Thứ ba, 30/07/2024 15:15

Nghị quyết số 111/NQ-CP và những nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngày 22/07/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 111/NQ-CP). Nghị quyết 111 đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

Nghị quyết 111/NQ-CP đã nêu ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có các kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin đạt trên 80%; đạt khoảng 260 sinh viên đại học trên một vạn dân.

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu các nước Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh công nghiệp (ảnh: TTXVN).

Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu các nước Đông Nam Á (ASEAN) về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng giá trị gia tăng thêm ngành công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỷ trọng giá trị gia tăng thêm của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14-15% GDP...

Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.

Xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN; chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) đạt trên 55. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

Một số nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Khoa học và Công nghệ

Nghị quyết 111/NQ-CP đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ được giao một số nhiệm vụ sau:

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh; xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hoạt động tư vấn, đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất thông minh.

Chủ trì xây dựng và triển khai có hiệu quả Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Đề xuất cơ cấu, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ theo hướng ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; xem xét tới quy mô, đóng góp của các ngành, lĩnh vực và địa phương để xác định cơ cấu và tỷ lệ phân bố ngân sách nhà nước cho từng năm và giai đoạn.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan điều chỉnh và xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách thống nhất, đồng bộ để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với khoa học và công nghệ.

Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của khu công nghệ cao.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam; xây dựng chính sách đổi mới và ứng dụng công nghệ; đánh giá trình độ công nghệ.

Tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và triển khai Đề án ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó xây dựng và triển khai các chính sách xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ sạch, đổi mới sáng tạo nâng cao trình độ và năng lực công nghệ để sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực, trọng điểm của ngành, lĩnh vực, địa phương.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao; xây dựng cơ chế thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tổ chức các hoạt động của Hội đồng quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan xây dựng chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương trong phát triển và ứng dụng kết quả khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu, các cụm liên kết ngành với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, tập trung vào các ngành có giá trị xuất khẩu và doanh thu lớn như dệt may, da giày, điện tử, thiết bị, máy móc, chế biến gỗ, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản, dược phẩm.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề án tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ, đổi mới sáng tạo, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ đường sắt tại một số địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.

Rà soát, cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Rà soát, nâng cấp và đổi mới cơ chế vận hành hệ thống các phòng thí nghiệm do Nhà nước đầu tư.

Thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như toán học, vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Đẩy nhanh việc tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/08/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 21/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/05/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tiếp tục quan tâm, phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạng lưới doanh nhân, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy vai trò kết nối giữa Việt Nam và đối tác, hiệp hội, tổ chức quốc tế trong những lĩnh vực tiềm năng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, tài chính xanh, nghiên cứu và phát triển.

Một trong những nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ là hoàn thiện và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 (ảnh: HUS).

Hoàn thiện và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.

VH

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)