Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người trong Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hóa mới phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Thêm vào đó, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu, rộng trong xã hội. Để xây dựng nền văn hóa mới, phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới - nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 5 nội dung chính:
Một là, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, trên phương diện lý luận và thực tiễn, cần tập trung luận giải về nội dung, cách thức để kế thừa và phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam trên tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kiên định về mục tiêu, nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về giải pháp, cách làm. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nhất là thực tiễn phát triển văn hóa đất nước, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phát triển văn hóa, con người mới trong lý luận về đường lối Đổi mới của Đảng ta; xây dựng, triển khai hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với các đặc trưng: dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của bối cảnh mới.
Hai là, nỗ lực đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với công cuộc phát triển đất nước. Thực tế, vẫn còn nhiều lúc, nhiều nơi, văn hóa chưa được đặt đúng vị trí, chưa thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Từ quan điểm biện chứng về văn hóa của bản Đề cương cùng với những chủ trương, chính sách mới của Đảng, chúng ta nhận thức rõ hơn vai trò, sự đóng góp của các thành tựu về phát triển văn hoá, đầu tư cho văn hoá cũng là đầu tư cho phát triển; trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án phát triển bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và môi trường, với ưu tiên gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, di sản văn hoá của đất nước.
Ba là, kết hợp hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách với huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người. Những tư tưởng mới của bản Đề cương là nguồn động viên, khích lệ chúng ta trong nỗ lực xây dựng, ban hành những quy định, chính sách, mô hình quản lý mới thúc đẩy các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phát triển tích cực và lành mạnh, phù hợp với điều kiện ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển đồng bộ mọi phương diện văn hoá quốc gia, như: văn hoá chính trị, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân, văn hoá ứng xử trong xã hội và gia đình.
Bốn là, tập trung xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã chứng minh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa có tâm, có tầm, có trách nhiệm trong việc khai thông, mở đường phát triển văn hóa nước nhà. Cùng với yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đội ngũ những người làm công tác văn hoá rất cần được tôn trọng, khuyến khích, động viên, đãi ngộ và tôn vinh, xây dựng cơ chế mở, linh hoạt về tuyển dụng, tiền lương, tạo điều kiện để đội ngũ này phát huy tài năng, sức sáng tạo, cống hiến vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Năm là, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá. Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh phát triển mới của đất nước. Cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ từ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư không chỉ cho hạ tầng kỹ thuật như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mà đặc biệt cần quan tâm đến hạ tầng văn hoá - xã hội, tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Hoàn thiện thể chế, phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong huy động và phân bổ hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa…
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 02/1943 thông qua. Đây là văn kiện lịch sử có ảnh hưởng to lớn đến cả một thời đại lịch sử, khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Sau bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay, tư duy lý luận của Đảng về văn hóa ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện hơn.
Bản gốc Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Ánh Dương