Đổi mới công nghệ ở khu vực nông thôn: Những vấn đề cần lưu tâm
Trên quy mô toàn cầu, nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng thích ứng với bối cảnh dễ tổn thương và các cú sốc từ khủng hoảng kinh tế, BĐKH, dịch bệnh, bất ổn chính trị và các vấn đề an ninh phi truyền thống. Ở khu vực kinh tế nông thôn, dù phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn và có vai trò quan trọng nhưng họ đang ngày càng bị yếu thế và bỏ lại phía sau.
Tại Hội nghị Đối thoại chính sách khu vực do Trung tâm Stimson (Mỹ) phối hợp cùng Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 19/03/2024 tại TP Hồ Chí Minh, với chủ đề “Chuyển dịch nông nghiệp và an ninh lương thực”, nhóm tác giả đã thảo luận, kết hợp phỏng vấn sâu các chuyên gia thuộc các trường đại học và công ty đổi mới công nghệ đến từ khu vực Đông Nam Á, Australia, Mỹ và Hà Lan. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp hầu hết phù hợp cho sản xuất quy mô lớn, nông dân, nhất là các nông hộ có phụ nữ là trụ cột trong sản xuất sẽ khó tiếp cận vì chi phí cao, trong khi năng lực và điều điện áp dụng không khả thi.
Khi những cơ sở sản xuất và doanh nghiệp có điều kiện ứng dụng công nghệ vào sản xuất quy mô lớn, sản phẩm của họ sẽ chi phối thị trường, từ giá cả đến chất lượng. Trong trường hợp đó, hàng triệu nông hộ quy mô nhỏ sẽ khó cạnh tranh và bị lệ thuộc. Điều này dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ ở khu vực nông thôn. Trong một số trường hợp, ứng dụng công nghệ sản xuất mới có thể tạo ra những tác động không thân thiện với các phương pháp sản xuất truyền thống. Ví dụ như, ứng công nghệ nhà kính và hóa chất sinh học trong sản xuất thủy sản làm tăng bức xạ và chất thải vi sinh ra môi trường xung quanh. Khi đó, các nông hộ quy mô nhỏ xung quanh không đủ khả năng điều chỉnh mùa vụ và kỹ thuật để thích ứng, dẫn đến mất mùa và di cư.
Vì vậy, đối với các nước đang phát triển, cần quy hoạch thận trọng các khu vực canh tác công nghệ cao dành cho các nhà đầu tư tư bản. Đồng thời, với đại bộ phận cộng đồng nông dân quy mô nhỏ, nhà nước cần có chính sách khuyến khích và đầu tư các cơ sở nghiên cứu để phát triển công nghệ hỗ trợ cho các mô hình sản xuất “thuận” tự nhiên (tức là hỗ trợ nông dân ứng dụng tri thức bản địa, đồng thời đưa các công nghệ ở mức vừa phải để hỗ trợ cải tiến tri thức bản địa, tạo ra mô hình sản xuất vừa hiện đại, vừa gần gũi và ít chi phí cho nông dân).
Vai trò của bình đẳng giới và phụ nữ trong đổi mới nông nghiệp
Theo thống kê của Chương trình Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women), nữ giới chiếm 43% lực lượng lao động nông nghiệp trên thế giới. Ở một số quốc gia bất bình đẳng giới cao, tỷ lệ này lên tới 70% [1]. Đa phần phụ nữ nông thôn gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp và chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình và giáo dục trẻ em... Ở Việt Nam, năm 2022 tỷ lệ phụ nữ ở nông thôn chiếm đến 62,45% [2].
Phụ nữ có vai trò và năng lực quan trọng trong ứng phó với BĐKH, đặc biệt là trong vấn đề đổi mới nông nghiệp [3]. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ đang tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng [3, 4]. Trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới có thể mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm an ninh lương thực, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với BĐKH, bảo tồn đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng [1, 3]. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính rằng, nếu phụ nữ nông thôn (chiếm khoảng 43% lực lượng lao động nông nghiệp) ở 34 nước đang phát triển có quyền tiếp cận đổi mới công nghệ, sẽ giúp tăng thêm khoảng 4% giá trị nông nghiệp toàn cầu, và có thể làm giảm tới 17% số người suy dinh dưỡng hoặc hộ nghèo ở các quốc gia đó, tương đương khoảng 150 triệu người [5].
Phụ nữ trong các mô hình đổi mới trên thế giới
Mặc dù BĐKH có thể có tác động bất bình đẳng đến phụ nữ, nhưng BĐKH cũng được xem là đòn bẩy để giúp phụ nữ đổi mới sản xuất. Nhiều doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương đã tạo ra nhiều mô hình đổi mới công nghệ lấy phụ nữ làm trung tâm. Dưới đây là một số mô hình tiêu biểu có điểm tương đồng với bối cảnh ở Việt Nam.
Bếp năng lượng
Sử dụng bếp củi truyền thống là hoạt động phổ biến ở các khu vực nông thôn. Tuy nhiên, xu hướng mất rừng và tính chất ít thân thiện môi trường đặt ra yêu cầu phải chuyển từ sử dụng bếp củi truyền thống sang năng lượng thân thiện hơn. Ở một số khu vực, việc đốt than củi nấu nướng và sưởi ấm có thể gây hỏa hoạn và tử vong do ngạt khí. Tổ chức Solar Household Energy (SHE) đã giới thiệu phương pháp nấu ăn bằng năng lượng mặt trời để cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng cho phụ nữ và giảm nguồn phát thải ô nhiễm. Mô hình này đã được áp dụng ở một số quốc gia như Mexico, El Salvador, Guatemala, Bolivia, Maroc, Ghana, Cameroon… [6]. Bếp năng lượng mặt trời của SHE hoạt động dựa trên nguyên tắc chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành nhiệt năng, với giá rẻ, có thể gấp gọn để mang theo hoặc cất giữ. Giải pháp này đã giúp phụ nữ tiết kiệm thời gian, công sức đi tìm nguồn nhiên liệu, thuận tiện và an toàn cho sức khỏe cũng như góp phần vào việc giảm lượng khí thải nhà kính [7, 8].
Các mô hình bếp năng lượng Mặt trời của Solar Cookers International. Nguồn: Solar Cookers International.
Việc đổi mới trong ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời ở quy mô hộ gia đình đang là xu hướng mới nổi, tuy nhiên giá trị và ý nghĩa của nó đã vượt ra khỏi việc “nấu nướng” thông thường. Các giải pháp đổi mới sáng tạo, dù ở quy mô nhỏ và ở các vùng nông thôn nhưng có ý nghĩa lớn trong việc mở rộng chuyển dịch năng lượng xanh. Các giải pháp này gắn liền với cuộc sống người dân, thiết thực và có chi phí thấp, mang đến hiệu quả nhìn thấy được. Sáng kiến này rất phù hợp với bối cảnh và văn hóa nông thôn Việt Nam.
Sản phẩm sinh học: Giải pháp quản lý chất thải nông thôn
Ở các khu vực nông thôn, việc thu lượm và tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp vừa là nguồn thu nhập quan trọng, vừa là việc làm thời vụ của hầu hết phụ nữ. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế “phi chính thức” này thường tiềm ẩn rủi ro vì phụ nữ không được bảo vệ bởi các hợp đồng lao động và các hỗ trợ cần thiết trong quá trình lao động thời vụ. Để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và gia tăng giá trị của phụ phẩm nông nghiệp, Dự án Saathi (nằm trong khuôn khổ Dự án Công dân xanh của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO được triển khai ở Ấn Độ) đã được thực hiện. Theo đó, các nhóm sinh viên tham gia dự án đã tập huấn cho phụ nữ nông thôn thu gom sợi chuối, tre trong vùng để tạo ra sản phẩm tiêu dùng có thể phân hủy sinh học. Thành công của giải pháp này đang được mở rộng tới hơn 15 khu vực ở vùng nông thôn Ấn Độ, với trên 10 triệu sản phẩm được tạo ra, giúp loại bỏ khoảng 36 tấn rác thải nhựa và giảm 71 tấn khí thải carbon mỗi năm [9, 10].
Quy trình hoạt động của dự án Saathi.
Đặc biệt, với tình trạng bất bình đẳng giới còn nặng nề như Ấn Độ, dự án đã nâng cao nhận thức của phụ nữ, giải quyết sự kỳ thị về vấn đề giới, tạo ra đổi mới trong sản xuất sản phẩm sinh học và cung cấp việc làm tại chỗ cho phụ nữ. Với việc lấy phụ nữ làm trung tâm trong điều hành hoạt động đổi mới sáng tạo ở nông thôn, dự án đã chứng minh tiềm năng tạo ra thay đổi khi phụ nữ được trao quyền và hỗ trợ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu phức tạp. Từ đó có thể thấy, việc ưu tiên sức khỏe và trao quyền cho phụ nữ không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống ở cấp địa phương, mà còn góp phần mang lại phúc lợi xã hội, nâng cao thu nhập và cải thiện môi trường.
Hai thông điệp quan trọng có thể rút ra từ các trường hợp nghiên cứu này là: (1) các giải pháp đổi mới, bao gồm đổi mới công nghệ có thể được ứng dụng hiệu quả và bền vững ở các cộng đồng nông thôn nếu phụ nữ được ở vai trò trung tâm; (2) hiệu quả của các sáng kiến lấy phụ nữ làm trung tâm vượt ra khỏi phạm vi gia đình và cộng đồng, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong chuyển dịch nông nghiệp.
Các khuyến nghị chính sách
Bình đẳng giới và BĐKH đã trở thành các mục tiêu quan trọng của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (SDG) (SDG 5 về giới và SDG 13 về ứng phó với BĐKH). Tuy nhiên ở Việt Nam, phụ nữ thường được coi là “nạn nhân” của các tác động từ BĐKH và ít được coi là “đối tượng chủ động trong thích ứng với BĐKH”. Do đó, việc lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình quy hoạch nông nghiệp, nông thôn và ứng phó với BĐKH là rất cần thiết. Đặc biệt, các chính sách thích ứng khí hậu thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên nước và các lĩnh vực phát thải khí nhà kính như năng lượng và quản lý chất thải có liên quan trực tiếp đến các cộng đồng phụ nữ nông thôn. Vì vậy, nếu thiếu lồng ghép yếu tố giới, phụ nữ sẽ khó tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách này.
Kinh nghiệm từ các sáng kiến do phụ nữ vận hành nêu trên cho thấy, những giải pháp thích ứng BĐKH ở khu vực nông thôn cần ưu tiên sự tham gia của phụ nữ. Điều này mang đến những lợi ích kinh tế thiết thực hơn là những hoạt động tuyên truyền, hoặc những giải pháp phức tạp. Thêm vào đó, các sáng kiến cần bắt đầu bằng những đổi mới công nghệ ở quy mô nhỏ để phụ nữ tự vận hành. Bằng cách này, phụ nữ sẽ xây dựng được sự tự tin, nhận thức về phát triển bền vững và trở nên tích cực trong việc tự tìm kiếm giải pháp và lan tỏa hành động của họ tới cộng đồng. Đây chính là chìa khóa thúc đẩy năng lực thích ứng của cộng đồng.
Các chuyên gia nhận định rằng, các mô hình sản xuất đổi mới quy mô nhỏ ở Việt Nam rất nhiều và đa dạng. Do đó, Chính phủ cần hệ thống hóa các mô hình này trong danh mục đầu tư thích ứng với BĐKH để có cơ sở pháp lý trong đầu tư, hiện đại hóa và nhân rộng các mô hình. Nếu làm được như vậy, các mô hình địa phương sẽ tạo ra việc làm và thu nhập tốt, từ đó thu hút lao động trẻ di cư ngược trở lại khu vực nông thôn.
*
* *
Đảm bảo bình đẳng giới không chỉ giúp phụ nữ thể hiện quyền cơ bản của con người mà còn là điều kiện để thúc đẩy phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trước những thách thức của BĐKH. Một điều không thể phủ nhận là mối liên hệ giữa bình đẳng giới và chuyển dịch nông nghiệp nông thôn. Ở nhiều quốc gia, do đặc thù về vị trí trong cộng đồng (như phụ trách đảm bảo năng lượng và nước sinh hoạt trong gia đình, sản xuất, chăn nuôi...), phụ nữ có liên hệ trực tiếp trong việc phát triển bền vững, bảo tồn và thúc đẩy đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Việc nâng cao nhận thức và sự tham gia của phụ nữ trong cộng đồng địa phương vào việc bảo vệ môi trường, các sáng kiến nông nghiệp mới đã đưa đến những cải tiến rõ rệt trong quản lý chất thải, giảm lượng khí thải carbon và trách nhiệm của họ đối với môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] UN Women (2018), Photo Essay: Rural Women, Human Rights, https://www.unwomen.org/en/digital-library/multimedia/2018/2/photo-rural-women-human-rights, truy cập ngày 20/02/2024.
[2] J. McCarthy (2020), Understanding Why Climate Change Impacts Women More than Men, https://www.globalcitizen.org/en/content/how-climate-change-affects-women/, truy cập ngày 25/02/2024.
[3] United Nation Viet Nam (2017), Bình đẳng giới trong thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam, https://www.care.org.vn/project/tom-tat-chinh-sach-binh-dang-gioi-trong-thich-ung-bien-doi-khi-hau-va-kha-nang-chong-chiu-thien-tai-o-viet-nam/?lang=vi, truy cập ngày 12/05/2024.
[4] UN Women ( 2013), The Role of Women in Rural Development, Food Production and Poverty Eradication, https://www.unwomen.org/en/news/in-focus/rural-women-day/2013, truy cập ngày 08/04/2024.
[5] FAO (2011), “Women in agriculture: Closing the gender gap for development”, FAO, 3, i2050e
[6] Solar Cookers International (2023), Solar Household Energy, https://solarcooking.fandom.com/wiki/Solar_Household_Energy, truy cập cập ngày 03/03/2024.
[7] J.M. Carthy (2019), This Kenyan Activist Is Fighting One of The World's Greatest Health Risks, https://www.globalcitizen.org/en/content/charlot-magayi-waislitz-2019-winner/, truy cập ngày 10/03/2024
[8] Solar Cookers International (2004), Solar Cookers: How to Make, Use and Enjoy,https://www.solarcookers.org/files/7914/5687/8521/How_to_make_use_understand_English_Update.pdf, truy cập ngày 26/03/2024
[9] R. Ghosh (2022), Saathi: The Inclusive Future of Femcare, https://successinsightsindia.com/saathi-the-inclusive-future-of-femcare/, truy cập ngày 29/03/2024.
[10] UNESCO (2024), Empowering Women, Saving The Planet: The UNESCO Green Citizens Projects Championing Climate Action and Gender Equality, https://www.unesco.org/en/articles/empowering-women-saving-planet-unesco-green-citizens-projects-championing-climate-action-and-gender, truy cập ngày 30//03/2024.