Yêu cầu cấp thiết cần công bố
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, "Chỉ số xanh - PGI" lần đầu tiên được VCCI công bố tại TP Hà Nội vào ngày 11/04/2023 trong khuôn khổ Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Riêng đối với vùng ĐBSCL, đây là lần đầu tiên VCCI tổ chức công bố chỉ số PGI vì vùng này được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều thay đổi, trong đó có 2 xu hướng lớn: thứ nhất là phải thích ứng tốt hơn với điều kiện bất thường, khó đoán định; thứ hai là phải phát triển xanh hơn. Với những xu hướng trên, Việt Nam đã định hướng thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới phải “xanh” hơn, có chất lượng hơn, công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Do đó, các nguồn vốn tín dụng cũng ưu tiên cho vay những dự án xanh, thân thiện với môi trường.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết PGI sẽ kích thích sản xuất xanh hơn.
Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết thực hiện đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Điều này thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về BĐKH và vấn đề môi trường hiện nay. Đây là bước tiếp quan trọng của tiến trình hội nhập mạnh mẽ khi Việt Nam đã là một thành viên chủ động và tích cực của thế giới. Với mong muốn góp phần cùng thực hiện định hướng này, VCCI đã có ý tưởng triển khai xây dựng bộ chỉ số PGI để đánh giá về môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh. Dự án này được sự ủng hộ, hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và một số tập đoàn đa quốc gia. Đây là cách tiếp cận từ dưới lên trong nỗ lực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiếp nối thành công của quá trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam giai đoạn vừa qua.
Bằng chỉ số PGI, VCCI mong muốn cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh, thân thiện với môi trường hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trên thế giới do ĐBKH và ĐBSCL được dự báo là khu vực chịu sự tác động tiêu cực lớn do tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, việc sản xuất, thích ứng với BĐKH theo hướng tăng trưởng xanh là nhu cầu tất yếu.
Chi sẻ thêm về thuận lợi và khó khăn của khu vực ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay, Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho rằng, bên cạnh những thách thức về BĐKH thì khu vực ĐBSCL cũng có nhiều thời cơ để phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước, chưa có nhiều nhà máy công nghiệp nên môi trường đất, nước, không khí nơi đây còn rất "hoang sơ"; vùng này cũng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, để kích thích phát triển kinh tế xanh thì đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ cơ quan quản lý. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, với vai trò chủ thể của nền kinh tế phải chuyển đổi tư duy sản xuất truyền thống sang hướng xanh hóa và bền vững.
Sự vào cuộc của các địa phương
Là địa phương có PGI cao nhất cả nước trong lần đầu tiên công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản đối với công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, chú trọng công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo Bảng xếp hạng PGI năm 2022, tỉnh Trà Vinh đạt 17,67 điểm và được đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước về chất lượng quản trị môi trường, định hướng tăng trưởng xanh năm 2022. Đây là động lực to lớn để Trà Vinh tiếp tục có những cải cách, đổi mới tiến bộ hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, luôn hướng đến vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh, nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ về chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, là địa phương gần TP Hồ Chí Minh - đơn vị đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng để phát triển bền vững, Long An không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, đồng thời ưu tiên các dự án nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao. Để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thời gian tới tỉnh sẽ rà soát ban hành các văn bản bảo vệ môi trường, kịp thời triển khai cộng đồng doanh nghiệp để tiếp cận tăng cường tuyên truyền kêu gọi sự tham gia của cộng đồng; đẩy mạnh kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật về môi trường, đẩy mạnh thu hút, xã hội hóa công tác xử lý rác thải nước thải cho đô thị, khu công nghiệp và khu kinh tế.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ dự án đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ đầu tư sản xuất, vốn đầu tư cho công nghệ xử lý môi trường và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại cơ sở. Nâng cao năng lực trong việc quan trắc chất lượng môi trường, ứng cứu xử lý kịp thời các sự cố môi trường, suy thoái môi trường và ô nhiễm môi trường. Tăng cường năng lực hoạt động nghiên cứu khoa học môi trường, ứng dụng công nghệ môi trường và chuyển giao công nghệ môi trường vào thực tiễn nền kinh tế - xã hội.
Để đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao hiệu quả các công nghệ xử lý môi trường như: công nghệ xử lý rác thải, nước sinh hoạt ở vùng đất ngập nước; công nghệ xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại; công nghệ xử lý chất thải y tế và bệnh viện; công nghệ xử lý chất thải trong chế biến và nuôi trồng thủy sản; công nghệ sinh học trong xử lý môi trường; công nghệ cung cấp nước sạch hợp vệ sinh; các công nghệ sản xuất và canh tác hợp sinh thái với vùng đất ngập nước ở ĐBSCL... Bên cạnh đó, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL cần tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Phong Vũ - Nguyễn Hiền