Thứ năm, 06/07/2023 16:32

Có nên công nhận tư cách tác giả của trí tuệ nhân tạo trong bảo hộ sáng chế và quyền tác giả?

Nguyễn Trần Hải Đăng

Công ty TNHH Luật ALIAT

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng hiện diện nhiều hơn trong mọi lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, khác với những thành tựu khoa học và công nghệ trước đó, như máy tính, điện thoại, internet…, vốn dĩ được con người xem như một công cụ đơn thuần, AI lại đang gây ra tranh cãi về việc nên đối xử với chúng như một công cụ hay một chủ thể. Dưới góc nhìn pháp lý nói chung, tư cách pháp lý của AI cũng đang khiến các nhà làm luật tốn nhiều giấy mực. Đặc biệt, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), sự tham gia của AI vào các hoạt động sáng tạo, vốn được xem là lãnh địa riêng của con người cũng đã đặt ra một câu hỏi hóc búa, rằng có nên công nhận tư cách tác giả của AI trong việc bảo hộ sáng chế và quyền tác giả hay không?

Hành trình của AI từ một công cụ trở thành một chủ thể             

Từ những suy nghĩ đầu tiên về người máy ở thời cổ đại, điển hình như người khổng lồ Talos trong thần thoại Hy Lạp, do thần kim loại Hephaestus chế tạo ra, được mô tả là một cỗ máy hình người được đúc bằng đồng, với nhiên liệu là “ichor” - một thứ máu vàng thần thánh, chạy trong các mạch dẫn, cho đến nhận định của nữ bá tước Ada Lovelace, người được coi là nhà phát triển phần mềm máy tính đầu tiên trên thế giới vào năm 1842 về một cỗ máy có thể hoạt động vượt ra ngoài những tính toán thuần túy... Sau đó là hàng loạt công trình nghiên cứu có liên quan như “mạng thần kinh nhân tạo”, “deep learning”, “phép thử turing”…

Ngày 11/5/1997, AI Deep Blue đánh bại vua cờ Garry Kasparov, đánh dấu lần đầu tiên một AI đánh bại con người trong một lĩnh vực cụ thể.

Con người đã dần thừa nhận một cách chính thức hoặc không chính thức tư cách chủ thể của AI trong xã hội. Sophia được Saudi Arabia cấp quốc tịch vào năm 2017. Kensho - một AI phân tích tài chính đã được tuyển dụng vào Goldman Sachs và trực tiếp khiến 598/600 nhân viên của Công ty này mất việc. AI Watson sau khi “học” y trong 18 tháng có thể chẩn đoán ung thư bàng quang chính xác đến 91%, ung thư trực tràng 94%, ung thư đại tràng 98%, ung thu cổ tử cung 100% (trong khi tỷ lệ này ở bác sỹ con người là khoảng 80%). Thẩm phán AI do Đại học Sheffield và Đại học College London (Anh) phối hợp với Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) phát triển có tỷ lệ phán quyết chính xác đến 79%, tương đương với tỷ lệ của Tòa Nhân quyền châu Âu.

Năm 2019, TS Stephen Thaler cùng các cộng sự đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cho sản phẩm hộp đựng thực phẩm do một thực thể AI do chính ông tạo ra và đặt tên là “Device for autonomous bootstrapping of unified sentience (DABUS)”. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, trong một đơn đăng ký sáng chế, tác giả được ghi nhận là một thực thể AI. Sự kiện này không chỉ tạo ra những bối rối nhất định cho hệ thống đăng ký sáng chế của các nước mà Stephen Thaler nộp đơn, mà còn khơi mào cho nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu và thực hành SHTT trên toàn thế giới.

Trong lĩnh vực quyền tác giả, cũng ngày càng nhiều tác phẩm được công bố là do một hệ thống AI nào đó tạo nên, điển hình như bức chân dung “The next rembrandt” ở Hà Lan, tiểu thuyết “The day a computer writes a novel” ở Nhật Bản hay các bản nhạc nền được tạo ra bởi AIVA...

Với bản chất là sự mô phỏng trí thông minh của con người, AI được xây dựng nhằm thay thế những người học giỏi, có vốn kiến thức sâu rộng và trí lực siêu việt. Tuy nhiên, trí thông minh của con người được đưa vào AI đã dần trở thành trí thông minh của chính AI. Nói cách khác, AI từ chỗ là “một cỗ máy có trí thông minh như con người”, đã trở thành “một cỗ máy sở hữu trí thông minh của riêng nó”. Điều này dẫn đến một thực trạng rằng chính con người chế tạo ra máy móc, nhưng bây giờ con người lại đang cảm thấy không thể điều khiển được chúng.

Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể thấy AI không chỉ đơn thuần là một công cụ mà đã dần trở thành một “chủ thể” của cuộc sống hiện đại. Với tư cách một “chủ thể”, AI đã phát huy vai trò của nó không chỉ trong việc hỗ trợ, giúp sức con người trong quá trình sáng tạo, vận hành cuộc sống, mà còn trong việc dẫn dắt, kiến tạo nhiều xu hướng mới vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Điển hình là trong hoạt động sáng tạo ra sáng chế và tác phẩm, nhiều người cho rằng, từ việc chịu sự điều khiển, chi phối của con người, AI đã dần tách ra, tạo nên một sự độc lập nhất định trong các thao tác, thậm chí là cả tư duy, từ đó phải công nhận AI là một tác giả. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, có thể đối xử với AI như một “inventor” nhưng không thể xem chúng như một “author”. Liệu đã đến lúc công nhận AI là một chủ thể sáng tạo hay chưa? Và liệu có sự khác biệt gì giữa việc công nhận tư cách tác giả của AI đối với sáng chế (thuộc quyền sở hữu công nghiệp) và đối với tác phẩm (thuộc quyền tác giả) hay không?

Việc xác định tác giả có ý nghĩa gì trong việc bảo hộ sáng chế và quyền tác giả?

Theo pháp luật về SHTT của Việt Nam, cả hai hệ thống quy định về sáng chế và quyền tác giả đều có đề cập đến một chủ thể là “tác giả”. Mặc dù cùng được hiểu là chủ thể tạo ra một sản phẩm sáng tạo, tuy nhiên giữa tác giả trong sáng chế và tác giả trong quyền tác giả lại có nhiều điểm khác biệt về vai trò đối với quá trình sáng tạo cũng như phạm vi quyền mà họ được hưởng. Từ đó, việc xác định chủ thể nào là tác giả trong mỗi chế định bảo hộ cũng có những ý nghĩa khác nhau. Để độc giả tiện theo dõi, từ đây chúng tôi sẽ gọi tác giả của sáng chế là “nhà sáng chế” nhằm phân biệt với “tác giả” của tác phẩm.

Trong lĩnh vực sáng chế, một trong những vấn đề cần làm rõ khi muốn tiến hành đăng ký bảo hộ đó là xác định chủ thể nào có quyền đăng ký. Và nhà sáng chế chính là chủ thể có quyền đăng ký bảo hộ cho sáng chế mà mình tạo ra, bên cạnh các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để nhà sáng chế tạo ra sản phẩm. Ngoài ra, việc xác định chủ thể có quyền đăng ký còn liên quan đến việc đánh giá tính mới của sáng chế, 1 trong 3 điều kiện để sáng chế được bảo hộ. Cụ thể, nếu sáng chế được bộc lộ công khai trong thời gian 6 tháng trước ngày nộp đơn đăng ký tại Việt Nam bởi chủ thể có quyền đăng ký, sáng chế đó vẫn không bị coi là mất tính mới1.

Xét về quyền của nhà sáng chế, có 2 nhóm quyền chính, đó là quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân cụ thể gồm quyền được ghi tên trong văn bằng bảo hộ và quyền được nêu tên trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế. Còn quyền tài sản của nhà sáng chế chỉ bao gồm một quyền duy nhất là quyền nhận thù lao2.

Trong lĩnh vực quyền tác giả, sự xuất hiện của tác giả được ghi nhận với tần suất và mức độ cao hơn. Đầu tiên, quyền tác giả phát sinh một cách tự động kể từ khi tác phẩm được tác giả sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Tiếp đó, tác giả cũng có một vai trò quan trọng trong việc xác định tính nguyên gốc của tác phẩm. Đây là một điều kiện bảo hộ đặc trưng của quyền tác giả, được diễn giải theo luật SHTT Việt Nam như sau: “Tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác”3.

Tác giả cũng có 2 nhóm quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản như nhà sáng chế, nhưng số lượng và ý nghĩa thì vượt trội. Cụ thể, quyền nhân thân của tác giả bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên trên tác phẩm và được nêu tên khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xét hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Còn quyền tài sản của tác giả cũng bao gồm một loạt các quyền như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, nhập khẩu bản gốc/bản sao tác phẩm4...

Ngoài ra, tác giả còn liên quan trực tiếp đến một vấn đề quan trọng khác trong việc bảo hộ quyền tác giả, đó là thời hạn bảo hộ. Cụ thể, quyền nhân thân của tác giả được bảo hộ vô thời hạn, còn quyền công bố và quyền tài sản đối với đa số các loại hình tác phẩm có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo sau năm tác giả chết5.

Như vậy có thể rút ra nhận xét rằng, việc xác định chủ thể nào là nhà sáng chế và chủ thể nào là tác giả đều rất cần thiết trong việc bảo hộ sáng chế và quyền tác giả. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa hai hệ thống bảo hộ, việc xác định tư cách tác giả trong bảo hộ quyền tác giả có một ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều, không chỉ trong quá trình đăng ký, đánh giá khả năng bảo hộ mà còn trong việc giải quyết các tranh chấp và xác định thời hạn bảo hộ quyền.

AI có phải là “người trực tiếp sáng tạo”?

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xác định nhà sáng chế và tác giả, chúng ta tiếp tục đánh giá liệu có thể công nhận AI là những chủ thể này hay không.

Luật SHTT Việt Nam đều quy định nhà sáng chế và tác giả đều là “người trực tiếp sáng tạo” ra đối tượng được bảo hộ. Có thể phân tách quy định này thành 2 điều kiện nhỏ để một chủ thể được công nhận là nhà sáng chế hay tác giả: i) Chủ thể đó phải là một “người”; ii) Chủ thể đó phải “trực tiếp sáng tạo”. Đối với điều kiện thứ nhất, việc trao cho AI tư cách chủ thể tương tự như con người có thể thực hiện được hay không còn tùy vào trình độ phát triển, truyền thống văn hóa, tư duy quản lý của từng hệ thống tư pháp cụ thể. Tuy nhiên, quá trình này ở cả 2 chế định sáng chế và quyền tác giả sẽ gặp phải những trở ngại sau:

Thứ nhất, trong quy định về sáng chế và quyền tác giả, luật pháp các nước gần như giống nhau ở việc quy định một cách minh thị rằng nhà sáng chế và tác giả phải là một “người”. Cũng chính vì điều này mà trong vụ việc của TS Stephen Thaler nêu trên, tòa án ở Anh và Mỹ đã không công nhận tư cách tác giả của DABUS. Còn Tòa Tối cao Liên bang Úc ban đầu công nhận nhưng đến ngày 13/4/2022, đã đảo ngược quyết định và đưa ra phán quyết không công nhận một thiết bị hay hệ thống AI là một “nhà sáng chế” theo The Patent Act 1990 (Commissioner of Patents v Thaler [2022] FCAFC 62). Qua đó, đưa Úc vào danh sách các khu vực pháp lý có cùng quan điểm trong vụ kiện này bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh và châu Âu.

Thứ hai, riêng đối với lĩnh vực quyền tác giả, nơi mà tính nguyên gốc luôn được đề cao, việc công nhận AI là tác giả  vô cùng khiên cưỡng. Ở các hệ thống pháp luật, tính nguyên gốc đều xoay quanh con người. Đối với hệ thống thông luật, đó là các yêu cầu về kết quả của “lao động, kỹ năng và phán đoán” của tác giả. Còn đối với hệ thống dân luật, tác phẩm phải thể hiện tính cách, đạo đức, nhận thức, cảm xúc, trải nghiệm xã hội của tác giả. Tất cả những điều này AI khó mà đáp ứng một cách hoàn toàn.

Thứ ba, liệu AI có thể tiếp nhận và thực hiện các quyền nhân thân và quyền tài sản mà pháp luật đã quy định cho nhà sáng chế và tác giả như một con người hay không? AI có thể được ghi tên, nêu tên khi sáng chế hay tác phẩm được công bố, sử dụng. Nhưng làm thế nào AI có thể nhận tiền thù lao, có thể bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, có thể biểu diễn, phân phối, sao chép tác phẩm một cách có chủ ý?

Thứ tư, nếu công nhận AI là một tác giả, làm thế nào có thể xác định thời hạn bảo hộ của một tác phẩm. Vì rõ ràng AI không có một vòng đời như con người và không thể xác định thời điểm AI “chết” được.

Như vậy, ở điều kiện thứ nhất về việc AI có tư cách như một con người hay không, AI hoàn toàn không thể đáp ứng được, ít nhất là tại thời điểm hiện tại với những AI hiện có. Điều kiện thứ hai ít gây tranh cãi hơn so với điều kiện thứ nhất. Vì không khó để đưa ra những bằng chứng rất rõ ràng rằng AI đang trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo ra sáng chế và tác phẩm.

Tuy nhiên, AI chỉ mới tham gia vào một vài khâu nhất định trong các quá trình sáng tạo này. Ngay cả hình thức AI tân tiến nhất hiện nay là Strong AI, được ứng dụng công nghệ “Deep learning” giúp chúng có thể tự phán đoán, tự tư duy, tự kết luận cũng chỉ phát huy tác dụng trong khâu xử lý thông tin và suy ra kết quả. Còn hai khâu quan trọng khác của quá trình sáng tạo là xác định động cơ và thu thập dữ liệu hoàn toàn thuộc về con người. Nói cách khác, AI vẫn đang làm việc phụ thuộc vào nguồn “thức ăn” do con người cung cấp, đó chính là dữ liệu.

Kể cả khi bạn cho rằng AI đang tạo ra những sáng chế và tác phẩm nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, thật ra AI chỉ tạo ra một sáng chế và tác phẩm vượt qua kỳ vọng, dự tính ban đầu của bạn mà thôi. Còn động cơ sáng tạo ban đầu vẫn do bạn kiểm soát, nếu bạn không bắt đầu thì AI không thể tạo ra kết quả, nếu bạn không muốn AI đi quá xa thì bạn có thể kết thúc.

Riêng đối với tác phẩm, điểm khởi đầu của nó luôn là một ý tưởng. Mặc dù ý tưởng không được bảo hộ mà chỉ có sự thể hiện của ý tưởng mới được bảo hộ, nhưng sẽ không có “sự thể hiện của ý tưởng” nếu không có “ý tưởng”. Do đó, việc xác định ý tưởng là một khâu quan trọng trong quá trình sáng tạo ra tác phẩm. Dễ thấy rằng, đây là việc AI không thể can dự. AI chỉ đơn thuần phân tích những dữ liệu do con người cung cấp như ý tưởng, học thuyết, nguyên tắc, ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, thị hiếu công chúng…, sau đó liên kết những dữ liệu này lại thành một tác phẩm. Nói một cách khác, máy móc vẫn chỉ đang sáng tác một cách “máy móc”. Cũng có người sáng tác chẳng khác gì một cái máy, nhưng không bao giờ có một cái máy có thể sáng tác như một nghệ sĩ thực thụ.

Tóm lại, không thể bàn cãi việc hiện nay AI đã tham gia vào cả hai quá trình tạo ra sáng chế và tác phẩm, nhưng những thao tác của chúng vẫn chỉ là cánh tay nối dài, là bộ não mở rộng một cách vô tận của con người mà thôi. Như vậy tại thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng AI chưa đáp ứng được điều kiện để được công nhận là một “người trực tiếp sáng tạo”. Vì nó chỉ đang là một chủ thể giữ vai trò hỗ trợ, giúp sức cho con người trong quá trình sáng tạo mà thôi.

Con người vẫn luôn là chủ thể sáng tạo

Một sự liên tưởng của cá nhân tác giả, có thể khập khiễng, nhưng không phải không có chút liên hệ nào. Đó là sự tương đồng giữa việc con người thuần dưỡng các loài động vật hoang dã để phục vụ cho các quá trình lao động của con người trong quá khứ, với việc con người chế tạo ra AI để phục vụ cho nhu cầu phát triển của mình ở thì hiện tại.

Thứ nhất, vốn dĩ các loài động vật đã tồn tại, sinh trưởng trong tự nhiên hàng triệu năm, việc thuần dưỡng của con người chẳng qua chỉ là việc tìm hiểu và sử dụng thứ nguồn lực vốn có này. Và phải chăng, AI thật ra cũng không phải do con người tạo ra, mà chỉ là một hình thức vận dụng các quy luật, học thuyết, nguồn năng lượng vốn có của cuộc sống để phục vụ cho mục đích của mình?

Thứ hai, để các loài vật phục vụ con người, chúng cần được con người tìm hiểu bản tính, xây dựng chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng... Đối với AI, phải chăng chúng ta cũng đang đối xử với nó như thế? Chúng ta thuần hóa AI bằng việc đưa chúng vào các loại máy móc, thiết bị, robot... Chúng ta chăm sóc AI thông qua quá trình nâng cấp, cải tiến không ngừng. Chúng ta cũng đang cho AI “ăn” những loại thức ăn đặc biệt, đó là dữ liệu.

Thứ ba, để duy trì vai trò chủ thể trung tâm của mình so với loài vật hay AI, con người luôn tìm ra cho mình những lợi thế. Nếu như đối với loài vật, con người muốn tận dụng sức mạnh vật lý của chúng và đã có thể tìm ra cách chế ngự vật nuôi bằng trí thông minh của mình. Chính vì vậy mà trong một câu truyện ngụ ngôn, anh nông dân đã đánh đuổi được con cọp vào rừng và dõng dạc nói với nó rằng “trí khôn của ta đây”.

Còn đối với AI, con người muốn tận dụng trí thông minh của chúng thì không thể chỉ sử dụng trí thông minh, mà cần tận dụng 2 năng lực riêng có là: i) Năng lực đồng cảm: biểu thị năng lực cảm nhận, thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc của người khác; ii) Năng lực tưởng tượng sáng tạo: biểu thị khả năng sinh ra những thứ chưa từng có hoặc cải tiến những thứ có sẵn. Ở ý này có thể hiểu rộng ra rằng, khả năng sinh sản của con người với tư cách một sinh vật sống, cũng là một năng lực sáng tạo mà AI không thể có được. Giữa hai năng lực riêng có này có một mối liên hệ hết sức chặt chẽ. Ví dụ, từ năng lực đồng cảm trước người mẹ khiếm thính, A. Graham Pell đã phát huy năng lực tưởng tượng sáng tạo và sáng chế ra máy trợ thính. Hay xuất phát từ cảm xúc đối với Dao Ánh mà Trịnh Công Sơn đã viết ra “Còn tuổi nào cho em,” “Mưa hồng”, “Tuổi đá buồn”, “Xin trả nợ người”...

AI có thể sẽ “hiểu” được 2 năng lực này nếu con người cung cấp đầy đủ dữ liệu, thuật toán cho nó, nhưng nó sẽ không thể sản sinh một cách hữu cơ và không thể tạo ra sự liên kết giữa hai năng lực này. Đây không chỉ là chìa khóa cho câu hỏi AI có nên được xem là chủ thể sáng tạo hay không, mà còn giúp con người tự tin hơn vào khả năng của mình, vào một tương lai không bị điều khiển bởi AI. Và biết đâu, sau này con người sẽ kể những câu chuyện ngụ ngôn “năng lực đồng cảm của ta đây” hay “trí tưởng tượng sáng tạo của ta đây” cho con cháu của mình.

Giải pháp nào cho tương lai?

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu có một giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi của các nhà khoa học, những công ty công nghệ đang tạo ra và sử dụng những hệ thống AI vào hoạt động sáng tạo không? Vì mặc dù không thể công nhận tư cách tác giả của AI, nhưng cũng không thể phủ nhận giá trị của những sản phẩm, tác phẩm mà AI tạo ra. Do vậy nếu không có cơ chế bảo hộ cho những sản phẩm, tác phẩm này, sẽ thật không công bằng cho công sức, tiền của mà các tổ chức, cá nhân đang tạo ra và sử dụng AI đã bỏ ra. Qua đó, cản trở một xu thế không thể lay chuyển được về tầm quan trọng của AI trong tiến trình sáng tạo của tương lai.

Đây là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống từ kinh tế, pháp luật đến văn hóa, xã hội, đạo đức. Do đó, trong khuôn khổ bài viết này tác giả đưa ra hai ý kiến mang tính tổng quát như sau:

Một là, AI vẫn chỉ đang đóng vai trò là một công cụ như một phần mềm máy tính giúp con người phân tích dữ liệu, một cây bút giúp nhà văn viết truyện, một cây đàn giúp nhạc sỹ sáng tác. Từ đó, xác định nhà phát minh hay tác giả vẫn là con người, cụ thể là người đã tạo ra AI hoặc người sử dụng AI để tạo nên sáng chế hoặc tác phẩm.

Hai là, cần xây dựng những quy định pháp lý để giới hạn việc sử dụng AI trong các hoạt động sáng tạo tiềm ẩn nguy cơ cao, ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, an ninh - quốc phòng và nhân quyền… Từ đó, tạo nên một hành lang pháp lý an toàn, không chỉ cho cộng đồng mà còn cho chính những chủ thể tạo ra và sử dụng AI.

Việc ứng dụng AI nói riêng, khoa học và công nghệ nói chung vào hoạt động sáng tạo của con người là một xu hướng không thể đảo ngược. Do đó, lĩnh vực SHTT cũng cần có những thay đổi để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh từ AI một cách có chọn lọc, hệ thống sao cho phù hợp với xu thế phát triển và trình độ nhận thức của xã hội. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, mỗi nền văn hóa khác nhau, sẽ có những quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề. Nên vấn đề quan trọng hiện nay không phải là có nên công nhận AI như một nhà sáng chế hay tác giả hay không, mà là cần làm gì để vừa đảm bảo quyền lợi của các chủ thể có liên quan, vừa duy trì động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

 

1Khoản 3 Điều 60 Luật SHTT năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022.

2Khoản 2 và 3 Điều 122 Luật SHTT.

3Khoản 3 Điều 14 Luật SHTT.

4Điều 19, 20 Luật SHTT.

5Điều 27 Luật SHTT.

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)