Thứ sáu, 26/07/2024 14:39

Google đưa ra khuyến nghị về trí tuệ nhân tạo đối với Việt Nam

Google vừa có báo cáo “Cơ hội trí tuệ nhân tạo (AI) cho Việt Nam: Một số khuyến nghị”. Theo Báo cáo này, Việt Nam có cơ hội, tiềm năng để phát triển AI và thực tế đã triển khai ứng dụng AI vào một số lĩnh vực như: dịch vụ công, tăng cường năng lực cạnh tranh, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn của trẻ khi ra đường, dự báo lũ lụt… Tuy nhiên, để khai thác được cơ hội và tiềm năng, Báo cáo của Google đề xuất 3 khuyến nghị chính: đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đổi mới sáng tạo; xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho AI; thúc đẩy việc áp dụng và tiếp cận cho mọi người khai thác AI.

Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với Việt Nam

Trên cơ sở phân tích những kết quả và thành tựu bước đầu mà doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu của Việt Nam đang theo đuổi về AI, Báo cáo của Google đã nêu lên những tác động của AI đối với một số lĩnh vực như: giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất; tăng cường ngành công nghiệp xe điện; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe; bảo đảm an toàn cho trẻ em khi ra đường; dự báo lũ lụt; phát hiện phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học…

Nâng cao chất lượng dịch vụ công: AI có tiềm năng cải thiện hiệu quả và chất lượng các dịch vụ công tại Việt Nam. Cơ quan Đổi mới khu vực công của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận thấy rằng, AI mang lại nhiều tiềm năng cho lĩnh vực công với nhiều ứng dụng thực tế trên toàn cầu. Việt Nam đang tích cực áp dụng AI trong việc cung cấp các dịch vụ công. Viettel đã phát triển Trợ lý ảo pháp lý để hỗ trợ tự động hóa các lĩnh vực của quy trình lập pháp và tư pháp. Theo Viettel, chỉ trong hơn 1 năm triển khai kể từ tháng 06/2022, Trợ lý ảo pháp lý của đơn vị này đã tạo điều kiện truy cập dễ dàng vào các văn bản pháp luật, các vụ án và quyết định của tòa án, cũng như các án lệ, giúp giảm thiểu công việc của các thẩm phán và công chức khoảng 30%. Ngoài ra, một số nơi tại TP Hồ Chí Minh đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt dựa trên AI để tự động hóa quy trình xác minh và điền thông tin vào các biểu mẫu hành chính cho công dân. AI có thể giúp tối ưu hóa rộng hơn các lĩnh vực dịch vụ công, cải thiện xử lý vi phạm giao thông và quản lý kiểm soát xuất nhập cảnh.

Tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất: AI có thể giúp Việt Nam gia tăng tốc độ phát triển trong lĩnh vực sản xuất. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra rằng, phát triển AI phù hợp với các ngành sản xuất cụ thể là một trong những ưu tiên chính trong năm 2024. Các nhà sản xuất quốc tế đang tìm cách gia nhập thị trường Việt Nam và ngày càng kết hợp AI để tăng cường hiệu quả trong quy trình sản xuất. Novas EZ Co., một công ty dịch vụ sản xuất điện tử của Hàn Quốc đã sử dụng AI tại các nhà máy của họ đã góp phần nâng sản lượng sản xuất tại Việt Nam lên 25%.

Tăng cường ngành công nghiệp xe điện: tại Việt Nam, sản lượng xe điện dự kiến đạt 1 triệu chiếc vào năm 2028 và 3,5 triệu chiếc vào năm 2040. Thị phần xe điện tại Việt Nam có thể đạt 15% vào cuối năm 2024, xếp thứ hai tại Đông Nam Á. Mở rộng tiêu thụ và và sử dụng xe điện nội địa cũng là một yếu tố then chốt trong kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông xanh hơn của Việt Nam. Chương trình hành động của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã đề ra các mục tiêu cụ thể như ngừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040 và đảm bảo tất cả các phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện và năng lượng xanh vào năm 2050.

Tăng cường hiệu quả và tính xanh trong ngành nông nghiệp: AI có thể giúp nông dân Việt Nam làm nông nghiệp hiệu quả hơn bằng cách thu thập dữ liệu theo thời gian thực về sâu bệnh; dự đoán chính xác về nhiệt độ, lượng mưa và tốc độ gió. Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philippines - một trong những dự án được Google tài trợ trong khuôn khổ AI vì các Mục tiêu toàn cầu đang sử dụng AI để phát triển các giống lúa chống chịu với biến đổi khí hậu nhằm giúp nông dân, kể cả ở Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Các chuyên gia kinh tế của IRRI dự báo rằng, lợi ích từ việc nông dân châu Á và châu Phi áp dụng các giống mới sẽ rất lớn: ước tính khoảng 30 tỷ USD sau 5 năm.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe: AI giúp các nhà nghiên cứu đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu, khám phá những hiểu biết mà trước đây không thể tiếp cận được và đẩy nhanh tốc độ đổi mới y tế để mang lại các kết quả chăm sóc sức khỏe khả quan. Đặc biệt, AI đã được chứng minh cải thiện chất lượng và tốc độ chẩn đoán những căn bệnh hiện đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân Việt Nam, bao gồm ung thư gan, phổi và vú. Các công cụ chẩn đoán dựa trên AI cũng có thể giúp giải quyết các thách thức về năng lực trong hệ thống y tế của Việt Nam.Sản phẩm VinDr do Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của Tập đoàn VinGroup Việt Nam phát triển là một ứng dụng tích hợp AI hỗ trợ các bác sỹ trong việc chẩn đoán và phát hiện các tổn thương trên phổi, gan, vú và cột sống. VinDr có thể đạt độ chính xác trung bình trên 90% cho mỗi lần quét chỉ trong vài giây và đã chứng minh tính hiệu quả trong việc hỗ trợ các bác sỹ trong đại dịch COVID-19.

Nâng cao chất lượng giáo dục: AI mở ra cơ hội lớn cho giáo dục, từ việc cá nhân hóa trải nghiệm giáo dục đến tối ưu hóa quá trình giảng dạy và học tập. Tại Việt Nam, ngành giáo dục đang bắt đầu những cuộc thảo luận về việc áp dụng AI vào giáo dục với sự chú trọng đặc biệt đến việc giải quyết các thách thức lớn như bảo mật dữ liệu, cơ sở hạ tầng và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc đạo đức trong việc sử dụng AI. Trường Đại học FPT ở Việt Nam gần đây đã triển khai chương trình “Ứng dụng AI trong giảng dạy tại trường trung học phổ thông” nhằm trang bị cho giáo viên trung học năng lực sử dụng AI trong công tác giảng dạy. Chương trình này bao gồm các khóa đào tạo thực hành cho giáo viên, ví dụ như sử dụng AI để soạn giáo án và tìm hiểu các rủi ro đạo đức tiềm ẩn của AI trong giáo dục. Đến tháng 02/2024, chương trình đã đào tạo hơn 3.000 giáo viên trung học phổ thông.

Bảo đảm an toàn cho trẻ em khi ra đường: các vụ tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong của trẻ em và thanh thiếu niên trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới. Thách thức này đặc biệt nghiêm trọng tại Việt Nam với tai nạn giao thông đứng thứ hai trong số các nguyên nhân gây tử vong và thương tích nghiêm trọng đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Với sự hỗ trợ tài chính từ Google, Chương trình đánh giá an toàn đường bộ quốc tế đang sử dụng AI, hình ảnh vệ tinh và hình ảnh đường phố để phát hiện các nguy cơ an toàn đường bộ, cung cấp đánh giá xếp hạng hạ tầng đường bộ xung quanh các trường học tại Việt Nam. Chương trình giúp cung cấp thông tin để đề xuất các chính sách mới và thúc đẩy đầu tư vào các con đường an toàn cho người đi bộ, giúp giảm thiểu những tác hại có thể tránh được.

Dự báo lũ lụt: lũ lụt đang gia tăng về tần suất và cường độ do biến đổi khí hậu, đe dọa sự an toàn và sinh kế của người dân. Theo Chỉ số Rủi ro INFORM năm 2019, Việt Nam là quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ lụt cao nhất thế giới. Công nghệ thủy văn dựa trên AI có thể cải thiện đáng kể việc dự báo lũ lụt, giúp giảm thiểu tác động của thời tiết bất lợi. Google Research đã phát triển mô hình AI để dự báo lũ lụt tại 80 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, nền tảng dự báo lũ lụt dựa trên AI của Google, có tên là Flood Hub cung cấp dữ liệu lũ lụt và dự báo tình hình lũ lụt tại địa phương trong vòng 7 ngày tiếp theo. Điều này giúp người dân chuẩn bị và ứng phó kịp thời trước lũ lụt. Dự báo được cập nhật hằng ngày và tất cả thông tin đều được cung cấp miễn phí và công khai.

Phát hiện phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học: Việt Nam nổi tiếng trên toàn cầu với chất lượng cà phê và sản lượng cà phê hằng năm đang có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng cà phê nhanh chóng dẫn đến tình trạng phá rừng, đe dọa tính bền vững của ngành trồng cà phê ở Việt Nam. Dự án Coffee Vision do Đại học Copenhagen phối hợp với Liên minh đa dạng sinh học quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT)thực hiện nhằm hỗ trợ quản lý bền vững các khu rừng tại Việt Nam và ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học. Dự án sử dụng AI và hình ảnh vệ tinh để xác định chính xác các khu vực trồng cà phê trên khắp Việt Nam, sau đó phối hợp với dữ liệu lịch sử phá rừng để xác định các vụ phá hoại liên quan đến trồng cà phê. Cuối cùng, việc áp dụng AI giúp các nhà nghiên cứu phát triển các công cụ giám sát hỗ trợ việc chứng nhận các khu vực trồng cà phê bền vững ở Việt Nam.

Khuyến nghị

Báo cáo của Google đề xuất 3 khuyến nghị chính để Việt Nam có thể khai thác AI một cách an toàn và phát huy tối đa tiềm năng của công nghệ này:

Một là, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI, cải thiện và đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật số và năng lực lập trình, tạo môi trường chính sách hỗ trợ để giảm thiểu các rào cản đối với đổi mới, sáng tạo AI.

Hai là, xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho AI. Cần đầu tư vào con người để đảm bảo họ có thể sử dụng và tận dụng lợi ích từ AI, từ học sinh, sinh viên đến người lao động, từ doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn lớn.

Ba là, thúc đẩy việc áp dụng và tiếp cận cho mọi người khai thác AI trong cơ quan Chính phủ và tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để giải quyết các thách thức kinh tế và xã hội quan trọng, đồng thời đảm bảo lợi ích của AI được lan tỏa rộng rãi.

Các ví dụ trên chỉ là một phần nhỏ những gì AI có thể làm được. AI có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho Việt Nam, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân trên khắp đất nước - Báo cáo của Google khẳng định. Tuy nhiên, những lợi ích này không đạt được một cách tự nhiên. Để công nghệ AI phát huy vai trò quan trọng và được triển khai một cách hiệu quả, cần có sự tin tưởng và nhận thức rõ ràng về lợi ích từ phía người dân, đồng thời được chính phủ tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc áp dụng AI trên quy mô lớn một cách kịp thời.

Việt Nam ngày càng có động lực theo đuổi lợi thế cạnh tranh trong AI. Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI của Việt Nam đề ra tầm nhìn chiến lược, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên toàn thế giới.

Trong lịch sử, nhiều quốc gia đã thành công khi hỗ trợ thay đổi và khai thác công nghệ để nâng cao mức sống cho người dân. Ví dụ, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ tài chính số và trò chơi trực tuyến, cho thấy tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ. Tương tự, để Việt Nam khai thác được lợi ích của AI, điều quan trọng là cần phải có các điều kiện chính sách phù hợp cho phép xây dựng và phát triển AI.

VH

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)