Thứ hai, 05/08/2024 16:01

Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm

Với tổng số nguồn gen được thu thập và lưu giữ là 80.911, trong đó có 47.772 nguồn gen thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gen cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gen dược liệu, 891 nguồn gen vật nuôi, 391 nguồn gen thủy sản, 19.050 nguồn gen vi sinh vật. Đây là những kết quả nổi bật được báo cáo tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2015-2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025-2030” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) mới tổ chức.

Từ sự đa sạng sinh học

Báo cáo của Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho thấy, Việt Nam được xếp thứ 14 trên thế giới về các quốc gia có mức độ đa dạng về sinh học với nhiều loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài (chiếm khoảng 6,5% số loài có trên thế giới) có giá trị sử dụng cao trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Theo các báo cáo thống kê gần đây, Việt Nam có khoảng 62.600 loài sinh vật đã được xác định, trong đó khoảng hơn 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và có trên 11.000 loài sinh vật biển… Nếu tổ chức tốt công tác bảo tồn các loài sinh vật nêu trên, đặc biệt là các loài đặc hữu, quý, hiếm để khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống sẽ góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh ở nước ta.

Ông Nguyễn Phú Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật báo cáo tại Hội thảo.

Trong xu thế hội nhập, việc trao đổi vật liệu di truyền, nguồn lực và tri thức giữa các quốc gia và các nền kinh tế là xu thế tất yếu. Vấn đề đặt ra là chủ quyền quốc gia của Việt Nam đối với những nguồn gen, đặc biệt là nguồn gen bản địa trong trao đổi phải căn cứ trên cơ sở mang tính pháp lý, đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau và các bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu cũng đặt ra những thách thức và cơ hội mới: một mặt, mức độ biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn và ngày càng tác động tiêu cực gây xói mòn, mất mát tài nguyên di truyền; mặt khác cộng đồng quốc tế cũng hơn bao giờ hết quan tâm chủ quyền quốc gia và trao đổi nguồn gen.

Đến những kết quả đã đạt được

Xây dựng khung pháp lý về công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen

Trong vòng 10 năm qua, Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật. Nhiều luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên đã ra đời và được sửa đổi hoàn thiện, như: Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21/11/2017, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 ngày 27/11/2023, Luật KH&CN số 29/2013/QH ngày 18/06/2013, Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009, Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19/6/2017, Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13/11/2008, Luật trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 19/11/2018... Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học tuy đã được ban hành từ năm 2008 song tiếp tục vẫn là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân và cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn tài nguyên di truyền thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số nghị định, quyết định về việc nghiên cứu và phát triển nguồn gen tại Việt Nam. Đặc biệt, ngày 18/09/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01/09/2016 quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên toàn quốc đã có trên 30 tỉnh/thành phố đưa các loại hình nhiệm vụ quỹ gen vào thực hiện hàng năm thông qua nhiệm vụ KH&CN cấp sở, điển hình như Thái Nguyên, Hà Nội, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế…

Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen

Công tác điều tra, thu thập và nhập nội nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật đã và đang được các cơ quan trong hệ thống bảo tồn quỹ gen quốc gia tiến hành trong cả nước. Đặc biệt, ở những vùng quy hoạch để xây dựng các công trình dân sinh, công trình thủy điện... Tính đến năm 2023, thông qua các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, tổng số nguồn gen được thu thập và lưu giữ được là 80.911, trong đó có 47.772 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 5.768 nguồn gen cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gen dược liệu, 891 nguồn gen vật nuôi, 391 nguồn gen thủy sản, 19.050 nguồn gen vi sinh vật.

Các nguồn gen sau khi được đánh giá đã được các cơ quan bảo tồn tư liệu hóa dưới nhiều hình thức khác nhau, tiêu biểu nhất là tư liệu dưới dạng dữ liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo tồn hoặc trên trang web chuyên về bảo tồn của các đơn vị bảo tồn. Cho đến nay, đã có 44.038 nguồn gen được tư liệu hóa, trong đó nổi bật nhất là 36.000 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 6.202 nguồn gen vi sinh vật.

Sau quá trình thực hiện công tác bảo tồn, các nhà khoa học đã đánh giá được rất nhiều nguồn gen dược liệu quý, có giá trị nếu đưa vào phát triển, sản xuất hàng hóa. Trong số các nguồn gen dược liệu này, nguồn gen đặc hữu của Việt Nam, đặc biệt quý, hiếm và có giá trị kinh tế rất cao là sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) đã được đặc biệt quan tâm, phát triển thành sản phẩm quốc gia trong khuôn khổ Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 và tiếp tục được triển khai trong “Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu để bảo tồn và phát triển

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thông qua kết quả Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2015-2024 do Bộ KH&CN là cơ quan đầu mối thực hiện, đã có 80.911 nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm được bảo tồn và lưu giữ. Đây là nguồn vật liệu vô cùng quý, phục vụ cho công tác chọn tạo, lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng tốt hơn, giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã đánh giá ban đầu được gần 56.000 nguồn gen; nhiều nguồn gen được khai thác và ứng dụng trong sản xuất, đời sống như: sâm Ngọc Linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương, lợn ỉ... góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần tiếp tục tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ, đánh giá nguồn gen; gia tăng nguồn lực KH&CN nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước.

Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, theo xu hướng phát triển và hội nhập, Việt Nam hướng tới thúc đẩy phát triển nền kinh tế nền tảng sinh học, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Do vậy, triển khai Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2025-2030 cần tiếp tục ưu tiên phát triển nghiên cứu cơ bản chuyên sâu về nguồn gen (số hóa nguồn gen theo chuẩn quốc tế, duy trì bảo tồn, đăng ký sở hữu trí tuệ…) kết hợp với nghiên cứu truyền thống trên các nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật học.

Trong thời gian tới, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cần tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa. Để làm được điều này, cần có chính sách đồng bộ trong việc chia sẻ nguồn gen giữa các mạng lưới quỹ gen, giữa các đơn vị cá nhân tổ chức, giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu nguồn gen lưu trữ bảo tồn cần có cơ chế phù hợp nhất để không mất nguồn gen nhưng cũng không quá nặng nề về số lượng; cần sớm có cơ chế bàn giao nguồn gen quý hiếm, quy chế hoạt động cụ thể cho mạng lưới quỹ gen, cơ chế đặc thù cho những nguồn gen đặc biệt… nhằm bảo tồn, đánh giá, khai thác và phát triển bền vững nguồn gen tại Việt Nam.

Phong Vũ - Minh Hiếu - Trần Hồng

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)