Thứ tư, 21/08/2024 10:04

Nan đề đạo đức giữa ý thức của động vật và sự sinh tồn của con người: Liệu có lời giải nào không?

TS Nguyễn Minh Hoàng, TS Nguyễn Thị Hồng Huệ

Trường Đại học Phenikaa

Vào ngày 19/4/2024, Tuyên bố New York về Ý thức của động vật đã được công bố tại hội nghị "Khoa học mới nổi về ý thức của động vật" tổ chức tại Đại học New York, Hoa Kỳ. Tuyên bố New York là một nỗ lực để thể hiện sự đồng thuận của giới khoa học về sự tồn tại trải nghiệm ý thức ở tất cả các loài có xương sống và nhiều loài không xương sống. Về mặt khoa học, Tuyên bố New York là một bước tiến bộ lớn cho nhân loại, nhưng nó cũng sẽ khiến cho nhiều người có ý thức hơn về các thách thức đạo đức liên quan đến động vật có trải nghiệm ý thức. Bài viết bàn về các cách tiếp cận triết học đối với vấn đề đạo đức của việc giết các sinh vật có tri giác để từ đó chỉ ra nan đề đạo đức đang hiện hữu trong xã hội loài người: Để duy trì sự tồn tại của con người, loài được xem là có đạo đức, thì chúng ta lại vi phạm đạo đức của chính chúng ta, là sát sinh các loài có giá trị nội tại, ý thức, hay tri giác khác. Nan đề đạo đức này đã tồn tại trong xã hội loài người từ rất lâu trước đây. Nhiều giải pháp đã được đề xuất và ứng dụng vào thực tế nhằm giải quyết nan đề này, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn giải quyết được nan đề đạo đức, đó là các sinh vật có tri giác vẫn tiếp tục bị giết vì sự sinh tồn của con người.

Tuyên bố New York: Một bước tiến lớn về ý thức ở động vật

Ngày 19/4/2024, Tuyên bố New York về Ý thức của động vật đã nhận được sự đồng thuận của 39 chuyên gia trong các lĩnh vực tâm lý học, thần kinh học, động vật học và triết học. Tuyên bố New York có mục tiêu cập nhật Tuyên bố Cambridge về Ý thức trước đó, được đưa ra vào năm 2012 như một nỗ lực để thể hiện sự đồng thuận của giới khoa học về sự tồn tại ý thức ở các loài động vật không phải con người, bao gồm nhưng không giới hạn ở động vật có vú và chim. Tuyên bố New York viết rằng [1]: Bằng chứng thực nghiệm cho thấy, trải nghiệm ý thức có khả năng tồn tại ở tất cả các loài có xương sống (bao gồm các loài bò sát, lưỡng cư, cá) và nhiều loài không xương sống (các loài mực ống, giáp xác mười chân và côn trùng). Tuyên bố tập trung vào loại ý thức cơ bản nhất, được biết đến là ý thức hiện tượng. Nói một cách đơn giản, nếu một sinh vật có ý thức hiện tượng, thì nó sẽ có khả năng trải nghiệm các cảm giác đau đớn, thích thú hoặc đói, nhưng không nhất thiết phải có các trạng thái tâm thức phức tạp hơn như tự nhận thức.

Ví dụ, các bằng chứng gần đây cho các nhà khoa học biết được rằng bạch tuộc (Octopoda) cảm nhận được đau đớn và có thể thực hiện các hành vi phức tạp như giải quyết vấn đề, sử dụng công cụ và chơi đùa. Trong khi đó, mực nang (Sepia officinalis) có thể nhớ được chi tiết của các sự kiện trong quá khứ cụ thể... Trong thế giới côn trùng, ong nghệ (Bombus terrestris) cũng có các hành vi chơi đùa, còn ruồi giấm (Drosophilidae) có những cách ngủ khác nhau bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội của chúng...

Ong nghệ (Bombus terrestris). Nguồn: Ivar Leidus (CC-BY-SA-4.0).

Mặc dù nhiều loài động vật được đề cập trong Tuyên bố có bộ não và hệ thần kinh rất khác so với con người, các nhà nghiên cứu cho rằng điều này không nhất thiết là rào cản đối với ý thức. Chẳng hạn, não ong chỉ chứa khoảng 1 triệu tế bào thần kinh, so với khoảng 86 tỷ tế bào thần kinh của con người. Nhưng mỗi tế bào thần kinh của ong lại có thể phức tạp hơn về cấu trúc. Mạng lưới kết nối mà chúng tạo thành cũng vô cùng dày đặc, với mỗi tế bào thần kinh có thể tiếp xúc với khoảng 10.000 hoặc 100.000 tế bào khác. Hệ thần kinh của bạch tuộc lại phức tạp theo cách khác. Cấu trúc của nó phân bố rộng rãi hơn là tập trung; một cánh tay bị cắt có thể thể hiện nhiều hành vi của con vật nguyên vẹn.

Nan đề đạo đức giữa sinh vật có tri giác và sự sinh tồn của con người

Về mặt khoa học, Tuyên bố New York là một bước tiến bộ lớn cho nhân loại, vì nó giúp mở ra giới hạn mới về mặt nhận thức của con người đối với thế giới xung quanh, đặc biệt là đối với các sinh vật có tri giác. Đây không chỉ là nền tảng cho các phát kiến khoa học về nhận thức và các kỹ thuật dựa trên mô phỏng sinh học mà còn giúp định hướng sự chuyển dịch của xã hội theo hướng văn minh và hài hòa với môi trường hơn [2]. Tuy nhiên, Tuyên bố cũng sẽ khiến cho nhiều người có ý thức hơn về các thách thức đạo đức liên quan đến động vật có trải nghiệm ý thức. Nói cách khác, Tuyên bố này sẽ khiến nhiều người trong chúng ta phải xem lại giá trị quan, hành vi và cách đối xử đối với các loài động vật “có ý thức” xung quanh.

Có nhiều khía cạnh để chúng ta phân biệt con người và các loài động vật. Bên cạnh các đặc tính sinh học, khả năng nhận thức, cấu trúc xã hội và văn hóa, thì khả năng lý giải đạo đức và luân lý là một dấu hiệu phân biệt cơ bản.

Trong hầu hết các khuôn khổ luân lý, bao gồm và không giới hạn ở các học thuyết tôn giáo và triết học, việc giết người là sai trái về mặt đạo đức. Trong triết học, cả đạo nghĩa luận và chủ nghĩa vị lợi đều cho rằng trong phần lớn trường hợp, hành vi giết người là sai trái [3]. Đạo nghĩa luận cho rằng, việc giết người là sai trái vì nó sử dụng con người như một cách thức để đạt được mục tiêu, vì thế không tôn trọng giá trị nội tại (phẩm giá) của con người như một sinh vật có lý trí. Ngoài ra, nếu hành vi đấy trở thành luật phổ quát nó sẽ dẫn đến một xã hội đầy rối loạn, mất an toàn, không có niềm tin và hợp tác xã hội. Trong khi đó, mặc dù chủ nghĩa vị lợi cho rằng giết người là chấp nhận được về mặt đạo đức nếu kết quả của hành động đấy giúp làm tăng tối đa tổng hạnh phúc và giảm tối đa tổng đau khổ, nhưng phần lớn các hành vi giết người đều bị xem là sai trái. Đó là vì hành động này tước đoạt khả năng hạnh phúc trong tương lai của nạn nhân, mà không có bất kỳ lợi ích bù đắp nào cho người khác, hoặc vì những tác động tiêu cực đối với những người khác ngoài nạn nhân (ví dụ như sự thống khổ của thân nhân) [3].

Trong cuốn sách “The Ethics of Killing: Problems at The Margins of Life”, tác giả phân biệt hai lĩnh vực đạo đức: đạo đức của sự tôn trọng và đạo đức của lợi ích [4]. Cụ thể, đạo đức của sự tôn trọng được áp dụng cho những đối tượng tác giả xem là “người”. Lĩnh vực đạo đức này thể hiện những hạn chế trong hành động của cá nhân đối với người khác, xuất phát từ sự công nhận họ như những cá nhân trưởng thành có vị thế đạo đức ngang bằng với cá nhân đấy. Nói cách khác, tác giả cho rằng giết chóc là sai vì người có giá trị của riêng họ được tạo nên từ việc họ có ý thức về bản thân, nhận thức được danh tính và sự tồn tại liên tục của mình theo thời gian. Trong khi đó, đạo đức của lợi ích cho rằng một hành động là đúng hay sai dựa vào tác động của hành động đó lên hạnh phúc, lợi ích hoặc lợi ích tương đối theo thời gian của người khác. Lĩnh vực đạo đức này được áp dụng cho những đối tượng không đủ điều kiện về khả năng nhận thức liên tục về sự tồn tại của mình, như thai nhi, trẻ sơ sinh và những người bị suy giảm nhận thức nghiêm trọng [4].

Tuy nhiên, cả ba cách lý giải triết học trên đều bị cho là không thành công để giải thích sự sai trái của việc giết chóc. Trong khi chủ nghĩa vị lợi có thể tạo ra quá nhiều lý do để biện minh cho hành vi giết người, không giải thích được những quan niệm đạo đức sâu sắc và phổ biến về các mức độ sai trái khác nhau liên quan đến việc giết người và đưa ra cách lý giả sai lầm về việc tại sao giết người là sai. Cách tiếp cận theo hướng đạo nghĩa luận và lý thuyết đạo đức của J. McMahan (2002) [4] đều thiết lập những ranh giới bất kỳ và thiếu cơ sở thực nghiệm, khiến chúng không phù hợp để chỉ ra sự khác biệt về sức nặng của địa vị đạo đức giữa những đối tượng nằm dưới và trên những ranh giới này.

Vì thế, R. Ebert (2016) [5] đề xuất rằng tính sai trái của việc giết chóc nên được giải thích bằng giá trị nội tại của ý thức. Hay nói cách khác, việc giết chóc là sai trái đối với những đối tượng có khả năng có ý thức hiện tượng vì nó không thể hiện được sự tôn trọng đối với giá trị nội tại của một chủ thể trải nghiệm. Thông qua cách tiếp cận này, các lý do khiến việc giết người trưởng thành bình thường là sai trái cũng có thể áp dụng cho nhiều loài động vật khác và những người không đạt được mức độ nhận thức của người trưởng thành. Đồng thời, cách tiếp cận này cũng cho thấy biện minh cho việc giết động vật có được ý thức hiện tượng không dễ dàng hơn biện minh cho việc giết một con người.

Tuyên bố New York là một bước tiến tiếp nối Tuyên bố Cambridge, mở rộng phạm vi các sinh vật không phải con người có được ý thức hiện tượng. Đồng thời, cũng làm tăng nhận thức của xã hội về sự tồn tại ý thức ở nhiều loài sinh vật hơn Tuyên bố trước đấy. Cùng với đó, các nền tảng của triết học, bao gồm nhưng không giới hạn ở cách tiếp cận của R. Ebert (2016) [5], đã phát triển tới mức độ cho rằng cần phải tôn trọng các đối tượng có ý thức hiện tượng. Khi những giá trị triết học này xuất hiện và được lan tỏa rộng rãi trong không gian thông tin của xã hội, nó có khả năng được tiếp thu và trở thành một phần thế giới quan của nhiều người [2, 6, 7]. Khi đấy, nan đề đạo đức như sau sẽ xuất hiện một cách rộng rãi: Để duy trì sự tồn tại của con người, loài được xem là có đạo đức, thì chúng ta lại vi phạm đạo đức của chính chúng ta, là sát sinh các loài có ý thức hiện tượng khác.

Có lời giải nào cho nan đề đạo đức này không?

Trên thực tế, nan đề đạo đức này đã tồn tại từ lâu trong xã hội và dẫn đến một số phong trào môi trường đáng chú ý. Các phong trào quyền động vật đã xuất hiện và xem việc lạm dụng động vật như một vấn đề xã hội ngang tầm với việc gây hại cho trẻ em, phụ nữ và người già. Họ hoạt động với nguyên tắc cho rằng, động vật là những sinh vật có tri giác chứ không phải là “vật” để bị xem như là hàng hóa, thực phẩm, công cụ nghiên cứu, hay là chiến lợi phẩm săn bắn. Chính vì thế, các phong trào quyền động vật hay nhấn mạnh khả năng tri giác được sự đau đớn và thống khổ của các loài động vật để thúc đẩy “quyền thiêng liêng của kẻ yếu”, từ đấy thúc đẩy phúc lợi động vật, giải phóng động vật và quyền động vật [8].

Mặc dù không trực tiếp nhắc đến quyền của các loài sinh vật, nhưng Phong trào Tuyệt chủng con người tự nguyện (VHEMT) cũng thể hiện rõ sự mâu thuẫn đạo đức giữa sự tồn tại của con người và tự nhiên, bao gồm các sinh vật khác. Phong trào do Les U. Knight, một nhà hoạt động môi trường người Mỹ, phát động vào năm 1991 [9]. Ông cho rằng, “càng có nhiều người (trên trái đất), các vấn đề sẽ càng trở nên tồi tệ hơn”. Nền tảng của phong trào này dựa trên lập luận rằng, dân số loài người đã vượt quá khả năng chịu đựng của Trái đất, khiến việc tuyệt chủng con người một cách tự nguyện trở thành biện pháp tốt nhất cho sự hạnh phúc của các quần thể sinh vật khác [10]. Vì thế, những người có tư tưởng này ủng hộ việc ngừng sinh con một cách tự nguyện, cuối cùng dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người.

Các Phong trào quyền động vật và tuyệt chủng con người tự nguyện đều mượn một số nguyên lý từ học thuyết Sinh thái sâu sắc. Học thuyết này ra đời vào những năm đầu thập kỷ 1970 như một phản ứng trước cuộc khủng hoảng môi trường ngày càng nghiêm trọng và thể hiện sự phê phán đối với các cách tiếp cận bảo vệ môi trường hạn hẹp [11]. A. Næss, triết gia người Na Uy đưa ra học thuyết Sâu sắc sinh thái cho rằng, chúng ta không nên tập trung vào vị trí đặc biệt của con người trong tự nhiên, mà thay vào đó nên quan tâm đến mọi thành phần của tự nhiên trên cơ sở bình đẳng, vì trật tự tự nhiên có giá trị nội tại lớn hơn nhiều so với các giá trị con người [11]. Đồng nhất với quan điểm của A. Næss, những người ủng hộ Sinh thái sâu sắc đề cao giá trị nội tại của tất cả các thực thể sống và hệ sinh thái, ủng hộ các biện pháp như giảm dân số và biến đổi lối sống để giảm bớt tác động của con người đối với môi trường [12].

Tuy nhiên, việc xem các thực thể sống và hệ sinh thái có được giá trị nội tại, ý thức, hay tri giác không chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã tồn tại hàng nghìn năm và được truyền đạt theo các hình thức khác nhau thông qua các hệ thống tôn giáo và văn hóa. Một trong những nguồn ý tưởng cho học thuyết Sinh thái sâu sắc là những nguyên lý siêu hình học của Phật giáo [13].

Phật giáo bắt đầu được lưu truyền ở vùng đông bắc Ấn Độ thông qua lời giảng của Đức Phật vào khoảng thế kỷ thứ VI và IV trước Công nguyên. Tứ Diệu Đế (hay còn gọi là 4 chân lý của bậc thánh) là nền tảng trong tư tưởng của Phật giáo, trong đó bản chất đạo đức của Phật giáo, một trong các giới luật được Phật dạy là bất bạo động: được giải thích là lời dặn không giết hại hay làm tổn thương người khác vì chúng sẽ tạo ra sự đau khổ. “Người khác” ở đây dùng để chỉ chúng sinh, bao gồm cả các loài động vật có cảm xúc [14]. Vì các loài động vật đều có trải nghiệm ý thức và có khả năng trải qua sự đau khổ, nên việc giết hại chúng sẽ khiến chúng trải qua sự đau khổ, điều bị cho là sai trái về mặt đạo đức trong Phật giáo [15].

Một tôn giáo lớn khác cũng có hệ thống đạo đức riêng cho động vật là Hồi giáo, tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới bắt nguồn từ đầu thế kỷ thứ VII sau Công nguyên tại Mecca. Tôn giáo này cho rằng, động vật là những sinh vật phụ thuộc vào Thượng Đế, vì thế chúng có những giá trị nội tại của chúng. Cụ thể, động vật được coi là có cuộc sống và mục đích riêng của chúng, có giá trị đối với chính chúng và đối với Thượng Đế  hơn là bất kỳ giá trị vật chất nào mà chúng có thể mang lại cho loài người. Chính vì thế, con người có nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe và điều kiện sống của các loài động vật. Khi giết động vật làm thực phẩm, việc giết mổ phải được thực hiện nhân danh Thượng Đế như một nghi thức thiêng liêng để đảm bảo rằng cuộc sống của động vật không bị coi nhẹ và việc giết mổ không phải là biểu hiện của thái độ thù địch đối với vũ trụ [16].

Có thể thấy được rằng nan đề đạo đức về việc giết các loài sinh vật có trị nội tại, ý thức, hay tri giác để duy trì sự tồn tại của con người đã tồn tại từ rất lâu trước đây. Các cách tiếp cận để giải quyết nan đề cũng rất khác nhau và đa dạng. Trong khi các nước phương Tây xuất hiện các phòng trào đòi quyền cho động vật và thực hiện tuyệt chủng tự nguyện, các tín đồ Phật giáo chọn giải pháp bất bạo lực và ăn chay, còn người theo đạo Hồi tuân theo luật Hồi giáo và tiến hành các nghi lễ thiêng liêng. Tuy nhiên, dù cách nào đi nữa thì hiện nay chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn giải quyết được nan đề đạo đức, đó là các sinh vật có tri giác vẫn tiếp tục bị giết vì sự sinh tồn của con người, giống loài được cho là khác với các sinh vật khác do hệ thống đạo đức và luân lý cho rằng giết sinh vật có ý thức là sai trái. Có lẽ, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngành công nghiệp chế biến thịt sử dụng tế bào động vật có thể sẽ giúp phần nào giải quyết nan đề đạo đức này trong tương lai, nhưng điều đó vẫn còn nhiều hoài nghi [17].

Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn là nếu chúng ta thay đổi văn hóa tiêu dùng thực phẩm ở hiện tại, nó sẽ giúp giảm bớt số lượng sinh vật có tri giác bị giết hại, không chỉ vì số lượng sinh vật tri giác bị nuôi lấy thịt giảm mà còn là vì số lượng sinh vật bị giết vì biến đổi khí hậu và phá rừng ít đi. Hàng triệu hoặc thậm chí là hàng tỷ sinh vật trên cạn đã bị giết chết bởi các hiện tượng cực đoan gây ra bởi biến đổi khí hậu, với các hoạt động của con người là tác nhân chính. Chỉ tính riêng các vụ cháy rừng do nhiệt độ ngày càng tăng và hạn hán thường xuyên ở vùng đất ngập nước ở Pantanal, Brazil, mà ít nhất 16,952 triệu động vật có xương sống đã thiệt mạng, đấy là còn chưa kể các thiệt hại gián tiếp khác do cháy rừng gây ra [18].

Hệ thống thực phẩm toàn cầu là một trong những tác nhân chính tạo ra khí thải nhà kính. Theo tính toán, thống sản xuất thực phẩm toàn cầu (như sử dụng máy móc nông nghiệp, phun phân bón và vận chuyển sản phẩm) tạo ra xấp xỉ 17,3 tỷ tấn khí thải nhà kính hằng năm. Trong đấy, sản xuất thực phẩm từ động vật chiếm 57% lượng phát thải, gấp đôi lượng phát thải gây ra bởi sản xuất thực phẩm từ thực vật. Thịt bò là mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào lượng khí thải tạo ra bởi sản xuất thực phẩm từ động vật, chiếm 25% tổng phát thải của hoạt động sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, việc mở rộng đất đồng cỏ để chăn nuôi gia súc là nguyên nhân dẫn đến 41% diện tích rừng nhiệt đới bị phá [19].

Cho nên, nhìn từ góc độ đạo đức của bất kỳ trường phái triết học, văn hóa, hay tôn giáo nào thì việc thay đổi văn hóa tiêu dùng thực phẩm để giảm bớt tiêu thụ thịt đều đúng đắn [20, 21]. Chúng tôi đề nghị thúc đẩy sự chuyển dịch của xã hội ra khỏi các giá trị và hành vi văn hóa có tính thâm hụt hệ sinh thái (như cổ vũ ăn thịt bò, ăn thịt rừng, sử dụng các sản phẩm từ động vật quý hiếm...) và xây dựng các giá trị văn hóa thặng dư sinh thái trong dân chúng (giảm tỷ lệ thịt trong khẩu phần ăn, không sử dụng việc ăn thịt cho các mục tiêu xã hội và văn hóa, đóng góp cho các quỹ động vật...) [22, 23]. Để làm được điều này, sự kết nối giữa người dân với các sinh vật tri giác khác cần được thúc đẩy thông qua các kênh truyền thông, giáo dục và thông tin. Sức kết nối này sẽ là tiền đề dẫn đến sự đồng cảm của người dân, điều này sẽ giúp họ dễ dàng tiếp thu các giá trị nhân văn chứa đựng giá trị của sự bền vững môi trường hơn [24].

Ngoài ra, tất cả các lý lẽ trên sẽ rất ít tác động nếu loài người vẫn tiếp tục gây chiến, tiêu hao tiền của và sinh mạng để tàn sát lẫn nhau dựa trên ý tưởng nguy hiểm "chân lý thuộc về kẻ mạnh" [25, 26]. Bởi lẽ các tuyên bố về đạo đức với động vật sẽ không thể chạm tới ngưỡng đạo đức cần thiết vì "loài người sẽ luôn đứng đầu chuỗi thức ăn".

Nói tóm lại, khi chúng ta vẫn chưa thể giải quyết triệt để được nan đề đạo đức, thì giải pháp tốt nhất là chúng ta cố gắng giảm thiểu tối đa các hành vi sai trái về mặt đạo đức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] D. Falk (2024), "Insects and other animals have consciousness, experts declare", Quanta Magazine, https://www.quantamagazine.org/insects-and-other-animals-have-consciousness-experts-declare-20240419/s, accessed 25 April 2024.

[2] M.H. Nguyen, T.T. Le, Q.H. Vuong (2023), "Ecomindsponge: A novel perspective on human psychology and behavior in the ecosystem", Urban Science, 7(1), DOI:  10.3390/urbansci7010031.

[3] T. Tannsjo (2015), Taking Life: Three Theories on The Ethics of Killing, Oxford University Press, 328pp.

[4] J. McMahan (2002), The Ethics of Killing: Problems at The Margins of Life, Oxford University Press, USA, 556pp.

[5] R. Ebert (2016), The Wrongness of Killing, Rice University, 251pp.

[6] Q.H. Vuong (2023), Mindsponge Theory, Walter de Gruyter GmbH, 215pp.

[7] Q.H. Vuong, M.H. Nguyen, V.P. La (2022), The Mindsponge and BMF Analytics for Innovative Thinking in Social Sciences and Humanities, Walter de Gruyter GmbH, 464pp.

[8] L. Munro (2012), "The animal rights movement in theory and practice: A review of the sociological literature", Sociology Compass, 6(2), pp.166-181, DOI: 10.1111/j.1751-9020.2011.00440.x.

[9] S. Jarvis (1994), "Live long and die out: Stephen Jarvis encounters the voluntary human extinction movement", Independent, https://www.independent.co.uk/life-style/live-long-and-die-out-stephen-jarvis-encounters-the-voluntary-human-extinction-movement-1372200.html, accessed 25 April 2024.

[10] K. Keck (2007), "Earth a gracious host to billions, but can she take many more?", http://edition.cnn.com/2007/TECH/science/10/04/pip.populationquestion/index.html, accessed 25 April 2024.

[11] A. Naess (1973), "The shallow and the deep, long‐range ecology movement", Inquiry, 16(1-4), pp.95-100, DOI: 10.1080/00201747308601682.

[12] M. Smith (2014), "Deep ecology: What is said and (to be) done?", The Trumpeter, 30(2), pp.141-156.

[13] G. Sessions (1987), "The deep ecology movement: A review", Environmental Review, 11(2), pp.105-125, DOI: 10.2307/3984023.

[14] B. Finnigan (2017), "Buddhism and animal ethics", Philosophy Compass, 12(7), DOI: 10.1111/phc3.12424.

[15] D.A. Getz (2004), "Sentient beings", Encyclopedia of Buddhism, Macmillan Reference USA, 760pp.

[16] E.C. Chao (2022), "Islam and veterinary science: Rethinking animal suffering through islamic animal ethics and the evolving definition of halal slaughter", Frontiers in Veterinary Science, 9, DOI: 10.3389/fvets.2022.785585.

[17] C.M. Klein (2022), "Could lab-grown meat pave the way for more ethical, environmentally friendly food?", Northeastern Global News, https://news.northeastern.edu/2022/11/21/lab-grown-meat/, accessed 25 April 2024.

[18] W.M. Tomas, C.N. Berlinck, R.M. Chiaravalloti, et al. (2021), "Distance sampling surveys reveal 17 million vertebrates directly killed by the 2020’s wildfires in the Pantanal, Brazil", Scientific Reports, 11(1), DOI: 10.1038/s41598-021-02844-5.

[19] H. Ritchie (2021), "Cutting down forests: What are the drivers of deforestation?", Our World in Data, https://ourworldindata.org/what-are-drivers-deforestation, accessed 25 April 2024.

[20] M.H. Nguyen, T.E. Jones (2022a), "Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas", Humanities & Social Sciences Communications, 9, DOI: 10.1057/s41599-022-01441-9.

[21] Q.H. Vuong (2021), "The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange", Economics and Business Letters, 10(3), pp.284-290. DOI: 10.17811/ebl.10.3.2021.284-290.

[22] M.H. Nguyen, T.E. Jones (2022b), "Predictors of support for biodiversity loss countermeasures and bushmeat consumption among Vietnamese urban residents", Conservation Science and Practice, 4(12), DOI: 10.1111/csp2.12822.

[23] Q.H. Vuong, M.H. Nguyen (2024), "Call Vietnam mouse-deer “cheo cheo” and let the empathy save them from extinction: A conservation review and call for name change", Pacific Conservation Biology, 3, DOI: 10.1071/pc23058.

[24] Q.H. Vuong, M.H. Nguyen (2023), "Kingfisher: Contemplating the connection between nature and humans through science, art, literature, and lived experiences", Pacific Conservation Biology, DOI: 10.1071/PC23044.

[25] Q.H. Vuong, M.H. Nguyen, V.P. La (2024), "The overlooked contributors to climate and biodiversity crises: Military operations and wars", Environmental Management, 73, pp.1089-1093, DOI: 10.1007/s00267-024-01976-4.

[26] Q.H. Vuong, M.H. Nguyen (2024), "Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation", https://philpapers.org/rec/VUOARN.


 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)