Tóm tắt thông tin
Theo các nguồn thông tin đại chúng, anh M (một họa sỹ, đồng thời cũng là một người kinh doanh trong lĩnh vực khung tranh, thiết kế trang trí nhà) đã mua 2 bức tranh tại một cửa hàng ở Quận 5, TP Hồ Chí Minh với mục đích để trang trí trong nhà. Sau khi mua tranh, anh M đã ký tên lên bức tranh (có nơi đăng tin là anh M chỉ viết tên mình bên dưới chữ ký có sẵn) rồi sau đó đăng tải lên trang Facebook cá nhân của mình. Nhờ đó, anh A - người được xem là tác giả của 2 bức tranh trên (theo các giấy chứng nhận quyền tác giả) đã biết được thông tin về việc bức tranh của mình bị làm giả (bởi anh chưa từng cho phép đơn vị nào sản xuất các bản sao từ bức tranh của mình), cũng như hành vi ký tên lên tranh của anh M.
Bức tranh có tên "Lì xì nhé"của hoạ sỹ A (bên phải) bị họa sỹ M sao chép lại (bên trái) (ảnh: họa sỹ A).
Anh A cho rằng, hành vi ký tên lên tranh được hiểu là đánh dấu sở hữu của tác giả lên tác phẩm do mình sáng tạo nên. Chữ ký của tác giả là một phần không tách rời đối với toàn bộ bức tranh. Như vậy, có thể hiểu, anh A cho rằng các quyền nhân thân của mình đang bị xâm phạm mà cụ thể là quyền được đứng tên trên tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Anh A không xem xét đến các hành vi xâm phạm quyền nhân thân khác như công bố, đặt tên tác phẩm và các quyền tài sản như sao chép và phân phối. Do đó, để đơn giản, bài viết này sẽ chỉ tập trung vào việc phân tích có hay không hành vi xâm phạm các quyền nhân thân.
Xâm phạm quyền được đứng tên trên tác phẩm?
Khoản 2 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 (Luật SHTT) quy định rằng, quyền nhân thân của tác giả bao gồm quyền: “đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng”. Với quyền này, tác giả có quyền can thiệp hay buộc mọi bản sao của tác phẩm (và cả bản gốc) phải thể hiện những thông tin chỉ ra được tên thật hoặc bút danh của mình. Trong những trường hợp sử dụng tác phẩm nhưng lại không liên quan đến bất kỳ bản sao nào (như trình diễn, trưng bày, phát sóng) thì quyền này được thể hiện bằng cách nêu tên tác giả.
Câu hỏi đặt ra là, liệu với quyền đứng tên trên tác phẩm, tác giả có hay không quyền can thiệp khi bản sao (và bản gốc) tác phẩm bị người khác đưa vào các thông tin, dấu hiệu (như chữ ký) làm cho người khác nhầm lẫn về tư cách tác giả? Nếu bám sát theo câu chữ, thì có thể thấy ngay rằng: về phạm vi, quy định của Luật SHTT chỉ nói đến việc “tên của tác giả sẽ phải được thể hiện trên tác phẩm”. Như vậy, Điều 19 Luật không nói đến khả năng chống gây nhầm lẫn về tư cách tác giả cũng như không nói đến quyền ngăn cấm bên thứ ba ghi tên hay ký tên lên tác phẩm. Về đối tượng, điều luật này chỉ đề cập đến tên thật và bút danh mà không nói đến chữ ký hay nói chung là bất kỳ dấu hiệu nào có thể chứng minh tư cách tác giả, như con dấu cá nhân chẳng hạn. Do đó, nếu theo sát quy định của luật, có thể kết luận rằng, tác giả sẽ không có quyền can thiệp khi bản gốc và bản sao tác phẩm không thể hiện chữ ký của mình; cũng không có quyền ngăn cấm người khác ký tên lên tác phẩm và cũng không có quyền yêu cầu gỡ bỏ các thông tin gây nhầm lẫn về tư cách tác giả của mình, đặc biệt là khi thông tin về tác giả có thể tồn tại song song với các thông tin gây nhầm lẫn.
Hiển nhiên, khi làm ra tác phẩm, tác giả luôn có quyền ký tên lên nó, nhưng một khi tác giả không làm vậy và rồi bán bản gốc tác phẩm đi thì tác giả sẽ không có quyền yêu cầu rằng chữ ký của mình phải được thể hiện trên bản gốc tác phẩm đã bán. Cũng tương tự, khi bản sao do một bên thứ ba làm ra một cách hợp pháp thì tác giả sẽ không có quyền yêu cầu chữ ký của mình phải được thể hiện trên bản sao đó.
Khả năng mở rộng quyền đứng tên trên tác phẩm?
Vấn đề đặt ra là, liệu cách giải thích nghiêm ngặt theo câu chữ có phù hợp, hay nói cách khác, liệu có thể mở rộng cách giải thích quy định này, rằng không chỉ tên thật, bút danh, mà cả chữ ký hay dấu hiệu cá nhân khác cũng có thể bao gồm trong đó? Và tác giả sẽ có quyền yêu cầu gỡ bỏ các chữ ký gây nhầm lẫn về tư cách tác giả của mình?
Theo Điều 6bis Công ước Berne thì tác giả có quyền yêu cầu công nhận tư cách tác giả của tác phẩm. Có thể thấy rằng, đứng tên trên tác phẩm và nêu tên khi tác phẩm được sử dụng là một trong những hình thức thể hiện hay công nhận tư cách tác giả. Nhưng, ngoài các cách thức này, cũng còn rất nhiều cách thức khác để thể hiện tư cách tác giả, điển hình là ký tên hoặc đóng dấu triện trên tác phẩm. Nói cách khác, theo cách tiếp cận của Công ước Berne thì tác giả có quyền chủ động đặt bất kỳ thông tin hay dấu hiệu nào (mà không nhất thiết là tên thật hay bút danh) trên tác phẩm cho phép xác định mình là tác giả. Nhưng hơn thế nữa, ở mặt bị động, tác giả còn có quyền yêu cầu gỡ bỏ hoặc đính chính các thông tin gây nhầm lẫn về tư cách tác giả của mình.
Có thể thấy ngay, mặc dù là một thành viên của Công ước Berne, song, thay vì công nhận một quyền được công nhận là tác giả rộng rãi và mang tính nguyên tắc như được quy định trong Công ước, Luật SHTT đã chọn cách quy định hẹp khi chỉ thừa nhận một khía cạnh của quyền này. Điều này cho phép đưa ra 2 cách hiểu: hoặc quy định của Điều 19 đã được nhà làm luật ngầm hiểu là tương thích với Điều 6bis của Công ước Berne hoặc là nhà làm luật muốn giữ nguyên cách tiếp cận hẹp như từ trước tới giờ. Tuy nhiên, ý kiến đầu tiên có vẻ sẽ thiếu cơ sở, bởi vì một số lý do sau:
Thứ nhất, từ trước đến nay không có bất kỳ quy định hướng dẫn nào cho phép mở rộng phạm vi của quyền này theo cách hiểu của Công ước Berne.
Thứ hai, quyền đứng tên trên tác phẩm là một quyền được pháp luật Việt Nam thừa nhận từ rất sớm (ví như tại Điều 3 Nghị định 142-HĐBT ngày 14/04/1986) và kể từ khi Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả 1994 ra đời cho đến nay, nội dung của quyền này đã không có bất kỳ thay đổi gì, kể cả khi Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne. Việc không thay đổi các quy định có liên quan gợi lên suy nghĩ rằng, pháp luật của Việt Nam có thể đã không lựa chọn cách tiếp cận của Công ước Berne về quyền được công nhận tư cách tác giả.
Thứ ba, Luật SHTT có xu hướng được giải thích hẹp bởi nguyên tắc được nêu ra tại khoản 1 Điều 7 Luật SHTT rằng: chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này. Như vậy, với nguyên tắc này, việc giải thích rộng rãi nội dung của quyền tác giả chỉ có thể được đặt ra một khi luật quy định một cách khái quát (ví dụ như: quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Có một điều thú vị là trong bối cảnh của Bộ luật Dân sự 1995 đã từng có một quy định rằng: “Để được công nhận là tác giả, những người quy định... phải đề tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm được công bố, phổ biến” (khoản 3 Điều 2 Nghị định 76-CP 1996). Điều này có nghĩa là: quyền được nêu tên trên tác phẩm theo Bộ luật Dân sự 1995 đã từng được hiểu theo hướng không được đồng nhất với quyền được công nhận là tác giả.
Tóm lại, có nhiều lý do để tin rằng, quyền được nêu tên theo Luật SHTT là một quyền năng hạn chế và nó không đồng nhất với quyền được công nhận là tác giả. Như vậy, với những dữ kiện hiện tại, chúng ta có thể tạm kết luận rằng, sẽ rất khó để chấp nhận cách giải thích rộng rãi quyền đứng tên trên tác phẩm. Do đó, trong bối cảnh của Luật SHTT hiện nay, tác giả sẽ không có quyền can thiệp khi bản gốc và bản sao tác phẩm không thể hiện chữ ký của mình; cũng như không có quyền yêu cầu gỡ bỏ hoặc đính chính các thông tin gây nhầm lẫn về tư cách tác giả của mình.
Tuy nhiên, giả sử như tác giả có một quyền năng rộng rãi theo Công ước Berne thì liệu tác giả có quyền yêu cầu gỡ bỏ chữ ký do người khác ký tên lên tranh hay không? Câu trả lời có vẻ tùy theo các tình tiết thực tế. Bởi lẽ quyền được công nhận tư cách tác giả được đặt ra nhằm chống lại sự nhầm lẫn/hay mạo nhận về tác giả. Trong khi đó, việc ký tên lên bức tranh không phải lúc nào cũng có thể tạo ra sự nhầm nhẫn về tác giả. Ví dụ như ta ký tên lên bức tranh nổi tiếng Mona Lisa chẳng hạn, chắc chắn rằng khi đó vẫn không có sự nhầm lẫn về tư cách tác giả. Cũng tương tự, nếu một bức tranh đã có đề tên tác giả rõ ràng thì việc ký tên lên tranh ít nhiều không còn giá trị xác nhận tác giả hay có thể gây nhầm lẫn. Song, vấn đề sẽ khác nếu thông tin tác giả không được biết đến và người ký tên lên bức tranh dù không phải là tác giả nhưng cũng không phủ nhận tư cách tác giả khi giới thiệu bức tranh đến công chúng. Do đó, có thể nói rằng, việc ký tên lên tác phẩm (bản gốc hoặc bản sao) sẽ không bị xem là xâm phạm quyền đứng tên trên tác phẩm nếu hành vi này không đem đến sự nhầm lẫn một cách khách quan về tư cách tác giả hoặc nếu thông tin về tác giả đã được thể hiện rõ bằng một hình thức khác.
Xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm?
Khoản 4 Điều 19 Luật SHTT quy định rằng, quyền nhân thân của tác giả bao gồm quyền: “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Mặc dù yếu tố “xuyên tạc” không đi kèm với việc phương hại danh dự và uy tín của tác giả, song, có thể hiểu rằng, yếu tố này đã bao gồm trong khái niệm xuyên tạc. Bởi theo nghĩa phổ thông, xuyên tạc được hiểu là việc trình bày sai sự thật với dụng ý xấu, và một khi đã có dụng ý xấu tức nó đã ảnh hưởng đến danh dự và/hoặc uy tín của tác giả. Như vậy, nói chung với quyền này, tác giả có quyền can thiệp hay ngăn cấm mọi thay đổi tác phẩm mà gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Nếu ta quan sát sự tiến triển của pháp luật về quyền tác giả thì có thể thấy rằng “yếu tố gây phương hại” chỉ xuất hiện trong Luật SHTT năm 2005 cho đến nay; còn trước đó, tác giả luôn có một “độc quyền” cho hoặc không cho người khác sửa đổi tác phẩm của mình, bất kể nó có gây phương hại đến danh dự của mình hay không. Sự thay đổi này đã nêu lên ý nghĩ rằng, nhà làm luật muốn giới hạn lại quyền bảo vệ sự toàn vẹn. Mặt khác, như đã nêu khoản 1 Điều 7 Luật SHTT đã đặt ra nguyên tắc rằng, chủ thể quyền chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi theo quy định của Luật này. Như vậy, nếu khoản 4 Điều 19 đã quy định rõ ràng “yếu tố gây phương hại” thì đây là một điều kiện bắt buộc để xác định hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn.
Ngoài ra, chính Công ước Berne cũng đã thừa nhận yếu tố “yếu tố gây phương hại” khi đề cập đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tại Điều 6bis. Hiển nhiên, Công ước chỉ thiết lập các điều kiện bảo hộ tối thiểu cho tác giả, và do đó luật quốc gia vẫn có quyền bảo hộ rộng rãi hơn, tức là bảo vệ nhiều hơn lợi ích của tác giả và cho phép người này chống lại bất kỳ sự sửa đổi nào đối với tác phẩm, bất kể nó có gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả hay không. Tuy nhiên, một khi Luật SHTT của Việt Nam đã quy định rõ “yếu tố gây phương hại”, tức là nhà làm luật đã minh thị từ chối cách bảo hộ một cách rộng rãi về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Tóm lại, nếu theo đúng quy định của Luật SHTT hiện hành, có thể nói rằng, quyền bảo vệ sự toàn vẹn không cấm mọi hành vi sửa đổi tác phẩm, mà nó chỉ ngăn cản những thay đổi có thể gây phương hại đến danh dự hoặc uy tín của tác giả.
Áp dụng vào vụ việc, câu hỏi đặt ra là liệu với quyền bảo vệ sự toàn vẹn, tác giả có hay không quyền can thiệp khi bản sao (và bản gốc) tác phẩm bị người khác ký tên lên hoặc xóa bỏ đi phần chữ ký của mình? Trước hết, hãy xác định liệu việc ký tên lên tranh, hoặc xóa bỏ chữ ký có phải là một hành vi xuyên tạc, sửa chữa, cắt xén tác phẩm hay không. Về bản chất, chữ ký không phải là một phần của bức tranh, không phải là yếu tố tạo nên cái “dấu ấn cá nhân” để tác phẩm được bảo hộ, cũng không phải là một thành phần của hình thức thể hiện ý tưởng nghệ thuật của tác giả; thay vào đó nó chỉ là dấu hiệu riêng của tác giả thường được sử dụng để nhận diện người làm ra nó. Như vậy, rõ ràng, việc ký tên lên bức tranh hoặc cạo bỏ phần chữ ký tác giả sẽ là không làm thay đổi bức tranh (hay hình thức thể hiện ý tưởng nghệ thuật mà tác giả muốn thể hiện), tức là không thể bị xem là hành vi sửa chữa, cắt xén và xuyên tạc tác phẩm. Do đó, khó bị coi là có hành vi xâm phạm sự bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Thật ra, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm vốn có mục đích là nhằm duy trì hình thức thể hiện ý tưởng văn học, nghệ thuật mà tác giả đã sáng tạo ra. Do đó, nếu chữ ký không phải là một phần của bức tranh, không phải là một phần của hình thức thể hiện ý tưởng nghệ thuật của tác giả thì thực chất nó sẽ không được bảo vệ bởi quyền năng này. Nhưng, hãy cứ giả sử chữ ký của tác giả là một phần của bức tranh và việc xóa bỏ nó và thay thế bằng một chữ ký khác là hành vi sửa chữa tác phẩm. Vậy thì trong trường hợp này, có hay không hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm? Như đã đề cập, để có thể bị xem là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn, thì hành vi ký tên lên tranh hoặc xóa bỏ chữ ký của tác giả còn buộc phải có hậu quả là có thể gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Đến lượt mình, yếu tố gây phương hại là những sự kiện thực tế tùy thuộc sự thẩm lượng của Tòa án.
Cũng có trường hợp, người mua ký tên lên tranh để mạo nhận tác giả rồi sau đó dùng bức tranh để thực hiện các công việc trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với những mục đích nghệ thuật mà tác giả thật sự hướng đến (ví dụ như để làm bối cảnh chụp ảnh khiêu dâm, hay để làm bức tranh chủ đạo trong một bộ phim kinh dị). Trong trường hợp này, rất có thể có sự ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này không đến từ việc người mua ký tên lên tranh mà đến từ hành vi mạo nhận tác giả và sử dụng, khai thác tác phẩm. Khi đó, cũng không thể có sự xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Tóm lại, hành vi ký tên lên tranh và/hoặc xóa bỏ đi phần chữ ký của tác giả bức tranh khó có thể được xem là một hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo khuôn khổ của Luật SHTT.
*
* *
Theo những phân tích nói trên, có thể nói rằng, những cáo buộc của anh A là chưa đủ cơ sở để khẳng định về việc người mua tranh tự ý ký tên lên tranh là xâm phạm các quyền nhân thân của tác giả. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng, người mua tranh có thể làm bất cứ hành vi nào đối với bức tranh theo ý muốn cá nhân của mình, bởi lẽ ngoài quyền nhân thân thì quyền tác giả còn bao hàm trong đó các quyền tài sản - những quyền năng được bảo lưu cho chủ sở hữu quyền tác giả và không được chuyển giao cho người mua bức tranh.