Thứ tư, 19/04/2023 16:31

Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường

Nguyễn Quang Vinh

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Doanh nghiệp tham gia vào công tác bảo vệ môi trường là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của các chiến lược, mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng nhanh cùng với cơ cấu kinh tế chưa hoàn thiện cũng đã và đang bộc lộ những thách thức, đòi hỏi cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

Sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và thách thức đặt ra với công tác bảo vệ môi trường

Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được thông qua ngày 15/09/2015 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc thực hiện 17 SDGs bên cạnh vai trò của Chính phủ và các tổ chức. Để thực hiện thành công các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 21 (COP 21) và lần thứ 26 (COP 26) cũng không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp. Các chiến lược quốc gia, văn bản pháp luật của Việt Nam về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng luôn nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Bảo vệ môi trường là 1 trong 3 trụ cột chính (kinh tế - môi trường - xã hội) của phát triển bền vững doanh nghiệp nói riêng và phát triển bền vững của đất nước nói chung.

Việt Nam được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá là quốc gia có các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng nhanh và hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới với hàng loạt cam kết quốc tế về môi trường, đặc biệt trong nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết, trong đó có các quy định, yêu cầu về môi trường đối với các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Yêu cầu thực hiện các cam kết môi trường này cũng đã được thể chế hóa thông qua văn bản chính sách, pháp luật của Việt Nam. Điều này yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện, trong đó có doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần phải tuân thủ chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 857.500 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 1,25 lần so với năm 2020. Số lượng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, quá trình tăng trưởng nhanh cùng với cơ cấu kinh tế chưa hoàn thiện cũng đã bộc lộ những thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp còn tồn tại một số hạn chế như: số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, mức độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao dẫn tới khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên ồ ạt, lãng phí và thiếu kiểm soát, ảnh hưởng tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm, chất thải, phát thải ngày càng tăng về thành phần và khối lượng; một số doanh nghiệp tập trung vào các lợi ích kinh tế trước mắt, chưa thực sự quan tâm, chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường; hoạt động bảo vệ môi trường còn mang tính đối phó; việc sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu trong sản xuất kinh doanh góp phần ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Doanh nghiệp góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng cũng cần phải tuân thủ chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tuân thủ sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp không gặp những vấn đề về mặt pháp lý và duy trì liên tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc tuân thủ cũng góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của người mua về vấn đề môi trường, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường

Từ năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò người dân, doanh nghiệp là vị trí trung tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường cần được thực hiện một cách xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, các bên liên quan và từ cam kết của chính doanh nghiệp. Để làm được điều này, trong thời gian tới, cần triển khai các nội dung:

Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và xu thế của thế giới, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo cho doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường gắn liến với sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các chương trình mục tiêu về công tác bảo vệ môi trường gắn kết các bên liên quan, trong đó các hiệp hội, tổ chức đại diện, tập hợp doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối giữa Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các bên liên quan khác nhằm truyền thông bài bản, sâu rộng tới doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về hạch toán vốn tự nhiên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn; các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước cũng cần chung tay lan tỏa, nhân rộng những mô hình tốt trong công tác bảo vệ môi trường.

Hai là, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp: phối hợp giữa các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đối tác, nhà tài trợ, doanh nghiệp tiên phong xây dựng các chương trình tập huấn cho doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, những lợi ích, cơ hội kinh doanh mới xuất phát từ bảo vệ môi trường và lập báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp.

Ba là, hỗ trợ tài chính, tiếp cận nguồn vốn xanh: Chính phủ tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp có nhu cầu tài chính xanh trong nước và quốc tế để thay đổi công nghệ, cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường.

Bốn là, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), tham gia Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam do VCCI chủ trì tổ chức hàng năm. Bộ chỉ số CSI được VCCI xây dựng với tiêu chí thân thiện, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với bối cảnh phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là công cụ hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công việc phát triển bền vững, lập báo cáo phát triển bền vững. Doanh nghiệp thực hiện tốt nội dung môi trường trong Bộ chỉ số CSI không những đáp ứng được công tác tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong nước mà còn dễ dàng đáp ứng các yêu cầu quốc tế về môi trường có liên quan.
 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)