Thứ sáu, 30/06/2023 17:36

Giữ gìn môi trường để bảo vệ sức khỏe trẻ em trong tương lai

Lê Thị Hường

Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã khẳng định, sức khỏe môi trường toàn cầu định hình sức khỏe, thành tích học tập và hạnh phúc của mọi trẻ em trên thế giới. Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam cũng quy định quyền thứ 20 của các công dân tương lai là “quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang”, theo đó trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

Các vấn đề về môi trường và sự tác động đến trẻ em

Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng dân số và đô thị hóa, đây là một trong những thách thức lớn đe dọa tới môi trường sống của con người. Việt Nam cũng được công nhận là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới về vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó, trẻ em dễ bị tác động bởi tình trạng BĐKH và suy thoái môi trường hơn những nhóm tuổi khác, phần lớn là do các em đang trong giai đoạn phát triển, còn phụ thuộc vào người khác và chưa có nhiều tiếng nói trong các quyết định. Qua đó, bài viết xin chỉ ra 3 dấu hiệu chính của suy thoái môi trường gây tác động trực tiếp tới trẻ em đó là: ô nhiễm không khí, nguồn nước và mất đa dạng sinh học.

Ô nhiễm không khí

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố các nghiên cứu về tác động của ô nhiễm không khí đối với trẻ em. Trẻ em đặc biệt dễ bị tác động bởi ô nhiễm không khí vì trẻ em có nhịp thở cao hơn người lớn và khi lớn lên, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến sai lệch so với mô hình phát triển bình thường. Ngoài ra, trẻ em có thể dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn để tham gia các hoạt động thể chất và hít phải liều lượng chất ô nhiễm không khí cao hơn. Trẻ em cũng nhỏ hơn, gần với mặt đất hơn, nơi một số chất ô nhiễm đạt đến nồng độ cao nhất - vào giai đoạn não và cơ thể của các em vẫn đang phát triển. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí trong nhà hơn tại các gia đình thường xuyên sử dụng nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm để nấu nướng, sưởi ấm và chiếu sáng. Những phát hiện chính do WHO công bố minh họa tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với trẻ em là: ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến việc giáo dục và khả năng học tập của trẻ em. Mức độ ô nhiễm không khí cao hơn có liên quan đến kết quả học tập của các em do sức khỏe của các em bị ảnh hưởng như tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn và các vấn đề hô hấp cao hơn. Bằng chứng cũng cho thấy, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, hệ thống miễn dịch và chức năng nội tiết của trẻ em, cũng như góp phần gây ra các bệnh viêm nhiễm, vấn đề sinh non và nhẹ cân. Sức khỏe của trẻ em, sự phát triển nhận thức, khả năng học tập, và kết quả học tập ở trường đều bị ảnh hưởng bởi môi trường tại trường học của các em. Chất lượng không khí trong nhà hoặc ngoài trời kém có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp hoặc làm bệnh trầm trọng hơn, và có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng tập trung ở trường, góp phần gây ra những thách thức trong học tập cho học sinh. Chất lượng không khí kém và các nguy cơ liên quan có thể dẫn đến trẻ em bị ốm và phải nghỉ học; việc nghỉ học thường xuyên dẫn đến tăng nguy cơ chán học.

Giữ gìn môi trường chính là giúp trẻ em có tương lai khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Ô nhiễm nguồn nước

Ô nhiễm nguồn nước là một vấn đề rất nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em trên khắp thế giới. Với hàng triệu trẻ em đang sống tại những nơi không có đủ nguồn nước sạch và an toàn, điều này đang trở thành một thách thức lớn đối với sức khỏe của trẻ em. Khi trẻ em uống nước ô nhiễm, các chất độc hóa học và vi sinh vật có thể gây ra các bệnh và triệu chứng nghiêm trọng. Các vấn đề như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng và bệnh đường ruột là những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất mà trẻ em có thể đối mặt do uống nước ô nhiễm. Ngoài ra, nước ô nhiễm còn ảnh hưởng đến các chức năng của hệ thần kinh và tinh thần của trẻ em, làm giảm khả năng tập trung, học hỏi và phát triển toàn diện của trẻ em. Để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm nguồn nước, cần có các biện pháp phòng chống thích hợp như xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, kiểm soát việc tiêu thụ hóa chất để tránh ô nhiễm nước và xử lý rác thải đúng cách để tránh lọt vào nguồn nước.

Mất đa dạng sinh học

Các hệ sinh thái tự nhiên thực hiện các chức năng thiết yếu “dịch vụ hệ sinh thái”, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, bao gồm điều chỉnh khí hậu, mức độ bệnh tật, cung cấp thức ăn và nước, hỗ trợ hình thành đất và thụ phấn cho các loại cây trồng cần thiết. Đa dạng sinh học cũng mang lại những lợi ích quan trọng về giải trí, văn hóa và tinh thần, tất cả đều quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Các dịch vụ quan trọng này thường không được xem xét trong tăng trưởng, phát triển kinh tế và việc ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học thường không được thực hiện.

Việc mất đa dạng sinh học ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em trong tương lai. Khi mất đa dạng sinh học, môi trường sống của trẻ em sẽ không còn đủ các loại sinh vật, cây cối và hệ sinh thái cần thiết để hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ em. Ngoài ra, mất đa dạng sinh học cũng làm giảm tính thẩm mỹ của môi trường sống, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ em. Mất đa dạng sinh học cũng đặt ra mối đe dọa đối với nguồn thực phẩm của con người. Trẻ em có thể thiếu hụt dinh dưỡng khi các loại thực phẩm khác nhau giảm sút do mất đa dạng sinh học. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm suy dinh dưỡng và các bệnh lý khác.

Các chính sách hiện tại liên quan đến trẻ em và BĐKH

Kể từ khi ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 1994 và Nghị định thư Kyoto năm 2002, Việt Nam đã có những hành động tích cực về vấn đề BĐKH với việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tiên về BĐKH vào năm 2008. Kể từ đó, 2 chiến lược (Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh) đã được xây dựng, cụ thể:

Chiến lược quốc gia về BĐKH (NCCS): được ban hành năm 2011 nhằm đưa ra các định hướng và biện pháp tổng thể cho cả thích ứng và giảm thiểu BĐKH. Để thực hiện chiến lược này, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020, trong đó đưa ra 65 chương trình/dự án. Tuy nhiên, các hoạt động và sáng kiến nêu trên của Chính phủ Việt Nam chỉ gián tiếp công nhận và có khả năng mang lại lợi ích cho trẻ em. Trẻ em luôn được công nhận là nhóm dễ bị tổn thương và có một số sáng kiến chính sách giải quyết rõ ràng các vấn đề của trẻ em, trong đó nhấn mạnh vào cơ hội hành động. Trong kế hoạch hành động ngành về BĐKH của Bộ Y tế đề cập đến dữ liệu khoa học cung cấp bằng chứng về tác động của BĐKH đối với sức khỏe trẻ em. Bộ Y tế đề xuất thực hiện các hoạt động trong tương lai về các vấn đề này, bao gồm nâng cao nhận thức, giáo dục, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đồng thời tiếp tục nghiên cứu về vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em ở các vùng dễ bị tổn thương nhất.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (NGGS): là một trong những hoạt động được xác định trong Chiến lược quốc gia về BĐKH. NGGS giai đoạn 2011-2020 với tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành vào tháng 09/2012 chủ yếu với mục tiêu giảm nhẹ BĐKH về giảm phát thải khí nhà kính, quản lý tài nguyên thiên nhiên và giải quyết suy thoái môi trường. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành ngày 01/10/2021 với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Tuy nhiên, trẻ em chưa được đề cập cụ thể trong chiến lược này. Về vấn đề này, có nhiều lĩnh vực tiềm năng để lồng ghép lợi ích và tính dễ bị tổn thương của trẻ em trong NGGS, ít nhất là ở khía cạnh giáo dục và nâng cao nhận thức như phát triển mô hình nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường (thiết kế sinh thái), trường học, trung tâm y tế ứng phó thông minh với BĐKH, đô thị hóa bền vững (cơ sở hạ tầng kỹ thuật), cũng như truyền thông và hỗ trợ thực hiện. NGGS cũng có thể thúc đẩy các kế hoạch đầu tư tiếp theo của các lĩnh vực (giáo dục, y tế...) để lồng ghép các vấn đề của trẻ em và giải quyết các mối quan tâm của trẻ em

Bên cạnh đó, Luật Trẻ em 2016 quy định quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc và biện pháp để đảm bảo thực thi quyền trẻ em. Liên quan đến BĐKH, Điều 31 nêu rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi thiên tai, thảm họa và ô nhiễm môi trường, cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của trẻ em. Luật yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức và UBND các cấp đảm bảo trẻ em tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi các văn bản pháp lý, chính sách, chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến trẻ em thông qua diễn đàn trẻ em, hội đồng trẻ em và các nền tảng sáng tạo đổi mới khác.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng, có một môi trường thuận lợi và tiềm năng liên quan đến khuôn khổ lập pháp phù hợp; cùng với một số phân tích, bằng chứng và công tác vận động sẽ giúp tạo ra ý chí, huy động các nguồn lực cần thiết để công nhận và thúc đẩy quyền trẻ em trong bối cảnh các em dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cần giải quyết để đạt được những thành tựu khả thi về vấn đề trẻ em. Hiện có nhiều khoảng trống và cơ hội được xác định liên quan đến chính sách của nhà nước về BĐKH, môi trường và trẻ em. Tuy nhiên, việc xây dựng quan hệ đối tác bền chặt với các cơ quan chức năng sẽ tạo ra sức ảnh hưởng trên nhiều mặt như: xây dựng đóng góp do quốc gia tự quyết định thông qua quan hệ đối tác quốc tế; hỗ trợ nhóm đặc trách quốc gia về BĐKH; lồng ghép nội dung chống BĐKH lấy trẻ em làm trung tâm vào cấu phần môi trường của Mục tiêu phát triển bền vững/kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát triển khả năng chống chịu với khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; tham vấn về tác động xã hội, bao gồm cả đánh giá về tính dễ bị tổn thương; đưa chiến lược chống chịu với khí hậu vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới giai đoạn tiếp theo để đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh được cải thiện ở khu vực nông thôn và cấp tỉnh…

Có thể khẳng định, gìn giữ môi trường là vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ sự phát triển và sức khỏe của trẻ em trong tương lai. Bảo vệ môi trường góp phần mang lại cho các thế hệ tương lai một không gian sống tốt, giúp trẻ em phát triển một cách toàn diện nhất, vì vậy chúng ta cần phải đề cao vai trò của bảo vệ môi trường trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ em và tạo nên một tương lai sáng hơn.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)