Thứ tư, 19/04/2023 15:07

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào thăm dò, khai thác dầu khí

Đây là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị thăm dò, khai thác dầu khí năm 2023 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức mới đây tại Hà Nội nhằm triển khai kế hoạch thăm dò, khai thác năm 2023 và các giải pháp cho giai đoạn trung hạn (từ 2023-2025) để thực hiện thành công kế hoạch gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác cho giai đoạn 2021-2025.

Khó khăn còn hiện hữu

Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cho biết, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí luôn là một trong những lĩnh vực cốt lõi, đóng góp lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển của Petrovietnam. Do vậy, việc ưu tiên, tập trung đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác luôn được Lãnh đạo Petrovietnam đặc biệt chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Petrovietnam luôn sẵn sàng về nguồn lực và tiềm lực để thực hiện các kế hoạch thăm dò khai thác mang tính đột phá, quyết liệt. Tuy nhiên, công tác thăm dò, khai thác dầu khí hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn chủ quan và khách quan. Bên cạnh những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, khó khăn trong cơ chế chính sách, pháp luật về dầu khí đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Petrovietnam khi nói về các mục tiêu quản trị trong năm 2023 đã nhấn mạnh rằng, mục tiêu và nhiệm vụ quản trị đặt ra để đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng là trách nhiệm của nhà quản trị đối với các cổ đông và đối với người lao động trong doanh nghiệp. Việc xây dựng kế hoạch năm là phải dựa trên kết quả thực hiện của năm trước. Đây là áp lực đối với Petrovietnam bởi tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2022 đạt tới 931,2 nghìn tỷ đồng (vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021).

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021-2025) của Petrovietnam, song dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn, thách thức xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tạo sức ép rất lớn đến công tác quản trị, điều hành của Tập đoàn.

Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ được giao, Petrovietnam đã xây dựng kế hoạch năm 2023 với mục tiêu và quyết tâm cao hơn so với kế hoạch năm 2022. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu toàn Tập đoàn là 677,7 nghìn tỷ đồng (không bao gồm lợi nhuận của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), lợi nhuận hợp nhất 34 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 78,3 nghìn tỷ đồng. Để làm được điều đó, Petrovietnam luôn chú trọng bám sát diễn biến của thị trường, cập nhật các chính sách, sự phát triển của khoa học và công nghệ, của môi trường tự nhiên, chính trị xã hội..., từ đó nghiên cứu và xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp tương ứng.

Cơ chế đã “thông”, ưu tiên tiếp cận công nghệ

Thông tin tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, năm 2022 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí với việc Luật Dầu khí đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2023. Theo đánh giá, Luật Dầu khí năm 2022 đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Luật Dầu khí 2022 là khung pháp lý tổng quát cho ngành dầu khí, giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong hoạt động dầu khí, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp dầu khí hoạt động ở Việt Nam đã và đang sử dụng các công nghệ số từ khá lâu cũng như hội nhập và phát triển, việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo cần được đặc biệt chú ý. Các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích thuộc tính địa chấn, minh giải tài liệu địa chấn (xác định hệ thống đứt gãy, mức độ nứt nẻ trong móng…), phân tích tài liệu địa vật lý giếng khoan để xác định tiềm năng dầu khí, tính chất của đá chứa đặc biệt là đá chứa trong móng (bề dày, độ rỗng, độ bão hòa dầu khí…); các công nghệ số trong thiết kế, thi công và điều hành khoan, hoàn thiện giếng; quản lý khai thác mỏ... là xu hướng trong thương lai.  Đối với công tác thăm dò, trong quá trình thi công các giếng khoan thăm dò, thẩm lượng, tài liệu giếng khoan từ giàn khoan ngoài khơi thường được mã hóa và chuyển về trung tâm dữ liệu, trung tâm xử lý trên đất liền qua internet. Một số nhà điều hành nhận tài liệu giếng khoan bằng cách truy cập cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật lưu trên hệ thống lưu giữ đám mây.

Đối với công tác phát triển, khai thác mỏ, các nhà điều hành có hệ thống quản lý dữ liệu khai thác hay hệ thống thu thập, truyền dữ liệu công nghệ; việc truyền dữ liệu tức thời của các giếng ở các mỏ ngoài khơi về đất liền sử dụng dịch vụ đường truyền do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp. Tuy nhiên, việc phân tích sử dụng tổng hợp khối lượng khổng lồ dữ liệu đa dạng của các mỏ để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành mỏ còn ở mức độ khiêm tốn. Với sự phát triển nhanh và ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn sẽ làm tăng lượng thông tin khai thác được từ dữ liệu thu thập, tăng hiệu quả sử dụng các dữ liệu thu được ở các mỏ…

Để phát triển trong bối cảnh hội nhập, các đại biểu cho rằng, cơ chế đã có, quan trọng là các đơn vị thăm dò, khai thác dầu khí cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là xu thế chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số cần phải được ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao. Điều này bao gồm thiết lập tầm nhìn rõ ràng, cam kết tài trợ và nỗ lực thay đổi quản trị liên quan đến chuyển đổi số. Các chiến lược kỹ thuật số hỗ trợ chiến lược tổng thể cần đảm bảo được tích hợp hoàn toàn vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Thúc đẩy văn hóa sáng tạo và đổi mới công nghệ: cần cởi mở với các ý tưởng và cách thức làm việc mới. Đặc biệt, cần đầu tư vào nguồn nhân lực và các chương trình phát triển thúc đẩy tư duy mới, tư duy kỹ thuật số, phát triển lực lượng lao động số (xây dựng một lực lượng lao động am hiểu kỹ thuật số, vừa là lực lượng nền tảng, vừa là động lực chính để tối đa hóa việc nắm bắt được các giá trị của chuyển đổi số). Muốn vậy, cần cập nhật chương trình đào tạo, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đào tạo kiến thức, kỹ năng số từ lãnh đạo đến tất cả nhân viên; tạo hệ sinh thái để hỗ trợ người lao động trong việc đào tạo lại và đào tạo nâng cao trong suốt cuộc đời; hạn chế chảy máu chất xám, thu hút nhân tài là các chuyên gia công nghệ thông tin trình độ cao.

*

*                *

Với các đặc điểm của công tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam, cần sớm nghiên cứu, đánh giá, xây dựng kế hoạch tổng thể chuyển đổi số lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, lộ trình, bước đi phù hợp cho từng chủ thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số từ các công ty điều hành/các nhà thầu dầu khí, các đơn vị thành viên, viện nghiên cứu, các ban liên quan của Tập đoàn.

Xuân Hoàn

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)