KH&CN ngành công thương có nhiều đóng góp quan trọng
Trong những năm vừa qua, hoạt động KH&CN ngành công thương đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt kể từ sau Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhiều chương trình, nghiệm vụ nghiên cứu khoa học của các đơn vị ngành công thương đã được triển khai có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển và hội nhập của ngành và của nền kinh tế.
TS Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, những năm qua Viện Nghiên cứu Cơ khí đã thực hiện hàng trăm đề tài/dự án KH&CN quan trọng trong các lĩnh vực như thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo… Đặc biệt, với thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Viện đã thiết kế và cung cấp các thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện trong nước, trong đó có 02 dự án lớn nhất Việt Nam là Nhà máy Thủy điện Lai Châu công suất 1200 MW và Nhà máy Thủy điện Sơn La công suất 2400 MW… Các sản phẩm điển hình mà Viện đã chế tạo và chuyển giao gồm: cửa van cung xả mặt các loại (trong đó kích thước lớn nhất đã từng thực hiện là 14,5x20,5x20 m; cửa van cung xả sâu với cột áp tính toán cao nhất 74 m; đường ống áp lực (trong đó chiều cao cột áp tính toán cao nhất đã thực hiện 938,2 m cho Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng); lưới chắn rác đồng bộ với thiết bị vớt rác; cầu trục chân đế các loại để nâng hạ cửa van, lưới chắn rác; cầu trục gian máy (trong đó tải trọng lớn nhất đã từng thiết kế 450 tấn); xi lanh đồng bộ với trạm thủy lực; thiết bị điện, điều khiển trung tâm…
TS Khoa chia sẻ thêm, mới đây nhất, đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” do Viện Nghiên cứu Cơ khí chủ trì thực hiện đã khẳng định vai trò và vị thế của các nhà khoa học trong nước trong việc làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phụ trợ cho nhà máy nhiệt điện. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6%. Đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” đã được ứng dụng thành công tại các dự án nhiệt điện Thái Bình 1, Nghi Sơn 2 với tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 50%...
TS Đỗ Văn Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp - IMI (tổ chức KH&CN đầu tiên của Bộ Công Thương hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN từ năm 2013) cho biết, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ một viện nghiên cứu cơ khí có quy mô nhỏ, IMI đã trở thành doanh nghiệp KH&CN có tiềm lực mạnh, tự chủ hoàn toàn về tài chính. Hiện tại, IMI đã làm chủ được nhiều công nghệ mới, nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công trên 200 sản phẩm cơ - điện tử, có khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực: máy công cụ CNC, chế biến nông sản, đo lường công nghiệp, xây dựng, kỹ thuật điện, thiết bị y học kỹ thuật cao và thiết bị bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực máy công cụ điều khiển CNC, thiết bị đo lường, tự động hoá trong công nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp, khuôn mẫu chính xác, robot công nghiệp, thiết bị y tế công nghệ cao… đã được IMI chuyển giao thành công vào sản xuất, phục vụ nhu cầu trong nước và một số sản phẩm công nghệ đã được xuất khẩu ra thế giới.
Hoạch định chính sách để phát triển
Nhấn mạnh những thành công trong tham vấn chính sách của ngành, TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học đã giúp ngành công thương phát hiện ra các vấn đề chính sách và đề xuất chủ trương, chính sách mới cho sự phát triển của ngành, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo lợi thế cạnh tranh; bảo đảm tự chủ kinh tế quốc gia thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Nghiên cứu khoa học giúp thu thập, phân tích và xử lý thông tin trong quá trình hoạch định chính sách phát triển ngành; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghiên cứu khoa học cũng giúp các nhà hoạch định chính sách của ngành công thương đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề một cách kịp thời, hiệu quả, cơ cấu lại công nghiệp và thương mại, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu và hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành công thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã có những ý kiến đề xuất tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách về phát triển KH&CN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, thương mại.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KH&CN, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp tham gia cùng các viện nghiên cứu, trường đại học trong quá trình nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành công thương. Đặc biệt, cần có chính sách đột phá để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản. Với quan điểm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của hoạt động đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý cần kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN theo hướng hiện đại.
Kiều Nguyễn Việt Hà