Thứ năm, 06/07/2023 16:40

Huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần: Kênh huy động vốn cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Văn Lê Thanh Thảo, Lưu Minh Sang

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần - ECF (Equity-based Crowdfunding) là một hình thức tài trợ vốn hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST). Tại Việt Nam, hiện chưa có khung pháp lý điều chỉnh ECF dù nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các DNKNST đã được đề ra. Bài viết hướng đến đề xuất công nhận tính pháp lý của ECF tại Việt Nam thông qua việc phân tích, đánh giá các vấn đề về: (i) bản chất, cách thức vận hành, vai trò của hoạt động ECF; (ii) cách tiếp cận trong việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động này cũng như thực tiễn tại một số nước đã công nhận ECF; (iii) bối cảnh huy động vốn của DNKNST và những thách thức trong việc thực hiện hoạt động này tại Việt Nam.

ECF và sự phát triển của thị trường

ECF là một phương thức kêu gọi sự tài trợ vốn từ cộng đồng nhà đầu tư (NĐT) thông qua nền tảng trực tuyến để thực hiện các dự án. Dựa vào quyền lợi mà người góp vốn nhận được có thể chia gọi vốn cộng đồng thành bốn loại: (i) từ thiện (Donate); (ii) theo hình thức cổ phần (ECF); (iii) góp vốn cho vay (Lending); (iv) nhận quà tri ân (Reward-based). 

Theo đó, ECF mang bản chất của hoạt động gọi vốn cộng đồng, là một quá trình mà doanh nghiệp huy động vốn (thường là các chủ dự án, DNKNST) kêu gọi và tiếp nhận vốn góp từ một số lượng lớn NĐT thông qua nền tảng trực tuyến. Với ECF, các NĐT cá nhân, NĐT tổ chức quy mô nhỏ có thể sở hữu cổ phần của một công ty hoặc dự án bằng cách đầu tư một khoản tiền nhỏ.

Trong những năm gần đây, hình thức huy động vốn này đang ngày càng trở nên phổ biến với quy mô toàn cầu. Năm 2020, hoạt động ECF toàn cầu huy động được 1,520 tỷ USD [1]. Tại Anh, Mỹ và Canada, thị trường ECF phát triển mạnh sau khi các quy định điều chỉnh hoạt động này được ban hành. Đơn cử, tại Mỹ và Canada, tổng số tiền huy động được thông qua mô hình này đạt 331,5 triệu USD vào năm 2020, con số này tại Anh là 549,3 triệu USD [1]. ECF đã hỗ trợ một số lượng lớn các doanh nghiệp hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, đồng thời tạo cơ hội cho các NĐT nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp đầu tư vào các doanh nghiệp với khoản tiền phù hợp khả năng tài chính của mình.

Vai trò của ECF

Đối với các DNKNST: Thứ nhất, ECF góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn và cải thiện dòng tiền. Bởi lẽ ECF mang lại các nguồn tiếp cận vốn mới cho các DNKNST, từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này có nhiều lựa chọn hơn trong việc huy động vốn [2]. Đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu khởi nghiệp hay còn gọi là giai đoạn gieo mầm (seed) và giai đoạn khởi sự (early-stage) cũng chính là lợi ích nổi bật của ECF so với các hình thức huy động vốn khác (chỉ phù hợp với công ty đã qua giai đoạn khởi sự, đã đạt được một số thành tựu trên thị trường)[3]. Ngoài ra, ECF không có bất kỳ giới hạn nào về lĩnh vực hoạt động của DNKNST, trong khi đối với phương thức quỹ đầu tư mạo hiểm, các NĐT mạo hiểm có xu hướng tập trung vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của họ hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như internet, phương tiện kỹ thuật số, năng lượng tái tạo… và có tiềm năng tăng trưởng nhanh [3].

Bên cạnh đó, ECF giúp giảm chi phí huy động vốn và tăng khả năng tiếp cận một số lượng rất lớn NĐT thông qua sự trợ giúp của nền tảng trực tuyến. Qua đó, các doanh nghiệp non trẻ vừa huy động được vốn, vừa tận dụng được cơ hội để quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm của mình [4]. Ngoài ra, ECF còn mang lại lợi ích phi vật chất có giá trị cho các DNKNST, giúp cho họ hiểu hơn về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng thông qua những phản hồi, ý kiến từ cộng đồng về dự án của mình trên các diễn đàn của nền tảng huy động vốn mà họ tham gia [5].

Đối với NĐT: ECF cung cấp cho các NĐT cơ hội đầu tư mới với số tiền đầu tư nhỏ và tạo điều kiện cho NĐT đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ngoài ra, NĐT cũng có thể dựa vào kiến thức, quan điểm và thông tin từ “trí tuệ đám đông” thông qua các diễn đàn trên nền tảng để đánh giá tiềm năng của các công ty mục tiêu trước khi đầu tư [6].

Ở góc độ vĩ mô: với những lợi ích mang lại cho các DNKNST, NĐT và các bên liên quan khác, ECF có khả năng đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia trong dài hạn. Việc thúc đẩy hình thức gọi vốn cộng đồng dưới dạng tài chính thay thế này sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng cho các ngành công nghiệp của một quốc gia vì các ngành mới nổi sẽ có khả năng phát triển nhờ được tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được nâng cao, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Qua đó, ECF có thể thúc đẩy sự đổi mới và tạo nên một nền kinh tế với cơ sở công nghiệp đa dạng, giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm [7].

ECF hỗ trợ doanh nghiệp hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, đồng thời tạo cơ hội cho các NĐT nhỏ lẻ, đầu tư vào các doanh nghiệp trong khả năng tài chính của mình (nguồn: Igor Samoilik/Shutterstock).

Điều chỉnh ECF theo pháp luật của một số quốc gia 

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Malaysia, Anh, Mỹ, Ý… đã ban hành quy định pháp luật điều chỉnh ECF. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, điều chỉnh pháp luật đối với ECF tại một số quốc gia đang có nhiều sự khác biệt và theo một số hướng sau đây:

Đầu tiên, một số quốc gia đã ban hành quy định riêng đối hoạt động ECF đồng thời kèm theo các điều khoản miễn trừ việc áp dụng một số quy định cụ thể của Luật Chứng khoán, điển hình như Mỹ, Canada [3]. Theo đó, chủ thể đăng ký hoạt động ECF được miễn trừ các yêu cầu chặt chẽ của luật chứng khoán hiện hành, thay vào đó sẽ thực hiện theo quy định được ban hành riêng về mô hình ECF. Những trường hợp miễn trừ này thường bao gồm ngưỡng đối với số tiền gây quỹ, giới hạn về giới hạn đầu tư cá nhân và các yêu cầu đối với nền tảng huy động vốn từ cộng đồng đã đăng ký.

Thứ hai, một số quốc gia xây dựng khung pháp lý cho ECF dựa trên quy định có sẵn phù hợp với huy động vốn từ cộng đồng, điển hình như Anh, Pháp, Đức. Thay vì đưa ra các trường hợp miễn trừ, những quốc gia này thiết lập các quy định và hướng dẫn cụ thể điều chỉnh hoạt động ECF, đảm bảo các chủ thể tham gia ECF tuân thủ các quy định pháp luật liên quan như luật chứng khoán.

Thứ ba, một số quốc gia điều chỉnh các quy định ECF theo các tiêu chuẩn quốc tế hoặc thông lệ tốt nhất, chẳng hạn như các quy định do các tổ chức quốc tế như Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (Financial Action Task Force - FATF) hoặc Liên minh Châu Âu (EU) đặt ra về các biện pháp chống rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc giải quyết các luồng tài chính bất hợp pháp [8, 9] .

Thứ tư, một số quốc gia thực hiện cơ chế thử nghiệm (sandbox) hay chương trình thí điểm để thử nghiệm và đánh giá các phương pháp tiếp cận quy định mới đối với ECF. Các chương trình này cho phép thử nghiệm và đổi mới, đồng thời cung cấp các miễn trừ hạn chế đối với một số quy định.

Thực tiễn huy động vốn của DNKNST tại Việt Nam

Hiện nay, DNKNST tại Việt Nam thường lựa chọn các hình thức huy động vốn sau:

Thông qua các chương trình khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp hay doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước chưa được ban hành, do đó các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ các quỹ có nguồn gốc ngân sách gần như chưa thể triển khai [10]. Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế không áp dụng đối với DNKNST không thực hiện kinh doanh tại các địa bàn ưu đãi thuế, không đáp ứng được các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành thì cũng không được hỗ trợ về thuế [11]. Chính vì thế, DNKNST vẫn có những khó khăn nhất định khi tiếp nhận nguồn vốn theo hình thức này.

Thông qua công ty đầu tư hay quỹ đầu tư mạo hiểm và NĐT thiên thần. Các công ty khởi nghiệp huy động vốn thông qua phương thức này gặp khó khăn do không có khung pháp lý cụ thể điều chỉnh hoạt động của các tổ chức hỗ trợ tài chính của DNKNST [11], trong khi đó, các NĐT mạo hiểm lại yêu cầu khắt khe về điều kiện, các tiêu chí cũng như khả năng kiểm soát cao đối với công ty gọi vốn. Trong một số thương vụ thông thường, NĐT mạo hiểm sẽ yêu cầu được nắm giữ 40% hoặc nhiều hơn vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp. Tương tự quỹ đầu tư mạo hiểm, đối tượng doanh nghiệp mà các NĐT thiên thần tìm kiếm là các công ty có tiềm năng tăng trưởng nhanh bởi lẽ chúng giúp họ đảm bảo có được lợi nhuận cao [12]. Thêm vào đó, từ quý 3/2022, các doanh nghiệp lại gặp khó do tình hình suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát cao, sự biến động tỷ giá nên các quỹ đầu tư thắt chặt giải ngân, một số quỹ rút khỏi các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Hiện Việt Nam đang có hơn 200 quỹ đầu tư tài chính hoạt động (trong đó phần lớn là quỹ ngoại, khoảng gần 170 quỹ). Như vậy, số lượng quỹ nội vẫn còn quá nhỏ so với hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nước [13]. Tương tự như hình thức huy động vốn qua Quỹ đầu tư mạo hiểm/Công ty đầu tư mạo hiểm, việc huy động vốn từ các NĐT thiên thần cũng gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế tác động đến tâm lý của họ, khiến họ e ngại hơn khi đầu tư khoản tiền lớn vào các DNKNST.

Thông qua chính sách tín dụng và gọi vốn cộng đồng. Đây là kênh huy động vốn chủ yếu của các DNKNST, tuy vậy, lại là hình thức khó tiếp cận đối với DNKNST do hầu hết các doanh nghiệp này ban đầu đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, tài sản để thế chấp vay ngân hàng hầu như không có [14]. Bên cạnh đó, bản chất của DNKNST là rủi ro cao nên các kênh huy động vốn truyền thống qua các ngân hàng thương mại đều rất khó khăn [10]. Trong khi đó, hình thức gọi vốn cộng đồng chưa được phổ biến tại Việt Nam, hiện nay chỉ có Comicola.com và ví Momo đang hoạt động tích cực.

Thách thức đối với ECF tại Việt Nam

Hoạt động ECF tại Việt Nam hiện chưa được xem là hoạt động hợp pháp bởi pháp luật hiện hành không có khung pháp lý chuyên biệt điều chỉnh cho hoạt động gọi vốn ECF. Điều này khiến hoạt động gọi vốn này không có tính chính danh và có nguy cơ vi phạm pháp luật hiện hành như Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, nên không tạo được niềm tin cho NĐT, DNKNST. Chính vì vậy, hiện tại Việt Nam chưa xuất hiện nền tảng nào cung cấp dịch vụ ECF.

Có thể thấy, sự thiếu hụt khung pháp lý dẫn đến không thể thúc đẩy hoạt động ECF phát triển cũng như không đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các DNKNST tại Việt Nam.

Việc xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về ECF sẽ là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và DNKNST nói riêng tại Việt Nam. DNKNST có thêm một kênh huy động vốn, cùng các lợi ích vật chất và phi vật chất mà ECF mang lại để hỗ trợ phát triển. NĐT có thêm kênh đầu tư mới, giúp đa dạng các danh mục đầu tư của mình. Vì thế, việc soạn thảo và ban hành khung pháp lý chuyên biệt điều chỉnh hoạt động gọi vốn ECF nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động này tại Việt Nam là vấn đề cần thiết hiện nay.

Hướng đến việc công nhận ECF tại Việt Nam

Từ năm 2016, năm quốc gia khởi nghiệp chính thức được phát động bởi Thủ tướng Chính phủ, các DNKNST đã dần phát triển mạnh với nhiều ngành nghề đa dạng. Nhiều mô hình, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là của các bạn trẻ, đã đạt được thành công, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và tạo việc làm cho người lao động [15]. Tại thời điểm đại dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam mới chỉ có 1.600 doanh nghiệp khởi nghiệp, con số này giờ đây đã tăng lên hơn 3.000 theo nền tảng thống kê khởi nghiệp Tracxn [16] - trong đó có bốn doanh nghiệp được xếp hạng “kỳ lân” [17]. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của các DNKNST tại Việt Nam còn nhiều khó khăn như đã phân tích ở trên. Do đó, Việt Nam cần bổ sung công cụ huy động vốn phù hợp với khả năng của các DNKNST như ECF để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả.

Đáng chú ý là, hoạt động gọi vốn cộng đồng hỗ trợ DNKNST đã được đề cập trong một số chiến lược, kế hoạch phát triển liên quan tới đầu tư vào các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Về chủ trương của Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra quan điểm phát triển đối với hệ thống pháp luật, trong đó nhấn mạnh “hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới.” Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Tại tiểu mục 1(b) Mục III Điều 1 quy định: “Tăng cường các công cụ và chính sách đột phá nhằm khuyến khích và thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.” Các quan điểm này nhằm mục đích “Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hai lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp” (nêu tại tiểu mục 2(a) Mục II Điều 1).

Tại quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Bộ Tài chính đã được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm mô hình nền tảng gọi vốn cộng đồng (trong nhóm các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nêu tại tiểu mục 3(c) Mục III Điều 1). Một chính sách nổi bật thể hiện rõ quan điểm về việc công nhận hoạt động gọi vốn cộng đồng là Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, trong đó đã nêu ra định hướng đến năm 2025 có quy định ban đầu về cơ sở pháp lý cho hoạt động gọi vốn cộng đồng.

Có thể thấy, các chính sách của Đảng và Nhà nước đã chú trọng tới việc đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, không chỉ giới hạn trong nguồn vốn từ các quỹ khoa học và công nghệ mà đã bước đầu quan tâm tới nguồn vốn huy động từ cộng đồng. Các chính sách này hoàn toàn ủng hộ việc công nhận hoạt động gọi vốn ECF, tuy nhiên đây chỉ mới là định hướng. Vì thế, nhóm tác giả đề xuất cần sự công nhận ECF chính thức thông qua việc ban hành khung pháp lý cụ thể để điều chỉnh hoạt động này dựa trên những chủ trương, chính sách nêu trên.

Kết luận

Những phân tích trên cho thấy thực trạng nhu cầu huy động vốn của DNKNST và khả năng cung ứng vốn qua các kênh huy động vốn truyền thống còn gặp nhiều khó khăn như về thủ tục vay, chứng minh tài chính, tài sản đảm bảo không đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền tảng công nghệ hiện đại ngày nay và sự phát triển của hoạt động góp vốn cộng đồng đã đem lại nhiều đóng góp to lớn cho DNKNST tại một số quốc gia huy động vốn thành công từ cộng đồng. Do vậy, Việt Nam cần công nhận hoạt động ECF như một hoạt động huy động vốn hợp pháp và có sự quản lý của nhà nước, từ đó xây dựng hành lang pháp lý, đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia. Việc ban hành khung pháp lý là điều cần thiết. Đó sẽ là cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện hoạt động ECF, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động gọi vốn cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Cambridge Centre for Alternative Finance (2021), The 2nd Global Alternative Finance Market Benchmarking Report, https://www.jbs.cam.ac.uk/wp-content/uploads/2021/06/ccaf-2021-06-report-2nd-global-alternative-finance-benchmarking-study-report.pdf, accessed 25 Jun 2023.

[2] Rotem Shneor, Liang Zhao, Bjørn-Tore Flåten (2020), Advances in Crowdfunding Research and Practice, Springer Nature Switzerland AG, p.4.

[3] Hu Ying (2015), "Regulation of Equity Crowdfunding in Singapore", Singapore Journal of Legal Studies, https://ssrn.com/abstract=2816222, accessed 25 Jun 2023.

[4] Kourabas Steve and Ramsay Ian (2017), “Equity Crowdfunding in Malaysia”, Company Lawyer, 39(6), p.33.

[5] Garry A Gabison (2014), Understanding Crowdfunding and its Regulations, JRC Publications Repository, p.16, DOI: https://doi.org/10.2791/562757.

[6] Michael R Meadows (2018), "The Evolution of Crowdfunding: Reconciling Regulation Crowdfunding with Initial Coin Offerings", Loyola Consumer Law Review, 30(2), pp.274-275.

[7] Kong Shan Ho (2016), "Regulating Equity Crowdfunding in Hong Kong: Appreciating Anglo-American Experiences and Recognizing Local Conditions", Common Law World Review, 45(4), p.15.

[8] ECSPR, Điều 1.1.

[9] “FATF Recommendations”, FATF, https://www.fatf-gafi.org/en/topics/fatf-recommendations.html, accessed 25 Jun 2023.

[10] Nguyễn Đức Trọng (2020), "Giải pháp cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam", Tạp chí Công Thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-cho-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-khoi-nghiep-tai-viet-nam-78195.htm, truy cập ngày 20/5/2023.

[11] KOCCA (2020), Báo cáo Nghiên cứu Hệ thống chính sách cho startup và một số startup điển hình ở Việt Nam.

[12] Ross Westerfield Jaffe (2017), Tài chính doanh nghiệp, Nhà xuất bản Kinh tế TP Hồ Chí Minh, tr.684.

[13] Nhĩ Anh (2023), Startup cần phát huy nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, https://vneconomy.vn/startup-can-phat-huy-noi-luc-vuot-qua-giai-doan-kho-khan.htm, truy cập ngày 20/5/2023.

[14] Nguyễn Minh Thành (2018), Nguồn lực tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo - Những nghiên cứu tại các nền kinh tế mới nổi và xu hướng cho các nghiên cứu tại Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, tr.757.

[15] Hoàng Giang (2021), "Start-up Việt: Kỳ vọng phát triển mạnh mẽ sau đại dịch", https://baochinhphu.vn/start-up-viet-ky-vong-phat-trien-manh-me-sau-dai-dich-102302430.htm, truy cập ngày 20/5/2023.

[16] https://tracxn.chttps://tracxn.com/?redirect=falseom/?redirect=false, accessed 25 Jun 2023.

[17] Vũ Phong (2022), "Việt Nam có môi trường khởi nghiệp năng động bậc nhất châu Á”, https://vneconomy.vn/viet-nam-co-moi-truong-khoi-nghiep-nang-dong-bac-nhat-chau-a.htm, truy cập ngày 20/5/2023.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)