếu, có tác động lan tỏa, giải quyết tồn tại, phục vụ người dân để thực hiện ưu tiên, từ đó tự tin mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Chọn đúng đối tác, cam kết đồng hành dài hạn: Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài. Do vậy, đối tác thực hiện chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước là các doanh nghiệp công nghệ số cần phải đồng hành, đi cùng, đi suốt cả quá trình. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải không ngừng lớn mạnh, không những giỏi chuyên môn, mà phải am hiểu nghiệp vụ của các ngành, lĩnh vực. Phải có nguồn lực đủ mạnh, có cam kết và dành nguồn lực riêng, đảm bảo sẵn sàng 24/7.

Chuyển đổi số phải dựa trên các nền tảng số: Làm nền tảng số dùng chung giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả do dữ liệu, tri thức tập trung nên việc khai thác, sử dụng tối ưu, hiệu quả hơn.

Về phát triển hạ tầng số: Hạ tầng số phục vụ cho chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương cơ bản bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu và các nền tảng có tính chất hạ tầng. Hạ tầng viễn thông thì các cơ quan nhà nước nên thuê của các doanh nghiệp viễn thông; hạ tầng dữ liệu dùng để lưu trữ dữ liệu và phải sử dụng công nghệ điện toán đám mây.

Về phát triển dữ liệu số: Việc phát triển dữ liệu số phải bảo đảm 02 nguyên tắc: “Bắt buộc” và “100%”. Bắt buộc: mọi cán bộ công chức đều phải đưa dữ liệu lên môi trường mạng. Người ban hành quy định này phải là người đứng đầu của bộ, ngành để quy định có hiệu lực trong toàn bộ tổ chức. Quy định này phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo hướng làm rõ ai làm, làm việc gì, làm như thế nào, thời hạn bao lâu. Dữ liệu đưa lên môi trường số phải được phê duyệt. Dữ liệu của cơ quan nhà nước phải đảm bảo chính xác, phục vụ việc ra quyết định chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu

Việc đưa dữ liệu lên môi trường mạng phải đạt 100%, nghĩa là tất cả các dữ liệu được xác định là cần thiết phải được đưa lên mạng mới đảm bảo hiệu quả sử dụng. Để đưa dữ liệu lên môi trường mạng, các bộ/ngành cần xác định rõ những dữ liệu nào cần thiết liên quan đến hoạt động xử lý công việc hằng ngày của cán bộ công chức phải đưa lên. Những dữ liệu cần thiết phải đưa lên môi trường mạng cần thực hiện: 1) xây dựng kết nối để cập nhật dữ liệu liên tục và đồng bộ lên mạng (đối với dữ liệu phát sinh trực tuyến); 2) thực hiện số hóa để đưa dữ liệu lên mạng (đối với dữ liệu phát sinh ngoại tuyến).

Bảo đảm an toàn thông tin: Đối với việc bảo đảm an toàn thông tin, chúng ta đều xác định là việc ngăn chặn 100% nguy cơ bị tấn công mạng là điều không khả thi và vô cùng tốn kém. Do đó, vấn đề quan trọng là khi xảy ra sự cố thì phải có khả năng phục hồi nhanh. Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, chúng ta cần phải đảm bảo các quy tắc: 1) Nghiêm túc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; trước tiên, cần hoàn thành phê duyệt hồ sơ an toàn thông tin theo cấp độ và triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; 2) Để có thể phục hồi nhanh thì điểm cốt lõi là dữ liệu của hệ thống phải được bảo đảm an toàn thông qua việc sao lưu; 3) Phải có phương án phục hồi nhanh ngay sau khi bị tấn công (dưới 24 giờ).

VH

 

*Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra ngày 19/07/2024. Trước đó, ngày 10/07/2024, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cũng đã chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tóm tắt một số kết quả nổi bật và bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số từ những tài liệu, đánh giá tại các hội nghị này.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)