Thứ năm, 20/04/2023 13:04

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Khoa học và công nghệ là một trong những giải pháp trọng tâm

Sáng 20/04/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, với chủ đề: "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới". Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.

Bản QHTTQG đầu tiên của đất nước

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: QHTTQG có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên Định hướng QHTTQG đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022.

Thủ tướng nhấn mạnh, QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta là quy hoạch vừa mang tính vật thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước). Việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và được đúc kết lại trong 12 chữ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới". Đây là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững (hay nói cách khác, QHTTQG là căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương); đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân, phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong suốt quá trình lập và trình thông qua Quy hoạch, Chính phủ luôn nhận được sự quan tâm sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các cơ quan Đảng, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bộ trưởng cho biết: "Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về QHTTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là văn bản pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu thành quả to lớn được tạo nên từ rất nhiều công sức, trí tuệ, quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia có hiệu quả của 30 viện nghiên cứu, với hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để xây dựng nên một bản QHTTQG đầu tiên của đất nước”.

 

Khoa học và công nghệ là một trong những giải pháp trọng tâm

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng: thứ nhất, phải quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của QHTTQG vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch; thứ hai, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; thứ ba, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương; thứ tư, đối với thu hút đầu tư phát triển, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh; thứ năm, tăng cường phát triển nguồn nhân lực; thứ sáu, chăm lo công tác an sinh xã hội; thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường; thứ tám, tập trung cho nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch; thứ chín, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; thứ mười, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ và môi trường, cần tập trung vào 3 giải pháp chính sau:

Một là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nguồn nhân lực của Việt Nam.

Hai là, lựa chọn và tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực then chốt. Ưu tiên triển khai nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hoá, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường.

Ba là, tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường không khí, nước, đất tại các đô thị lớn, lưu vực sông, biển; quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa. Rà soát, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thủ tướng nhấn mạnh: việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền. Chính phủ mong nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của  các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, toàn xã hội và tất cả người dân.

Bảo Minh

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)