“Lá chắn bảo vệ” cộng đồng ven biển đang kêu cứu
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái quan trọng và có năng suất cao nhất trên thế giới, là nơi nuôi dưỡng, cư ngụ, cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật dưới nước và trên cạn có giá trị ở vùng ven biển. Rừng ngập mặn giúp ổn định bờ biển, bảo vệ đê điều và là tấm lá chắn chống lại gió bão cũng như các tai biến thiên nhiên. Tài nguyên hệ sinh thái rừng ngập mặn đã được khai thác từ lâu đời làm vật liệu xây dựng, hầm than, củi đun, lấy ta nin, thức ăn, mật ong, thảo dược...
Thống kê cho thấy, tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam hiện còn khoảng 200.000 ha (là một trong trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn nhiều nhất trên toàn thế giới) với một số khu rừng ngập mặn lớn như rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), rừng ngập mặn Rú Chá (tỉnh Thừa Thiên - Huế), rừng ngập mặn nguyên sinh ở Tam Giang (tỉnh Quảng Nam, rừng ngập mặn ở Cà Mau… Nổi bật trong số đó là rừng ngập mặn Cần Giờ với tổng diện tích nên tới khoảng 37.000 ha, được mệnh danh là khu rừng ngập mặn đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á.
Toàn cảnh hội thảo “Khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng và giá thành của tín chỉ các bon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác chặt phá rừng diễn ra một cách khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân làm giảm diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển hiện nay chính là tình trạng phá rừng làm đầm nuôi tôm tự phát, nuôi tôm quảng canh, sinh thái... Nguyên nhân khác nữa là chuyển mục đích sử dụng đất hợp pháp sang nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, xây dựng đê bao, khu công nghiệp, cảng biển, khai thác gỗ, củi…
Ngoài ra, những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn. Các nguồn tài chính nhằm bảo vệ rừng ngập mặn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đánh giá chưa đầy đủ các giá trị hệ sinh thái của rừng ngập mặn và một thực tế là nguồn tài chính ít ỏi để thực hiện nhiều mục tiêu bảo tồn. Mặt khác, công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất còn bất cập, thiếu sự phối hợp, thống nhất giữa các ngành liên quan cũng góp phần làm suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Hơn nữa, khâu quy hoạch rừng ở từng địa phương thiếu ổn định, thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế tại địa phương. Việc giao khoán rừng ngập mặn cho các hộ gia đình bảo vệ còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều diện tích rừng bị ngập sâu, biển đang có xu hướng tiến sâu vào nội địa, các hoạt động từ thượng nguồn sông Mê Kông như xây dựng các đập thủy điện, ngăn dòng đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống rừng ngập mặn. Các nhà máy sản xuất trong khu vực xả thải làm ô nhiễm môi trường cũng có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng ngập mặn…
Nâng cao giá trị tín chỉ các bon từ rừng
TS Phạm Thu Thủy - Trưởng nhóm Nghiên cứu toàn cầu về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và phát triển các bon thấp (CIFOR), cho biết, trước sự sụt giảm về cả chất lượng và số lượng của rừng ngập mặn trên toàn cầu do áp lực từ việc phát triển kinh tế xã hội và sự thiếu hụt tài chính nghiêm trọng, các cơ quan của Liên hợp quốc, các quốc gia phát triển trong đó có Việt Nam đã xây dựng các cơ chế chính sách huy động các nguồn tài chính mới để thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như một chính sách quan trọng để thực hiện Thỏa thuận Paris, Cam kết giảm phát thải ròng và Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất. Song song với sự hoàn thiện của các chính sách hành chính công, các nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường các bon cho rừng ngập mặn. Trong thời gian gần đây, số lượng các nhà đầu tư hướng tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội mua tín chỉ các bon rừng ngập mặn ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc vận hành thị trường và các dự án các bon rừng ngập mặn đang gặp phải những rào cản về hành lang pháp lý, năng lực kỹ thuật, kết nối và đón đầu thị trường, thực thi chính sách, đảm bảo chất lượng và giá thành cao của tín chỉ các bon rừng ngập mặn.
Ông Nguyễn Chiến Cường - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam - Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng nhận được sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), hơn 70 quốc gia (chiếm 76% lượng phát thải toàn cầu) đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0; hơn 3.000 doanh nghiệp và tổ chức tài chính sẵn sàng cắt giảm lượng khí thải phù hợp; hơn 1.000 thành phố, hơn 1.000 tổ chức giáo dục và hơn 400 tổ chức tài chính cam kết thực hiện các hành động để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Trong số các lĩnh vực thì sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa cam kết “Net-Zero” thông qua các hoạt động giảm phát thải và hấp thụ các bon từ đất nông nghiệp, đất ngập nước và rừng. Với việc ký kết hàng loạt các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu như cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030, ký Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất…, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án tín chỉ các bon trong lĩnh vực rừng. Việc đa dạng hóa nguồn tài chính bền vững cho ngành lâm nghiệp từ nguồn tín chỉ các bon từ các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được xem là một trong những giải pháp ưu tiên trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhằm đóng góp cho thị trường tín chỉ các bon rừng ngập mặn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể vận hành cả thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện tín chỉ các bon rừng ở quy mô toàn quốc, vùng, tỉnh hoặc theo các chương trình, dự án. Trên thực tế, Việt Nam đã bước đầu tham gia thị trường các bon bắt buộc thông qua một số chương trình, dự án, thỏa thuận giảm phát thải, trong đó có thể kể đến Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA vùng Bắc Trung Bộ) giai đoạn 2018-2024 được ký giữa Việt Nam và Ngân hàng thế giới (WB) vào tháng 10/2020 với cam kết Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho WB, đơn giá 5 USD/tấn CO2, đạt tổng giá trị 51,5 triệu USD. Đây được xem là dấu mốc đưa các bon rừng Việt Nam tiến vào thị trường bắt buộc. Ở thị trường tự nguyện, mặt hàng các bon rừng cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc dù mới ở giai đoạn thăm dò, nghiên cứu khả thi hoặc xây dựng đề án, dự án, chưa có chuyển nhượng tín chỉ các bon rừng thành công. Riêng với thị trường các bon trong nước, đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon từ năm 2025 và từ năm 2028 mới chính thức hình thành thị trường các bon trong nước, từ đó mới có khả năng kết nối ra thị trường thế giới.
Có thể thấy, tiềm năng thị trường và nhu cầu thương mại các bon rừng khá lớn. Để thúc đẩy thị trường các bon rừng cả ở phạm vi trong nước và quốc tế, bắt buộc và tự nguyện, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nhằm tận dụng các cơ hội, góp phần khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng và giá thành của tín chỉ các bon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam.
Mai Lê