Thứ sáu, 14/04/2023 10:03

Techfest Hàn Quốc 2023: Đưa doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tới sân chơi toàn cầu

Ngày 13/03/2023 tại Seoul, Hàn Quốc đã diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) Hàn Quốc năm 2023. Đây là lần thứ hai Techfest quốc tế được tổ chức tại Hàn Quốc. Sự kiện đánh dấu sự quay trở lại của các hoạt động kết nối quốc tế đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam, góp phần đưa doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam tới sân chơi toàn cầu.

Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước với thế giới

Techfest quốc tế tại Hàn Quốc được tổ chức nhân dịp đoàn đại biểu của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), do Thứ trưởng Trần Văn Tùng dẫn đầu có chuyến thăm, làm việc tại quốc gia này trong khuôn khổ chương trình trao đổi kiến thức (Knowledge Sharing Program - KSP) về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Chương trình là hoạt động hợp tác giữa chính phủ 2 nước với nguồn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam để nâng cao năng lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Tại sự kiện, những doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đã dành được kết quả cao trong các cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp (trong khuôn khổ Techfest quốc gia) như: Gostream, FINA, Sobanhang... đã có cơ hội thuyết trình với hơn 30 quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý về khởi nghiệp ĐMST, các đơn vị đang vận hành, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cùng nhiều tổ chức hỗ trợ liên quan đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động. Trước đó, các cơ quan của Việt Nam cũng đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Lào tổ chức chuỗi hoạt động Tech-Innovation tại Lào với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam, qua đó kiến tạo cầu nối cho hoạt động hợp tác ĐMST giữa 2 quốc gia Việt - Lào.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Lễ khai mạc Techfest Hàn Quốc 2023.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Techfest Hàn Quốc 2023, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: “Đây là dịp để quảng bá hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam cởi mở, năng động; là cầu nối các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tiêu biểu của Việt Nam với các nguồn lực trên thế giới và chuẩn bị cho Techfest quốc gia diễn ra vào cuối năm. Năm nay, sau khoảng thời gian phục hồi hậu đại dịch Covid-19, chúng tôi quyết định mang Techfest quốc tế trở lại Hàn Quốc - một trong những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh mẽ nhất trong khu vực và có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với hệ sinh thái của Việt Nam. Sự kiện cũng góp phần xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc”.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới

Theo bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam được đánh giá có năng lực ĐMST xếp hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển. ĐMST là quan điểm hàng đầu, có ý nghĩa xuyên suốt trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong các chương trình hành động, nghị quyết của Nhà nước. Việt Nam đang hướng tới hình thành và phát triển một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng KH&CN, mô hình kinh doanh mới để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia. Chính phủ Việt Nam xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp về cả số lượng, quy mô và chất lượng, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là những giải pháp quan trọng để thực hiện đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Trong những năm vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đã có sự phát triển tích cực. Đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2021 tăng gấp 9 lần so với năm 2015, lên hơn 1,5 tỷ USD. Báo cáo của WIPO ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Báo cáo GII năm 2022 cho thấy Việt Nam ở vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43).

Các đại biểu của hai nước thuyết trình tại sự kiện

Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Những con số này liên tục tăng trong những năm vừa qua, thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (theo đánh giá của Startup Blink năm 2022). Trong thời gian tới, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước cần phát triển thêm những bước đi mới, với việc tập trung nguồn lực để tạo dựng các trụ cột nâng đỡ, thúc đẩy liên kết với các hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của khu vực và thế giới, mà Hàn Quốc là một ví dụ điển hình.

Bảo Minh

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)