Thứ hai, 29/07/2024 15:44

Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ xanh và hiện đại vào sản xuất là xu hướng phát triển mới trong kỷ nguyên của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Ngày hội công nghệ 2024 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi xanh bằng các giải pháp điện toán biên công nghiệp và AI” do Tập đoàn Advantech phối hợp với các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực chip bán dẫn, phần mềm, robotics, bảo mật như: MediaTek, FPT Software, Next Robotics Company… tổ chức ngày 26/07/2024 tại Hà Nội.

Mở rộng khả năng sáng tạo của con người

Ông Elvis Lee - Giám đốc nền tảng AI công nghiệp (Tập đoàn Advantech Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, Generative AI tạo sinh (GenAI) là một lĩnh vực của AI liên quan đến việc tạo ra các nội dung mới, độc đáo và sáng tạo mà chưa tồn tại trước đây, như hình ảnh, âm thanh, văn bản, mã nguồn, hoặc bất kỳ loại dữ liệu nào khác. GenAI tạo sinh có vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng sáng tạo của con người, giải quyết các vấn đề phức tạp trong công việc, học tập cũng như cuộc sống. Sự bùng nổ của GenAI đã thôi thúc các doanh nghiệp trên toàn cầu có những chiến lược đầu tư rầm rộ. Tuy nhiên, đầu tư giải pháp gì, ứng dụng như thế nào vào vận hành để tạo ra những bước đột phá hiệu quả cho doanh nghiệp? Hiện nay, sức mạnh của GenAI có thể được khai thác và ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp như sale marketing, nhân sự, tài chính, kế toán, phân phối bán hàng, nghiên cứu và phát triển.

Ông Elvis Lee - Giám đốc nền tảng AI công nghiệp (Tập đoàn Advantech Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ thông tin tại sự kiện.

Được thành lập từ năm 1983 tại Đài Loan (Trung Quốc) với sứ mệnh “Kiến tạo một hành tinh thông minh”, Tập đoàn Advantech là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hệ thống thông minh IoT (Internet vạn vật kết nối) và nền tảng nhúng (Embedded platforms). Nhằm nắm bắt và cập nhật các xu hướng IoT trên thế giới, Tập đoàn đã tập trung phát triển mạnh mẽ các giải pháp phần cứng và phần mềm IoT với công nghệ điện toán biên và nền tảng WISE-PaaS để hỗ trợ các đối tác kinh doanh và khách hàng trong việc kết nối cho doanh nghiệp của họ. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác kinh doanh để cùng xây dựng các hệ sinh thái, từ đó cùng nhau tiến tới mục tiêu phát triển trí tuệ công nghiệp một cách hiệu quả.

Ông Sou Wei Tan - Giám đốc giải pháp WISE-IoT (Tập đoàn Advantech khu vực ASEAN) cho rằng, thế giới đang thay đổi, nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt… Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần phải đổi mới. Sản xuất thông minh hiện là một giải pháp đột phá, mang đến những lợi ích hoàn toàn mới cho ngành sản xuất. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, dữ liệu lớn và tự động hóa để tạo ra một hệ sinh thái sản xuất hiệu quả, linh hoạt và bền vững hơn. Nhờ sự kết hợp mạnh mẽ giữa các thiết bị IoT công nghiệp và công nghệ sản xuất tự động, mô hình này mang đến giải pháp toàn diện, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, linh hoạt thích ứng với thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Xu hướng phát triển bền vững

Ông Đỗ Đức Hậu - Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam cho biết, xu hướng phát triển bền vững, thực hành kinh doanh có trách nhiệm và giảm phát thải carbon đã và đang là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn và sự đầu tư đáng kể của các quốc gia nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Ông Đỗ Đức Hậu - Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những động thái tích cực để theo đuổi các mục tiêu liên quan đến ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Đây là tiến trình cấp thiết và không thể đảo ngược nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và đảm bảo một tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng chung. Mục tiêu này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà máy thay đổi và tạo động lực cho tăng trưởng đột phá và lâu dài.

Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam khẳng định, với tầm nhìn ESG của Advantech về việc “Kiến tạo một hành tinh thông minh”, năng lực cốt lõi của nền tảng công nghệ IoT và các giải pháp thông minh của mình, cùng hệ sinh thái các đối tác chuyên ngành, Advantech sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu “chuyển đổi xanh” nhằm chia sẻ các công nghệ, các giải pháp nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và đảm bảo một tương lai phát triển bền vững.

Ông Phạm Lê Ngọc Châu - Giám đốc phát triển kinh doanh MediaTek cho rằng, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, IoT đã trở thành nguồn cảm hứng mới cho nhiều doanh nghiệp, là cơ hội cho sự bùng nổ kinh doanh của các start-up, mở ra nguồn doanh thu mới trong tương lai cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Có thể khẳng định, đây là một trong nhiều lĩnh vực đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Theo báo cáo của GSMA Intelligence, số lượng các thiết bị IoT tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 21 triệu vào năm 2018 lên đến 96 triệu vào năm 2025. Các ứng dụng IoT đang được triển khai rộng rãi tại Việt Nam bao gồm: thành phố thông minh, tòa nhà thông minh, quản lý năng lượng, giám sát môi trường, quản lý giao thông, quản lý chất lượng nước và nhiều ứng dụng khác. Tuy nhiên, việc triển khai IoT còn đối mặt với nhiều thách thức như nhân lực (đặc biệt là nhân sự cấp cao), hạ tầng kỹ thuật, chi phí đầu tư và an ninh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Thanh Kế - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ TECHPRO cho rằng, ứng dụng chuyển đổi số nhà máy, hướng tới sản xuất xanh và bền vững là xu thế tất yếu để các doanh nghiệp phát triển và hội nhập. Chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua tự động hóa và tối ưu hóa quy trình, giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng bằng cách cung cấp dịch vụ cá nhân hóa và duy trì kết nối liên tục. Các doanh nghiệp có thể tạo ra mô hình kinh doanh mới, tiếp cận thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ công nghệ số. Chuyển đổi số còn hỗ trợ quản lý thông tin hiệu quả, dự báo xu hướng và lập kế hoạch chiến lược chính xác hơn.

Việc áp dụng công nghệ số giúp tiết kiệm tài nguyên, phát triển sản xuất thông minh và bảo vệ môi trường. Đối với xã hội, chuyển đổi số cải thiện chất lượng giáo dục và y tế, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và dịch vụ công. Nhờ đó, chuyển đổi số trở thành yếu tố thiết yếu cho sự phát triển bền vững và thành công trong kỷ nguyên số.

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)